Chống ngập cho TP.Quảng Ngãi: Không thể chậm chân

04:01, 13/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, người dân TP.Quảng Ngãi không khỏi lo lắng khi tình trạng ngập nước cục bộ diễn ra thường xuyên và kéo dài mỗi khi có mưa. Do đó, ngay từ bây giờ, các cấp, ngành và TP.Quảng Ngãi cần phải có giải pháp khắc phục để tình trạng này không trầm trọng thêm.

TIN LIÊN QUAN

Tình trạng ngập úng ở nhiều nơi, nhiều tuyến phố mỗi khi mưa lớn làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, buôn bán, kinh doanh của người dân.

Ngập lụt ngày càng nặng

Vào mùa mưa, hiện tượng ngập tại một số tuyến đường ở trung tâm TP.Quảng Ngãi đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân. Thực trạng này khiến nhiều phương tiện khó khăn trong di chuyển, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Tiến ở đường Nguyễn Công Phương, đoạn gần Ngã 5 cũ, cho biết: “Mưa lớn làm tuyến đường khu vực Ngã 5 cũ ngập nặng, có khi ngập sâu đến hơn 0,5m, làm ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông trên phố”.

 Đường vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một trong những điểm ngập sâu khi có mưa lớn xảy ra.
Đường vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một trong những điểm ngập sâu khi có mưa lớn xảy ra.


Ngoài ngập úng ở nhiều tuyến đường, trong các đợt mưa lũ, nhiều khu vực dân cư trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cũng khốn khổ vì nước ngập. Năm nay đã bước sang tuổi 73, bà Phạm Thị Phượng ở tổ 8, phường Nghĩa Lộ, đã chứng kiến nhiều trận lũ lụt, nhưng cơn mưa đầu tháng 12.2016 có thể gọi là “lịch sử”. Nước ngập nhà bà gần 1m, kéo dài hơn 4 ngày. Theo bà Phượng, trước kia, dù có mưa lớn, nước tràn vào nhà rồi cũng rút liền. “Người ngồi bó gối trong nhà chờ nước rút, ai phải đưa đón con đi học thì bì bõm dắt bộ trong con hẻm ngập ngụa nước. Tình trạng ngập nước ngày càng kéo dài hơn trước”, bà Phượng cho hay.
 

Thiếu kinh phí

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi, có nhiều nguyên nhân gây ngập tại khu vực đô thị khi có mưa, trong đó, có nguyên nhân đô thị hóa diễn ra nhanh. Mặt khác, hạ tầng kỹ thuật đô thị đầu tư lâu và xuống cấp ở một số khu vực; kinh phí phân bổ để duy tu hệ thống thoát nước mỗi năm còn thấp… Hiện nay, Công ty đang quản lý hơn 120km đường ống thoát nước của TP.Quảng Ngãi, nhưng kinh phí được cấp chỉ đủ để nạo vét 50% chiều dài cống thoát.

Trong khi đó, người dân tổ 11, phường Lê Hồng Phong cũng gặp khó vì ngập nước kéo dài. Không chỉ ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nước tràn vào nhà ngập úng nhiều ngày liền làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Toàn bộ tài sản, hoa màu, vật nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đợt mưa lũ vừa qua, nước ngập hơn chục ngày, nên cả vườn cây vả đang độ ra trái của gia đình ông Võ Thế Huy chết sạch.

Trong trí nhớ của ông Huy, từ năm 1970 đến giờ, việc ngập úng ngày càng nặng hơn và khó dự báo hơn. “Do ở khu vực khá thấp, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình giao thông, nhà cao tầng mọc lên đã biến tổ 11 như một lòng chảo. Mỗi khi mưa lớn kéo dài, nước không thoát được, gây ngập úng kéo dài”, ông Huy cho biết.

Đầu tư thiếu đồng bộ

Bà Trần Thị Thanh Cẩm - Phó Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn phường có nhiều khu vực bị ngập nước nếu có mưa lớn, đó là tổ dân phố 3, 8 và 11 với hơn 33 hộ dân bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là, tại những khu vực này đang triển khai nhiều dự án, công trình xây dựng khiến hệ thống thoát nước bí. Vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề ngập úng trong nhà, vườn của người dân và các tuyến giao thông như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Cư Trinh, Phạm Gia Long... thì thành phố cần đầu tư các hệ thống thoát nước; đồng thời rà soát, kiểm tra các vị trí dễ bị ảnh hưởng khi có mưa lớn, bão lũ xảy ra để có giải pháp xử lý tình thế, cũng như phát huy hiệu quả lâu dài, giúp nhân dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi, trong các đợt mưa lũ vừa qua, một số tuyến đường ngập sâu trên 0,5m như đường Hùng Vương, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Công Phương, Bích Khê, Ngã 5 cũ, ngã tư Quang Trung - Hùng Vương, ngã tư Quang Trung-Nguyễn Nghiêm, khu vực xung quanh chợ Quảng Ngãi... Các điểm này bị ngập nặng trong thời gian dài, gây hư hỏng mặt đường, sụp lún vỉa hè, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Một số khu vực như trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khu IVB3 phường Trần Phú, tổ 6, 7, 11 phường Lê Hồng Phong, tổ 11 phường Nghĩa Chánh bị ngập sâu từ 0,6 - 1,0m làm hư hỏng cây cối, hoa màu, nhà cửa, tài sản, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống thoát nước ở một số tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp gây ách tắc dòng chảy. Một số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước như Bích Khê, Nguyễn Công Phương (đoạn từ Ngã 5 cũ - Ngã 5 mới), Nguyễn Chí Thanh. Trên một số tuyến đường cửa thu nước cấu tạo không hợp lý, không bảo đảm thu nước trên mặt đường xuống mương cống; vật cản trong lòng cống (cáp thông tin liên lạc, đường ống cấp nước...) làm ảnh hưởng khả năng thoát nước. Ngoài ra, việc san nền để thực hiện các dự án khu dân cư, công trình hạ tầng khác làm lấp các mương thoát nước hiện trạng và cản trở việc thoát nước tự nhiên.


 Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 

Cần có giải pháp xử lý căn cơ

Đó là nhận định của Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Quảng Ngãi Nguyễn Văn Nguyên đối với tình trạng ngập lụt xảy ra trên địa bàn TP.Quảng Ngãi trong thời gian qua. Theo ông Nguyên, TP.Quảng Ngãi đã phần nào hạn chế được tình trạng ngập lụt bằng cách lắp đặt máy bơm, lắp cửa cống ngăn nước ở những cống thoát nước, sử dụng van một chiều - nắp van tự đóng lại khi mực nước sông dâng cao; đồng thời, việc hình thành 2 hồ điều hòa cũng giúp điều tiết hệ thống thoát nước của thành phố tốt hơn.
 
- PV: Xin ông cho biết vì sao tình trạng ngập úng có xu hướng ngày càng trầm trọng?

Ông NGUYỄN VĂN NGUYÊN: Dù có xảy ra ngập ở một số điểm, có nơi kéo dài, tuy nhiên, việc ngập úng chỉ  xảy ra cục bộ, tức thời. Hiện 2 hồ điều hòa nhằm điều tiết nước mưa vẫn đảm bảo chứa nước tốt. Nhiều tuyến đường “vành đai” của thành phố như: Đinh Tiên Hoàng, Trường Chinh, bờ Nam sông Trà Khúc... đã trở thành những “van” điều tiết nước lũ, ngăn không cho nước tràn từ các con sông Trà Khúc, Bàu Giang tràn vào. Tuy nhiên, nhiều điểm ngập sâu có nguyên nhân do hệ thống thoát nước được đầu tư cách đây hơn 50 năm nên xuống cấp. Hơn nữa, nhiều khu dân cư, tuyến đường được xây dựng, nhưng chưa được đầu tư hệ thống thoát nước hoặc không đấu nối với hệ thống thoát nước chung, dẫn đến ngập cục bộ.
 
- PV: Hiện nay, TP. Quảng Ngãi vẫn chưa có quy hoạch cốt nền, trong khi phần quy hoạch này lại liên quan đến hệ thống thoát nước đô thị?

Ông NGUYỄN VĂN NGUYÊN: TP.Quảng Ngãi đúng là chưa có cốt nền chuẩn, khiến quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, trong đó ảnh hưởng đến việc thoát nước. Chính vì thế, bên cạnh việc xem xét lại quy hoạch cốt nền, thành phố cũng sẽ tính đến việc bố trí thêm các máy bơm kích đẩy ở một số điểm. Hiện nay, TP.Quảng Ngãi có hệ thống máy bơm đặt tại khu vực sông Trà Khúc. Nhưng trước tình hình mới, thành phố sẽ phải trang bị một hệ thống bơm nữa để đưa nước thoát nhanh ra sông Bàu Giang. Phương án này sẽ phải được tính toán kỹ. Tuy nhiên, để có một đô thị hiện đại và phát triển bền vững, chúng ta không thể không tính đến phương án này.

Trước mắt, để giải quyết tạm thời tình trạng ngập úng, UBND TP.Quảng Ngãi đã chỉ đạo đặt cống ở các khu vực khu dân cư. Song về lâu dài cần có giải pháp xử lý căn cơ để giải quyết tình trạng ngập úng. Đó là ưu tiên nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống thoát nước trên các tuyến đường. Thành phố cũng đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch cốt nền và thoát nước mưa cho các đô thị trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho việc từng bước nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố.
 


NG.TRIỀU (thực hiện)

 

 


.