Án hành chính: Khó từ xét xử đến thi hành án

09:04, 15/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực (ngày 1.7.2016), hoạt động xét xử các vụ án hành chính của tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử và thi hành án hành chính đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.  

Vướng mắc ở khâu tố tụng

Theo thống kê của TAND tỉnh, từ năm 2015 đến nay, số vụ án hành chính được TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý, xét xử liên tục tăng. Năm 2015 có 18 vụ, năm 2016 là 27 vụ, đến năm 2017 thì số vụ án hành chính xấp xỉ 99 vụ. Trong số này, nhiều vụ án phải hoãn xử, do người bị kiện là chủ tịch UBND, hoặc người đại diện UBND vắng mặt. Riêng số phiên tòa đã xét xử, nhưng vắng mặt chủ tịch UBND, người đại diện UBND trong 3 năm qua là 35 vụ. Số lượng quyết định hành chính trái pháp luật bị tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ trong tổng số quyết định hành chính bị khiếu kiện là 12 quyết định (cấp tỉnh 9 quyết định, huyện 3 quyết định).

Cán bộ, nhân viên TAND tỉnh trao đổi ý kiến về những khó khăn trong xét xử vụ án hành chính.
Cán bộ, nhân viên TAND tỉnh trao đổi ý kiến về những khó khăn trong xét xử vụ án hành chính.


Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Phan Ngọc Minh, khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định về người đại diện: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người đại diện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện”. Tuy nhiên, thực tế xét xử tại TAND tỉnh, nhiều trường hợp không tham gia làm việc, đối thoại, không tham gia phiên tòa sơ thẩm, cũng không ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng mà có văn bản đề nghị tòa án xét xử vắng mặt.

Căn cứ theo quy định tại Điều 157, 158 của Luật Tố tụng hành chính, tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt người bị kiện, dẫn đến nhiều trường hợp người khởi kiện, người có quyền và nghĩa vụ liện quan không đồng tình, cho rằng tòa án bao che cho người bị kiện. Mặt khác, nguyện vọng của người khởi kiện là gặp gỡ, đối thoại với người ban hành quyết định hành chính, có hành vi hành chính liên quan đến mình, nhưng người bị kiện vắng mặt, khiến họ rất bức xúc.

Bên cạnh đó, việc xác minh, thu thập chứng cứ trong các vụ án hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thời gian xác minh, thu thập chứng cứ thường kéo dài, nguyên nhân là do người bị kiện chậm giao nộp tài liệu chứng cứ. Hầu hết người bị kiện đều giao cho cơ quan chuyên môn cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án, nhưng các cơ quan này cung cấp không đầy đủ. Một số người bị kiện là chủ tịch UBND, UBND không trình bày ý kiến, không giao nộp tài liệu chứng cứ cho tòa án mà làm văn bản đề nghị tòa án căn cứ tài liệu, chứng cứ của người khởi kiện giải quyết vụ án.
 

Tăng cường công tác thi hành án hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh, đúng, đầy đủ nghĩa vụ của người phải thi hành án trong các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ.

Theo Luật Tố tụng hành chính, trong quá trình giải quyết, người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, nhưng việc luật và các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể về thời hạn là không hợp lý. Bởi lẽ, khi trao quyền này cho người bị kiện quá lâu sẽ dẫn đến việc thiếu trách nhiệm cũng như không đảm bảo tính nghiêm minh và cản trở việc giải quyết án của tòa. Khoản 2, Điều 105 Luật Tố tụng hành chính quy định ngoài đơn khởi kiện, người khởi kiện còn phải nộp kèm tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể là tài liệu này bao gồm những gì.

Bất cập trong thi hành án

Trong quá trình triển khai thi hành án hành chính vẫn còn tồn tại tình trạng, người phải thi hành án là chủ tịch UBND, UBND chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án. Đơn cử như trường hợp bản án hành chính của TAND tỉnh tuyên buộc Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức và Chủ tịch UBND xã Đức Lân (Mộ Đức) phải ra quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Cơ quan thi hành án đã ra thông báo tự nguyện, TAND tỉnh đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính, nhưng Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức và Chủ tịch UBND xã Đức Lân chậm thi hành. Cơ quan thi hành án phải làm việc với người thi hành án, nhưng người phải thi hành án chưa thi hành xong, do không đồng ý với kết quả xét xử của tòa.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Tấn Nộ cho biết, do người phải thi hành trong bản án, quyết định của tòa án là chủ tịch UBND, UBND các cấp chậm thi hành, thi hành không đúng, không đầy đủ nên người được thi hành án yêu cầu tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính.

Sau khi tòa án nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, trong thời hạn 3 ngày, chấp hành viên được phân công theo dõi thi hành án làm việc với người phải thi hành để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định của tòa án. Tuy nhiên, chấp hành viên gặp rất nhiều khó khăn do người phải thi hành (chủ tịch UBND, UBND) không làm việc theo yêu cầu của chấp hành viên, hoặc chỉ phân công cho công chức văn phòng UBND, các sở, phòng, ban trực thuộc UBND để làm việc, dù theo quy định, những người này không thuộc đối tượng phải làm việc.

Luật Tố tụng hành chính có đề cập đến trách nhiệm đôn đốc của cơ quan THADS đối với bản án hành chính. Thế nhưng, cơ quan thi hành án địa phương cùng cấp với cấp tòa án xét xử, nên khó thực thi.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 

 

 

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phan Tấn Nộ: Kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân chậm hoặc không thi hành án

Để tăng cường công tác thi hành án hành chính, đảm bảo những bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính được thực thi nghiêm túc, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án theo đúng quy định của pháp luật.
 
 

Phó Chánh án TAND tỉnh Phan Ngọc Minh: Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng hành chính

Trước đây, khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2011, chủ tịch UBND, UBND thường ủy quyền cho cơ quan chuyên môn là tài nguyên&môi trường, thanh tra, văn phòng đăng ký đất đai tham gia tố tụng tại tòa án. Ít ra trong trường hợp này, người khởi kiện cũng có cơ hội đối thoại, tranh luận với những người làm chuyên môn, còn hơn trong suốt quá trình từ khi thụ lý vụ án cho đến khi xét xử mà người khởi kiện không gặp gỡ, đối thoại với người bị kiện.

Để nâng cao hiệu quả xét xử của tòa án đối với các vụ án hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND, pháp luật cần quy định chặt chẽ việc người bị kiện là chủ tịch UBND, UBND phải tham gia tố tụng tại tòa án trong các giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hoặc ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, đặc biệt là các vụ án phức tạp, dư luận quan tâm. Các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND cần được nghiên cứu hoàn thiện.


HOÀNG ANH
(lược ghi)

 


 


.