Giải pháp nào để "cứu" những công trình nước sạch "chết yểu"

03:12, 18/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong tổng số 496 công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt được đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư lên đến 353 tỷ đồng, thì có đến 148 công trình “chết yểu”, 135 công trình hoạt động kém hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

Câu hỏi đặt ra hiện nay là lấy tiền ở đâu để “cứu” những công trình nước sạch này? Và ai phải chịu trách nhiệm cho hàng trăm tỷ đồng ngân sách đầu tư lãng phí?

Trách nhiệm do ai?

Để đảm bảo cuộc sống cho người dân những vùng thiếu nước sạch sinh hoạt, tỉnh đã phân cấp đầu tư hàng trăm công trình nước sạch, với mục tiêu giải quyết bài toán nước sạch cho người dân. Thế nhưng, sau khi đầu tư đưa vào sử dụng thì 2/3 trong tổng số các công trình, dự án nước sạch không phát huy hiệu quả, thậm chí còn để lại những hệ lụy.

Người dân ở khu tái định cư (TĐC) Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) được di chuyển về nơi ở mới sau khi nhường đất cho thủy điện Đắkđrinh. Một khu TĐC khá hoành tráng mọc lên giữa núi rừng, với đầy đủ cơ sở vật chất gồm nhà ở, đường đi, điện thắp sáng và hệ thống nước sạch. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn vào ở, người dân bắt đầu mệt mỏi với việc phải mua can nhựa đem lên núi xách nước về uống, dù hệ thống cung cấp nước sạch ngay trước nhà. Nguyên nhân là do hệ thống ống dẫn nước bị vỡ, vòi nước bị gỉ sắt...

Tương tự là công trình nước sạch Mang Đăng, xã Ba Vì (Ba Tơ) đầu tư với kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, cấp nước cho 1.781 hộ dân, được đưa vào sử dụng năm 2011, nhưng chỉ sau 1 năm, do  lũ quét, đường ống hư hỏng, đến năm 2013, tiếp tục bị lũ quét và hiện đang chờ được sửa chữa.

Công trình nước sạch xã Ba Bích (Ba Tơ) hư hỏng hoang hóa.
Công trình nước sạch xã Ba Bích (Ba Tơ) hư hỏng hoang hóa.


Hay như tại hai xã Ba Khâm và Ba Trang (Ba Tơ), là vùng đặc biệt khó khăn, trong đó câu chuyện nước sinh hoạt được đặt lên hàng đầu, nên hàng loạt dự án nước sạch được đầu tư xây dựng với số tiền cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, qua báo cáo của HĐND tỉnh sau giám sát, hầu hết các công trình nước sạch ở hai xã này đều trong tình trạng có đầu tư, nhưng không có nước hoặc có thì cũng không ổn định.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các công trình nước sạch không phát huy hiệu quả đều được đầu tư xây dựng và hoàn thành trước mùa mưa. Trong khi đó, việc khoan thăm dò nguồn nước được thực hiện từ mùa mưa năm trước và công tác giám sát thi công chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng công trình hoàn thành thì đầy nước, nhưng hè đến lại trơ đáy. Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản, dẫn đến  nhiều công trình nước sạch, nhưng... sạch nước.

Theo kết quả thanh tra mới đây cho thấy có 107 công trình sai phạm về khối lượng xây dựng với tổng số tiền hơn 1,66 tỷ đồng. Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo xử lý các sai phạm và biện pháp khắc phục đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Trong đó, quyết định thu hồi toàn bộ số tiền sai phạm nộp ngân sách; đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, UBND các xã và các đơn vị có liên quan, căn cứ thực trạng và hiện trạng quản lý, sử dụng làm cơ sở thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm sai phạm ở từng hạng mục, công trình để có hình thức xử lý cụ thể.

Lấy tiền đâu “cứu” công trình nước sạch

Hầu hết các công trình “chết yểu” có “nỗi niềm” riêng, trong đó có cả nguyên nhân từ thiên tai, mưa lũ. Nhưng một nguyên nhân cốt yếu để xảy ra lãng phí trong đầu tư công trình nước sạch là do quá trình lập, thẩm định dự án chưa chặt chẽ.

Không những thế, hầu hết các công trình bị hư hỏng, người dân phản ánh các cấp được phân quyền quản lý lại kêu ca không có tiền để sửa chữa. Rồi sau đó là đề xuất, kiến nghị phân bổ vốn về để “cứu” công trình. Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng có thể “cứu” được, mà có thể càng đổ tiền vào càng lãng phí.

Theo thống kê trong giai đoạn 2013-2015, số tiền phải bỏ ra để “cứu” những công trình hư hỏng lên đến hơn 25,5 tỷ đồng cho 91 công trình. Tuy nhiên nhiều công trình sau khi được bố trí vốn để khắc phục hư hỏng, nhưng sau đó vẫn không thể hoạt động lại như thiết kế ban đầu, hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Thực tế, các công trình nước sạch được đầu tư trong giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, việc phân cấp đầu tư và quản lý chưa được thực hiện đúng theo quy định. Đồng thời, phần lớn các dự án trước khi đầu tư không được lấy mẫu nước để thí nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, nhất là đối với các công trình nước tự chảy ở miền núi, vùng cao, nhiều công trình qua khảo sát, thiết kế khẳng định lượng nước cung cấp đủ cho số hộ dân theo thiết kế, nhưng khi hoạt động lại bị thiếu nước, nhất là trong mùa nắng. Hầu hết các công trình không có thiết kế cọc mốc dẫn tuyến, hành lang bảo vệ công trình, nên qua thời gian sử dụng bị đất đá vùi lấp, cây cỏ che khuất, không xác định được tuyến ống vận hành và sửa chữa khi đường ống gặp hư hỏng.
Để đảm bảo các công trình hoạt động trở lại theo thiết kế ban đầu của 211 công trình hư hỏng, các huyện, thành phố đề xuất số tiền lên đến gần 142 tỷ đồng. Trong đó, Tây Trà xin hỗ trợ 14,6 tỷ đồng để khắc phục 44 công trình; Ba Tơ 17,8 tỷ đồng khắc phục 29 công trình; Sơn Hà 13,7 tỷ để khắc phục 20 công trình; Sơn Tây xin 22,8 tỷ đồng để “cứu” 38 công trình... Một số tiền không hề nhỏ mà mục đích bỏ ra chỉ để “chữa bệnh” cho những “đứa con có sinh ra mà không có dưỡng”.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, dù có phân bổ vốn đầu tư, sửa chữa mà không được quản lý, vận hành tốt thì công trình sẽ lại hư hỏng, người dân thì vẫn thiếu nước sạch.
         

Bài, ảnh: L.Đ - P.D

"Lãng phí là do cơ chế quản lý, vận hành"

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Quảng Ngãi. Ông Minh cho rằng, vấn đề là huyện, xã làm chủ đầu tư rồi giao lại cho cấp dưới quản lý, nhưng thực tế thì chẳng một ai điều hành, duy tu bảo dưỡng.

-PV: Rất nhiều kỳ họp HĐND tỉnh, vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân luôn được đặt lên bàn nghị sự, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông LÊ VĂN MINH: Vấn đề là hàng trăm công trình nước sạch được đầu tư khá chất lượng, đảm bảo đúng quy định, nhưng khi đưa vào vận hành, sử dụng thì không ai bảo vệ, quản lý, nhất là ở các địa phương miền núi. Rồi người dân cứ nghĩ không có nước là do Trung tâm NS&VSMTNT đầu tư, trong khi hầu hết là các huyện, thành phố, xã, phường làm chủ đầu tư. Chúng tôi phải tham mưu giải trình, nhưng vừa qua Thanh tra tỉnh đã vào cuộc mới thấy rõ là trách nhiệm không phải của trung tâm.

-PV: Trung tâm có sẵn sàng đảm nhận hết các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh?

Ông LÊ VĂN MINH: Hiện nay, trung tâm chỉ vận hành, quản lý 7 công trình nước sạch, còn lại là của các địa phương. Trong khi theo lộ trình thì đến 2020 chúng tôi phải tự chủ. Để chúng tôi phát triển được mạng lưới cấp nước nông thôn hiệu quả, UBND tỉnh phải giao cho trung tâm thêm nhiều công trình nước sạch có quy mô từ 500 hộ dân trở lên để công ty vận hành. Bên cạnh đó, để các công trình cung cấp nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả, UBND huyện phải giao những công trình lớn và UBND tỉnh phân bổ vốn để chúng tôi sửa chữa và vận hành, đảm bảo sẽ hiệu quả và mở rộng thêm. Còn thực tế hiện nay, huyện nào cũng muốn xin vốn về tự sửa chữa hoặc giao cho trung tâm công trình đang “chết” mà không phân bổ vốn thì trung tâm không dám nhận.

-PV: Hầu hết các công trình cung cấp nước sạch không phát huy hiệu quả là ở miền núi, theo ông làm gì để công trình hoạt động hiệu quả?

Ông LÊ VĂN MINH: Các công trình này chủ yếu nhỏ lẻ và hầu hết do địa phương cấp xã, thôn quản lý. Để phát huy hiệu quả, các chủ đầu tư khi lập dự án phải có định hướng trong việc quản lý, vận hành. Đồng thời phải lập tổ quản lý thu tiền nước trong dân, dù số tiền không lớn, nhưng đó là nguồn kinh phí để khi công trình bị hư hỏng nhỏ thì khắc phục. Hầu hết công trình hư hỏng không phải quá khó, mà chủ yếu là hư hỏng nhỏ, nhưng không được sửa chữa kịp thời, bỏ hoang rồi hư hỏng nặng.                         
  

L.Đ

 



 


.