Thuyên chuyển giáo viên: Ách tắc ở đâu?

05:07, 29/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quy định về thuyên chuyển giáo viên có đã từ lâu, thế nhưng trên thực tế nhiều giáo viên không được thuyên chuyển. Dư luận đặt câu hỏi, việc thuyên chuyển giáo viên bị ách tắc ở chỗ nào?

TIN LIÊN QUAN


Điều đáng nói là hằng năm, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT đều có văn bản hướng dẫn các phòng GD&ĐT, trường học về việc thuyên chuyển cán bộ, giáo viên, nhưng kết quả thực hiện không được như mong đợi.

“Mỏi gối chồn chân” xin thuyên chuyển

Còn hơn một tháng nữa, cô giáo Phan Thị Tịnh, quê ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) lại phải vượt hơn 50km đến Trường Tiểu học và THCS xã Ba Bích (Ba Tơ) giảng dạy. Cô Tịnh đã có 15 năm dạy học trên vùng cao Ba Tơ. Ngày đầu giảng dạy ở vùng cao, cô Tịnh cũng như nhiều đồng nghiệp đối diện với muôn vàn khó khăn. Mùa mưa nước sông suối chia cắt, xã Ba Bích bị cô lập cả tháng trời,  các cô phải  “ăn đói, nhịn khát” để trụ tại trường dạy chữ cho các em.

Cô Phan Thị Tịnh – giáo viên Trường Tiểu học và THCS Ba Bích (Ba Tơ) dù có nhiều cống hiến cho giáo dục vùng cao, nhưng xin thuyên chuyển mãi vẫn chưa được.
Cô Phan Thị Tịnh – giáo viên Trường Tiểu học và THCS Ba Bích (Ba Tơ) dù có nhiều cống hiến cho giáo dục vùng cao, nhưng xin thuyên chuyển mãi vẫn chưa được.


Ngày đó, xã Ba Bích thiếu giáo viên, cô Tịnh vừa phải dạy môn chính là môn Toán, vừa kiêm dạy các môn Lý, Sinh, Địa. Dù dạy chính hay dạy kiêm nhiệm, cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các hoạt động của ngành, cô đều tích cực tham gia và đạt thành tích giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh và là chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. Cô Tịnh bộc bạch: “Dạy lâu năm ở vùng cao, mọi thứ rồi cũng quen. Nhưng giờ mẹ chồng đau nặng, mẹ đẻ thì già yếu, hai con còn nhỏ, chồng không có việc làm ổn định, bản thân thì bị tai nạn gãy tay, nên xin chuyển về quê công tác để đỡ phần đi lại vất vả và có điều kiện chăm lo cho gia đình". Điều kiện khó khăn là vậy, thế nhưng đến nay cô Tịnh đã 6 lần nộp hồ sơ tại nơi công tác là Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ và nơi cần đến là Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành, để xin thuyên chuyển, nhưng cứ hết năm học này lại đến năm học khác vẫn không được.

Cô Ngô Thị Thanh Tuyền– Giáo viên Trường THCS Long Sơn (Minh Long) cũng rơi vào hoàn cảnh như cô giáo Tịnh. Cô giáo Tuyền quê phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), có 16 năm công tác ở vùng cao Long Sơn. Giờ cô đã có chồng, có con, nhưng sống một cảnh hai quê. Chồng cô làm việc ở tận Dung Quất, con còn nhỏ, việc chăm con, đưa đón con đi học đành phải nhờ nội, ngoại. Cô Tuyền đã nhiều lần nộp hồ sơ xin về TP.Quảng Ngãi công tác, nhưng rồi mọi việc vẫn rơi vào im lặng.

Đây là hai trong số hàng trăm trường hợp giáo viên xin thuyên chuyển, nhưng bất thành. Thời tuổi trẻ, họ đã vượt qua mọi khó khăn với tình yêu nghề, mến trẻ, đem kiến thức “trồng người” trên vùng cao. Đến nay, nhiều người vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, họ phải xin chuyển theo chủ trương của ngành giáo dục, nhưng đều bị bế tắc.

Quy định có nhưng khó thực hiện, vì sao?         

Mặc dù tỉnh đã có Quyết định 53/2013/QĐ-UBND, ngày 5.12.2013 về việc thuyên chuyển giáo viên đối với cán bộ, giáo viên công tác ở miền núi, hải đảo về đồng bằng và ngược lại. Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, chủ trương này trong thực tế khó thực hiện. Bởi vì, thuyên chuyển là phải có nơi tiếp nhận. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam cho biết, năm học 2017- 2018, huyện Ba Tơ có 14 trường hợp đủ điều kiện, để xin chuyển về đồng bằng. Phòng gửi những hồ sơ này đến huyện, để UBND huyện gửi về Sở Nội vụ. Trong quá trình chuyển, giáo viên phải tự liên hệ với trường mình cần đến. Nếu trường có nhu cầu tuyển dụng thì giáo viên đó được chính thức chuyển. Với thực tế này, nhiều giáo viên không biết trường cần đến thừa hay thiếu giáo viên, nên cứ gửi hồ sơ rồi... trông chờ!

Giáo viên vùng cao luôn dạy  trẻ bằng tình yêu nghề.
Giáo viên vùng cao luôn dạy trẻ bằng tình yêu nghề.


Cán bộ tổ chức Phòng GD&ĐT huyện Minh Long Nguyễn Tấn Thuyết, cho hay: Toàn huyện có 330 cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục, nhưng có hơn 50% là ở đồng bằng lên công tác. Ai cũng có nhu cầu xin chuyển về quê để ổn định, nhưng những năm qua, không mấy người thực hiện được. Trong năm học 2017-2018, huyện có 6 trường hợp xin chuyển ngoài huyện. Phòng cũng rất lo ngại, bởi những trường hợp này tự liên hệ với các trường để xin chuyển, chẳng khác nào đi mò kim đáy biển. Vì vậy, cứ hết năm này đến năm khác, nhiều giáo viên cứ trong tâm trạng chờ đợi, để được thuyên chuyển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Võ Thìn, cho rằng: Chủ trương cho phép thuyên chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng và ngược lại là hết sức đúng đắn. Năm nay, huyện có hơn 60 trường hợp đủ điều kiện xin chuyển, nhưng chắc chắn là không mấy trường hợp thực hiện được, bởi đồng bằng thì thừa biên chế, miền núi thì thiếu và trình độ giảng dạy rất chênh nhau. Đây là vấn đề tỉnh và ngành chức năng cần phải có giải pháp phù hợp.

Theo ông Thìn, tỉnh cũng cần có quy định rõ ràng hơn về việc thuyên chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng và ngược lại; đồng thời ngành giáo dục cần thông báo công khai trường nào thiếu giáo viên, thiếu giáo viên cụ thể ở bộ môn nào, để góp phần thực hiện tốt công tác thuyên chuyển, tránh nảy sinh nhiều tiêu cực.


  

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 

Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính:

Thời gian qua, số lượng học sinh các cấp ở TP.Quảng Ngãi không tăng. Hiện nay, số lượng giáo viên gần như bão hòa, nhưng hằng năm lại phải tiếp nhận giáo viên từ miền núi về đồng bằng là không phù hợp.
 
Mặt khác, trong số những giáo viên miền núi chuyển về thời gian qua, qua đánh giá sơ bộ thấy rằng, một số giáo viên chất lượng giảng dạy chưa cao. Thậm chí, có giáo viên giảng dạy chưa đạt yêu cầu về chuyên môn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, chỉ nên ưu tiên tiếp nhận những giáo viên trước đây, chúng ta điều chuyển lên miền núi, thì bây giờ tiếp nhận họ trở về. Do đó, tôi đề nghị cần phải xây dựng một đề án mới với quy định tiêu chuẩn như thế nào thì được chuyển, chứ không thể miền núi thiếu thì chạy lên miền núi, khi vô được biên chế rồi thì lại chuyển về đồng bằng là không phù hợp.

Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng:

Chủ trương luân chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng được thực hiện từ năm 2013, đến nay đã lỗi thời, nhưng chưa sửa được.

Thứ nhất là nhu cầu học sinh ở thành phố và các huyện đồng bằng không tăng. Trong khi theo quy định thì giáo viên dạy ở miền núi đủ 3 năm thì được chuyển về đồng bằng. Như vậy, mỗi năm các huyện miền núi có từ 70 – 90 giáo viên đủ điều kiện để làm đơn xin thuyên chuyển, số lượng rất lớn, nên không thể bố trí được. Mặt khác, trong số giáo viên đủ điều kiện chuyển về, thì mỗi huyện chỉ đồng ý tiếp nhận khoảng từ 3- 5 giáo viên. Có giáo viên dạy ở miền núi 20 năm, nhưng không được chuyển về, còn có em thì mới 5 năm đã được tiếp nhận về công tác ở đồng bằng, như thế là không phù hợp. Tôi đề nghị cần phải thay đổi chủ trương này sát hợp với thực tế, tránh tình trạng nhiều người cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình trên miền núi, nhưng phải chịu thiệt thòi.

Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc:

Hằng năm, số lượng giáo viên đủ điều kiện thuyên chuyển ở huyện từ 80 - 90 người. Riêng năm 2017 này, huyện Tây Trà đồng  ý cho 78 giáo viên xin chuyển về công tác ở vùng đồng bằng, nhưng trong số đó không thể chuyển về hết được, người này được, người kia không được, điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhiều giáo viên.

Nếu làm đúng theo chủ trương thì số lượng thuyên chuyển cùng lúc rất lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy, còn nếu người được, người không sẽ không công bằng. Do vậy, đề nghị tỉnh cần nghiên cứu lại vấn đề này.
  
XUÂN THIÊN (thực hiện)

 



 


.