Minh bạch tài sản, thu nhập của CBCC: Có phòng, chống được tham nhũng?

02:12, 19/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập ở Quảng Ngãi ngày càng được thực hiện một cách nghiêm túc, nền nếp, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thế nhưng, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức (CBCC) vẫn còn hạn chế, bất cập. Do đó, hiệu quả phòng ngừa tham nhũng thông qua việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Hiện nay, nước ta đã ban hành Luật phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN); trong đó quy định nhiều biện pháp nhằm hướng tới và từng bước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện Luật PCTN năm 2005 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành chi tiết các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập kịp thời. Đặc biệt, ngày 3.1.2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

 Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong 2 năm 2013 - 2014.
Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong 2 năm 2013 - 2014.


Ở tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 12.3.2014 tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai Chỉ thị số 33. Tỉnh ủy cũng đã tổ chức 2 Hội nghị cấp tỉnh quán triệt Chỉ thị 33; Nghị định 78 và Thông tư 08 và Kế hoạch 97 cho cán bộ chủ chốt của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch PCTN, lãng phí hằng năm và nhiều công văn, kế hoạch đôn đốc việc thực hiện các quy định về minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập.

Trong 2 năm (2013 - 2014), các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã ban hành 20 văn bản và chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã ban hành tổng cộng trên 150 văn bản chỉ đạo triển khai công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập ở cấp mình, ngành mình. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và giao cho bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục kê khai, công khai, quản lý bản kê khai, tự kiểm tra, báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định.
 

Chỉ có 20 người chưa kê khai

Đây là những người do bị bệnh điều trị lâu dài tại các bệnh viện ngoài tỉnh hoặc đang bị tạm giam. Ngoài ra, huyện Tây Trà có 9 người, huyện Bình Sơn có 1 người không kê khai trong thời hạn quy định, nhưng UBND các huyện này không báo cáo rõ lý do và hình thức xử lý.

Nghiêm túc trong kê khai

Theo thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 67 đầu mối tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập. Trong năm 2014, số người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập là 9.057 người; trong đó, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 9.037 người (chiếm 99,8%).

Sau khi có kết quả kê khai tài sản, thu nhập, 21 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan đang làm việc và các phòng, ban đơn vị trực thuộc của cơ quan mình; 45 cơ quan, tổ chức, đơn vị lựa chọn công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp. Theo báo cáo của các đơn vị, sau khi thực hiện công khai không có thông tin phản ánh nào về nội dung của các bản kê khai và không có trường hợp nào phải xác minh, kết luận và xử lý trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập năm 2014.

Theo đánh giá của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong 2 năm 2013 - 2014, hầu hết các đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đều thực hiện đầy đủ, đúng quy định, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai bản kê khai tài sản bằng nhiều hình thức, đảm bảo theo quy định của pháp luật; chưa có trường hợp nào bị xử lý do vi phạm về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

...nhưng còn bất cập

Mặc dù Luật PCTN và các văn bản thi hành khá chi tiết, nhưng hiện nay, các quy định này vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc phát hiện tham nhũng, vi phạm thông qua quá trình kê khai thu nhập, tài sản là rất khó khăn. Trên thực tế, mức lương của CBCC Nhà nước khó có thể đáp ứng được cuộc sống. Thế nhưng, vẫn có không ít người sở hữu nhiều đất đai, nhà cửa, sắm được xe ô tô sang trọng... Vậy mà, trong quá trình minh bạch, kê khai tài sản lại không thể phát hiện được vi phạm của những đối tượng này.

Theo quy định, người phải kê khai tài sản không bắt buộc giải trình các tài sản đó. Luật PCTN sửa đổi năm 2012 có quy định về giải trình tài sản tăng thêm. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho người kê khai bổ sung, còn người kê khai lần đầu nếu tài sản có giá trị lớn như thế nào cũng không phải giải trình. Đây là “lỗ hổng” lớn trong công tác minh bạch tài sản của từng cá nhân.

Bên cạnh đó, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá rộng dẫn đến khó quản lý, khó kiểm soát và khai thác, sử dụng các dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai cho công tác PCTN. Hơn nữa, việc mở rộng các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cũng dẫn đến sức ép về năng lực tổ chức thực hiện cho cơ quan có thẩm quyền và dẫn đến tính hình thức trong việc thực hiện các biện pháp này. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy định về cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và rộng hơn là cơ chế kiểm soát thu nhập trong xã hội nói chung nên khó phát hiện nguy cơ tham nhũng, nhất là nhóm có chức vụ, quyền hạn.

*Ông Phạm Xuân Duệ - Phó Chánh Thanh tra tỉnh: “Nên thống nhất quy định công khai bản kê khai của đảng viên”
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, quá trình kê khai, công khai và tổng hợp báo cáo công tác minh bạch tài sản, thu nhập ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế. Hầu như các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý được vụ tham nhũng nào từ những số liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập của CBCC. Hiện nay, việc công khai bản kê khai đối với đảng viên còn có sự chưa thống nhất giữa hướng dẫn của Đảng so với Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Thanh tra Chính phủ. Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất, thì Trung ương cần nghiên cứu bổ sung hình thức công khai bản kê khai đối với người kê khai là đảng viên.

*Ông Nguyễn Mạnh Thắng- Phó Giám đốc Sở Tư pháp: “Cần có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn”
Mặc dù các quy định của pháp luật là khá toàn diện nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến ba lý do sau. Thứ nhất, đối tượng kê khai là bản thân CBCC có chức vụ từ phó phòng trở lên, nhưng còn cha mẹ, vợ chồng, con của họ thì không kê khai, do vậy trong thực tế những người có nhiều tài sản thường nhờ những người thân đứng tên, dẫn tới việc không kiểm soát được tài sản. Thứ hai, việc kê khai hiện nay vẫn còn mang tính hình thức, kê khai xong lại thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Thứ ba, việc xử lý kê khai tài sản thiếu trung thực hoặc không giải trình được nguồn gốc tài sản còn nhẹ, thiếu tính răn đe. Chính vì vậy, cần phải rà soát, đánh giá lại các quy định hiện hành về kê khai tài sản để có hướng sửa đổi bổ sung chặt chẽ hơn…

*Ông Thiều Quang Lĩnh - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh: “Dân phải giám sát được tài sản của CBCC”
Hiện nay, bản kê khai tài sản thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và người có nghĩa vụ kê khai được đảm bảo bí mật nội dung của bản kê khai, điều này đồng nghĩa với việc bản kê khai không được công khai. Do bản kê khai tài sản, thu nhập của CBCC chưa được công khai, nên người dân chưa thực hiện được quyền kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực này. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định cụ thể về cơ chế giám sát của người dân đối với tài sản, thu nhập của những người có chức, có quyền.

*Ông Tạ Công Hiền - Cán bộ hưu trí: “Sống trung thực, tử tế sẽ triệt tiêu tham nhũng”
Việc minh bạch tài sản rất cần sự trung thực của mỗi người. Khi anh đã kê khai tài sản, thu nhập mà có gì đó chưa hợp lý, thì chính những người cùng cơ quan, am hiểu người đó phải có ý kiến ngay. Nếu anh kê khai chưa trung thực, thì anh phải kê khai lại, phải sửa chữa khuyết điểm. PCTN là công việc rất khó khăn, phức tạp. Muốn phòng, chống được tham nhũng, thì ngoài thực hiện nghiêm các Luật và văn bản thi hành, chúng ta cần khơi dậy được lối sống đẹp trong mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cá nhân sống trung thực, tử tế thì vấn nạn tham nhũng sẽ dần bị triệt tiêu.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU



 
 


.