Xây dựng chính quyền gần dân, vì dân: Bắt đầu từ đâu?

08:10, 09/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số địa phương công tác này vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”.

Nguyên nhân của những "điểm nghẽn" là do một bộ phận CB, CCVC chưa nêu cao ý thức phục vụ nhân dân. Vì vậy, để có chính quyền thực sự gần dân, vì dân, thì quá trình “cải cách” phải bắt nguồn từ CB, CCVC ở cơ sở...

Dân còn phiền hà

Anh Nguyễn Văn Thu, ở thôn Tây Phước 1, xã Bình An (Bình Sơn) đến UBND xã Bình An đăng ký kết hôn với chị Nguyễn Thị Hường từ ngày 6.1.2017, nhưng mãi đến ngày 24.2.2017, anh Thu mới được cấp giấy chứng nhận. Nghĩa là, phải mất gần 48 ngày mới xong thủ tục; trễ hạn khoảng 25 ngày làm việc so với quy định của Luật Hộ tịch. Còn UBND xã Bình Châu (Bình Sơn) tự quy định thời gian tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 trong tuần. Cách làm này là chưa tạo thuận lợi cho người dân, trái với các quy định của UBND tỉnh.

Công chức phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) giải quyết TTHC cho dân.
Công chức phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) giải quyết TTHC cho dân.


Không những thế, mới đây lãnh đạo UBND xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đã “bút phê” chưa tốt vào lý lịch của công dân, khiến người này không khỏi phiền lòng. Tìm hiểu chúng tôi được biết, khi đến UBND xã xin xác nhận sơ yếu lý lịch xin việc cho con gái, ông Trần Tấn Huyên, ở thôn Tư Cung (Tịnh Khê) không hiểu lý do vì sao Phó Chủ tịch UBND xã lại “phê chưa tốt” vào trong lý lịch, làm ảnh hưởng đến quá trình xin việc của con ông. Nội dung nhận xét là: “Bà Trần Thị Thành hộ khẩu xã Tịnh Khê, gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương”. Trong khi gia đình ông Huyên được Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liền (2012 - 2014). Một điều vô lý nữa là, so với mẫu hướng dẫn thì, nội dung nhận xét của Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê thì bị thừa. Cũng vì nội dung UBND xã phê như thế mà chị Thành đành nghỉ dạy.  

Mấu chốt là công tác cán bộ

Theo nhiều chuyên gia, yếu tố quan trọng và đầu tiên để thành công trong việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân là công tác cán bộ. Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, nhìn chung chuyên môn, trình độ nghiệp vụ cán bộ tư pháp nói riêng và cán bộ cơ sở nói chung đều khá tốt, đáp ứng yêu cầu công tác. Tuy nhiên, cái mà một bộ phận CB, CCVC còn thiếu, còn kém là thái độ trách nhiệm với công việc, nhận thức, kỹ năng mềm, phương pháp xử lý tình huống, đặc biệt là những tình huống bất ngờ, nhạy cảm... “Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho CB, CCVC, nhất là đạo đức công vụ. Nếu người thực thi có trách nhiệm, có tâm trước mọi hoàn cảnh của người dân, thì sẽ có xử sự hợp lý cho mỗi trường hợp cụ thể”, ông Thắng bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) Hồ Đình Cung, nêu quan điểm: Để xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân, đảng ủy và UBND phường thường xuyên nhắc nhở CB,CCVC phải niềm nở, biết lắng nghe dân và tận tụy phục vụ nhân dân. Nếu CB, CCVC nào giải quyết TTHC chậm trễ vì lý do khách quan cũng cần phải biết xin lỗi người dân. “Chúng tôi luôn yêu cầu các CB, CCVC không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống trong tiếp nhận và giải quyết TTHC. Đặc biệt, phải luôn chú trọng thực hiện văn minh, văn hóa công sở và quy tắc ứng xử thể hiện phong cách, tác phong làm việc, thái độ ứng xử với công dân, tổ chức khi đến giao dịch”, ông Cung nói.

Những CB, CCVC cấp xã, hẳn nhiên là những người đại diện cho bộ máy chính quyền gần dân, sát dân nhất, cho nên chuyện giữ gìn hình ảnh trong mắt nhân dân càng phải đặt lên hàng đầu. Hình ảnh CB, CCVC được xây dựng và giữ gìn từ sự mẫn cán trong công việc chuyên môn cho đến phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực bên ngoài. Một cán bộ gương mẫu, tức là cán bộ đẹp trong mắt dân, thì luôn được nhân dân tin tưởng, kính trọng. Vì thế, muốn tạo dựng niềm tin trong dân thì sẽ không có cách nào khác là chính CB, CCVC và các cơ quan công quyền phải xác định: Xây dựng chính quyền gần dân, vì dân tức là phải phục vụ dân tận tình, chu đáo và tạo điều kiện tối đa cho dân trong khuôn khổ pháp luật.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 

Một bộ phận cán bộ có biểu hiện "tạo cớ" để nhũng nhiễu dân

Đó là nhận định của Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp) Nguyễn Thanh Hoài sau khi đi kiểm tra ở cơ sở và tiếp nhận thông tin từ dân.

Theo ông Hoài, cần triển khai ngay cơ chế giao quyền cho người dân chấm điểm, đánh giá thái độ, trách nhiệm của CB, CCVC cấp cơ sở trong việc giải quyết TTHC cho dân. Từ đánh giá của người dân, cơ quan có thẩm quyền nhận xét, phân loại CB, CCVC để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, thái độ phục vụ nhân dân.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc giải quyết TTHC của CB, CCVC cấp xã hiện nay?

Ông NGUYỄN THANH HOÀI: Qua kiểm tra hoạt động giải quyết TTHC tại nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tôi nhận thấy việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho dân đã có nhiều cải thiện, thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận CB, CCVC cấp xã tham mưu tiếp nhận, giải quyết TTHC cho dân còn rất nhiều hạn chế, sai sót nhiều, nên rất đáng lo ngại.

Việc tiếp nhận hồ sơ còn tùy tiện, theo cảm tính, không dựa trên quy định của pháp luật để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, nên thường hay đặt ra những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận TTHC không ghi vào sổ và không ghi phiếu hẹn trả kết quả đối với trường hợp không giải quyết ngay tại chỗ, dẫn đến CB, CCVC không bị ràng buộc về mặt thời gian phải giải quyết, nên sự việc kéo dài. CB, CCVC còn yêu cầu người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ; từ chối giải quyết thủ tục mà không giải thích rõ ràng lý do vì sao. Một số địa phương còn lợi dụng giải quyết THHC để thu phí, lệ phí không đúng quy định.

PV: Những tồn tại này là do đâu, thưa ông?

Ông NGUYỄN THANH HOÀI: Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đầu tiên phải kể đến là người tiếp nhận hồ sơ yếu kém về năng lực chuyên môn khi không am hiểu đầy đủ về TTHC, dẫn đến hướng dẫn không đầy đủ cho người dân biết để thực hiện cho đúng. Tiếp đến là từ suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận CB, CCVC được giao nhiệm vụ tiếp nhận thủ tục, cố tình tạo ra sự phức tạp, rắc rối về giấy tờ trong hồ sơ TTHC để sau đó kiếm cơ hội nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân.

PV: Vậy để phục vụ nhân dân được tốt hơn, CB, CCVC ở cơ sở cần thay đổi những gì?

Ông NGUYỄN THANH HOÀI: Việc thay đổi lề lối làm việc để nâng cao chất lượng phục vụ người dân là yêu cầu bức thiết được đặt ra hiện nay. Đây cũng là quan điểm, mục tiêu đã được Tỉnh ủy quán triệt tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5.12.2016 và được HĐND tỉnh cụ thể hóa tại Nghị quyết số 34/2016/NQ-HĐND về cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC. Theo đó, phương châm giải quyết TTHC được đề cập cụ thể là: “Công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”. Tập trung cải cách TTHC gắn với cải cách tổ chức, bộ máy, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CCVC, hiện đại hóa môi trường làm việc ở cấp xã phường, thị trấn.

Phải khắc phục triệt để suy nghĩ và thói quen trong giải quyết công việc của người dân theo kiểu “xin - cho”, thay vào đó là suy nghĩ làm sao để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. CB, CCVC cấp xã phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các quy định của pháp luật, các quyết định công bố TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận, giải quyết TTHC cho đúng; không được phép tùy tiện đặt ra yêu cầu, điều kiện trong quá trình giải quyết TTHC. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm của CB, CCVC trong quá trình giải quyết TTHC, kiên quyết xử lý những cá nhân cố ý vi phạm quy định giải quyết TTHC; định kỳ tổ chức đối thoại với dân để lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh về chất lượng, thái độ giải quyết TTHC của CB, CCVC. Có như vậy, chúng ta mới đạt mục tiêu xây dựng chính quyền gần dân, vì dân.


HOÀNG ANH (thực hiện)

 


.