Khắc phục tình trạng "ngồi nhầm chỗ", "làm nhầm việc"

02:02, 22/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Nội vụ về danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của các sở, ban, ngành, địa phương (Đề án). Không chỉ tinh gọn bộ máy hành chính, đề án này còn là công cụ quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý nhân sự, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức.

Tình trạng cán bộ dôi dư, tuyển dụng tràn lan dẫn đến “rỗi” việc trong cơ quan công quyền; bộ máy cồng kềnh, phân công công việc không rõ ràng, “nạnh hẹ” nhau trong giải quyết công việc... sẽ chấm dứt, khi thực hiện theo đề án đã được phê quyệt.  

Giải quyết nhiều bất cập

Hiện nay, căn cứ theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2016, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh sắp xếp lại bộ máy hành chính, đi vào guồng hoạt động theo vị trí việc làm mang tính chuyên nghiệp, gọn nhẹ hơn. Trong đề án của từng sở, ngành, địa phương xác định chi tiết từng vị trí việc làm, với mô tả cụ thể về công việc và xác định khung năng lực. Số lượng biên chế cũng được quy định cụ thể ở từng vị trí việc làm.

Công chức UBND phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) giải quyết hồ sơ cho công dân.                                     Ảnh: NG.Triều
Công chức UBND phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) giải quyết hồ sơ cho công dân. Ảnh: NG.Triều


Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho rằng, xây dựng đề án vị trí việc làm khắc phục được nhiều bất cập, đó là không có tình trạng cán bộ công chức không rõ mình làm gì, phân công nhiệm vụ chung chung. Giao việc gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể sẽ nâng cao hiệu quả tham mưu, đề xuất công việc của chuyên viên; đồng thời tăng tính tự chủ, quản lý, sử dụng biên chế cũng như về tài chính, giúp tiết kiệm kinh phí, tăng thêm thu nhập cho số lượng công chức hiện có. Mặt khác, qua thực hiện đề án, sắp xếp đúng vị trí công tác gắn với chuyên môn được đào tạo, tạo điều kiện để cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo ông Lương Kim Sơn, qua thực hiện nhiệm vụ theo đề án cũng sẽ thuận lợi hơn trong phát hiện nhân tố tích cực, cán bộ thực sự có năng lực để đào tạo, quy hoạch các chức danh.   

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em thẳng thắn cho biết, khi chưa có đề án vị trí việc làm, tình trạng cán bộ công chức làm trái với chuyên môn vẫn còn khá nhiều. “Tình trạng cán bộ, công chức “ngồi nhầm chỗ” hoặc “làm nhầm việc” về cơ bản không hẳn là lỗi của bản thân cán bộ, công chức. Điều này phụ thuộc vào công tác tổ chức nhân sự, vào quyết định phân công, phân nhiệm của lãnh đạo cơ quan”, ông Em cho biết.

Khó nhưng quyết tâm làm

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho biết, số lượng biên chế Sở được giao là 39, theo lộ trình đến năm 2021 phải giảm 10%. Qua 3 tháng tổ chức thực hiện đề án gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, tất cả vẫn đảm đương tốt được công việc. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Sơn, với định hướng phát triển của Chính phủ cũng như của tỉnh, số lượng doanh nghiệp gia tăng đáng kể sẽ phát sinh khối lượng công việc rất lớn, khả năng điều hành và quản lý trong lĩnh vực của ngành thời gian đến sẽ gặp những khó khăn nhất định, khi số lượng biên chế bị thu hẹp.

Sắp tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp nhận mảng giáo dục chuyên nghiệp từ ngành giáo dục, do vậy khối lượng công việc cũng sẽ gia tăng. “Trong điều kiện thực tế của công việc và biên chế có được, Sở xác định không có biên chế phải phân công kiêm nhiệm, đồng thời cân nhắc khi xem xét đề nghị của công chức xin nghỉ theo Nghị định 108, vì đã giải quyết 108 coi như là mất biên chế. Cán bộ công chức phải tăng cường trách nhiệm. Lãnh đạo các phòng vừa làm quản lý vừa trực tiếp tham gia tác nghiệp như một chuyên viên thì mới đảm đương được khối lượng công việc của ngành. Lãnh đạo sở tăng cường công tác chỉ đạo, giao việc và đưa ra thời hạn hoàn thành, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đồng thời trực tiếp lãnh đạo sở được phân công phải bắt tay vào việc, nhiều khi làm việc như một chuyên viên”, ông Sơn nói.

 Đối với huyện Đức Phổ, số lượng biên chế được giao là 89, theo lộ trình năm 2017, huyện giảm 2 biên chế và đến năm 2021 giảm còn 80 biên chế. Chủ tịch UBND huyện Trần Em cho biết, trong quá trình sắp xếp lại vị trí việc làm, UBND huyện gặp rất nhiều khó khăn. Huyện sẽ tinh gọn lại vị trí kế toán cho các phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện, theo hướng 1 kế toán đảm nhận công việc của nhiều phòng; điều chuyển 1 số vị trí lãnh đạo các phòng cho phù hợp và đảm bảo số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Hằng năm, sẽ tiến hành chuyển đổi vị trí công tác. “Mục đích lớn nhất của đề án vị trí việc làm là tổ chức, bố trí lại bộ máy hành chính bảo đảm tính khoa học, hiệu quả. Mặt khác, giảm bớt số người hưởng lương từ ngân sách. Do đó, dù khó khăn huyện cũng sẽ quyết tâm thực hiện có hiệu quả theo đề án được duyệt”, ông Em nói.
P.LÝ-N.TRIỀU


Toàn tỉnh hiện có hơn 2.400 biên chế hành chính, hơn 25.300 biên chế sự nghiệp. Theo lộ trình đến năm 2021 giảm 10% biên chế, cụ thể sẽ giảm khoảng 245 người ở khối hành chính, 2.403 người ở khối sự nghiệp. Kết quả trong 2 năm (2015-2016), khối hành chính trong toàn tỉnh giảm 58 người (đạt 23,67% so với chỉ tiêu đề ra trong lộ trình đến năm 2021); khối sự nghiệp giảm 545 người (đạt 21,77%).
 

Cán bộ công chức phải nâng cao trách nhiệm

Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng cho biết, thực hiện đề án vị trí việc làm theo lộ trình đề ra đến năm 2021 giảm 10% biên chế ở các sở, ngành, địa phương. Ở bất kỳ cơ quan nào khi giảm biên chế cũng phải đảm đương khối lượng công việc được giao mà không được tuyển bổ sung.

Theo ông Đoàn Dụng chỉ được tuyển bổ sung khi số lượng về hưu nhiều hơn 10% số lượng biên chế tinh giảm được giao, cứ 2 người nghỉ hưu thì được tuyển 1 người. Do đó, để thực hiện trôi chảy công việc đòi hỏi cán bộ công chức phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ.

PV: Vấn đề cần phải tập trung khắc phục khi thực hiện đề án vị trí việc làm ở các sở, ngành, địa phương là gì, thưa ông?

Ông ĐOÀN DỤNG: Trong kỳ thi tuyển công chức sắp tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh bố trí thi cho những đơn vị hành chính còn thiếu biên chế, sau khi đã phê duyệt đề án vị trí việc làm.

Từ nay đến năm 2021, Sở Nội vụ sẽ tăng cường “gác cổng” để đảm bảo thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thủ trưởng các đơn vị hành chính phải sắp xếp con người hiện tại cho khớp với vị trí việc làm, còn thừa thì tiến hành cho nghỉ theo chế độ (theo Nghị định 108-PV).
 
Hiện nay, UBND tỉnh đang rất băn khoăn và mới đây có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố làm rõ trách nhiệm trong việc ký hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính không đúng quy định thời gian qua theo nội dung Công văn số 3492/UBND-NC ngày 13.8.2014 của Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo UBND tỉnh qua Sở Nội vụ trước ngày 25.2.2017. Toàn tỉnh hiện có 404 người đang hợp đồng chuyên môn kỹ thuật trái quy định tại các đơn vị hành chính của tỉnh. Chờ các cơ quan hành chính giải trình xong, Sở Nội vụ sẽ tham mưu giải quyết.

 PV: Xin ông cho biết giải pháp để tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức?

Ông ĐOÀN DỤNG: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quán triệt thực hiện nghiêm túc nghị quyết đã ban hành, trong đó ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ yêu cầu đối với công chức là rất cao. Thủ trưởng từng đơn vị cơ quan hành chính phải đổi mới, nâng cao năng lực điều hành, sắp xếp vị trí việc làm ứng với năng lực của từng cán bộ công chức.


P.L- N.T (thực hiện)

 


 


.