Làm gì để thăng hạng PCI?

08:06, 27/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là câu hỏi đặt ra cho “bài toán” thăng hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 và những năm tiếp theo của tỉnh Quảng Ngãi. Để qua đó tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút đầu tư và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với công tác quản lý, điều hành của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Sau lần bứt phá ngoạn mục vào năm 2013, khi chỉ số PCI của Quảng Ngãi tăng đến 20 bậc (đứng vị trí 7/63 tỉnh, thành cả nước), thì đến năm 2014 tỉnh ta tụt xuống vị trí 20/63 tỉnh, thành. Đến năm 2015, chúng ta lại leo lên vị trí thứ 15. Sự lên – xuống thất thường này cho thấy, chỉ số PCI của tỉnh thiếu sự ổn định, cần những giải pháp căn cơ để cải thiện.
 

Phải tháo gỡ tất cả những cản trở đối với doanh nghiệp”
Để cải thiện chỉ số PCI, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cần rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, DN. Phải chuyển từ việc quản lý cứng nhắc, sang phục vụ hỗ trợ DN. Chuyển từ việc Nhà nước quản lý mọi mặt sang kiến tạo và tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Năm nay, tỉnh chọn là năm cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Vấn đề đặt ra là mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi sở ngành phải tự soi xét lại việc gì không tốt, chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, đi ngược lại lợi ích của cả cộng đồng, gây cản trở, khó khăn cho nhà đầu tư thì phải kiên quyết loại bỏ. Sắp đến, trong 10 chỉ số thành phần PCI, chỉ số nào giảm điểm, giảm bậc mà liên quan đến cá nhân, tổ chức nào thì cá nhân, tổ chức ấy phải chịu trách nhiệm.
Đồng chí  LÊ VIẾT CHỮ - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Kết quả chưa như mong đợi

Không phủ nhận những thành quả tỉnh ta đạt được trong nỗ lực để tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư bằng các chỉ số thành phần trong hệ quy chế đánh giá chỉ số PCI. Song, những kết quả đạt được vẫn chưa làm hài lòng những gì lãnh đạo tỉnh và người dân mong muốn. PCI Quảng Ngãi năm 2015 có 5 chỉ số thành phần giảm so với năm 2014 gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Phân tích cụ thể, có nhiều nguyên nhân khiến các chỉ số trên giảm. Đơn cử là chi phí không chính thức. Doanh nghiệp (DN) phải tốn chi phí này (cả về tiền bạc, thời gian), bởi sự thiếu minh bạch và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ giải quyết thủ tục hành chính chưa cao. Hay chi phí về đất đai, không chỉ gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng mà còn có những “rào cản” khác khiến nhà đầu tư nản lòng...

Tháo gỡ từ đâu?

Mới đây, tại Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả PCI năm 2015 và giải pháp cho những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho rằng: Qua bảng điểm và vị thứ các chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2015 cho thấy, chỉ số PCI của Quảng Ngãi chưa ổn định, bền vững. Trong đó, nguyên nhân là một số đơn vị, sở, ngành chưa thật sự nghiêm túc trong việc thực hiện Quyết định 321 của UBND tỉnh. Việc thực hiện các thủ tục về đất đai, đền bù chưa thật sự quyết liệt, dẫn đến chậm trễ. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo. Nhiều địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc cải thiện chỉ số PCI. Các giải pháp về hỗ trợ phát triển thị trường lao động vẫn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng tốt theo cơ chế thị trường. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh chỉ là DN nhỏ và vừa, trình độ quản trị DN còn yếu nên gặp khó khăn trong việc ngân hàng thẩm định cho vay...

Do đó, Quảng Ngãi cần phải tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư và thực hiện có hiệu quả nhất đối với 11 giải pháp mà UBND tỉnh đã ban hành. Trong đó, các cơ quan, đơn vị cần phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ, xóa bỏ các cơ chế làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là, tập trung giải phóng mặt bằng, quy hoạch chi tiết về quỹ đất, đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước. Đồng thời, phải rút ngắn nhiều hơn nữa về thời gian, trong quá trình thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận về đất, đầu tư kinh doanh, giảm chi phí không chính thức, tổ chức đối thoại với DN, để kịp thời giải quyết rốt ráo những vướng mắc của DN.

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.  Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra tình hình triển khai các dự án ở KKT Dung Quất.
Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra tình hình triển khai các dự án ở KKT Dung Quất.


Ngoài ra, phải công khai minh bạch các thủ tục và giảm các đầu mối, thủ tục hành chính. Tăng cường công tác thanh tra công vụ để khắc phục những hành vi thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho DN và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Riêng hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, cần tạo điều kiện tốt nhất để DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trong quá trình đầu tư và tái đầu tư; có những chính sách ưu tiên trong việc giảm lãi suất cho vay, rút ngắn thời gian giải ngân. Đặc biệt, với các DN có kế hoạch sản xuất dài hạn và ổn định, tỉnh có thể đứng ra bảo lãnh cho DN vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để khắc phục và cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần PCI về tiếp cận đất đai của tỉnh năm 2016 và những năm tiếp theo, Sở tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đất đai, rà soát văn bản và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời các nội dung không còn phù hợp. Rà soát năng lực chuyên môn, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp của công chức, viên chức tại Sở để lựa chọn thay thế những người có đủ năng lực chuyên môn, trách nhiệm thực thi công vụ vào các vị trí thích hợp. Đồng thời, thực hiện cơ chế một cửa hiện đại tại Sở TN&MT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch các thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết công việc. Tham gia đối thoại trực tiếp với DN và chuyển công tác quản lý nhà nước về đất đai từ “quản lý theo mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hỗ trợ nhà đầu tư”.
Ông ĐỖ MINH HẢI - Phó Giám đốc Sở TN&MT.

PCI phải đặt trong mối tương quan với nhiều chỉ số khác


Ông Nguyễn Văn Hùng – Viện phó Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, chia sẻ kinh nghiệm của TP. Đà Nẵng khi 6 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI: TP. Đà Nẵng nhìn nhận PCI trong một mối tương quan với nhiều chỉ số khác như PAPI, chỉ số công nghệ thông tin...  vì thế những năm qua, các chỉ số của TP. Đà Nẵng mang tính ổn định. Cái quan trọng nhất của PCI là chúng ta đánh giá cảm nhận của DN. Sự cảm nhận này tốt hay không tốt phụ thuộc vào nhiều việc chúng ta thực thi. Báo cáo PCI phải khách quan chỉ ra được rằng, cơ quan nào, con người nào chưa tốt và phải công bố rộng rãi. Việc này có thể làm “mích lòng” một số sở, ngành nhưng sẽ cải thiện được kết quả. Nâng cao PCI, vấn đề quan trọng nhất là cần có sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo các sở, ngành; đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo cấp tỉnh với người thực thi công vụ trực tiếp giải quyết thủ tục cho người dân, DN.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chỉ số PCI Quảng Ngãi nằm trong thứ hạng khá là một tín hiệu khả quan so với nhiều tỉnh, thành phố khác và có xu hướng phát triển ổn định, lên nhóm tốt. Tuy nhiên, một số chỉ số giảm điểm, như chi phí không chính thức tăng lên (phổ biến ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước) là xu hướng đáng ngại, bởi nó biểu hiện có sự nhũng nhiễu của các cơ quan nhà nước.
Riêng việc nước ta gia nhập TPP, qua khảo sát của 152 DN Quảng Ngãi thì có đến 25% DN tư nhân của tỉnh không biết gì về TPP; 49% chỉ nghe nói, không biết gì sâu, 23% có tìm hiểu sơ sơ và 3% hiểu tương đối tốt. Đây là tỷ lệ quá kém. Song dù hiểu biết không nhiều, nhưng mức độ DN ủng hộ Việt Nam gia nhập TPP là rất cao. Khuyến nghị của chúng tôi là tỉnh cần dành nguồn lực trang bị thông tin về hội nhập, tham gia các hiệp định cho DN. Bên cạnh đó, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hành chính... để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN.

 


Bài, ảnh: P. DANH-L. ĐỨC



 


.