Để đô thị Vạn Tường có bước đột phá mới

07:07, 03/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 20.6, Thường trực Tỉnh ủy có công văn đồng ý giao UBND huyện Bình Sơn và Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất lập Đề án nghiên cứu hình thành Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Bình Sơn tại Khu đô thị (KĐT) Vạn Tường. Đây được xem là giải pháp đột phá để Vạn Tường trở thành KĐT dịch vụ- thương mại- du lịch và công nghiệp phát triển như kỳ vọng.

TIN LIÊN QUAN

Chậm phát triển

Trong các KĐT trên địa bàn tỉnh, hiếm có KĐT nào thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận như KĐT Vạn Tường. Bởi lẽ, khi quy hoạch và hình thành KKT Dung Quất, với lợi thế sẵn có, Vạn Tường được chọn làm đô thị lõi của KKT. Theo quy hoạch, đô thị Vạn Tường nằm trong ranh giới của 5 xã: Bình Trị, Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú và Bình Phước với diện tích hơn 3.800ha.

Và bằng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi của UBND tỉnh kêu gọi đầu tư vào KĐT này, hạ tầng giao thông được xây dựng theo hướng hiện đại. Nhờ đó, cuối năm 2015, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết công nhận Vạn Tường là đô thị loại V (diện tích 650ha thuộc các thôn Vạn Tường, Thanh Thủy, Phước Thiện (Bình Hải) và thôn An Lộc, xã Bình Trị).

 

Tuyến đường trung tâm  khu đô thị Vạn Tường.                                ẢNH: PV
Tuyến đường trung tâm khu đô thị Vạn Tường. ẢNH: PV

Đến thời điểm này, 6 tiêu chuẩn về chức năng đô thị; quy mô dân số, mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; hệ thống công trình hạ tầng; kiến trúc, cảnh quan đô thị của Vạn Tường đạt tổng số 78,5/100 điểm. Đô thị Vạn Tường được xác định là đô thị trung tâm của KKT Dung Quất và là đô thị trung tâm cấp vùng của tỉnh...

Dù vậy, Vạn Tường phát triển chưa được như kỳ vọng. Điều này có thể được lý giải bởi nguyên nhân, khi mới thành lập, KKT Dung Quất được Chính phủ trực tiếp quản lý nên nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng dồi dào, có những cơ chế ưu đãi đặc biệt. Nhưng sau khi chuyển về cho tỉnh quản lý, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng có hạn nên cũng có tác động đến sự phát triển của KĐT Vạn Tường.
 

Cần nghiên cứu thận trọng và khoa học

“Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn thống nhất chủ trương đầu tư phát triển đô thị Vạn Tường trở thành thị trấn Vạn Tường, thị xã Vạn Tường, TP.Vạn Tường trong tương lai. Đối với việc hình thành Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Bình Sơn tại đô thị Vạn Tường cần nghiên cứu cụ thể, có cơ sở khoa học, thực tiễn và khả thi. Báo cáo việc hình thành Trung tâm, ngoài việc được thông qua tại Ban Thường vụ Huyện ủy, BCH Đảng bộ huyện, thì cần được lấy ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ, các phòng, ban và địa phương liên quan”.
Ông ĐỖ VĂN PHU - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn

Để Vạn Tường “sang trang”

“Ý tưởng” về việc xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Bình Sơn tại KĐT Vạn Tường được Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nêu ra trong buổi làm việc với KKT Dung Quất vào tháng 9.2015. Ngay sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và Thường trực Huyện ủy Bình Sơn thống nhất các vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu hình thành Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện tại KĐT Vạn Tường.

Tiếp đó, UBND tỉnh có công văn đề nghị Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương thực hiện, nhằm làm hạt nhân thúc đẩy đô thị tại đây. Ngày 20.6, Thường trực Tỉnh ủy có công văn đồng ý giao UBND huyện Bình Sơn và KKT Dung Quất lập Đề án nghiên cứu hình thành Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Bình Sơn tại KĐT Vạn Tường.

Trong quy hoạch phát triển, đô thị Vạn Tường sẽ xây dựng theo mô hình “Thành phố công nghiệp”, với cấu trúc không gian hướng biển, gắn liền với biển, khai thác cảnh quan dựa vào đặc điểm địa hình sinh thái dải ven biển và sinh thái đồng bằng, dọc hành lang giao thông ở phía Tây. Các cơ sở kinh tế kỹ thuật được phân bổ dựa trên yếu tố khai thác kinh tế biển, gắn với các khu du lịch nghỉ dưỡng, các đô thị ven biển và vùng sinh thái nông nghiệp. Theo BQL KKT Dung Quất, việc hình thành Trung tâm Chính trị - Hành chính cấp huyện tại KĐT Vạn Tường là phù hợp với xu thế hướng biển, chiến lược kinh tế biển.

Quá trình hình thành và phát triển đô thị Vạn Tường nói riêng và chuỗi đô thị trong KKT Dung Quất nói chung rất cần thu hút dân cư, công nhân và chuyên gia đến công tác tại đô thị Vạn Tường thông qua việc thành lập Trung tâm Chính trị - Hành chính cấp huyện tại đây. Trung tâm sẽ trở thành hạt nhân, là đầu tàu cho việc ổn định dân cư hiện trạng và phát triển, mở rộng quy mô dân cư đô thị, trở thành điểm nhấn của đô thị, là không gian kiến trúc cảnh quan chủ lực của KKT Dung Quất.

Đặc biệt, khi hình thành Trung tâm Chính trị - Hành chính cấp huyện sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan công quyền giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong KKT Dung Quất được thuận lợi hơn.


 NG.TRIỀU - L.ĐỨC

Nên quy hoạch mới lại KĐT Vạn Tường

 

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Kim Hiệu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, đã nói như vậy xoay quanh câu chuyện “dời đô” Trung tâm Chính trị- Hành chính huyện Bình Sơn từ thị trấn Châu Ổ về KĐT Vạn Tường.

TS.Nguyễn Kim Hiệu cho rằng, cái mới ở đây là mới về quy hoạch lại đô thị- dịch vụ- thương mại và công nghiệp, nhưng phải gắn liền với vấn đề xử lý môi trường, mảng xanh và cả con người. Một thành phố công nghiệp mà “đường ray và con tàu” không đồng bộ thì làm sao vận hành trơn tru được.

PV: Nguyên là lãnh đạo tỉnh, từng gắn bó với Dung Quất-Vạn Tường, ông đánh giá thế nào về ý tưởng đưa Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Bình Sơn về Vạn Tường?

TS.NGUYỄN KIM HIỆU: Ý tưởng “dời đô” từ Châu Ổ về Vạn Tường là một điều hết sức đúng đắn. Bởi điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng ở Vạn Tường khá đồng bộ, hội tụ đủ các yếu tố để đưa Vạn Tường trở thành đô thị lớn, hiện đại. Hiện có hai luồng tư tưởng về việc “dời đô”. Trong đó, thế hệ lớn tuổi muốn giữ trung tâm huyện lỵ ở lại Châu Ổ, bởi với họ, Châu Ổ là một phần máu thịt và họ đã đánh đổi xương máu cho vùng đất này, họ có nhiều hoài niệm về quê hương và đã ăn sâu vào tình cảm của họ. Còn lớp trẻ thì mong muốn, ủng hộ việc “dời đô”, bởi chuyển Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Bình Sơn về Vạn Tường sẽ tạo điều kiện cho vùng “đất lửa” phát triển, mang lại sức sống mới. Bản thân tôi ủng hộ ý tưởng “dời đô”, vì có như vậy mới phát huy hết được sức bật của KKT Dung Quất và tạo động lực cho cả khu Đông Bình Sơn cất cánh.

PV: Nếu ý tưởng trên trở thành hiện thực, theo ông Quảng Ngãi cần làm những gì?

TS.NGUYỄN KIM HIỆU: Yếu tố quan trọng nhất và là đích đến của thành phố công nghiệp là chúng ta phải xây dựng Vạn Tường đúng nghĩa là thành phố công nghiệp hiện đại của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tiên là rà soát lại quy hoạch của Vạn Tường hiện có, trên cơ sở đó chúng ta chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí là quy hoạch mới cho phù hợp với thực tế và cả tương lai. Từ quy hoạch chi tiết, tỉnh sẽ phân kỳ vốn để đầu tư từng hạng mục theo thiết kế của một đô thị công nghiệp hiện đại trong từng giai đoạn cụ thể và từng bước hoàn thiện về hạ tầng. Đồng thời, mời gọi nhà đầu tư vào để tăng thêm nguồn thu cũng như đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

PV: Xác định Vạn Tường trở thành đô thị công nghiệp hiện đại, vậy vấn đề môi trường phải xử lý ra sao khi mà hiện nay vấn đề này ở Dung Quất "chưa tốt"?

TS.NGUYỄN KIM HIỆU: Môi trường là điều kiện quan trọng nhất, quyết định nhất đối với thành phố công nghiệp. Thành phố công nghiệp mà ô nhiễm bụi, nước, không khí và đầy rác thải thì không phải là đô thị công nghiệp hiện đại, đô thị mới được. Các vấn đề như xử lý nước thải, rác thải, tăng mảng xanh... là những tiêu chí quan trọng tỉnh cần phải đưa vào trong quy hoạch TP.Vạn Tường. Phát triển công nghiệp nhưng phải đảm bảo môi trường. Gắn lợi ích phát triển kinh tế vào lợi ích xã hội, phải tạo ra được sự hài hòa cả trong phát triển công nghiệp lẫn bảo vệ môi trường.
   

N.T - L.Đ (thực hiện)

 




 


.