Để không còn người lang thang, ăn xin

02:01, 24/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 9.12.2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 55 về hỗ trợ thực hiện chính sách xã hội cho đối tượng lang thang, ăn xin trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống cho người lang thang, ăn xin, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh, thúc đẩy phát triển ngành du lịch, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhiều người lang thang, ăn xin

Hiện nay, không chỉ ở TP.Quảng Ngãi mà ở khu vực thị trấn của các huyện đều xuất hiện người ăn xin. Điều đáng nói, ngoài những người hành nghề do hoàn cảnh bất đắc dĩ, thì còn có những người xem đây là nghề mưu sinh. Đối tượng lang thang, ăn xin hầu hết là trẻ em, người già.

Người lang thang, ăn xin tập trung về chùa Ông (Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa) dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Người lang thang, ăn xin tập trung về chùa Ông (Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa) dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Vào dịp lễ hội, tết cổ truyền, nhiều đối tượng ăn xin xuất hiện ở các khu di tích tâm linh như đền, chùa, khu vui chơi... Tại khu vực chùa Thiên Ấn (TP.Quảng Ngãi), chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), bãi biển Mỹ Khê... không khó để bắt gặp người ăn xin. Điều này tạo hình ảnh không đẹp tại những địa điểm tham quan, du lịch.  

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2011 - 2016, các địa phương trong tỉnh tổ chức tập trung được 122 đối tượng lang thang, xin ăn. Trong đó, có 89 người cư trú trên địa bàn tỉnh; đối tượng từ các tỉnh khác đến là 33 người. Hầu hết các đối tượng lang thang, xin ăn đều mắc bệnh tâm thần, nên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh phối hợp với Bệnh viện Tâm thần tỉnh thường xuyên tổ chức điều trị cho đối tượng. Hiện nay, còn 45 đối tượng chưa xác minh được thân nhân và không có người thân chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng nên được tiếp tục nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Bất cập trong quản lý

TP.Quảng Ngãi là địa bàn tập trung của các đối tượng ăn xin, lang thang nhiều nhất. Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua, ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều giải pháp. Theo Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi Phạm Phới, trong năm 2017, Tổ công tác tập trung đối tượng lang thang, ăn xin trên địa bàn thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh 26 đối tượng. Qua đó, từng bước xóa tình trạng ăn xin, lang thang trên địa bàn.

Hiện nay, việc tập trung các đối tượng lang thang, ăn xin gặp không ít khó khăn. Theo quy định, những trường hợp người lang thang, ăn xin có hộ khẩu ngoài địa bàn thành phố, thì sau khi tập trung tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, trung tâm sẽ liên hệ với các địa phương có người lang thang, ăn xin để đưa về quản lý, giáo dục. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phối hợp của một số chính quyền địa phương có người ăn xin ở thành phố chưa chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng đối tượng sau khi đưa về địa phương thì quay trở lại thành phố để ăn xin.

Bên cạnh đó, khi các thành viên của Tổ công tác phát hiện đối tượng ăn xin và thực hiện các biện pháp đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, nhiều trường hợp không chấp hành, thậm chí chống đối. Hoặc có trường hợp biến tướng như đi bán bánh, kẹo, nhưng mục đích chính của họ là lén lút xin tiền người đi đường, ở các quán ăn. Trường hợp này rất khó cho các thành viên của Tổ công tác trong việc xử lý, vì đối tượng cho rằng họ đi bán hàng chứ không phải ăn xin.

Thời gian gần đây, các địa phương trong tỉnh thường xuyên vận động nhân dân và các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ, du lịch, các địa điểm vui chơi giải trí, bến xe, bến tàu, các cơ sở tôn giáo cam kết không để các đối tượng lang thang, ăn xin trong khuôn viên, địa bàn đơn vị quản lý. Đồng thời tập trung tuyên truyền về tác hại của hành vi lang thang, ăn xin làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự an toàn xã hội; là môi trường có nguy cơ cao bị trấn lột và bị xâm hại thân thể.


Bài, ảnh: NG.TRIỀU - X.THIÊN

 

Mỗi người cần biết “từ chối” đối tượng lang thang, ăn xin

Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn khi nói đến tình trạng người lang thang, ăn xin trên địa bàn tỉnh. Theo ông Sơn, vì lòng trắc ẩn mà nhiều người cảm thương và cho tiền người ăn xin, lang thang, nhưng như thế sẽ làm tình hình phức tạp thêm, tạo hình ảnh không đẹp về mỹ quan đô thị.

Ông Lương Kim Sơn cho biết, để góp phần ổn định xã hội và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong những năm đến, Sở LĐ-TB&XH được UBND tỉnh giao xây dựng Đề án quản lý, hỗ trợ thực hiện chính sách xã hội cho đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 9.12.2017 tại kỳ họp lần thứ 8.

Để Nghị quyết HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống, hiện nay Sở LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, địa phương để tổng hợp gửi Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án quản lý, hỗ trợ thực hiện chính sách xã hội cho đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, thay thế Quyết định số 205/2003/QĐ-UB ngày 27.10.2003 của UBND tỉnh ban hành phương án xóa tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh.

PV: Những quy định cụ thể nào được nêu trong đề án, thưa ông?

Ông LƯƠNG KIM SƠN: Đề án khi được triển khai sẽ thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đề án nêu rõ quy định chính sách hỗ trợ cho người lang thang, ăn xin ổn định cuộc sống, không tái lang thang, xin ăn; hỗ trợ cho người dân có công phát hiện, thông báo kịp thời về người có hành vi lang thang, xin ăn cho cơ quan chức năng. Đề án cũng ban hành các chính sách hỗ trợ về: Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho đối tượng lang thang, ăn xin tái hòa nhập cộng đồng; trợ cấp trong thời gian tìm kiếm việc làm cho đối tượng lang thang, ăn xin và chi thù lao cho người có công phát hiện, thông báo kịp thời về người lang thang, ăn xin để đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

PV: Để “dẹp" nạn lang thang, ăn xin một cách bền vững, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương được thực hiện như thế nào?

Ông LƯƠNG KIM SƠN: Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực triển khai thực hiện đề án. Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về nội dung đề án. Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Công tác xã hôi tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để quản lý, nuôi dưỡng đối tượng và đưa đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng này. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các hội, đoàn thể trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục các gia đình có đối tượng lang thang, ăn xin. Kịp thời giúp đỡ những gia đình, cá nhân có nguy cơ lang thang, ăn xin để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Các huyện, thành phố thành lập tổ công tác đưa đối tượng lang thang, ăn xin về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng lang thang, ăn xin tái hòa nhập cộng đồng thuộc địa bàn quản lý.

NG.TR - X.T
(thực hiện)

 


 


.