Quản lý khai thác khoáng sản còn lỏng lẻo

07:06, 24/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên và dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường.

TIN LIÊN QUAN

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, đất... hiện đang diễn ra tại nhiều địa phương.

Từ khai thác trái phép...

Cuối tháng 4 vừa qua, khi đi kiểm tra thực địa tại xã Long Sơn, Sở TN&MT đã phát hiện mỏ cát nằm trong quy hoạch trên sông Phước Giang, đoạn ngang qua địa phận thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn (Minh Long) bị khai thác trái phép. Điều đáng nói, bãi khai thác cát, sạn trái phép này chỉ cách UBND xã Long Sơn chưa đầy 500m và những chuyến xe chở cát, sạn từ bãi này đều phải chạy ngang qua trụ sở ủy ban xã mới có thể vận chuyển ra khỏi xã. Theo phản ánh của các hộ dân ở gần khu vực trên, dù người dân đã nhiều lần ý kiến lên xã, thậm chí chặn đường không cho xe đưa cát đi tiêu thụ, nhưng chính quyền địa phương vẫn “làm ngơ”.

 

Mỏ đất trên địa bàn xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đã hết thời hạn cấp phép, nhưng vào tháng 4 vừa qua, đoàn giám sát của HĐND tỉnh phát hiện mỏ đất này vẫn còn bị khai thác trái phép.
Mỏ đất trên địa bàn xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đã hết thời hạn cấp phép, nhưng vào tháng 4 vừa qua, đoàn giám sát của HĐND tỉnh phát hiện mỏ đất này vẫn còn bị khai thác trái phép.


Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Long Sơn Đinh Văn Giúp thừa nhận, địa phương đã cho hai cá nhân khai thác cát tại khu vực trên khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. “Sau khi được Sở TN&MT kiểm tra, quy hoạch khu vực khai thác khoáng sản trên địa bàn xã, UBND huyện Minh Long, UBND xã Long Sơn thống nhất đưa những điểm này vào khai thác sau khi được UBND tỉnh cấp phép. Nhưng do chỉ tiêu của huyện giao cho xã thu kinh phí làm nông thôn mới khoảng 200 triệu đồng, nên UBND xã có thu trước của ông Võ Tấn Chung và ông Ngô Phước Thịnh ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) khoảng 100 triệu đồng và để cho hai cá nhân này khai thác trước, rồi làm thủ tục sau”, ông Giúp cho biết.

Tương tự, tại xã Phổ Hòa (Đức Phổ), tình trạng khai thác đất trái phép với quy mô lớn cũng ngang nhiên diễn ra tại khu vực đồi núi giáp ranh phía đông nam mỏ đá Mỹ Trang, thuộc địa phận thôn Nho Lâm. Lượng đất khai thác trái phép được chủ khai thác bán công khai cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng và vận tải Bách Hằng, để chở thi công công trình xây dựng KDC Gò Dừa (thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường). Chỉ đến khi nhận được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì các ngành chức năng mới “hay biết” và bắt tay vào kiểm tra.

đến “bất tuân” quy định

Không chỉ đau đầu với vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép, mà ngay cả những mỏ khoáng sản đã được cấp phép trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình khai thác như: Khai thác ngoài diện tích được cấp phép, khai thác với độ sâu vượt quá mức cho phép, khai thác chưa tuân thủ theo thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ...

Trong 6 tháng đầu năm 2017, sau 1 cuộc thanh tra, 3 cuộc kiểm tra đối với 9 tổ chức hoạt động khoáng sản, Đoàn thanh tra của Sở TN&MT đã phát hiện 5 tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản như: Cắm mốc khép góc khu vực khai thác không đúng quy cách, khai thác quá ranh giới độ sâu, diện tích cho phép, không thông báo năng lực, trình độ chuyên môn giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan chức năng quản lý.

Sông Phước Giang ngang qua địa phận xã Long Sơn (Minh Long) bị băm nát, do xã “bật đèn xanh” cho cá nhân khai thác trái phép.
Sông Phước Giang ngang qua địa phận xã Long Sơn (Minh Long) bị băm nát, do xã “bật đèn xanh” cho cá nhân khai thác trái phép.


Một bất cập nữa là, việc ký quỹ phục hồi môi trường (nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp với việc bảo vệ môi trường-PV) cũng không được doanh nghiệp tuân thủ. Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại có 111 dự án đã ký quỹ, với tổng số tiền gần 23 tỷ đồng, còn lại 21 dự án vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, với tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Một số đơn vị dù đã bị Quỹ Bảo vệ môi trường nhắc nhở rất nhiều lần, nhưng vẫn chây ì, chưa thực hiện việc ký quỹ như: Công ty TNHH MTV NBB Quảng Ngãi, Công ty CP Thương mại ABH Thiên Tân...

Buông lỏng trong  quản lý

Để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm. Song, trên thực tế việc kiểm tra, kiểm soát vấn đề trên lại gặp phải khó khăn, do thiếu nhân lực, phương tiện.

Đơn cử như tại Sở TN&MT – cơ quan chủ quản trong quản lý khoáng sản, mặc dù Phòng Khoáng sản đảm nhận nhiệm vụ thẩm định đề án thăm dò khoáng sản, thẩm định hồ sơ về cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản... các mỏ thuộc thẩm quyền cấp của UBND tỉnh và phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản của các tổ chức ,cá nhân. Nhưng theo ông Phan Mùa - Trưởng phòng Khoáng sản, hiện phòng chỉ có 3 biên chế, nên dù phải thường xuyên làm việc cả thứ 7, chủ nhật, nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhiệm vụ giải quyết các thủ tục giấy tờ, hồ sơ; chứ chưa thể làm tốt công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải nhận định, sở dĩ vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là do công tác quản lý vẫn còn bị buông lỏng. Để tăng cường quản lý đối với lĩnh vực này phải xem đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, chứ không phải riêng trách nhiệm của ngành tài nguyên và môi trường. Nhưng trên thực tế, sự phối hợp quản lý từ tỉnh, huyện, đến xã vẫn chưa chặt chẽ.


Bài, ảnh: Ý THU


 

Chấn chỉnh ngay những bất cập trong quản lý


 

Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Phiên. Theo ông Võ Phiên, hiện nay công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị buông lỏng, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách, ảnh hưởng môi trường, mất an toàn, hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông, gây bức xúc trong dân. Từ thực trạng trên, HĐND tỉnh hiện đang tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

-PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?

Ông VÕ PHIÊN: Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đã nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn như: Sau khai thác, doanh nghiệp chây ì không phục hồi môi trường; không tuân thủ ký quỹ môi trường, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra... gây bất bình đẳng giữa đơn vị được cấp phép và không được cấp phép. Ngay cả những đơn vị dù đã được cấp phép, nhất là tại các mỏ khai thác đá, nhưng vẫn không tuân thủ những quy định về thiết kế mỏ, an toàn lao động... Đặc biệt, trong quá trình vận chuyển khoáng sản, một số đơn vị còn để xảy ra vi phạm về vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông; tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn do hoạt động khai thác khoáng sản, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

-PV: Theo ông, trong thời gian đến, tỉnh cần phải làm gì để chấn chỉnh những vấn đề tồn tại trong hoạt động khai thác cũng như quản lý khai thác khoáng sản?

Ông VÕ PHIÊN: Trước những tồn tại, bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản, cơ quan nhà nước cần phải tăng cường quản lý đối với lĩnh vực này và phải xem đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, chứ không phải riêng ngành tài nguyên - môi trường. Trách nhiệm này không chỉ riêng cơ quan nhà nước, mà ngay cả người dân, khi phát hiện những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn có thể kiến nghị đến cơ quan chức năng.


Riêng HĐND tỉnh, từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát thực địa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, sau đó sẽ làm việc với UBND các huyện, thành phố và các sở ngành liên quan, để từ đó chấn chỉnh công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn.
 
 

Ý THU
(thực hiện)

 

 


.