Lạm thu các loại phí, thuế tại xã

09:09, 10/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay Nhà nước đã miễn giảm một số loại phí, thuế. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về các chính sách của người dân, nhiều địa phương vẫn thu, gây bức xúc trong nhân dân.

Chính sách miễn giảm có...      
        
Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2003 đất nông nghiệp được Nhà nước miễn giảm thuế. Đến năm 2010, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 55 về miễn, giảm toàn bộ thuế đất nông nghiệp giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức dưới 30ha. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1.1.2011- 31.12.2016. Và mới đây, bắt đầu từ năm 2017, Quốc hội có Nghị quyết 28 sửa đổi, bổ sung nghị quyết trước đó về miễn, giảm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân mà không hề quy định hạn mức (bao gồm cả đất thừa kế, trao tặng).

Đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp đã được miễn, giảm thuế theo quy định.
Đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp đã được miễn, giảm thuế theo quy định.


Bên cạnh các chính sách về thuế nông nghiệp, thì thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng đã miễn giảm cho từng đối tượng cụ thể. Đồng thời, các loại phí khác đóng theo quy định trước đây cũng đều cắt bỏ không thu. Mới đây nhất là khoản đóng ở lĩnh vực quốc phòng-an ninh cũng đã ngừng thu.

Danh sách các hộ miễn, giảm thuế của xã phải được niêm yết, để nhân dân tham gia ý kiến trong thời hạn 20 ngày trước khi trình UBND cấp trên duyệt. Quyết định miễn, giảm thuế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải được niêm yết công khai.

...nhưng vẫn bị thu

Khi Pháp lệnh về phí và lệ phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, nhiều người dân ở các vùng nông thôn tưởng chừng sẽ không phải đóng các loại phí. Thế nhưng, ở nhiều vùng nông thôn, chính quyền địa phương đã tìm cách “biến tướng” các loại phí thành những khoản thu khác.

Khi trao đổi về vấn đề tại sao lại có nhiều khoản thu thì hầu hết các địa phương đều cho rằng, các khoản thu đều đúng quy định. Riêng các khoản đóng góp đều dựa trên sự tự nguyện, được bà con biểu quyết. Thế nhưng, trên thực tế nếu ai không chịu đóng thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết các thủ tục hành chính ở địa phương.

Ông L.V.T, ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) chia sẻ: “Là nông dân tôi không biết đến khoản phí, thuế nào đã được miễn giảm. Cứ xã, thôn có thông báo đóng khoản gì thì tôi đóng. Nhiều khi chẳng biết phí gì, nhưng mỗi lần đi chứng giấy tờ họ thu vài trăm nghìn đồng thì tôi cũng nộp và hay thế thôi. Tuy nhiên, tôi thấy vô lý là năm nào xã cũng thu tiền lệ phí đường hằng năm với 200 nghìn đồng/hộ, nhưng chẳng biết tiền đó dùng làm gì, vì đường hư thì không thấy sửa”.

Câu chuyện “mập mờ” các khoản thu hiện nay không chỉ xảy ra ở một, hai địa phương mà nhiều nông dân ở các nơi khác cũng bức xúc trước thực trạng đóng góp khó hiều này. Đặc biệt, trong nhiều khoản thu có nhiều cái tên rất mập mờ hoặc nói là "thu cho thuế"...

Mới đây, tại xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), người dân đã phản ánh, việc đất trồng cây lâu năm khai thác một lần, thuộc nhóm đất nông nghiệp mà cụ thể là cây keo đã có quy định về giảm, miễn thuế từ năm 2003. Thế nhưng, do không kê khai trong sổ bộ thuế gốc, nên từ trước đến nay, nhiều hộ dân trồng keo ở xã Tịnh Hiệp vẫn phải đóng thuế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thu thuế đối với đất nông nghiệp trồng keo không chỉ có ở Tịnh Hiệp mà diễn ra ở nhiều xã khác, nhất là các xã có diện tích rừng lớn. Song có một điều bất hợp lý là ở mỗi địa phương lại có cách thu khác nhau. Đơn cử như xã Tịnh Hiệp thu 14.000 đồng/khối, còn xã Tịnh Trà lại thu 16.000 đồng/tấn.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo ngành thuế khẳng định là không thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhưng chính quyền địa phương lại nói là thu cho thuế và họ đang làm đúng theo quy định. Tuy nhiên, nếu như nói việc thu thuế trên là đúng quy định thì tại sao mỗi xã áp giá mỗi khác và vì sao có người đóng ít, người đóng nhiều. Có người kiên quyết không đóng cũng không sao. Thậm chí, có trường hợp sau quá trình đàm phán thì số thuế thu đã giảm xuống một nửa hoặc 2/3. Đơn cử như trường hợp của ông Ao Ông Thuận, ở xã Tịnh Hiệp khi đang thu hoạch, ông nhận giấy báo thuế với số tiền phải đóng là 1,6 triệu đồng. Sau đó không bao lâu, ông lại tiếp tục nhận giấy báo, số tiền hạ xuống còn 638 nghìn đồng.

Mục đích của việc miễn giảm thuế nông nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn, tiếp thêm động lực giúp nông dân yên tâm sản xuất; đồng thời góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển. Vì vậy, không có lý do gì chính quyền địa phương lại đi thu thuế của người dân.

Cần tăng cường trách nhiệm

Cuộc sống người dân ở nông thôn đã ngày một khấm khá hơn. Vì vậy, việc chính quyền có kêu gọi các khoản đóng góp vào xây dựng đường làng, ngõ xóm người dân rất hoan nghênh. Tuy nhiên, bất kể khoản thu nào cũng phải minh bạch. Trong đó, việc đóng góp là một chuyện, còn quy định về thực hiện nghĩa vụ đóng phí, thuế lại là chuyện khác. Do đó, chính quyền địa phương cần phải thông báo cho người dân biết các khoản phí, thuế nào đã được miễn giảm.

Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã có văn bản gửi Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ: “Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không để tình trạng xây dựng NTM làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân”. Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước... thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc lạm thu ở cấp chính quyền địa phương vẫn thường xuyên diễn ra.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

Ông Đoàn Hà Yên- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn:  “Nếu như địa phương nào lạm thu, gây phiền hà cho dân thì sẽ bị xử lý trách nhiệm”.

Theo quy định thì các khoản thu nào có trong danh mục thu mới được phép thu, còn các khoản huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới là theo đóng góp của từng địa phương. Tuy nhiên, việc thu bao nhiêu và đóng góp như thế nào là phải được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của người dân rồi mới thống nhất và được đưa vào Nghị quyết HĐND xã theo quy định. Nếu như địa phương nào lạm thu, gây phiền hà cho dân thì sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Tiếp- Trưởng phòng Tổng hợp- Nghiệp vụ- Dự toán (Cục Thuế tỉnh): “Không có lập bộ và phát thông báo thì không được thu thuế”.

Hằng năm, cơ quan thuế đã tiến hành triển khai tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn cho chính quyền xã, phường nắm bắt các chính sách thuế của Nhà nước. Qua đó, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm làm báo cáo danh sách những hộ gia đình, cá nhân được miễn giảm thuế theo quy định. Nếu địa phương nào chưa rõ thì có thể gửi câu hỏi lên Chi cục thuế huyện để được trả lời. Và theo quy định, nếu khoản nào có thu, ngành thuế mới tiến hành lập bộ và phát thông báo. Tất cả các khoản thu đều phải nộp vào ngân sách Nhà nước và có biên lai rõ ràng. Còn nếu không có các bước trên thì không được thu. Điều này đồng nghĩa với việc địa phương nào thu là đã làm sai với quy định.

Ông Ao Ông Thanh, thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh): “Phải công khai thông báo cho người dân các chính sách phí, thuế được miễn giảm”.

Rõ ràng là theo quy định, đất nông nghiệp đã được miễn giảm, nhưng chính quyền địa phương lại bảo chưa có công văn hướng dẫn của huyện. Trong khi việc này chúng tôi đã kiến nghị từ nhiều năm nay. Vậy trách nhiệm của chính quyền ở đâu khi bắt người dân phải đóng khoản thuế mà đúng ra họ được miễn giảm. Tôi nghĩ, xã cần phải có thông báo chung các khoản phí, thuế được miễn giảm để người dân được biết.


AN NHIÊN  (thực hiện)

 


 


.