Bảo hiểm nông nghiệp: Vẫn mãi thí điểm

10:10, 08/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, chương trình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên cây lúa, vật nuôi và thủy sản được triển khai thí điểm ở 20 tỉnh, thành phố. Sau 4 năm, BHNN vẫn cứ dừng lại ở việc thí điểm, khiến nhiều nông dân trong tỉnh băn khoăn...

TIN LIÊN QUAN

Nông dân mong

“Nếu có bảo hiểm cho cây lúa, tôi sẵn sàng mua đề phòng thiệt hại, mất mùa”, nông dân Võ Văn Nhiều, thôn Vùng Tư, xã Phổ Thuận (Đức Phổ) khẳng định. Mặc dù không lâm vào cảnh thất thu như nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, nhưng ông Nhiều vẫn không hài lòng với hiệu quả sản xuất của cây lúa trong nhiều năm qua.

Năng suất lúa bình quân hằng năm của ông Nhiều tuy đạt khá cao, với 60 tạ/ha nhưng cũng chỉ đủ bù chi phí sản xuất, chứ hiếm khi sinh lợi nhuận. Vì vậy, dù cả đời gắn bó với cây lúa, nhưng hy vọng duy nhất của ông Nhiều là lúa được mùa để... không phải mua gạo ăn! Xảy ra tình trạng trên, ngoài chi phí và hiệu quả “vênh” nhau, thì việc sản xuất phụ thuộc quá lớn vào điều kiện thời tiết. Thế mới có chuyện nông dân bị thất thu ngay thời điểm cứ ngỡ là chắc ăn nhất.

Là lĩnh vực có suất đầu tư lớn, lại khó kiểm soát quy trình sản xuất nên đơn vị bảo hiểm e ngại tham gia bảo hiềm nông nghiệp.
Là lĩnh vực có suất đầu tư lớn, lại khó kiểm soát quy trình sản xuất nên đơn vị bảo hiểm e ngại tham gia bảo hiềm nông nghiệp.


Trong khi người trồng lúa xác định “lấy công làm lời”, các hộ nuôi thủy sản lại rơi vào cảnh “được ăn cả, ngã về không”. Còn nhớ những năm 2000-2009, khi con tôm đang thời hoàng kim, nhiều hộ nuôi tôm nhanh chóng trở thành tỷ phú.

Thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức)-nơi được xem là “vựa” tôm của cả tỉnh ngày ấy luôn nhộn nhịp, sầm uất. Song, từ năm 2009 đến nay, dịch bệnh liên tục tìm đến con tôm, khiến nhiều tỷ phú năm nào trở thành... con nợ!

Ông Nguyễn Xuân Hóa, một trong những hộ nuôi tôm thành công nhất của xã Đức Phong chia sẻ: Không chỉ bị tác động của thiên tai, dịch hại, mà suất đầu tư cho con tôm quá lớn nên nuôi tôm được ví như... nghề đánh bạc! Do đó, “nếu được tham gia bảo hiểm thủy sản, người nuôi tôm như chúng tôi không phải rơi vào cảnh trắng tay khi gặp rủi ro”, ông Hóa bày tỏ.

“Nhà nước phải vào cuộc bằng chính sách bảo hiềm nông nghiệp công ích”
Các đơn vị bảo hiểm cũng là doanh nghiệp nên mục tiêu hàng đầu phải là lợi nhuận kinh doanh, còn nông dân cũng phải nhận thấy lợi ích rõ ràng của bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thì mới tham gia. Nếu hai đối tượng này cứ mãi “nhìn nhau” như thế thì không biết đến bao giờ, BHNN mới được thực thi. Đơn cử như lĩnh vực chăn nuôi. Dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, giá cả và đầu ra tương đối ổn định nhưng nếu tham gia BHNN, cả người dân và đơn vị bảo hiểm đều băn khoăn. Đó là điều kiện về quy mô, hiệu quả chăn nuôi như thế nào để đảm bảo tính rủi ro thấp nhất? Hay mức phí bảo hiểm và số tiền bồi thường được tính theo đơn giá thị trường hiện hành hay giá sàn?... Vì vậy, tuy ý nghĩa và thiết thực nhưng để BHNN đi vào cuộc sống, ngành chức năng cần phải nghiên cứu và xây dựng quy trình phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, phải xác định BHNN là loại hình bảo hiểm phi thương mại nên Nhà nước cũng phải có chính sách đầu tư thỏa đáng.
Ông VŨ NHÂN - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức.

Hiện nay, nhu cầu tham gia BHNN trên cây lúa, gia súc gia cầm và thủy sản của người dân trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Bởi, điều kiện sản xuất nông nghiệp bấp bênh, chi phí đầu tư lớn trong khi đầu ra thiếu ổn định nên người dân xác định: Tham gia BHNN cũng là một cách đầu tư. Khi gặp sự cố do thiên tai, dịch hại, bảo hiểm sẽ là “phao cứu sinh” giúp họ giảm gánh nặng thiệt hại, có cơ hội tái đầu tư. Dù thiết thực và ý nghĩa nhưng BHNN vẫn chưa được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Đơn vị liên quan không mặn mà?

Theo thống kê của Bộ Tài chính, sau thời gian triển khai thí điểm BHNN trên cây lúa, vật nuôi và thủy sản ở 20 tỉnh, thành phố, kết quả có hơn 304 nghìn hộ dân tham gia với tổng giá trị được bảo hiểm trên 7.700 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng. Số tiền bồi thường là gần 713 tỷ đồng.

Vì vậy, các đơn vị bảo hiểm phải bù lỗ 30-40%, dù đã được Nhà nước hỗ trợ... Những con số trên phản ánh khá rõ bức tranh “tối màu” của BHNN. Ông Ngô Văn Ban - Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Ngãi cho hay: BHNN góp phần chia sẻ khó khăn với nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, việc thực thi BHNN là vấn đề nan giải, vì đối tượng tác động quá rộng, nên rất khó kiểm soát. Đặc biệt, do hạn chế về trình độ chuyên môn, các đơn vị bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và kiểm soát quy trình sản xuất nông nghiệp.

Đơn cử như thủy sản, quy trình nuôi trồng rất phức tạp, suất đầu tư lớn nhưng thiên tai và dịch bệnh lại thường xuyên xảy ra nên đơn vị bảo hiểm lo bị... thua lỗ! Đó là chưa kể, đơn vị bảo hiểm không kiểm soát được kỹ thuật, mật độ, yếu tố tác động... đến quá trình nuôi trồng thủy sản nên rất dễ xảy ra tình trạng người dân trục lợi bảo hiểm!

Do đó, “Nhà nước cần phải xây dựng cụ thể, chi tiết các quy định, đơn vị thực hiện việc giám sát quy trình sản xuất của người dân, làm cơ sở để chi trả bảo hiểm khi xảy ra sự cố rủi ro”, ông Ban cho hay.

Một vấn đề khiến các đơn vị bảo hiểm quan tâm là nếu người dân sản xuất sai quy trình, thiệt hại xảy ra sẽ được xử lý như thế nào? Bởi, điều kiện canh tác và thổ nhưỡng khác nhau nên các đối tượng sẽ có những quy trình kỹ thuật sản xuất không giống nhau. Vì vậy, việc xác định thiệt hại và khung bồi thường sẽ dễ rơi vào tình trạng “kẻ cười người mếu”.

Do đó, để BHNN sớm được triển khai và đi vào cuộc sống, các đơn vị bảo hiểm cho rằng, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống bảo hiểm đồng bộ và áp dụng cho từng đối tượng, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm, ngành nông nghiệp tỉnh cần tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa và tập trung.

BHNN mang lại hiệu quả thiết thực. Tham gia BHNN cũng là xu thế tất yếu. Vì vậy, người dân mong muốn các ngành chức năng sớm tháo gỡ các vướng mắc để BHNN được triển khai rộng rãi, giúp họ giảm gánh nặng và yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

Chính sách phải được thực thi rộng rãi

 

“Muốn thu hút người dân và đơn vị doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), cần phải tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách quản lý BHNN cũng như quy trình kỹ thuật sản xuất”, đó là ý kiến của ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT.

-PV: Những vướng mắc trong chính sách quản lý BHNN hiện nay là gì, thưa ông?

Ông DƯƠNG VĂN TÔ: Sau 3 năm triển khai thí điểm BHNN ở 20 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm BHNN, gần 92% đối tượng tham gia là hộ nghèo và cận nghèo. Vì theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, khi tham gia BHNN, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí cho hộ nghèo; 80% cho hộ cận nghèo; 60% cho hộ thường và 20% cho các tổ chức. Đây là một bất cập, vì BHNN không phải là chính sách giảm nghèo. Do đó, chính sách hỗ trợ người tham gia BHNN cần phải được thực thi rộng rãi và công bằng cho tất cả các đối tượng không phải là hộ nghèo, cận nghèo như: Chủ trang trại, Hợp tác xã nông nghiệp...

-PV: BHNN sẽ dễ đi vào cuộc sống hơn nếu nông nghiệp tạo đột phá về hiệu quả và giá trị sản xuất. Ông có thể cho biết những giải pháp để thực hiện mục tiêu này?  

Ông DƯƠNG VĂN TÔ: Trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều này, ngoài việc bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng, ngành nông nghiệp cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong việc xây dựng, hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Có thị trường tiêu thụ ổn định, mới hình thành những vùng sản xuất lớn, mang tầm khu vực hoặc quốc gia.                  
                                           

M.H

 


 


.