Phản hồi bài báo "Thuyên chuyển giáo viên: Ách tắc ở đâu?": Cần công khai nhu cầu thuyên chuyển, chỉ tiêu tiếp nhận

09:08, 04/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Báo Quảng Ngãi số 4415, ra ngày 28.7.2017 có đăng bài: “Thuyên chuyển giáo viên: Ách tắc ở đâu?”. Sau khi phát hành, Báo Quảng Ngãi đã tiếp nhận rất nhiều thông tin của bạn đọc và người trong cuộc.

TIN LIÊN QUAN

Giám đốc Sở GD&ĐT ĐỖ VĂN PHU: "Công khai nhu cầu, chỉ tiêu, điều kiện để mọi người giám sát"

Trước đây, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh phải có cơ chế đãi ngộ cho giáo viên thuyên chuyển, nhưng tỉnh thiếu kinh phí (vì đội ngũ giáo viên quá lớn). Vì vậy mới có tình trạng chuyển giáo viên miền núi về đồng bằng, chứ không có ngược lại. Quyết định 53 của UBND tỉnh là hợp lý, nhưng cần có quy định chặt chẽ hơn.

Do phân cấp quản lý, nên Sở không can thiệp việc thuyên chuyển giáo viên bậc mầm non, tiểu học, THCS. Theo tôi, hằng năm, các huyện phải công bố công khai chỉ tiêu tuyển mới đối với từng bộ môn, nhu cầu luân chuyển của giáo viên trước một tháng khi bước vào năm học mới. Có như thế mới tạo sự công bằng, tranh tiêu cực.

Đối với bậc THPT, năm nào Sở cũng công khai các địa chỉ cần giáo viên về theo nguyện vọng 1, 2, 3. Tuy nhiên, cái khó đối với năm học đến là, Sở vẫn chưa giải quyết cho 120 trường hợp đủ điều kiện thuyên chuyển, bởi chưa có chỉ tiêu. Sắp đến, Sở sẽ xét một số hồ sơ theo thứ tự ưu tiên, nhưng đồng thời phải tuyển mới giáo viên vào vị trí của giáo viên xin luân chuyển, để tránh thiếu giáo viên ở miền núi.

 

Trưởng Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi NGUYỄN VĂN ANH: "Cân đối giữa chỉ tiêu tiếp nhận với tuyển mới"

Năm nay, phòng tiếp nhận 62 hồ sơ, hiện đang trình cơ quan chức năng xin ý kiến. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế, phòng cũng chỉ đáp ứng khoảng 1/2 nhu cầu, bởi chỉ tiêu giáo viên của phòng là 120 người. Mặt khác, ngành cũng phải cân đối giữa chỉ tiêu nhận thuyên chuyển với chỉ tiêu tuyển dụng mới, vì hằng năm có rất nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường mà không có việc làm.  Hơn nữa, quỹ lương của phòng rất hạn chế, trong khi đội ngũ giáo viên có thâm niên ở thành phố đông, nay phải tiếp nhận thêm giáo viên có thâm niên từ 5-7 năm về công tác sẽ gây áp lực cho quỹ lương. Thực tế, quỹ lương tiếp nhận 1 giáo viên thuyên chuyển về bằng quỹ lương của 2 giáo viên tuyển mới.

Hằng năm, từ tháng 3-4, phòng nhận được chỉ tiêu tuyển giáo viên là thông báo rộng rãi. Giáo viên miền núi muốn thuyên chuyển về thành phố thì nộp hồ sơ về phòng. Khi được các cơ quan chức năng thống nhất, phòng sẽ phân bổ về các trường. Với giáo viên bộ môn tiếng Anh, Toán trên địa bàn thành phố đang bị dôi, nên giáo viên đó dù có công tác 5 – 10 năm trên miền núi vẫn không thể tiếp nhận được. Theo tôi, Quyết định 53 của UBND tỉnh cần bổ sung ưu tiên xét thuyên chuyển giáo viên là con gia đình chính sách, có công với cách mạng...

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà NGUYỄN THỊ THÀNH: "Số lượng xin chuyển cao so với nhu cầu tiếp nhận thì khó mà công bằng được"

Hằng năm, số lượng giáo viên xin chuyển về đồng bằng rất đông, nhưng cũng chỉ có khoảng một nửa được tiếp nhận. Năm nay, huyện có 61 hồ sơ xin thuyên chuyển. Có một thực trạng mà khó có thể tạo ra sự công bằng được là, đồng bằng thì thừa biên chế, trong khi rất nhiều giáo viên dạy ở miền núi lại muốn chuyển về thì chỗ đâu mà giảng dạy. Do đó, giữa các trường, các huyện cần công khai nhu cầu tiếp nhận và hồ sơ xin thuyên chuyển; đồng thời cần có quy định chặt chẽ hơn trong công tác này.

 

Giáo viên TRƯƠNG THỊ NGỌC ANH, dạy môn Toán tại Trường THCS Sơn Hạ (Sơn Hà)

Tôi đã làm đơn xin thuyên chuyển gần 10 năm nay, nhưng chưa được giải quyết. Dù vậy, tôi vẫn phải tiếp tục làm đơn. Những năm trước, hồ sơ bị trả về, nhưng tôi không rõ lý do vì sao, nên cứ băn khoăn mãi.
 
Gia đình tôi thuộc diện chính sách, cha mẹ đều là thương binh. Về phía bản thân, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công tác dạy học và cũng đạt tiêu chí giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.


 

M.HẠ - ĐĂNG SƯƠNG

 


.