Số hóa truyền hình mặt đất: Lộ trình còn nhiều thách thức

03:04, 17/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo đề án số hóa truyền dẫn và phát sóng truyền hình mặt đất, từ nay đến năm 2018 Quảng Ngãi sẽ chuyển từ truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang truyền hình số mặt đất. Vì vậy, nếu người dân không mua đầu thu truyền hình số DVB - T2 hoặc tivi có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB - T2 thì sẽ không thu được tín hiệu truyền hình.
 

“Doanh nghiệp đã chuẩn bị, nhưng chưa đủ”

Theo kế hoạch triển khai đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Năm 2016, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng phải hoàn thành hạ tầng truyền dẫn phát sóng tại tỉnh. Nhưng hiện tại, ngoài những doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng analog đã đầu tư một phần hạ tầng thì Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh miền Trung nằm trong nhóm III nói chung (trừ Đà Nẵng được Ban chỉ đạo đề án số hóa giao cho VTV phát sóng số) vẫn chưa hình thành công ty về truyền dẫn phát sóng. Vì vậy, tỉnh vẫn đang chờ công ty về truyền dẫn phát sóng khu vực miền Trung hình thành rồi mới có thể xây dựng kế hoạch tổng thể, đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng bù sóng tại các vùng lõm sóng".
Ông TRẦN THANH TRƯỜNG - Phó Giám đốc Sở TT & TT.

Nhiều lợi ích...

Hiện nay, chỉ có một số kênh truyền hình như VTV, VTC... được phát sóng toàn quốc, còn các đài địa phương chỉ phát sóng giới hạn tại tỉnh. Vì vậy, với truyền hình analog, người dân có rất ít kênh để lựa chọn và hầu như phải lệ thuộc vào nhà đài. Còn khi chuyển qua truyền hình số với công nghệ DVB -T2, số lượng kênh sẽ tăng lên đáng kể và chất lượng truyền hình cũng cao hơn hẳn, loại bỏ hoàn toàn hiện tượng nhiễu do máy vi tính, đèn neon, sấm sét... Vì vậy, ngưng phát sóng truyền hình analog, chuyển hẳn sang truyền hình số mặt đất là một hướng đi tất yếu, đảm bảo lợi ích cho người dân.

Ngoài ra, khi thực hiện số hóa truyền hình, hai khâu sản xuất chương trình và truyền dẫn, phát sóng sẽ được tách biệt. Lúc đó, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi sẽ ngưng phát sóng analog và tập trung nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất chương trình truyền hình. Chương trình của đài truyền hình địa phương sẽ được phát sóng trên hạ tầng của doanh nghiệp truyền dẫn. Do vậy, mỗi hạ tầng truyền dẫn phát sóng sẽ tích hợp được rất nhiều kênh chương trình của đài Trung ương và các tỉnh thành khác. Chính điều này sẽ giúp người dân trên địa bàn tỉnh không chỉ xem được kênh truyền hình tỉnh mà còn có thể xem được các kênh truyền hình của các tỉnh khác trong  khu vực.

Ngoài đảm bảo lợi ích cho người dân, quá trình số hóa truyền hình mặt đất, sẽ giúp Nhà nước giải phóng một phần băng tần đang sử dụng. Đây là nguồn tài nguyên tần số quan trọng để triển khai các dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng mới.

Nhưng thách thức cũng song hành

Theo đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ngãi nằm trong số 18 tỉnh, thành nhóm 3 sẽ chấm dứt việc phát sóng truyền hình tương tự (analog), chuyển sang phát sóng truyền hình số từ ngày 31.12.2018.

Vậy nên từ nay đến năm 2018, tỉnh phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để thực hiện phát sóng kênh truyền hình Quảng Ngãi bằng công nghệ số; đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất phải chiếm 70% trong các phương thức truyền hình số.

 Người dân sẽ phải mua tivi thế hệ mới có gắn logo biểu trưng của truyền hình số mới xem được truyền hình.
Người dân sẽ phải mua tivi thế hệ mới có gắn logo biểu trưng của truyền hình số mới xem được truyền hình.


Điều đó đồng nghĩa với việc, đến năm 2018, sóng truyền hình analog sẽ bị "khai tử" hoàn toàn. Người dân sẽ không xem được truyền hình nếu như không mua tivi thế hệ mới có tích hợp sẵn bộ thu sóng DVB – T2 hoặc đầu thu kỹ thuật số mặt đất. Đây là thách thức lớn nhất đối với lộ trình số hóa truyền hình mặt đất của tỉnh. Bởi giá của mỗi đầu thu dao động từ 400 – 500 nghìn đồng. Giá tivi tích hợp sẵn bộ thu sóng DVB – T2 cũng không hề rẻ. Kinh phí đổi cũ, thay mới này sẽ là vấn đề nan giải đối với các gia đình nghèo, cận nghèo, có thu nhập thấp.

Chưa kể, mỗi nhà có thể có hơn một tivi, với truyền hình cáp analog một sợi cáp có thể dùng chung nhiều tivi nhưng với truyền hình kỹ thuật số, mỗi tivi phải dùng một đầu thu. Ngoài ra, số lượng kênh mà người dân được xem miễn phí cũng chỉ giới hạn trong các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Trung ương và địa phương. Còn lại, nếu muốn xem nhiều hơn, người dân phải trả tiền. Vậy nên, giải pháp để tất cả người dân đều được thụ hưởng truyền hình số chất lượng cao cũng là một vấn đề cần được bàn bạc kỹ lưỡng.

Hơn nữa, theo đúng lộ trình, thì 5 thành phố thuộc nhóm 1 là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng phải kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình analog mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31.12.2015. Nhưng hiện tại, chỉ có Đà Nẵng thực hiện đúng lộ trình. Bốn thành phố còn lại đều đang xin gia hạn thời gian. “Tất cả các thành phố lớn nói trên đều nằm ở khu vực đồng bằng, dân cư tập trung. Trong khi đó, địa hình của tỉnh ta khá dàn trải, có cả khu vực đồng bằng, miền núi và hải đảo. Các vùng lõm sóng trải đều khắp các huyện. Vì vậy số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các khu vực lõm sóng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn”, ông Trần Thanh Trường - Phó Giám đốc Sở TT & TT nhận định.
 

*Người dân băn khoăn

Trong khi Nhà nước, người làm truyền hình đang rất hào hứng với đề án số hóa thì người xem truyền hình lại khá băn khoăn, khi để xem được truyền hình, người dân phải mua sắm đầu thu truyền hình số DVB-T2 hoặc tivi có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2...

Ông Nguyễn Văn ở Đức Hòa (Mộ Đức) cho biết: Tôi làm xong đồng áng cũng tối mịt rồi. Về nhà xem chút thời sự rồi đi ngủ. Vậy nên nếu phải mua tivi mới hoặc mua đầu thu mới xem được truyền hình, thì tôi xem bấy nhiêu kênh như hiện nay cũng được rồi.

Đồng thời, người dân cũng băn khoăn trong lựa chọn đầu thu DVB – T2. “Tôi mong Nhà nước sẽ hướng dẫn và cung cấp cho người dân chúng tôi những thương hiệu, địa chỉ uy tín bán đầu thu chất lượng để chúng tôi có thể yên tâm hơn khi tìm mua”, ông Nguyễn Năm (thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn) cho biết.q

*“Sẽ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo”, liệu đã đủ?

Theo đề án đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ trích kinh phí từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mua đầu thu truyền hình số. Tuy nhiên, đối với những gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng lại chưa đến mức được công nhận là hộ nghèo hay cận nghèo, việc phải tự bỏ ra kinh phí để mua tivi mới, hoặc mua đầu thu cũng là một vấn đề nan giải.

Ông Trần Ngọc Thương, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh chia sẻ: Tôi không thuộc diện hộ nghèo, hay cận nghèo. Nhưng tôi chỉ là nhân viên bảo vệ cho hợp tác xã,  lương mỗi tháng 1,5 triệu đồng nên mọi chi tiêu đều phải dè xẻn. Cái ti vi đang xem cũng là do người ta cho và đã lỗi thời lắm rồi, nhưng tôi vẫn rất quý vì đó là phương tiện giải trí duy nhất của tôi. Vậy mà giờ phải mua đầu thu mới xem được ti vi, tôi không mua nổi”.

 

Bài, ảnh: Ý THU





 


.