Dùng chung hạ tầng viễn thông: Lợi nhưng khó làm

06:12, 25/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên một đoạn đường chưa đầy 100m, nhưng có đến 3 trạm thu phát sóng của các doanh nghiệp viễn thông khác nhau, gây lãng phí chi phí đầu tư, mất mỹ quan đô thị. Thế nhưng, khi đề cập đến việc dùng chung hạ tầng, thì doanh nghiệp lại không mặn mà...

TIN LIÊN QUAN

Lợi cả đôi đường

Tốc độ phát triển thuê bao nhanh trong những năm trở lại đây buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải liên tục mở rộng vùng phủ sóng, lắp đặt thêm các trạm thu phát. Với tổng số 1,3 triệu thuê bao di động, 85.000 thuê bao internet băng rộng cố định, 160.000 đường dây thuê bao cố định trên địa bàn tỉnh như hiện nay, thì không chỉ các thành phố  mà cả khu vực nông thôn, đâu đâu cũng thấy lô nhô những cột, cần, trạm thu phát sóng.

Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, tại nhiều tuyến đường, dù cùng một vị trí, nhưng các đơn vị viễn thông lại cùng đào đường, rải cáp chằng chịt; trong cùng một KDC nhưng lại có nhiều tháp ăng ten cao vút mọc lên gây lãng phí, mất mỹ quan. “Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi có đến gần 150 trạm BTS, nhưng không có trạm nào dùng chung hạ tầng. Tại nhiều tuyến đường, dù chỉ cách nhau chưa đầy 100m, nhưng có đến 3 trạm BTS. Bởi vậy, nếu không bắt buộc doanh nghiệp dùng chung hạ tầng, thì chẳng mấy chốc, các tuyến phố, khu dân cư của thành phố sẽ tràn ngập trạm BTS và dây cáp”, ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin TP.Quảng Ngãi cho biết.

Mạnh ai nấy kéo đường dây thuê bao, khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Quảng Ngãi mất mỹ quan nghiêm trọng. Trong ảnh:  Dây cáp thuê bao giăng như tơ nhện tại đường Võ Thị Sáu, TP.Quảng Ngãi.
Mạnh ai nấy kéo đường dây thuê bao, khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Quảng Ngãi mất mỹ quan nghiêm trọng. Trong ảnh: Dây cáp thuê bao giăng như tơ nhện tại đường Võ Thị Sáu, TP.Quảng Ngãi.


Vậy là, nếu cứ để doanh nghiệp viễn thông mạnh ai nấy đầu tư hạ tầng viễn thông theo kiểu riêng lẻ, ồ ạt, thì đến năm 2020, khi số thuê bao điện thoại di động tỉnh dự báo sẽ lên đến 1,9 triệu thuê bao, đường dây thuê bao cố định sẽ lên 260.000 thuê bao,  thì số cột ăng ten thu phát sóng trên địa bàn tỉnh sẽ không dừng lại ở con số 1.061 cột ăng ten với gần 2.000 trạm BTS 3G và 2G như hiện nay.

Ông Trần Duy Linh - Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, phân tích: "Chi phí đầu tư một cột ăng ten của mạng di động cần khoảng 800 triệu - 1,2 tỷ đồng. Vậy là nếu như mỗi doanh nghiệp chịu bắt tay dùng chung, thay vì mạnh ai nấy xây dựng cột ăng ten cho riêng mình, thì có thể sẽ giảm được hàng tỷ đồng. Hơn nữa, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng còn nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ, tránh tình trạng công nghệ đầu tư chưa kịp khai thác hết đã bị lỗi thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và giải quyết được tình trạng mỹ quan thành phố trở nên lộn xộn do phải tốn nhiều diện tích trồng cột ăng ten, cột cáp, đào đường, rải cáp chằng chịt...".

Nhưng còn nhiều khúc mắc

Doanh nghiệp có nhiều lợi ích, nếu bắt tay dùng chung và trong quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định từ năm 2016 – 2020 phải nâng tỷ lệ dùng chung hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng di động lên 25-30%, dùng chung cống, bể, hạ tầng ngầm đạt 10 - 15%, dùng chung hạ tầng cột treo cáp lên 90%. Song, đến nay, hiện trạng sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá hạn chế, hình thức sử dụng chung chủ yếu hiện nay là hình thức doanh nghiệp viễn thông thuê lại hệ thống cột bên Điện lực để treo cáp viễn thông. Còn vấn đề sử dụng chung cơ sở hạ tầng cột ăng ten, cống, bể... giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau thì vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp.  

Ông Nguyễn Tài Vĩnh - Tổ trưởng Tổ viễn thông Mobifone Quảng Ngãi, cho rằng: “Dùng chung hạ tầng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và triển khai mạng lưới nhanh chóng hơn. Vì vậy Mobifone rất tích cực trong dùng chung hạ  tầng. Song, để có thể đi đến những thống nhất về đơn giá, về độ cao lắp đặt thiết bị... giữa hai đơn vị không phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa, khi đã dùng chung, thì mình phải phụ thuộc nhiều vào đối tác, nên cũng rất bất lợi.

Ví dụ khi dùng chung cột ăng ten, doanh nghiệp nào cũng muốn lắp đặt thiết bị ở vị trí cao hơn để tăng mức độ phủ sóng. Bởi vậy, rất khó đi đến thống nhất. Đồng thời, nếu lắp đặt quá nhiều thiết bị trên cùng một ăng ten thì lại không đảm bảo an toàn khi có gió mạnh cấp 11, 12 trở lên...”. Hiện, ngoài dùng chung cột ăng ten với VNPT, Viettel và Đài Truyền hình Dung Quất, Mobifone cũng đã dùng chung máy phát điện tại các nhà trạm ở địa bàn huyện Sơn Hà, Sơn Tây với VNPT để tiết kiệm kinh phí đầu tư.

Chia sẻ về tình hình dùng chung hạ tầng viễn thông của VNPT với các doanh nghiệp khác, ông Huỳnh Minh Vũ - Giám đốc Trung tâm điều hành thông tin VNPT Quảng Ngãi, cho biết: “Hiện VNPT chủ yếu trao đổi cáp quang với doanh nghiệp khác là chính, nhằm tăng cường an toàn mạng lưới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Còn các hạ tầng khác như trạm BTS, cống, bể... do yếu tố kỹ thuật của mỗi nhà mạng khác nhau, quy hoạch khác nhau và mỗi doanh nghiệp đều có một chiến lược phát triển mạng lưới riêng, nên rất khó dùng chung”. Hiện, trong tổng số 4.200 km chiều dài mạng cáp quang của VNPT (chỉ tính cáp quang truyền dẫn, không tính cáp quang cho thuê bao internet), VNPT mới chỉ trao đổi với Viettel được 210km tại 11 tuyến...

Cũng theo các doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay đó là tỉnh vẫn chưa có những quy định cụ thể, chi tiết về giá thuê hạ tầng viễn thông, cơ chế quản lý  hạ tầng dùng chung cho các doanh nghiệp áp dụng... dẫn đến việc để đảm bảo chất lượng và quyền lợi, nhiều doanh nghiệp khó chia sẻ hạ tầng riêng.


Bài, ảnh: Ý THU


 

Có định hướng, nhưng chưa có chế tài


Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Trường - Phó Giám đốc Sở TT&TT. Theo ông Trường, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72 về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật; trên cơ sở đó, Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 210 hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình kỹ thuật sử dụng chung.
 
Tuy nhiên, sau khi ban hành thông tư, các Bộ, ngành liên quan lại chưa có bất cứ văn bản quy định bắt buộc dùng chung hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, đây là vấn đề khó để bắt buộc các doanh nghiệp phải dùng chung, nên tỉnh chỉ có thể định hướng chứ chưa có cơ sở pháp lý để ràng buộc doanh nghiệp.

-PV: Thưa ông, tại sao hiện nay các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn băn khoăn, không mặn mà với việc dùng chung hạ tầng, dù việc dùng chung mang lại rất nhiều lợi ích?

Ông TRẦN THANH TRƯỜNG: Những bất cập trong vấn đề sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp, một phần do hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống cơ chế chính sách chưa đầy đủ từ cấp Trung ương tới địa phương, khiến các doanh nghiệp không có cơ sở để xác định được giá, cơ chế, nguyên tắc khi thuê hạ tầng, một phần do chưa có quy định nào mang tính bắt buộc doanh nghiệp phải dùng chung hạ tầng, nên để đảm bảo tính cạnh tranh, các doanh nghiệp rất ít khi dùng chung.  

-PV: Ông có thể cho biết những định hướng của tỉnh trong thời gian đến để nâng cao tỷ lệ dùng chung hạ tầng giữa các nhà mạng?

Ông TRẦN THANH TRƯỜNG: Để hướng tới dùng chung, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 322 về việc phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để yêu cầu các doanh nghiệp khi xây dựng cột ăng ten gần nhau phải dùng chung hạ tầng. Mới đây, Sở TT&TT và Sở Xây dựng đã ban hành hướng dẫn, bắt đầu từ 2017, đối với những cột ăng ten xây dựng trên mặt đất (loại cao trên 3m), doanh nghiệp phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tối thiểu cho 2 mạng viễn thông dùng chung mới được cấp phép xây dựng. Đồng thời, để đảm bảo cảnh quan đô thị, quy hoạch viễn thông thụ động cũng bắt buộc một số tuyến phố chính trong đô thị phải chuyển đổi cột ăng ten cao trên 3m sang loại cột ăng ten cao dưới 3m. Theo lộ trình, đến năm 2018, một số tuyến đường như Bà Triệu, Hùng Vương, Phạm Văn Đồng... bắt buộc phải hạ độ cao các ăng ten cao trên 3m xuống dưới 3m.

Y.T

 


 


.