Đừng để người dân "ngán" thủ tục

05:08, 08/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng nghìn hồ sơ, giấy tờ đất của công dân đang tồn đọng tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Thậm chí có nơi, dù hồ sơ đã hoàn thành nhưng công dân hơn chục năm vẫn chưa đến nhận. Vậy đâu là nguyên nhân?
 

 

Ông Đặng Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh:  Sở TN&MT cần kiên quyết kiểm tra có hay không tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây khó cho công dân, tạo cơ hội cho "cò" giấy tờ có đất làm ăn? Đồng thời, Sở TN&MT cần nghiên cứu, chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy sở hữu nhà gắn với tài sản trên đất, tránh tình trạng người dân kêu ca về tình trạng nhũng nhiễu trong lĩnh vực này. Phải chấm dứt ngay việc hồ sơ tồn đọng và cấp trễ cho dân.
Tách thửa: 2 tháng vẫn chưa xong

Theo báo cáo kết quả thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại địa bàn huyện Tư Nghĩa 6 tháng đầu năm 2016, tổng số hồ sơ đã giải quyết tiếp nhận trên địa bàn huyện Tư Nghĩa là 2.026 hồ sơ. Trong đó, 131 hồ sơ đã có kết quả, nhưng trễ hẹn.

Qua kiểm tra, rà soát, Văn phòng đăng ký đất đai (VP ĐKĐĐ) tỉnh cho biết, trong các tháng 1, 2 và 3.2016, hồ sơ tiếp nhận và hẹn trả kết quả tại bộ phận một cửa huyện Tư Nghĩa vẫn chưa đúng thời gian, kết quả xử lý hồ sơ trễ hẹn nhiều so với quy định.

Tại TP. Quảng Ngãi, tình trạng chậm trễ trong giải quyết hồ sơ của công dân là khá phổ biến. Tính đến thời điểm này, tổng số hồ sơ đang thụ lý là 720 hồ sơ, trong đó hồ sơ trễ hẹn khoảng 120 hồ sơ.
 
Ông N.V.T ngụ ở xã Tịnh An, nộp hồ sơ tách thửa tại VP ĐKĐĐ - Chi nhánh TP. Quảng Ngãi từ tháng 4.2016. Mặc dù theo quy trình của Sở TN&MT, thời gian hoàn tất thủ tục tách thửa không quá 23 ngày (trong đó có 3 ngày để trả kết quả cho công dân), nhưng sau 2 tháng, ông T vẫn chưa nhận được hồ sơ.

Lý giải tình trạng trên, ông Đỗ Minh Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng: Nguyên nhân khách quan khiến hồ sơ giải quyết chậm trễ là do một số địa phương, hệ thống hồ sơ địa chính chưa được đầu tư dạng số nên việc tra cứu, xử lý các kỹ thuật liên quan đến thửa đất gặp nhiều khó khăn. Còn nguyên nhân chủ quan là do tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ viên chức, lao động hợp đồng tại một số đơn vị chưa tốt.
 
Ngoài ra, cũng theo ông Hải, đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương do chưa có quy chế phối hợp xử lý hồ sơ, nên quy trình, thời gian xử lý từ cấp xã, phường, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố thường chậm trễ, gây phiền hà cho công dân.

Dân chưa đến nhận hay...?

Trong khi các địa phương khác, hồ sơ, giấy tờ đất của công dân giải quyết đến đâu trao trả đến đó, thì nghịch lý tại TP.Quảng Ngãi là hàng nghìn hồ sơ của công dân vẫn “neo” tại bộ phận một cửa của UBND thành phố. Tính đến ngày 4.8, tại đây còn tồn đọng 2.907 hồ sơ, dù tất cả đã hoàn tất các thủ tục cần thiết và chỉ chờ công dân đến nhận về.

 

 Văn phòng một cửa TP.Quảng Ngãi tiếp nhận rất nhiều hồ sơ trong ngày, nhưng khi hoàn thành, công dân lại không đến nhận hồ sơ.
Văn phòng một cửa TP.Quảng Ngãi tiếp nhận rất nhiều hồ sơ trong ngày, nhưng khi hoàn thành, công dân lại không đến nhận hồ sơ.


Trong số hàng nghìn bộ hồ sơ nằm trong tủ chứa hồ sơ thì có những bộ tồn từ năm 2005, 2006. Cá biệt, tại phường Quảng Phú còn 9 hồ sơ tồn từ năm 2005, phường Chánh Lộ có 85 hồ sơ tồn từ năm 2006...

Để xử lý đối với lượng lớn hồ sơ tồn đọng, Sở TN&MT và UBND TP. Quảng Ngãi đã chỉ đạo Văn phòng một cửa thành phố và Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh thành phố tổ chức trả kết quả cho công dân vào cả ngày thứ 7 (áp dụng từ ngày 25.6.2016) và yêu cầu các xã, phường thông báo đến người dân. Nhưng sau 4 ngày thứ 7 trao trả hồ sơ, chỉ có 188 hồ sơ, kể cả hồ sơ khai thuế có công dân đến nhận. Trong đó, công dân nhận 143 hồ sơ, còn địa chính xã, phường nhận 45 hồ sơ.

Theo lãnh đạo TP.Quảng Ngãi, mọi thủ tục trao trả hồ sơ đều được bộ phận một cửa tạo điều kiện hết mức để phục vụ công dân. Song, điểm qua trường hợp ông Bùi Kim Lâm, ngụ ở xã Nghĩa Dõng thì thủ tục cấp trả hồ sơ vẫn còn nhiêu khê.

Cụ thể, vào ngày 21.4.2016, ông nộp hồ sơ cấp đổi tại bộ phận một cửa và được hẹn trả kết quả vào ngày 13.5.2016. Song, đến ngày 16.5.2016, khi đến nhận kết quả theo giấy biên nhận thì được cán bộ tại đây... hẹn trả vào hôm sau. Đến ngày 24.6.2016, mặc dù đã trễ so với giấy hẹn nhận hồ sơ, nhưng khi đến nhận hồ sơ, ông được cán bộ phụ trách việc trao trả hồ sơ yêu cầu phải bốc số thứ tự. Do bốc số 72, trong khi buổi sáng việc trao trả, xử lý hồ sơ chỉ đến số 60, thế là ông Lâm phải ra về và buổi chiều lại lên chờ tới lượt để nhận hồ sơ.
 

Ông Đỗ Minh Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT: Kể cả khi có quy chế phối hợp thì Sở TN&MT cũng rất cần các địa phương thống nhất phối hợp, kiên quyết xử lý những cán bộ làm việc tắc trách để việc giải quyết hồ sơ đất đai cho công dân nhanh chóng. Tránh tình trạng những hồ sơ gửi về xã, phường, thị trấn chờ xác nhận, nhưng các cán bộ địa phương lại xử lý quá chậm.
Sẽ triển khai nhiều giải pháp cải cách

Trao trả hồ sơ chậm khiến công dân phải đi lại nhiều lần, tốn thời gian, công sức. Cùng với đó là thái độ chưa đúng mực của một số cán bộ phụ trách việc tiếp nhận, trao trả hồ sơ là một trong những nguyên nhân khiến người dân “ngại” khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai. Từ đó, họ phải nhờ “cò giấy tờ” hỗ trợ.

Thẳng thắn thừa nhận tình trạng trên, ông Đỗ Minh Hải-Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Hiện Sở đã quán triệt, nếu cán bộ thụ lý hồ sơ đất đai không giải quyết nhanh gọn cho công dân theo đúng thời gian quy định sẽ phải giải trình lý do. Đồng thời, đưa hiệu quả trong giải quyết công việc vào công tác đánh giá cán bộ. Ngoài ra, từ 1.7.2016, nếu hồ sơ nào chậm trễ thì VP ĐKĐĐ địa phương đó phải gửi giấy xin lỗi đến từng công dân.

Riêng đối với các địa phương tham gia dự án VLAP, đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Lý Sơn, thời gian đến, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông tiến hành xây dựng, vận hành hệ thống SMS để công dân thông qua tin nhắn cũng có thể biết được hồ sơ đất đai của mình đang nằm ở “vị trí” nào tại cơ quan giải quyết.

Đồng thời, để sự phối hợp giữa Sở TN&MT và các huyện, thành phố thống nhất, thông suốt, hiện Sở TN&MT đang hoàn thành quy chế phối hợp và chờ Sở Tư pháp thẩm định để đưa vào thực tiễn, nhằm tạo sự đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tránh tình trạng hồ sơ bị “ngâm” quá lâu ở các xã, phường, thị trấn và phòng chuyên môn của UBND các huyện, thành phố.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC -Ý THU

 

Sẽ chấn chỉnh nếu kiểm tra có tình trạng nhũng nhiễu

Ông Phạm Tấn Hoàng
Ông Phạm Tấn Hoàng

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng, liên quan đến việc một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục đất đai.

Ông Hoàng nói: "Đương nhiên cũng có một vài trường hợp gây khó dễ với công dân, chứ không phải không có. Tuy nhiên, hồ sơ khi hoàn thành, ghi trong giấy hẹn thì phải trả chứ không có chuyện “ém” hồ sơ của công dân. Chuyện dư luận bên ngoài thì đủ việc, nhưng hỏi chỉ rõ “cò” nào. Ai là “cò” thì không ai chỉ ra được. Dù vậy, thành phố sẽ phải chấn chỉnh để làm hài lòng công dân".

-PV: Ông có thể cho biết, vì sao đến thời điểm này vẫn tồn hàng nghìn hồ sơ của công dân, trong đó có nhiều hồ sơ từ năm 2006?

Ông Phạm Tấn Hoàng: Hồ sơ tồn đọng là do người dân tranh thủ ngày lễ, ngày nghỉ về làm và chưa cần, nên không lấy dẫn đến tồn. Ngoài ra, một số trường hợp do thuế cao nên họ không có tiền đóng. Hồ sơ có rồi thì làm sao có chuyện cán bộ dám “ém” của công dân. Chúng tôi đã có nhiều văn bản thông báo đến các xã, phường rồi, thậm chí trả hồ sơ vào ngày thứ 7, nhưng công dân không đến lấy thì thành phố cũng chịu.

-PV: Người dân cho rằng do một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, quá trình trả hồ sơ nhiêu khê nên người dân “ngại”?

Ông Phạm Tấn Hoàng: Vấn đề này UBND thành phố không phủ nhận. Đương nhiên cũng có một vài trường hợp nào đó, nhưng chúng tôi đã chấn chỉnh. Còn chuyện người dân đến nhận hồ sơ, nhưng cán bộ “ém” thì bây giờ mới nghe. Nếu kiểm tra mà có chuyện này, thành phố sẽ chấn chỉnh ngay. Tuy nhiên, đối với những tồn tại về hồ sơ, giấy tờ đất của công dân phải xem lại do thành phố quản lý hay Sở TN&MT quản lý. Bởi trách nhiệm của thành phố hiện tại chỉ cấp mới lần đầu và đăng ký chuyển mục đích đất có hoặc không xin phép. Còn lại tách thửa, nhập thửa là do Sở TN&MT thực hiện.

-PV: Sở TN&MT cho rằng, nguyên nhân là do quy chế phối hợp thực hiện chưa tốt?

Ông Phạm Tấn Hoàng: Hiện nay có nhiều thay đổi về con người và cấp quản lý. Do đó, phải thay đổi quy chế làm việc, để phân cấp rõ ràng. Cần ban hành quy chế phối hợp mới, thì mới có cơ sở để chấn chỉnh lại cách làm việc. Dù biết, một số địa phương cấp xã, phường xác nhận nguồn gốc đất còn chậm, nhưng thành phố vẫn chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” là quy chế phối hợp do đang vận hành theo cái cũ, nên khi ứng dụng vào phòng một cửa dẫn đến chậm. Đồng thời, hoạt động theo quy chế cũ, nên không xác định được khâu nào chậm để quy trách nhiệm.


LÊ ĐỨC - Ý THU
(thực hiện)

 


 


.