Hỗ trợ phát triển sản xuất cho miền núi: Tránh "cấp cây mùa nắng, con cấp mùa mưa"

08:03, 18/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu của hỗ trợ phát triển sản xuất tại các huyện miền núi là “trao cần câu” để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, những năm trước đây, phần lớn các chương trình cấp cây, con giống đều trái với lịch thời vụ.

Nghịch lý này làm cho số lượng cây, con giống được cấp trong thời gian qua bị chết hoặc chậm phát triển, chưa đem lại hiệu quả thật sự.
 

Năm 2018, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trên 1.489 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 317 tỷ đồng và kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung trên 1.172 tỷ đồng.

Cấp cây, con giống trái lịch thời vụ

Do việc chậm phân khai nguồn vốn cũng như việc xây dựng các chương trình, dự án chưa phù hợp đã dẫn đến nghịch lý cây, con giống cấp cho người dân không đúng với lịch thời vụ. Qua các đợt kiểm tra của tỉnh trong thời gian qua, hàng loạt các dự án cấp bò, heo, gà... thuộc các chương trình giảm nghèo tại 6 huyện miền núi đều không mang lại hiệu quả.


Như các dự án hỗ trợ cây trồng như quế, mây... trái vụ đã gây khó khăn cho người trồng. Ông Hồ Văn Tùng, thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ cho biết: “Ở đây, bà con ai cũng trồng quế trên núi cao, việc đi lại rất khó khăn, nên nếu cấp mùa nắng thì đưa cây lên đó trồng khó chăm sóc, khó sống lắm!”.

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ (Tây Trà) Hồ Thị Hồng Nga cho biết: "Điều kiện thời tiết cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc của người dân miền núi không thuận lợi như ở đồng bằng. Trong khi đó, các dự án cấp cây, con giống lại trái với lịch thời vụ, nên nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất chưa phát huy hiệu quả”.

 

Dự án hỗ trợ bò theo Chương trình 30a tại xã Trà Bình (Trà Bồng) là một trong số ít phát huy được hiệu quả.
Dự án hỗ trợ bò theo Chương trình 30a tại xã Trà Bình (Trà Bồng) là một trong số ít phát huy được hiệu quả.

Thay đổi cách “cho và nhận”

Để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các huyện miền núi phải tổng kết, rà soát, đánh giá lại toàn bộ việc triển khai các chính sách của địa phương trong những năm trước đây. Qua đó, nội dung nào hiệu quả thấp và có những vấn đề khó khăn, trở ngại... thì cần phải nhanh chóng khắc phục, để các nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho miền núi thực hiện có hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh cho rằng, việc cấp vốn chậm, dẫn đến việc lập dự án, phê duyệt đề án cấp cây, con vật nuôi cũng chậm theo mùa vụ. Cụ thể, đối với Trà Bồng, người dân chỉ đăng ký trồng cây quế. Và theo lịch thời vụ thì cây quế, người dân trồng vào tháng 9, 10 âm lịch, nhưng đến tháng 11 mới cấp, thì không phù hợp, dẫn đến tỷ lệ sống không cao. Còn đối với vật nuôi nên cấp vào mùa hè, nhưng ngược lại thường cấp vào mùa mưa lạnh thì làm sao trâu bò, heo, gà chịu nổi. Trong khi, người dân miền núi lại có thói quen thả rông, hoặc chuồng trại không được che chắn kỹ lưỡng. Chính điều này đã khiến vật nuôi bị ốm hoặc chết ngay sau khi nhận được vài ngày. Đơn cử như các dự án cấp bò lai Zebu, dê Bách Thảo, vịt xiêm (Sơn Tây), dự án hỗ trợ nuôi thỏ (Tây Trà).

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Một trong những nguyên nhân khiến các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất kém hiệu quả là do khâu quản lý của xã chưa chặt chẽ. Có nhiều trường hợp cấp ồ ạt theo kiểu người có đất cũng cấp mà không có đất cũng cấp. Trong khi đó, đồng bào vùng cao thường có tâm lý “cho thì nhận”. Song thực tế nhiều hộ nhận xong không có đất để trồng, lại bỏ mặc cây giống.

Trước thực trạng trên, huyện Trà Bồng đã thống nhất quan điểm, trước khi cấp giống cho dân phải lấy ý kiến của dân, đồng thời đi kiểm tra thực tế dân có đất hay không, để tránh trường hợp cấp tràn lan như trước đây. Ngoài ra, theo phương án mới, huyện không giao cho nhà cung ứng trồng tại vườn ươm của họ mà giao cho dân tự trồng hoặc nhà cung ứng ươm quế trần trực tiếp tại chỗ, nơi người dân có đất trồng, sau đó huyện lên nghiệm thu, tránh tình trạng thất thoát. Bởi người dân thường trồng quế ở trên núi cao, nên không thể vận chuyển quế túi bầu mà chỉ trồng quế trần.

Tương tự, vật nuôi người dân cũng tự mua rồi dự án chuyển tiền trực tiếp, không qua nhà cung ứng vì giá quá cao, nhưng lại không phù hợp. Tuy nhiên, tất cả các cách làm trên đều được xây dựng phương án thực hiện rõ ràng theo đúng quy trình.

Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cấp chính quyền thì người dân cũng cần nêu cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm, vượt khó, để phát triển kinh tế gia đình. Có như vậy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ mới thật sự phát huy hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo một cách bền vững.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 

Phải rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục

Đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên  (GNKVTN) tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Vĩnh, khi nói về giải pháp đảm bảo thời gian cấp phát cây, con giống; giúp người dân triển khai mô hình đúng theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp.

PV: Ông cho biết tình hình thực hiện các tiểu dự án (TDA) sinh kế của Dự án GNKVTN tỉnh Quảng Ngãi năm 2018?

Ông TRẦN HOÀNG VĨNH: Năm 2018, Dự án GNKVTN tỉnh Quảng Ngãi dành 28,6 tỷ đồng thực hiện các TDA sinh kế. Theo đó, có 184 TDA sinh kế được thực hiện, với khoảng 2.700 hộ dân được hưởng lợi.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, giống vật nuôi phải được hỗ trợ cho các gia đình trước mùa mưa lũ hằng năm, còn giống cây trồng thì phải cấp phát theo đúng lịch thời vụ. Vì vậy, ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hoạt động, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kế hoạch tài chính năm 2018, thì 15 xã nằm trong vùng dự án (thuộc 3 huyện Sơn Hà, Sơn Tây và Ba Tơ) đã từng bước triển khai các TDA và kiên quyết hỗ trợ toàn bộ giống vật nuôi cho các nhóm sinh kế trước ngày 30.6.2018 theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nếu các chủ đầu tư để xảy ra tình trạng các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện việc hỗ trợ giống vật nuôi cho các nhóm sinh kế sau ngày 30.6.2018; dự án sẽ không xem xét thanh toán và giải ngân vốn.

Riêng 23 TDA lúa nước của năm 2018, để triển khai kịp thời vụ, BQL Dự án tỉnh đã chủ động đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch dự án năm 2017, để triển khai kịp vụ đông xuân 2017 – 2018.

PV: Những yếu tố nào đã giúp dự án hoàn thành xong các thủ tục và sớm triển khai thực hiện các TDA sinh kế?

Ông TRẦN HOÀNG VĨNH: Ngay từ tháng 6.2017, BQL Dự án tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã nằm trong vùng dự án tiến hành họp dân, lập kế hoạch các TDA sinh kế có sự tham gia của người dân. Đến tháng 8.2017, BQL Dự án tỉnh hoàn thành xong danh mục các TDA sinh kế năm 2018 và trình lên Ban Điều phối Trung ương xem xét. Đến tháng 12.2017, sau khi tập trung chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của Ban Điều phối Trung ương, kế hoạch thực hiện dự án năm 2018 của Dự án GNKVTN tỉnh Quảng Ngãi chính thức hoàn tất. Đến tháng 1.2018, kế hoạch thực hiện Dự án được UBND tỉnh thông qua.

Việc chủ động lập kế hoạch, rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục cần thiết để được cấp vốn sớm, là yếu tố quyết định đến việc đảm bảo được thời gian cấp, phát cây trồng, vật nuôi theo đúng thời vụ cho người dân.

PV: Theo ông, bên cạnh việc tuân thủ thời gian cấp, phát cây con giống; ngành chức năng cần phải làm gì để đảm bảo các mô hình sinh kế phát triển tốt, theo đúng mục tiêu đã để ra?

Ông TRẦN HOÀNG VĨNH: Bên cạnh việc tuân thủ thời gian hỗ trợ cây trồng, vật nuôi; chất lượng của cây, con giống; kỹ thuật chăm sóc... cũng là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của mô hình sinh kế. Vì vậy, BQL Dự án tỉnh đã lưu ý các địa phương khi lựa chọn các đơn vị cung cấp giống phải đảm bảo cung cấp giống chất lượng và phải có thời gian bảo lãnh tối thiểu. Trước khi nhận giống hỗ trợ, các hộ gia đình phải tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật và đối với các TDA chăn nuôi, các gia đình phải có chuồng nuôi đảm bảo và được nghiệm thu trước khi nhận giống hỗ trợ từ dự án. Trong suốt thời gian thực hiện các TDA, cán bộ của BQL Dự án tỉnh, huyện, xã phải trực tiếp về cơ sở, hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm sinh kế thực hiện các TDA...

Ý THU (thực hiện)

 

 


.