Chống thất thu thuế kinh doanh vận tải: Cần biện pháp mạnh

06:04, 24/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kinh doanh vận tải (KDVT) là lĩnh vực đặc thù, khó kiểm soát, nên gây thất thu ngân sách. Vì thế, cần có những biện pháp mạnh, đồng bộ thì việc chống thất thu thuế trong lĩnh vực này mới đem lại hiệu quả.

Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp giữa Cục Thuế và các sở, ngành liên quan, nhằm chống thất thu thuế KDVT.
 
Bất cập trong quản lý

TP.Quảng Ngãi là địa bàn có số lượng doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực KDVT khá lớn. Số lượng đầu phương tiện ngày một nhiều. Vì thế, việc quản lý đối với lĩnh vực này cũng gặp khó khăn. Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Quảng Ngãi Nguyễn Thị Mỹ Lan cho biết: “Có một số hộ dù có hoạt động, nhưng vẫn không đến kê khai thuế. Khi cơ quan thuế phát hiện và phối hợp với địa phương gửi giấy mời đến phường để làm việc, thì họ lại không đến. Trong khi đó, mình không có chế tài gì để xử lý, nên họ cứ chây ỳ, dây dưa”.

Khó kiểm soát số phương tiện vận tải cá nhân hoạt động ở các huyện miền núi, nếu hộ kinh doanh không khai thuế.
Khó kiểm soát số phương tiện vận tải cá nhân hoạt động ở các huyện miền núi, nếu hộ kinh doanh không khai thuế.


Đặc thù của hoạt động KDVT là cơ động, sản phẩm mang tính dịch vụ, chứ không phải sản phẩm định lượng cụ thể. Vì thế, ngành thuế khó xác định con số cụ thể về doanh thu thực tế để làm cơ sở tính thuế. Ví dụ nhiều trường hợp xe đò, xe khách đón khách dọc đường, không bán vé, chở quá số người quy định... diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa cao điểm như dịp lễ, Tết, mùa thi, nhưng khó kiểm soát.

Còn đối với vận tải hàng hóa, chỉ có một số có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn, chứng từ, còn lại là thỏa thuận giữa phía chủ hàng và phía vận chuyển. Từ chỗ không có hóa đơn để quản lý giá, dẫn đến việc quản lý thuế khó khăn, nên thất thu thuế là điều không thể tránh khỏi.

Thuế trong hoạt động KDVT được thu trên cơ sở ấn định, xác định doanh thu của các đơn vị, cá nhân kinh doanh. Vì vậy, với những phương tiện đã đăng ký, hằng năm ngành thuế cần xây dựng lại mức tính thuế theo từng phương tiện, tuyến hoạt động để tiếp cận với doanh thu thực tế. Đồng thời, phải quản lý về mặt Nhà nước ngay từ khâu đăng ký, kiểm định đối với từng phương tiện hoạt động với mục đích kinh doanh thì mới có thể quản lý thuế. Song, để làm được điều này, cần có sự phối hợp của các ngành trong công tác quản lý phương tiện vận tải.

Hiện ngành thuế đang quản lý 181 doanh nghiệp và 586 hộ, cá nhân KDVT bằng ô tô, với tổng số lượng quản lý thu 1.199 phương tiện. Trong năm 2016, số thuế thu từ hoạt động KDVT gần 33 tỷ đồng. Theo lãnh đạo các chi cục thuế, một cá nhân kinh doanh nhiều đầu phương tiện, khi tăng thêm phương tiện lại không tự giác kê khai. Đặc biệt, cơ quan thuế rất khó quản lý thu thuế đối với xe ô tô từ 5 đến 7 chỗ ngồi, vì các chủ phương tiện không kê khai thuế...

Phân định trách nhiệm, mạnh tay xử lý

Trước những khó khăn, bất cập trong việc quản lý, chống thất thu thuế trong KDVT, Cục Thuế Quảng Ngãi đã chủ động nghiên cứu dự thảo quy định biện pháp quản lý thuế đối với lĩnh vực này trình UBND tỉnh ban hành quyết định quy định, biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động KDVT trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện các biện pháp quản lý thuế KDVT.

 Hoạt động kinh doanh vận tải bằng đường thủy đã đưa vào Quy chế phối hợp chống thất thu.
Hoạt động kinh doanh vận tải bằng đường thủy đã đưa vào Quy chế phối hợp chống thất thu.


Các sở, ngành liên quan cũng đã triển khai các biện pháp hỗ trợ ngành thuế trong việc chống thất thu thuế đối với hoạt động KDVT. Phó Giám đốc Sở GTVT Đỗ Tiến Đạt cho biết: “Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, Sở GTVT sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác cho cơ quan thuế thông tin liên quan đến công tác quản lý phương tiện vận tải đã được cấp giấy phép KDVT, hoặc cấp phù hiệu có trụ sở chính hoặc có trụ sở chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh... để làm cơ sở cho ngành thuế thu thuế”.

Quy chế phối hợp thực hiện chống thất thu trong lĩnh vực KDVT đã được ban hành và đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của từng sở, ngành trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, để công tác phối hợp đem lại kết quả cao, ngành thuế cùng với các Sở GTVT, Sở KH&ĐT, Công an tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc cấp phép, rà soát các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân KDVT, để quản lý chặt chẽ số lượng người nộp thuế. Đồng thời, định kỳ cập nhật số lượng phương tiện đăng ký phục vụ cho việc quản lý kinh doanh bằng ô tô; kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách không có lệnh điều xe, hóa đơn, khối lượng hàng hóa và số khách...

Trong quá trình kiểm tra, phát hiện trường hợp cố tình trốn thuế, chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, ngành thuế, cùng ngành phối hợp phải có biện pháp xử lý mạnh; kết hợp tuyên truyền để cá nhân, đơn vị KDVT nhận thức được nghĩa vụ thuế của mình. Qua đó, tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần tăng thu ngân sách.


Bài, ảnh: HỒNG HOA



 

Kiểm soát được đầu phương tiện sẽ kiểm soát được số thuế

Đó là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Luyện về giải pháp quản lý thuế KDVT.

Tuy nhiên, trong điều kiện phương tiện quản lý thuế chưa phát triển, thông tin trong quản lý chưa đầy đủ, tính tuân thủ chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế chưa cao, thì một số ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đặc thù vẫn còn tình trạng trốn thuế, gian lận thuế, trong đó có hoạt động KDVT.

-PV: Thời gian qua, KDVT là một trong những lĩnh vực dễ thất thu thuế, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Luyện: KDVT hiện nay có đặc điểm là địa bàn kinh doanh rộng, không cố định, khó kiểm soát phương tiện kinh doanh hay mục đích khác, nơi đăng ký biển kiểm soát không phụ thuộc vào nơi ở của chủ phương tiện... Trong đó, có trường hợp người chủ phương tiện ở Quảng Ngãi, nhưng đăng ký biển kiểm soát ở TP.Hồ Chí Minh và trở lại hoạt động thường xuyên ở địa bàn Quảng Ngãi...

Đây là nguyên nhân làm cho cơ quan thuế không kiểm soát hết những phương tiện KDVT trên địa bàn, nếu không phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Chưa kể có nhiều trường hợp kê khai không trung thực về doanh thu để tính thuế. Nhất là các chủ phương tiện mua thêm đầu phương tiện, nhưng để cho người thân đứng tên, nên không kê khai nộp thuế. Vì vậy, mặc dù cơ quan thuế đã có rất nhiều cố gắng trong việc khảo sát, hiệp thương doanh thu, thanh tra, kiểm tra, phối hợp cùng các ngành trong quản lý thuế, nhưng vẫn còn tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này.

-PV: KDVT đường thủy cũng đã đưa vào Quy chế phối hợp chống thất thu, vậy ngành thuế sẽ có giải pháp gì để quản lý tốt hoạt động này?

Ông Nguyễn Văn Luyện: Hiện ngành thuế đang quản lý thu đối với 12 tàu vận tải hành khách và 3 tàu vận tải hàng hóa đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại. Trong đó, nguồn thu từ vận tải hành khách đã được tính theo vé nên dễ kiểm soát. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng đông, nhất là những dịp nghỉ lễ. Một khi cầu tăng cao đột biến, trong khi phương tiện vận tải có hạn thì người dân sẽ tìm cách đi “chui”, thay vì đợi chuyến tàu sau. Những đối tượng này khi lên tàu họ sẽ đưa tiền trực tiếp cho chủ tàu, nên mình không thể quản thu được...

Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ phối hợp với Cảng vụ, Sở GTVT để kiểm soát chặt chẽ hoạt động KDVT đường thủy. Bên cạnh đó, vì đã có quy chế phối hợp đối với lĩnh vực này, nên tin rằng sẽ hạn chế được tình trạng thất thu, góp phần tăng thu ngân sách.


H.HOA (thực hiện)

 


 


.