Bảo tồn, phát triển cây dược liệu ở miền núi: Cần những định hướng

05:11, 26/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Điều kiện thổ nhưỡng, nền nhiệt độ thấp, độ ẩm cao... là điều kiện để các huyện miền núi phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều loại cây dược liệu bị khai thác bừa bãi, trong đó sâm cau là một trong những loại nhiều người tìm mua.

Chính vì thế, cần có những định hướng cụ thể để vừa bảo tồn giống cây địa phương, vừa phát triển kinh tế ở vùng cao...

Cung không đủ cầu

Theo anh Nguyễn Đình Trung, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), người đăng ký thành công nhãn hiệu samcauviet2017, thì khách hàng ngày càng biết đến sâm cau nhiều hơn. Ngoài mua sâm cau tươi về chế biến, nhiều người mua rượu sâm cau thành phẩm đã sơ chế, ngâm rượu với giá 350 nghìn đồng/3,5 lít. “Nhu cầu tiêu dùng vẫn còn nhiều, nhưng sâm cau bị khai thác ồ ạt ngày càng cạn kiệt, kể cả sâm cau chỉ mới phát triển bằng đầu đũa”, anh Trung nói.

Sâm cau được bày bán ở các huyện miền núi.
Sâm cau được bày bán ở các huyện miền núi.


Anh Trung cho biết thêm, sâm cau có hai loại đen và đỏ. Sâm cau đen là loại mọc phổ biến ở các tỉnh phía bắc, còn trong tỉnh chủ yếu là sâm cau đỏ. Trong khi sâm cau đen đã nhân giống, chỉ cần trồng 2 năm là cho thu hoạch, thì sâm cau đỏ phải cần đến 7 - 8 năm sinh trưởng. Theo chia sẻ của anh Trung, vì nguồn sâm cau đỏ tự nhiên chưa trồng được, nên cơ sở tạm dừng việc thu mua, sản xuất thành phẩm. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, anh Trung dự định đặt hàng sâm cau đen.

Thời gian qua, nhiều người đến với các huyện miền núi như Sơn Hà, Sơn Tây hay tìm mua các loại dược liệu như sâm cau, hà thủ ô, mật nhân, rễ khỉ... Mặc dù giúp các hộ đồng bào miền núi tăng thêm thu nhập, nhưng về lâu dài việc khai thác ồ ạt dẫn đến nguy cơ mất nguồn gen dược liệu quý hiếm có trong tự nhiên.

Còn nhiều khó khăn

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long, huyện đã tiến hành khảo sát nguồn nguyên liệu sâm cau ngoài tự nhiên; lập dự án nhân giống, trồng sâm cau đen tại xã Sơn Cao và Sơn Thành. Tuy nhiên, để tiến đến hướng bảo tồn và phát triển nguồn sâm cau đỏ tự nhiên, cần phải có cơ sở dựa trên kết quả thẩm định chất lượng của sâm cau. Huyện Sơn Hà đã gửi mẫu sâm cau đến Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng thẩm định, nhưng chưa có kết quả. Để trồng thành công sâm cau, nguồn đất phải đảm bảo độ ẩm, độ che phủ tự nhiên. Từ trước nay,  ở Sơn Hà chưa có dự án thử nghiệm nào trồng dược liệu tự nhiên.

Xuất phát từ thực tế nguồn dược liệu sẵn có của địa phương đang khai thác tràn lan, Trạm Khuyến nông Sơn Tây xây dựng phương án “Trồng cây dược liệu tại huyện  Sơn Tây” gồm đẳng sâm, ba kích, sâm cau. Việc xây dựng trồng cây dược liệu nhằm phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa để cung cấp cho thị trường. Trưởng trạm Khuyến nông Sơn Tây Trần Quý cho hay. “Phương án là như vậy, nhưng việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Vì hiện nay chưa có cơ sở nào thực hiện được việc nhân giống nguồn sâm cau, nhất là khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện”.

Mặc dù việc khai thác nguồn dược liệu tự nhiên hiện nay diễn ra theo hướng tự phát, tận diệt, nhưng nhiều địa phương vẫn còn những trăn trở trong việc bảo vệ nguồn nguyên liệu dược liệu. Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có những biện pháp cụ thể nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hạn chế khai thác tràn lan.

Để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu tự nhiên, thiết nghĩ cần có đề tài khoa học nghiên cứu về chất lượng và khuyến khích việc hỗ trợ đầu tư nhân giống các loại cây dược liệu tự nhiên. Bởi, không chỉ đơn thuần mục đích kinh tế, việc bảo tồn còn góp phần gìn giữ các loại cây mang bản sắc địa phương và nguồn gen quý.


Bài, ảnh: BẢO HÒA
 
 


.