Nói và hành động

04:04, 14/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, thu hút được sự quan tâm, theo dõi đặc biệt của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong và ngoài tỉnh.

Sự kiện này thể hiện sự nhất quán giữa “nói và hành động” của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Chia sẻ với chúng tôi, cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều cho rằng, đây là một trong những giải pháp để thực hiện có hiệu quả nội dung chủ đề năm 2016 của tỉnh là “Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư".
 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ:
Tôi mong được tiếp nhận nhiều thông tin hiến kế của nhân dân; các phản ánh, kiến nghị, góp ý trung thực, chính xác của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức và công dân... Mục đích là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và giám sát việc thực thi công vụ của CB, CCVC; xây dựng môi trường đầu tư năng động, minh bạch, bình đẳng; bộ máy hành chính thân thiện, trách nhiệm, phục vụ nhân dân...


Điện thoại, địa chỉ thư điện tử của đồng chí Lê Viết chữ:
- DĐ: 0913.470.093
- Cơ quan: 055.3822879
 Địa chỉ thư điện tử: vchu@quangngai.gov.vn hoặc: levietchu@gmail.com

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng:
Ngoài thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2016 của tỉnh, đây còn là giải pháp nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong làm việc của CB, CCVC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước; kịp thời tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của tổ chức, công dân... UBND tỉnh cam kết bảo mật thông tin nếu được đề nghị.


Điện thoại, địa chỉ thư điện tử tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân  gửi  đồng chí Trần Ngọc Căng:
-DĐ: 0913427769 (ông Lê Minh Huấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh
- DĐ: 0983.949020 (ông Nguyễn Văn Huy, Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh.
Địa chỉ thư điện tử:  tiepnhanphananh@quangngai.gov.v

Việc làm cần thiết

Đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, việc lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân... không phải là cách làm mới, vì nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã làm. Nhưng với tỉnh ta thì đây là việc làm mới và rất cần thiết, khi trong năm 2016 này tỉnh ta chọn chủ để “Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư”. Đây cũng là dấu ấn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Đảng viên Nguyễn Khắc Quế, ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) tỏ ra phấn khởi khi biết việc lãnh đạo tỉnh công bố số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để dân liên lạc. Ông Quế phân tích, sự cần thiết của việc làm trên thể hiện ở chỗ, trong quá trình truyền đạt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhiều lần đề cập: “...Vẫn còn một bộ phận không nhỏ CB, CCVC tham nhũng vặt, quan liêu, sách nhiễu, làm khó dân, tổ chức và doanh nghiệp khi đến cơ quan hành chính liên lạc công việc...”. Những hành vi này của CB, CCVC nếu có lập đoàn thanh tra, kiểm tra thì cũng rất khó phát hiện; mà để tồn tại lâu dài thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. Vì vậy, việc lãnh đạo công khai địa chỉ tiếp nhận thông tin sẽ là kênh thông tin hữu hiệu để có thể “bắt những con sâu, mối mọt” trong bộ máy cơ quan hành chính.

Người dân xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) phản ánh, xe tải chở vật liệu thi công công trình gây ô nhiễm môi trường, vượt ẩu.
Người dân xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) phản ánh, xe tải chở vật liệu thi công công trình gây ô nhiễm môi trường, vượt ẩu.


Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm- Nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Ngãi cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Lâm nói: Không phải bây giờ mà nhiều năm trước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương trong cả nước cũng đã từng công khai số điện thoại, địa chỉ email để tiếp nhận ý kiến đa chiều từ người dân. Nhưng trong thực tế thì chưa tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi như trong thời gian qua. Ở tỉnh ta, cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh cùng công bố số điện thoại “đường dây nóng”, đồng thời cam kết giải quyết kịp thời những phản ánh của các tổ chức, cá nhân là đã trao thêm cho người dân quyền được nói, được phản ánh, tiếp nhận thông tin từ những đồng chí lãnh đạo cao nhất, dù sự việc đó không phải ở tầm vĩ mô. Một khi lãnh đạo có quyết tâm lắng nghe và thực hiện, sửa chữa, xử lý thì không cớ gì người dân không phản ánh những thông tin có giá trị cho lãnh đạo.

Công khai kết quả xử lý những phản ánh của dân

Ông Lê Minh Huấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của dân và các tổ chức, doanh nghiệp, cho biết: Đây được coi là kênh tiếp nhận thông tin từ cơ sở nhanh nhất. Một số sự việc dân phản ánh tuy nhỏ, nhưng rất có ích đối với các đồng chí đứng đầu tỉnh, vì nếu không kịp thời xử lý thì dễ phát sinh những điểm nóng không cần thiết. Văn phòng UBND tỉnh đã có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét, xử lý và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh một số vấn đề nhân dân phản ánh, như: CB, CC đang công tác ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) chưa được nhận tiền lương tăng thêm theo Nghị định 17/CP; hay như phản ánh xe tải các đơn vị thi công các công trình trên địa bàn xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vượt ẩu, gây ô nhiễm môi trường... Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi có hai vấn đề mà công dân phản ánh là việc Công an TP.Quảng Ngãi xử phạt vi phạm giao thông không đúng quy định và đề nghị xem xét lại việc tuyển dụng giáo viên năm 2015 do UBND TP.Quảng Ngãi tổ chức...

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Tạ Công Dũng, người dân tổ 14, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) còn băn khoăn về hiệu quả của việc làm trên: Cái người dân chúng tôi cần khi cung cấp thông tin là muốn sớm nhận được kết quả xử lý của lãnh đạo tỉnh. Vì nếu làm như hiện nay, khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo tỉnh chuyển xuống cơ sở để xem xét trả lời mà không ấn định thời gian cụ thể thì dân cũng sẽ phải chờ đợi. Mà một khi như thế thì khó có thể tạo niềm tin để dân kịp thời phản ánh những khuất tất của một bộ phận cán bộ. Ông Dũng cũng đề nghị, dân bây giờ cần ở cán bộ là “nói và hành động” phải đi đôi với nhau. Vì vậy, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, công khai kết quả xử lý rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì người dân mới tự tin cung cấp thông tin.
 

Gần dân, hiểu dân thì mới phục vụ tốt cho dânĐó là chia sẻ của ông Từ Tân Vũ- nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh. Ông Vũ cho rằng, từ năm 2000 trở về trước, các phương tiện liên lạc hiện đại còn chưa phổ biến.  Khi ấy, việc nắm bắt thông tin chủ yếu là từ các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân hay những hội nghị tiếp xúc cử tri. Việc tiếp xúc dân cũng có nhiều cách, như gặp gỡ từng người, nhiều người hay từng nhóm đối tượng. Khi ấy, lãnh đạo nắm bắt được tâm tư, suy nghĩ, mong muốn của người dân ở những tầng lớp khác nhau, qua các kênh khác nhau. Mặc dù vậy, lượng thông tin không nhiều, không đa dạng, đa chiều.
 
Bây giờ, ngoài tiếp dân theo các cách trên, thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều có thể “gặp” tất cả các tầng lớp người dân trong tỉnh để nghe góp ý thông qua số điện thoại, thư điện tử. Điều này giúp lãnh đạo tỉnh xử lý rốt ráo, trực tiếp và tức thời những vấn đề bức xúc của nhân dân.

PV: Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo phải là người đưa ra định hướng, tầm nhìn và quyết định những vấn đề ở tầm vĩ mô, còn giải quyết những sự việc được phản ánh qua đường dây nóng chỉ là chuyện “vụn vặt”? Ông có suy nghĩ gì về quan điểm này?

Ông TỪ TÂN VŨ: Lãnh đạo tỉnh tất nhiên phải là người đưa ra định hướng, tầm nhìn và quyết định những vấn đề ở tầm vĩ mô cho địa phương. Nhưng nếu chỉ như vậy mà không quan tâm đến những vấn đề cốt lõi, thiết thực nhất, gần gũi nhất với nhân dân thì người lãnh đạo khó tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Công bố số điện thoại, cung cấp địa chỉ thư điện tử để nhận phản hồi của dân cho thấy các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta đang thật sự gần dân. Đó cũng là cách nhanh nhất để tiếp cận giải quyết những vấn đề nảy sinh trong xã hội, trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Điều đó cũng cho thấy những vấn đề bức xúc trong xã hội, những vấn đề người dân quan tâm luôn được lãnh đạo ưu tiên giải quyết, vì chỉ có gần dân, hiểu dân thì mới phục vụ tốt cho nhân dân.

 

P.ĐỨC- P.TRIỀU




 


.