Xây dựng trường PTDT bán trú THCS: Tiến độ chậm, chất lượng chưa đảm bảo

07:04, 16/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS là chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm giúp học sinh vùng khó khăn có điều kiện ăn ở, học tập, để phát triển trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư “nhỏ giọt”, sự quan tâm ở một số địa phương chưa đúng mức, nên nhiều nơi thầy và trò rơi vào cảnh khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Theo Quyết định 368/QĐ-UBND tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh phải thành lập 39 trường PTDT bán trú THCS. Ngành giáo dục đã phân kỳ trong năm 2016 chọn 20 điểm có số lượng học sinh nằm trong diện bán trú khẩn cấp, để thành lập trường PTDT bán trú. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới thành lập được 17 trường, trong đó chỉ có 14 trường được cấp phép hoạt động.

Đề án xây dựng còn... trên giấy

Thông tin Trường Tiểu học và THCS Ba Giang (Ba Tơ) được thành lập thành Trường PTDT bán trú THCS trong năm 2016 đã khiến không chỉ 70 học sinh (nằm trong diện phải ở bán trú) và phụ huynh, giáo viên đều vui mừng. Bởi số học sinh này đều có nhà ở xa trường từ 6 – 10km, có em đi bộ mất cả buổi (như ở các thôn Gò Xiêng, Gò Lút, Gò Khôn và xóm Ba Nhà). Đường từ các thôn này đến trường là đường mòn và dốc cao, nên các em thường ngày phải cuốc bộ đến trường  từ 4 - 5 giờ sáng. Khi trời mưa lớn, nước sông, suối dâng cao các em đành nghỉ học, hoặc phải xin tá túc nhà dân quanh khu vực trường.

Chỗ ăn ở của học sinh điểm trường bán trú Ba Xa (Ba Tơ) còn tạm bợ; nhiều em ở chung một phòng, một gường và lấy giường ngủ làm nơi học bài.
Chỗ ăn ở của học sinh điểm trường bán trú Ba Xa (Ba Tơ) còn tạm bợ; nhiều em ở chung một phòng, một gường và lấy giường ngủ làm nơi học bài.


Tuy nhiên, niềm vui đó không trọn vẹn, vì đến giữa tháng 4 này, việc xây dựng trường bán trú vẫn còn nằm trên giấy. Ban giám hiệu "chữa cháy" bằng cách xin ý kiến địa phương và Phòng GD&ĐT huyện cho tận dụng 2 phòng học của một điểm trường mẫu giáo xã Ba Dinh (cũ) để cho các em có chỗ ăn ở, học tập. Vì phòng ẩm thấp, diện tích lại nhỏ so với nhu cầu, nên trường chỉ chọn 30/70 em trong diện bán trú vào ở tạm. Số còn lại, nhà trường chưa biết xoay xở thế nào, nên các em tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc đến trường học tập.

Thực trạng này cũng đang diễn ra ở một số điểm trường ở huyện Sơn Tây. Theo Quyết định 368 của UBND tỉnh, lẽ ra hơn 200 em ở Trường THCS Sơn Mùa và Trường Tiểu học và THCS Sơn Bua nằm trong diện bán trú khẩn cấp đã được ở bán trú, học tập trong môi trường đàng hoàng hơn trong năm 2016. Nhưng rồi đến nay, các em cũng phải chịu cảnh đi lại học tập trong điều kiện cách trở, vì chưa có kinh phí xây dựng.

Bán trú tạm bợ

 Trong khi nhiều trường còn đang chờ kinh phí xây dựng nhà bán trú, thì một số trường đã có nhà bán trú lại hoạt động không đảm bảo. Tại điểm Trường Tiểu học &THCS Ba Xa (Ba Tơ), hằng ngày 130 học sinh ở bán trú trong điều kiện các phòng khá chật chội, ẩm thấp. Hiệu trưởng Trường Tiểu học &THCS Ba Xa Nguyễn Duy Bắc, cho biết: Toàn trường có 181/282 em thuộc diện phải ở bán trú, nhưng mới giải quyết được chỗ ở cho 130 em/6 phòng. Số còn lại các em phải tá túc nhà dân xung quanh trường hoặc đành về nhà, dù đường xa.

Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Ba Xa được thành lập trên cơ sở vật chất của trường phổ thông công lập. Do được “tận dụng”, nên phòng ở, nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà ăn cho các em đều khá tạm bợ. Điều đáng lo hiện nay là, trường chưa xây dựng sân chơi, bãi tập, tường rào cổng ngõ theo tiêu chuẩn của trường bán trú, nên việc quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn và diện mạo của trường không đảm bảo.

Vì thiếu chỗ ở, sau giờ học, nhiều học sinh trong diện bán trú ở xã Ba Xa (Ba Tơ) phải đi về nhà trên quãng đường xa.
Vì thiếu chỗ ở, sau giờ học, nhiều học sinh trong diện bán trú ở xã Ba Xa (Ba Tơ) phải đi về nhà trên quãng đường xa.


Còn Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Long Môn (Minh Long) được cấp phép đi vào hoạt động theo loại hình bán trú vào tháng 7.2016, nhưng trường cũng chỉ có 4 phòng ở tạm do Báo Tuổi trẻ hỗ trợ xây dựng từ lâu, do vậy đến nay đã xuống cấp. Ở khu bán trú không có nhà ăn, bếp nấu, nhà vệ sinh. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Anh Tuấn, cho biết: Chính vì cơ sở vật chất thiếu thốn, nên trong số 135 em ở các thôn cách trường đến 12km, trường chỉ nhận được 26 em. Cán bộ cấp dưỡng không có, nên việc nấu ăn các em phải tự lo buổi tối, còn buổi trưa trường hợp đồng với người dân để nấu cho các em ăn tạm.

Chất lượng giáo dục vẫn là nỗi lo

“Chuyện thiếu nơi ở bán trú ở điểm trường Long Môn dân kiến nghị đã nhiều năm. Mới đây được cấp kinh phí, nên phòng đang triển khai xây dựng 6 phòng học và xây dựng thêm 2 phòng ở để các em có chỗ ở ổn định. Dù vậy, để hoạt động đảm bảo theo tiêu chí trường bán trú thì cần phải... tiếp tục đầu tư”, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Minh Long Võ Văn Vinh bộc bạch.

Trước khó khăn về nhà bán trú cho học sinh xã Ba Giang và Ba Xa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam cho rằng, thực trạng đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập và cuộc sống của các em. Phòng đã nhiều lần đề nghị lên các cấp thực hiện phân khai kinh phí đúng lộ trình, để xây dựng trường nhưng rồi "cứ rơi vào im lặng".

 Câu chuyện thiếu trường bán trú và trường bán trú đã được hình thành, nhưng cơ sở tạm bợ chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân và nỗi trăn trở của ngành giáo dục các huyện miền núi trong tỉnh. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn khó có thể đảm bảo theo mục tiêu mà ngành giáo dục đề ra.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 

Tiếp tục rà soát lại quy hoạch trường PTDT bán trú
 
 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Hữu Tháp cho biết, xây dựng trường PTDT bán trú THCS sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, nhưng tiến độ thực hiện hiện nay quá chậm.

PV: Thưa ông, nguyên nhân từ đâu mà Đề án xây dựng chưa đảm bảo tiến độ?

Ông TRẦN HỮU THÁP: Do thiếu nguồn lực kinh phí đầu tư, nên trường được cấp phép thì hoạt động trong điều kiện thiếu thốn, tạm bợ, chưa đủ tiêu chuẩn của trường bán trú; còn trường được thành lập và điểm đủ điều kiện để xây dựng trường bán trú thì cũng không có kinh phí để bổ sung các hạng mục, xây dựng điểm trường mới dẫn đến tiến độ chậm.


Các địa phương cũng chưa quan tâm tập trung kinh phí, để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường bán trú. Với 17 trường có quyết định thành lập có đủ đội ngũ giáo viên, số lượng học sinh ở xa trường, vị trí xây dựng; với 3 trường không được cấp phép hoạt động là do thiếu nhà ở, bếp nấu, phòng ở. Nếu các địa phương không bổ sung xây dựng các hạng mục này, thì sau 12 tháng ban hành quyết định thành lập trường sẽ không còn hiệu lực.

PV: Giải pháp cho vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông TRẦN HỮU THÁP: Những điểm xác định xây dựng trường bán trú theo Đề án đều có nhu cầu khẩn cấp. Nhưng vì nhiều nguyên nhân chưa xây dựng được, dẫn đến tiến độ xây dựng chậm, làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học của các em.

Tuy nhiên, đến thời điểm này bộ mặt nông thôn miền núi phát triển. Trước hết, ngành giáo dục sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường học, trong đó kể cả trường PTDT bán trú. Khi quy hoạch hoàn thành, dựa trên cơ sở này, nếu nơi nào hạ tầng cơ sở phát triển, tạo điều kiện cho các em đi lại thuận lợi thì có thể không thành lập trường. Nơi nào còn cách trở thì quyết liệt phải xây dựng trường bán trú. Ngành sẽ đề xuất tỉnh chỉ đạo các địa phương tận dụng các nguồn vốn từ ngân sách, chương trình mục tiêu ở miền núi để xây dựng.

Trường bán trú là loại hình trường đặc thù như trường nội trú. Ngành sẽ tập huấn cho lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, giáo viên nắm vững kiến thức quản lý dạy cho các em về kiến thức, phát triển thể chất, thẩm mỹ, hình thành nhân cách con người tốt. Đồng thời, thực hiện các chế độ hỗ trợ học sinh, giáo viên như một trường chuyên biệt.


TRƯỜNG AN
(thực hiện)

 


.