Sử dụng mạng xã hội: Đâu là điểm dừng?

02:11, 01/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những phát ngôn, lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí bôi nhọ người khác, tung tin thất thiệt trên các trang mạng xã hội... Vậy đâu là cách ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội?
 

Đi đôi với giáo dục phải xử lý nghiêm  

Mới đây, lãnh đạo TAND tỉnh phối hợp với Sở TT&TT cùng với Phòng PA83 (Công an tỉnh) làm việc với bà Trịnh Thúy Anh (sinh năm 1985; trú tại tổ 2, phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi). Tại buổi làm việc, bà Anh đã buộc phải xin lỗi công khai đối với cán bộ TAND tỉnh khi đăng thông tin sai sự thật lên facebook. Trước đó, vào ngày 29.9.2017, trên tài khoản facebook nick name “Emily Trần” có đăng thông tin sai sự thật về một số cán bộ TAND tỉnh, gây hiểu nhầm và bức xúc trong cộng đồng mạng xã hội đối với cán bộ TAND tỉnh. Trước vụ việc này, lãnh đạo TAND tỉnh xác định tài khoản facebook có nick name “Emily Trần” là của bà Trịnh Thúy Anh, đương sự trong vụ án “Tranh chấp quyền nuôi con” được TAND tỉnh xét xử phúc thẩm vào ngày 27.7.2017.

Nhận thấy thông tin bà Anh đăng tải trên mạng xã hội là không đúng sự thật, nên lãnh đạo TAND tỉnh đã có công văn đề nghị Sở TT&TT, Công an tỉnh xem xét, xử lý hành vi của bà Anh. Qua quá trình xác minh, Thanh tra Sở TT&TT xác định, bà Trịnh Thúy Anh đã có hành vi đăng thông tin không đúng sự thật trên facebook cá nhân đối với cán bộ TAND tỉnh và bà Anh cũng đã thừa nhận hành vi của mình là chưa đúng.

 

Buổi họp xin lỗi công khai của bà Trịnh Thúy Anh với TAND tỉnh. (Ảnh TAND tỉnh cung cấp).
Buổi họp xin lỗi công khai của bà Trịnh Thúy Anh với TAND tỉnh. (Ảnh TAND tỉnh cung cấp).

Tại buổi làm việc giữa TAND tỉnh và bà Trịnh Thúy Anh, Thanh tra Sở TT&TT đã yêu cầu bà Anh gỡ bỏ tất cả thông tin không đúng sự thật về cán bộ TAND tỉnh mà bà Anh đã đăng tải trên facebook “Emily Trần”; đồng thời xin lỗi công khai những người liên quan mà bà Anh đã nhắc trong bài viết trên trang cá nhân của mình. Thanh tra Sở TT&TT cũng yêu cầu bà Anh chấp hành đúng quy định của pháp luật khi sử dụng mạng xã hội, cụ thể là việc sử dụng facebook và không đăng tin, chia sẻ hình ảnh không đúng sự thật trên mạng xã hội.

Trước đó không lâu, trên trang facebook của một cá nhân có đăng tải những nội dung không có thật, chưa được kiểm chứng về việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa “bệnh nhân bị tai nạn giao thông còn sống vào nhà xác”. Sự việc đã gây xôn xao dư luận trong cả nước về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhưng những thông tin trên là không chính xác và hiện nay đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh đối tượng đưa thông tin này.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện không hay mà những người sử dụng mạng xã hội đã tạo ra. Hiện nay, vẫn có một số người ít nhiều xem mạng xã hội là “thế giới ảo”, có thể ngụy tạo thông tin, có thể bịa đặt câu chuyện, tình huống, có thể thoải mái bình phẩm người khác. Mặc dù những điều đăng tải trên mạng xã hội có thể không thật, nhưng hoàn toàn có thể đem đến những điều “rất thật” cho người đã đăng, có thể là niềm vui, nhưng cũng có thể là sự phiền toái, rắc rối, thậm chí là liên lụy đến pháp luật.

Phải ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội

Để môi trường trên mạng xã hội được “sạch”, thì người sử dụng mạng xã hội trước hết phải tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật. Đó là không đưa thông tin bịa đặt, nhất là những thông tin liên quan đến người khác, hoặc các tổ chức có tính pháp nhân, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; không đưa thông tin gây kích động bạo lực, phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, vùng miền và không được sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ; không được xúc phạm, làm nhục, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác... Người vi phạm sẽ bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia luật, tại khoản d, Điều 5 Nghị định 72/2013 của Chính phủ quy định về những việc sử dụng dịch vụ Internet, có những hành vi bị cấm như sau: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Vì vậy, người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều bị xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Kính - Khoa Sư phạm xã hội (Trường ĐH Phạm Văn Đồng), bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội là cách hay để giãi bày quan điểm của mình và tìm kiếm sự đồng cảm, sự thấu hiểu. Tuy nhiên, người sử dụng phải ứng xử có văn hóa, phải có một điểm dừng đúng mực. Người sử dụng các trang mạng xã hội phải có nhận thức đúng đắn, đâu là việc nên làm và không nên làm. Mọi người khi sử dụng mạng xã hội nên có ý thức trách nhiệm rõ ràng với những điều mình chia sẻ, đăng tải. “Tham gia bình luận hoặc tranh luận với các cá nhân khác trên mạng xã hội, nên có thái độ lịch sự và tôn trọng, không lợi dụng tính ẩn danh để có những phát ngôn thiếu chuẩn mực...”, thạc sĩ Nguyễn Văn Kính, chia sẻ.


 NG.TRIỀU - TR.AN

 

Tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật, văn hóa sử dụng mạng

Thời gian gần đây, nhiều cá nhân đã lạm dụng các trang mạng xã hội để bôi xấu, vu khống, xuyên tạc một số cá nhân, tổ chức... gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật, văn hóa sử dụng mạng xã hội đến với người dân.

PV: Xin ông cho biết, tình hình sử dụng mạng xã hội hiện nay ra sao?

Ông TRẦN CAO TÁNH: Những năm gần đây, thông qua công nghệ thông tin, nhiều trang Internet, trang mạng xã hội (ở Việt Nam phổ biến là facebook) phát triển khá mạnh. Đây là loại phương tiện truyền thông mới, mang tính cá nhân để chia sẻ, trao đổi, chứ không mang tính xã hội, không thuộc phương tiện phát ngôn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1/3 dân số tham gia mạng xã hội để liên kết, kết nối cộng đồng nhằm chia sẻ, tâm tư, tình cảm và có những phát ngôn thiếu chuẩn mực văn hóa, thậm chí là sai sự thật. Một số người không biết, không kiểm soát được nội dung đưa lên mạng sẽ ảnh hưởng, tác động thế nào đến xã hội, tổ chức, cá nhân. Nói chung, văn hóa trong sử dụng mạng xã hội của một bộ phận người dân còn khá thấp.

PV: Vậy việc xử lý các nội dung thông tin xuyên tạc, bôi nhọ các tổ chức nhà nước, cá nhân trên mạng Internet và mạng xã hội thời gian qua như thế nào?

Ông TRẦN CAO TÁNH: Thời gian gần đây, có một số trường hợp sử dụng một số trang mạng, facebook để đăng tải một số phát ngôn thiếu văn hóa, xuyên tạc, bôi nhọ một số cá nhân, tổ chức...; gây rối loạn thông tin trên mạng, tác động không nhỏ đến đời sống thực tế của xã hội. Đây là những hành vi vi phạm các quy định, Nghị định 72 và Nghị định 159 của Chính phủ. Sở TT&TT Quảng Ngãi đã mời một số đối tượng có những phát ngôn, đăng tải, chia sẻ thông tin chưa chuẩn xác để nhắc nhở. Tuy nhiên, hiện nhiều quy định trong Nghị định 72/CP còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, gây khó trong quá trình xử phạt, nên nhiều trường hợp vi phạm, Sở chỉ xử lý mang tính chất giáo dục. Hiện nay, Bộ TT&TT đang soạn thảo Nghị định mới, nhằm bổ sung cho Nghị định 72.

PV: Vậy theo ông, người sử dụng mạng xã hội, Internet như thế nào là đúng chuẩn mực?

Ông TRẦN CAO TÁNH: Trước hết, mỗi người tham gia mạng xã hội, Internet hãy tự xây dựng cho mình văn hóa sử dụng, phải nhận thức rằng, đây là loại phương tiện để chia sẻ thông tin cá nhân, chứ không phải phương tiện mang tính tác động đến xã hội. Nếu muốn tác động đến xã hội thì thông qua hội họp, kể cả người dân cũng có quyền phát biểu thông qua các cuộc họp thôn xóm, khu dân cư, tổ dân phố, hay đề nghị cấp trên tổ chức họp để được phát biểu. Nhiều nước tiên tiến sử dụng phương tiện facebook đều có giới hạn, không dùng để quảng cáo sản phẩm, khẳng định tiếng nói cá nhân, hoặc bôi nhọ, xuyên tạc đến tổ chức, cá nhân khác...

Trong thời gian đến, Sở TT&TT sẽ kiến nghị Bộ TT&TT và Bộ Tư pháp sớm soạn thảo ban hành Nghị định mới để phù hợp với thực tiễn. Trước mắt, các cấp, ngành, địa phương liên quan, cần sớm vào cuộc tăng cường quản lý thông tin truyền thông, tuyên truyền để người sử dụng mạng biết đâu là điểm dừng hợp lý, để không bị pháp luật điều chỉnh.


TR.AN - NG.TRIỀU (thực hiện)

 


 


.