Nghề cá giải trí: Cần khai thác để gia tăng giá trị tài nguyên biển

11:11, 14/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tài nguyên biển nước ta dồi dào, phong phú nhưng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Thế nên trong Chiến lược Phát triển thủy sản, Chính phủ đã khuyến khích các địa phương đầu tư nghề cá giải trí nhằm bảo vệ, duy trì nguồn lợi biển; tạo tiền đề phát triển kinh tế biển đảo nhanh, mạnh, hiệu quả và bền vững.         

TIN LIÊN QUAN

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ: Đối với loại hình nghề cá giải trí, Chính phủ khuyến khích và tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương như Nha Trang (Khánh Hòa), Cù lao Chàm (Quảng Nam) trước khi triển khai thực hiện thí điểm. Bởi trong bối cảnh nguồn tài nguyên biển đang dần suy kiệt, nghề cá giải trí được xem là giải pháp lý tưởng trong việc tái tạo nguồn lợi thủy hải sản cũng như duy trì, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường.
Tiềm năng dồi dào...

 Với đường bờ biển dài 129km, Quảng Ngãi được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển loại hình nghề cá giải trí. Trong đó, hai khu vực có điều kiện lý tưởng nhất để khai thác nghề cá giải trí là huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu (Bình Sơn). Nếu như vùng biển Bình Châu có thể hình thành tổ hợp dịch vụ câu cá, lặn khai thác rong mơ và ngắm cổ vật trong con tàu cổ (nếu con tàu này được phép khai thác du lịch – PV) thì tại đảo Lý Sơn, thế giới thủy sinh với đa dạng sinh học cùng hệ sinh thái phong phú sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của môn lặn thám hiểm, khám phá đáy biển, với điểm nhấn là bãi tắm mịn cát trắng được bao bọc bởi những vách đá nham thạch kỳ vỹ.
 
Đặc biệt, hệ sinh thái thủy sinh phân bố ở huyện đảo Lý Sơn được các nhà khoa học đánh giá là “như những cánh rừng đa dạng, muôn màu sắc và đẹp lung linh”. Nhất là các hệ sinh thái san hô với khoảng 157 loài thuộc 18 họ như san hô mềm, san hô xanh, san hô sừng... hệ sinh thái rong biển với 140 loài thuộc 45 họ, 24 bộ, 4 ngành (cao hơn so với Cù lao Chàm, tỉnh Quảng Nam) và nhiều loài có sản lượng lớn như rong mơ, rong câu chân vịt, rong lục... hệ sinh thái cỏ biển với 6 loài thuộc 2 họ thủy tảo và cỏ kiệu; quần xã cá biển với 202 loài thuộc 26 họ và là một trong những quần xã cá rạn có tính đa dạng cao của cả nước.

Vì thế, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng: “Nếu được đầu tư khai thác thích hợp nghề cá giải trí, Lý Sơn sẽ là điểm đến lý tưởng không thua kém Côn Đảo hay Phú Quốc. Và điều này sẽ giúp huyện đảo phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo tồn, phát huy và gìn giữ  được các giá trị đặc trưng”.
 
Cổ vật trưng bày trong tàu cổ dưới nước sẽ là điểm nhấn nếu nghề cá giải trí tại xã biển Bình Châu được đầu tư, khai thác.
Cổ vật trưng bày trong tàu cổ dưới nước sẽ là điểm nhấn nếu nghề cá giải trí tại xã biển Bình Châu được đầu tư, khai thác.


... nhưng phải đợi thời cơ!

Tuy sở hữu những điều kiện đặc biệt có thể hình thành và phát triển nghề cá giải trí nhưng việc triển khai thực hiện là điều không dễ. Ngoài nguồn lực hạn chế thì nguyên nhân chính là công tác quản lý khai thác tài nguyên còn lỏng lẻo, trong khi việc sử dụng lại chưa tiết kiệm và hợp lý. Ví dụ như việc khai thác san hô, có thời gian dài Trung Quốc thu mua san hô của Việt Nam với giá rất cao. Người dân trong tỉnh vì thế cũng đổ xô “cắt, xẻo”, thậm chí dùng cả chất nổ để khai thác khiến nhiều vùng san hô bị chia năm xẻ bảy. Các loài thủy hải sản vì thế cạn kiệt dần vì mất nơi trú ngụ. Hành động này cũng đã khiến độ đa dạng sinh học ven biển Lý Sơn suy giảm nghiêm trọng, hệ sinh thái san hô giảm 50% so với năm 2005.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng đang bào mòn dần cơ hội để Bình Châu và Lý Sơn phát triển nghề cá giải trí. Tại xã biển Bình Châu, rác thải tràn ngập từ đường ra biển. Khu vực một thời nuôi tôm vùng triều thì nước đen ngòm, hôi thối. Vì thế dù rất muốn UBND tỉnh quan tâm, nghiên cứu quy hoạch vùng bảo vệ gắn với khai thác du lịch tại vị trí con tàu cổ, nhưng Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Quốc Vương vẫn trăn trở với chuyện ô nhiễm môi trường. “Nếu không xử lý triệt để vấn đề này sẽ rất khó thu hút đầu tư vào lĩnh vực nghề cá giải trí”, ông Vương bày tỏ.

Còn tại huyện đảo Lý Sơn, phát triển nghề cá giải trí được xem là một trong những giải pháp giải quyết sinh kế cho người dân khi Đề án bảo tồn biển Lý Sơn thực thi. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa nghề cá giải trí, Lý Sơn phải giải quyết được 4 vấn đề còn tồn tại. Đó là biển ô nhiễm; rừng trọc; đất bị biển xâm thực và nước ngọt khan hiếm. “Đây vốn là những “cái mất” của Lý Sơn. Mà muốn tìm lại những thứ ấy, Lý Sơn cần nguồn lực đầu tư rất lớn từ phía Nhà nước cũng như xã hội nên đành phải đợi... thời cơ”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi -  nhìn nhận.

 

“Nghề cá giải trí bao gồm câu cá giải trí, lặn giải trí hay nuôi bán cá cảnh. Đây là loại hình hoạt động mang tính chất giải trí dựa vào nghề đánh bắt cá. Loại hình này được các nước trên thế giới quan tâm đầu tư, khai thác vì giá trị kinh tế, môi trường mà nó mang lại là rất lớn. Ví dụ như ở Mỹ, doanh thu từ nghề cá giải trí đạt trên 1 tỷ USD/năm. Riêng ở Việt Nam, loại hình này chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Chúng ta chỉ có tư duy khai thác chứ chưa có tư duy phát triển. Đây chính là nguyên nhân khiến nguồn lợi biển nước ta đang dần suy kiệt”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
*Phó Giám đốc  Sở NN&PTNT Phan Huy Hoàng: “Thay đổi tư duy quản lý, sản xuất của chính quyền và người dân”.
Lâu nay người dân chỉ biết miệt mài sản xuất, còn ngành chức năng lại đánh giá việc người dân làm được chứ không phải điều mình định hướng. Đã thế, việc tổng kết lại tập trung vào ba yếu tố sẵn có theo “khuôn” là diện tích, năng suất và sản lượng chứ chưa phân tích, làm rõ hiệu quả sản xuất. Với tư duy này thì dù được thiên nhiêu ưu đãi, chúng ta cũng khó phát triển nghề cá giải trí nói riêng, phát triển kinh tế biển nói chung. Do đó, để hiện thực hóa nghề cá giải trí, trước hết phải đầu tư xây dựng hạ tầng thủy sản đồng bộ, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm du lịch cho người dân, định hướng việc làm cụ thể cũng như dự báo những khó khăn có thể vấp phải để người dân chủ động lựa chọn tham gia khai thác thủy sản, gắn với du lịch.  

*Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên: “Có chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nghề cá giải trí”.
Đầu tư trên biển vốn lớn, rủi ro cao, trong khi loại hình nghề cá giải trí còn mới mẻ nên DN còn e dè. Hơn nữa, hạ tầng huyện đảo Lý Sơn chưa hoàn thiện, kỹ năng tiếp cận và thực hiện du lịch của người dân còn nhiều hạn chế. Do vậy, để thu hút DN đầu tư khai thác tổ hợp dịch vụ nghề cá giải trí, nhà nước và tỉnh nên có chính sách ưu đãi đặc thù về vốn, thuế hay cơ chế thủ tục... Bởi nếu nghề cá giải trí được phát triển sẽ góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc khai thác nguồn lợi của biển.

*Trưởng thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) Lê Văn Thanh: “Nâng cao ý thức bảo vệ biển cho người dân”.
Người dân xã Bình Châu đã từng khai thác rong mơ bừa bãi, tận diệt. Rong mơ lẽ ra đến tháng 6 dương lịch mới đủ tuổi khai thác nhưng từ đầu tháng 4, bà con đã “xí phần”, cắt sạch cả non lẫn già. Điều này không chỉ giảm hiệu quả kinh tế của rong mơ mà còn khiến sản lượng thủy hải sản gần bờ cũng suy kiệt. Thế nhưng từ khi Tổ tự quản ra đời vào năm 2013, ý thức bà con đã dần thay đổi. Bà con chấp hành việc khai  thác đúng thời điểm, thu già để non nên chỉ sau một thời gian, rong mơ phát triển dày, lượng thủy hải sản gần bờ cũng tăng đột biến. Điều này cho thấy, dù là khai thác rong mơ hay nghề cá giải trí thì chỉ cần người dân hợp tác trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên biển thì DN sẽ không ngại tìm đến đầu tư, phát triển.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA  
 


.