Cần một môi trường giáo dục công bằng cho học sinh đồng tính

08:04, 16/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Báo Quảng Ngãi số 4330, ra ngày 31.3.2017 đăng bài “ Học sinh đồng tính và nỗi đau bị kỳ thị” đã thu hút sự quan tâm, phản hồi của bạn đọc. Sau đây là ý kiến của một số bạn đọc.

TIN LIÊN QUAN


Phó Trưởng khoa Sư phạm xã hội, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, thạc sĩ Nguyễn Đăng Động:
 

Người đồng tính thường có những biểu hiện về hành vi, bản dạng giới khác với giới tính được sinh ra đã bắt đầu từ khi các em còn nhỏ. Điển hình như, các bé trai thì thích búp bê, thích trang điểm và các cử chỉ thường nhẹ nhàng...; còn các bé gái thường có cá tính rất mạnh mẽ, thích chơi các trò chơi của con trai, thích để tóc ngắn... Ở lứa tuổi trước tiền dậy thì (dưới 11 tuổi), đa số các em đều không biết chính xác bản thân mình muốn gì và chưa có sự tò mò, tìm hiểu rõ về bản thân.

Khi vào tuổi dậy thì (từ 11-17 tuổi), các em có sự phát triển về mặt tâm sinh lý, tuyến sinh dục phát triển sẽ cấu tạo những tâm lý mới và quan tâm đến cảm xúc của bản thân. Tự bản thân, các em sẽ cảm thấy khách quan rằng mình đã lớn, từ đó muốn được khẳng định cái tôi và muốn được người khác tôn trọng, đề cao. Ở giai đoạn này, các em thường rất nhạy cảm bởi những tác động ở bên ngoài và sự đánh giá của người khác. Về cấu tạo tâm lý mới, những cảm xúc về giới tính, tình yêu bắt đầu xuất hiện, có sự tò mò về giới tính. Đặc biệt, đối với các em đồng tính, ở lứa tuổi này khi tự tìm hiểu, nhận ra bản thân có những khác biệt thường sẽ rất hoang mang, lo sợ, vì mình không giống đại đa số mọi người và rất dễ tổn thương khi bắt gặp những thái độ phân biệt đối xử, kỳ thị.

Người đồng tính ngoài xu hướng tình cảm, tính dục khác với đại đa số mọi người thì việc sinh hoạt, học tập, các nhu cầu khác đều bình thường. Vậy nên, phải tạo môi trường giáo dục công bằng, bình đẳng, không phân biệt để thay đổi dần tư duy định kiến về người đồng tính. Gia đình, thầy cô nên ở bên cạnh quan tâm, yêu thương và chia sẻ với các em, bởi nếu không kịp thời hiểu, chia sẻ thì các em thường có những biểu hiện tiêu cực, sống khép mình. Môi trường, xã hội tác động rất lớn vào việc hình thành tính cách của con trẻ, đặc biệt là trẻ đồng tính. Nếu mọi người có cái nhìn cảm thông, không định kiến, phân biệt thì các em sẽ tự tin thể hiện bản thân, hòa đồng, không còn cảm giác tự ti, lo sợ.

Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa Lâm Tín:
 

Hiện nay, ở trường có một số học sinh cũng nhiều biểu hiện khác thường với giới tính, như nam thì có cử chỉ nhẹ nhàng, còn nữ thì cắt tóc ngắn, cá tính mạnh mẽ, nhưng các em vẫn mặc đồng phục, chấp hành nội quy như các học sinh khác, nên nhà trường chưa nhận bất cứ ý kiến gì từ phía các em.
 
Thời gian đến, những em có biểu hiện khác về giới tính, có nguyện vọng thay đổi đồng phục từ áo dài sang quần tây, áo sơ mi hoặc ngược lại thì nhà trường cũng sẽ xem xét. Để học sinh đồng tính hòa nhập tốt không chỉ từ phía nhà trường mà quan trọng nhất vẫn từ gia đình, người thân. Gia đình phải thật sự hiểu, tôn trọng và yêu thương các em, phối hợp với nhà trường, các đoàn thể ở địa phương để nâng đỡ, hỗ trợ các em nhiều hơn.

Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Hành Cao Minh Hùng:
 
Để xã hội dần thay đổi cách nhìn nhận, xóa bỏ kỳ thị đối với cộng đồng người đồng tính thì chính bản thân các em đồng tính cũng phải nỗ lực học tập, sống tốt, sống có ích để mọi người xung quanh thật sự bị thuyết phục.
 
Các em hãy cố gắng vượt qua chính những rào cản từ bản thân để sống vui vẻ hơn.
 
Mặt khác, chỉ khi nào xã hội, người thân, bạn bè của các em thật sự hiểu và xem các em như những người bình thường, thì các em mới tự tin trong cuộc sống và thể hiện được bản thân.

H.THU (lược ghi)
 


.