Để hoạt động thiện nguyện đi đúng đích

02:08, 03/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức hoạt động từ thiện xã hội đã góp phần tích cực vào việc an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện còn khá nhiều các hoạt động thiện nguyện mang tính tự phát, tự vận động, tự tổ chức cấp phát, chưa được quản lý chặt chẽ, gây nên những xáo trộn không đáng có trong cộng đồng dân cư.

TIN LIÊN QUAN

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có những chế tài, quy định rõ ràng về các hoạt động thiện nguyện, để hoạt động này giữ được tính nhân văn vốn có.

Những câu chuyện về lòng tử tế

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, câu chuyện về một đám tang được tổ chức bên lề đường, với sự chung tay của mọi người đã làm lay động cả cộng đồng, vì tính nhân văn của nó. Đó là trường hợp của cậu bé xấu số Trần Văn Thắng, 11 tuổi ở trọ cùng mẹ và anh trai tại phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) qua đời, vì bị chó dại cắn.

Chủ nhà trọ không cho tổ chức đám tang trong nhà, nên mẹ em đành xin phép địa phương tổ chức tang lễ cho Thắng ngay bên lề đường, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên đến tiền mua quan tài cũng không có. Một cá nhân hảo tâm đã vận động trên mạng xã hội facebook để quyên góp tiền tổ chức tang lễ cho gia đình và đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các cá nhân trong và ngoài tỉnh, để lo hậu sự cho Thắng .

 

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng quà cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng quà cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.


Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, chúng ta không khó bắt gặp những tài khoản cá nhân, nhóm đã đứng ra vận động sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm để giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn và đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Trên địa bàn tỉnh, những “địa chỉ đỏ” về lòng nhân ái ngày một nhiều hơn.

Trang cá nhân facebook của chị Huỳnh Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch phụ trách Hội Chữ thập đỏ huyện Mộ Đức có rất nhiều thông tin về những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện được chị kêu gọi ủng hộ.

“Là cán bộ Hội Chữ thập đỏ, tôi thường xuyên tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn để có thể giúp đỡ một cách thiết thực nhất. Để tạo được sự lan tỏa trong công tác từ thiện, tôi đã đưa thông tin về những người cần được giúp đỡ lên mạng xã hội để những cá nhân, tổ chức hảo tâm ở khắp nơi có thể biết đến và ủng hộ”, chị Trang bày tỏ.

Từ giữa năm 2015 đến nay, đã có trên 30 trường hợp được chị Trang vận động hỗ trợ, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, chị Trang còn kêu gọi, quyên góp các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thiếu nhi, người nghèo, gia đình chính sách nhân các dịp lễ, Tết hàng nghìn suất quà, trị giá trên 1 tỷ đồng.

Lợi dụng danh nghĩa từ thiện

Thiện nguyện là một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cao cả, không chỉ đem lại niềm vui cho người kém may mắn trong cuộc sống, mà còn mang ý nghĩa của tinh thần tương thân, tương ái. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, rất nhiều các hội, nhóm, tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện ở trong nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng hình thành ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu hoạt động tự phát, không đăng ký và chịu sự quản lý, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước hay tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật.

Chị Huỳnh Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mộ Đức trao hỗ trợ cho một gia đình được chị vận động quyên góp trên mạng xã hội.
Chị Huỳnh Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mộ Đức trao hỗ trợ cho một gia đình được chị vận động quyên góp trên mạng xã hội.


Để thành lập một tổ chức, một hội nhóm làm từ thiện không quá khó, nhất là khi các trang mạng xã hội được phát triển rộng rãi như hiện nay. Trên mạng, các cá nhân, tổ chức vô tư lập CLB từ thiện ảo, lập quỹ từ thiện để kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức rầm rộ các hoạt động đủ loại trên các trang xã hội như facebook, thậm chí có CLB mở website riêng. Chỉ cần một câu chuyện cảm động, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra hay một gia cảnh khốn khó... là sẽ có một vài cá nhân, tổ chức xã hội đứng lên kêu gọi hỗ trợ, kêu gọi quyên góp làm từ thiện.

Tuy nhiên, có không ít người lợi dụng việc quyên góp, nhằm tư lợi cá nhân. Không đâu xa, cuối năm 2015, nhiều người dân ở TP.Quảng Ngãi đã bị một nhóm người tự xưng là thành viên CLB tình nguyện và An sinh xã hội Việt Nam có trụ sở đóng tại tỉnh Hải Dương đến vận động tham gia vào CLB, với điều kiện phải đóng góp tiền và rủ thêm người khác tham gia, nhưng đây thực chất là hoạt động theo hình thức kinh doanh đa cấp. Những thành viên đó còn “mồi chài” rằng, với số tiền đóng góp sẽ giúp tăng thu nhập cho người tham gia theo cấp số nhân, và sẽ trích từ đó để làm từ thiện...

Điều đáng nói là CLB này không có tư cách pháp nhân, không có trụ sở, nhưng lại có tài khoản ngân hàng của cá nhân người sáng lập CLB, có website riêng và cả một trang facebook công khai với hàng nghìn thành viên...

Theo quy định, việc lập Quỹ từ thiện hoạt động liên tỉnh chỉ có Bộ trưởng Bộ Nội vụ mới có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Thế nhưng, dù không có giấy phép, CLB trên vẫn ngang nhiên hoạt động trên mạng, mở rộng địa bàn từ Hải Dương đến các tỉnh khác.

Việc tổ chức quỹ từ thiện bất hợp pháp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội. Không chỉ vậy, các hoạt động từ thiện tự phát tràn lan trên mạng xã hội cũng khiến cộng đồng hoang mang khi khó có thể xác định được tính chính xác của các thông tin về đối tượng cần hỗ trợ.

Nhiều tổ chức, cá nhân làm công tác từ thiện khi trao tặng quà không thông qua chính quyền địa phương sẽ dẫn đến việc cấp phát quà không đúng địa chỉ, đối tượng cần giúp đỡ, dẫn đến tâm lý so bì trong dân; một số tổ chức, cá nhân còn có biểu hiện lợi dụng việc làm từ thiện để tuyên truyền ngược những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

 

Cần có chế tài quản lý hoạt động từ thiện

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Sáu– Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, khi trao đổi với PV Báo Quảng Ngãi.

Ông Lê Văn Sáu cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh đã tiếp nhận hơn 10 tỷ đồng, để thực hiện hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo trong tỉnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ lớn như Chủ tịch nước Trần Đại Quang ủng hộ xây dựng 100 ngôi nhà (trị giá 5 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Tài chính TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng 10 nhà Đại đoàn kết; Câu lạc bộ Doanh nhân Quảng Ngãi tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ quà Tết 300 triệu đồng; Công ty CP Đường Quảng Ngãi hỗ trợ quà Tết và xây dựng nhà tình nghĩa 835 triệu đồng... cùng nhiều hoạt động hỗ trợ khám, chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí khác.

PV: Để các hoạt động từ thiện giữ vững tính chất nhân văn thì cần phải quản lý thế nào, thưa ông?
 
-Ông LÊ VĂN SÁU: Ở tỉnh ta đã từng có trường hợp một số cá nhân ngoài tỉnh lợi dụng việc huy động kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để trục lợi (Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phát hiện và ngăn chặn một số vụ việc trong những năm trước-PV). Chúng tôi cho rằng, các hội, đoàn thể khi có chủ trương huy động kinh phí, nên trực tiếp tổ chức thực hiện. Tuyệt đối không nên liên kết với bất cứ tổ chức, cá nhân nào, dù trong hay ngoài tỉnh, chỉ vì lý do mình không có người, không có điều kiện đi lại, hoặc không có thời gian để thực hiện. Đây là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn những trường hợp trục lợi cá nhân trong hoạt động từ thiện.


Trong các quy định của pháp luật, hiện nay tôi chưa thấy một quy định hay chế tài nào dành riêng để quản lý hoạt động từ thiện. Vì thế, để các tổ chức, CLB, hay các đoàn thể, cá nhân tham gia hoạt động từ thiện đảm bảo tính nhân văn, tránh lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm để vụ lợi, các cơ quan chức năng cần có những quy định, những chế tài xử lý đủ sức răn đe đối với những hành vi lợi dụng chương trình từ thiện quyên góp, để tư lợi bản thân. Nếu không, về lâu dài các hoạt động từ thiện, đặc biệt là từ thiện tự phát sẽ ngày một biến tướng, mất kiểm soát và trở thành hình thức lừa đảo.    

 


Bài, ảnh: VŨ YẾN

                                                              
 


.