Trường chuyên, lớp chọn: Nên hay không?

10:10, 28/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nên hay không việc tổ chức trường chuyên, lớp chọn, đây là vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng, nhất là các nhà quản lý giáo dục. Trên thực tế, lớp chọn vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức mặc dù theo quy định không được phép tổ chức. Nguyên nhân vì sao?

TIN LIÊN QUAN


Cấm lớp chọn nhưng vẫn… chọn lớp

Nghị quyết Trung ương II khóa VIII (1996) đã nêu rõ: Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học, không tổ chức trường chuyên ở cấp tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao, nhằm bảo đảm sự bình đẳng về điều kiện học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện cho học sinh (HS). Tuy nhiên, đến nay “lớp chọn” vẫn cứ tồn tại dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Ở những thành phố lớn thì trường chuyên bậc THCS được chuyển thành trường trọng điểm. Riêng ở tỉnh ta, mặc dù trường chuyên bậc THCS hiện không còn và các trường chỉ xét tuyển vào lớp 6 chứ không thi tuyển như trước đây. Nhưng trên thực tế, các trường trung tâm được xem như "trường chọn". Nhiều bậc phụ huynh tìm đủ mọi cách để con vào các trường trung tâm. Họ cho rằng những trường trung tâm có chất lượng giáo dục cao hơn và sẽ là môi trường tốt để con em phát triển.

Những năm gần đây, các trường THPT không tổ chức lớp chọn đã tạo tâm lý thoải mái cho các em học sinh.
Những năm gần đây, các trường THPT không tổ chức lớp chọn đã tạo tâm lý thoải mái cho các em học sinh.


Đối với bậc THCS và THPT, phần lớn các trường tổ chức "lớp chọn” ngay từ lớp học đầu cấp và xem đây là lớp “mũi nhọn” để tạo nên “thương hiệu” cho nhà trường. Hiệu trưởng của một trường THPT tâm sự, hầu hết học sinh ở lớp chọn có ý thức học tập rất cao, nhờ đó kết quả học lực chủ yếu đạt khá, giỏi. Học sinh được biên chế vào lớp chọn là một vinh dự, nhưng cũng là một áp lực. Em nào theo không kịp chương trình thì chuyển ra lớp thường và ngược lại.
 

Không thể phủ nhận sự thành công của các trường chuyên, lớp chọn. Minh chứng là học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, HS giỏi cấp quốc gia và cấp tỉnh phần lớn từ các trường chuyên, lớp chọn. Tỷ lệ đậu vào ĐH, CĐ của HS trường chuyên, lớp chọn luôn cao hơn nhiều so với HS các trường khác và chiếm gần như 100%. Tuy nhiên, để có những thành tích đó, các em HS trường chuyên, lớp chọn phải học một chương trình rất nặng. Để theo kịp chương trình và có được thành tích tốt, nhiều em phải học thêm ngoài thời gian học ở lớp.

Có nên xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn?

Việc tập trung bồi dưỡng cho HS có tài năng đã giúp các em có cơ hội phát triển tốt hơn về trí tuệ. HS trường chuyên, lớp chọn được giáo viên giỏi trực tiếp giảng dạy nên chất lượng giáo dục được nâng cao. Hầu hết cán bộ quản lý ở các trường đều khẳng định việc tổ chức “lớp chọn” đem lại hiệu quả giáo dục cao vì các em được định hướng rõ ràng, lớp học có sự phân hóa theo trình độ nên giáo viên dễ truyền đạt kiến thức. Tỷ lệ HS giỏi các cấp và đậu đại học luôn vượt trội so với các lớp học bình thường.

Ông Trương Quang Dũng-Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa thẳng thắn đánh giá, “lớp chọn” là mô hình học tập tốt của trường. Lớp học này hầu hết HS có học lực khá, giỏi. Những em này làm nên “thương hiệu” của trường và là động lực để các em HS chọn thi vào Trường THPT số 1 Tư Nghĩa. Vào lớp chọn không chỉ là niềm tự hào của HS, mà còn là của các bậc phụ huynh và nhà trường. Đấy cũng là động lực cho giáo viên phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn để được dạy trong những lớp chọn. Đối với học sinh trong trường, bản thân mỗi em cũng luôn cố gắng để đạt thành tích cao trong học tập so với lớp chọn.

Ông Dũng dẫn chứng, trong những năm qua, trường luôn đứng “top” đầu khối THPT không chuyên về số lượng HS giỏi các cấp cũng như tỷ lệ đậu vào các trường ĐH, CĐ.  “Nếu bỏ lớp chọn thì sẽ mất đi một sắc thái của trường. Vì vậy, quan điểm của trường là vẫn duy trì lớp chọn. Nếu không có lớp chọn thì sẽ thiệt thòi cho các em HS giỏi vì ít có điều kiện học kiến thức nâng cao, ông Dũng bày tỏ.

Qua trao đổi với chúng tôi, phần lớn phụ huynh có con học lớp chọn đều đồng tình với việc tổ chức lớp chọn, vì như vậy học sinh sẽ có môi trường học tập tốt hơn. Thế nhưng, cũng có một số ý kiến cho rằng, nếu tổ chức lớp chọn thì các lớp khác sẽ không có HS giỏi, các em sẽ khó vươn lên trong học tập. Nhiều em ở lớp học bình thường có tâm lý tự ti làm ảnh hưởng đến việc học. Đối với giáo viên dạy ở những lớp thường, một số có suy nghĩ chỉ cần dạy theo chuẩn kiến thức chứ không cần phải đầu tư chuyên môn nhiều vì trình độ học sinh có hạn.

Mặc dù Trung ương đã có quy định không tổ chức lớp chọn, nhưng vì tính hiệu quả nên nhiều trường vẫn tổ chức “lớp chọn” theo nhiều hình thức. Thực tế cho thấy nhu cầu của xã hội đối với lớp chọn là cần thiết, tuy nhiên ngành GD&ĐT cần tìm ra phương án hợp lý, xây dựng mô hình đào tạo phù hợp nhằm tạo điều kiện cho HS có cơ hội phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục.  

 

*Thầy giáo Ngô Đình Mẫn- Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn:
Trong những năm gần đây, trường quyết định “rải” đều các đối tượng HS vào mỗi lớp thay vì chọn “lớp chọn” như trước đây. Tuy nhiên, mục tiêu mũi nhọn của trường là chọn một số em rồi cho thi khảo sát, sau đó chọn lọc để bồi dưỡng HS giỏi. Đồng thời, sàng lọc HS yếu để dạy phụ đạo chuẩn kiến thức nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ HS yếu, kém. Việc giảng dạy HS yếu, kém sẽ đạt hiệu quả hơn khi tổ chức cho các em học theo nhóm. Trong nhóm có HS giỏi được xếp chung với HS trung bình, yếu để các em giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Như vậy sẽ giúp phát triển GD&ĐT căn bản, toàn diện hơn theo Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.

*Bà Dương Thị Thu Thủy- Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh:
Bộ GD&ĐT hướng đến tính nhân văn và tính công bằng của giáo dục để các em được đến trường như nhau, nên đã chỉ đạo xóa trường chuyên bậc THCS và lớp chọn đối với tất cả các bậc học. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trong những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh đã chỉ đạo các trường không được tổ chức lớp chọn. Đặc biệt, hiện nay tỉnh ta đang nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN) và đây là năm đầu tiên thực hiện ở một số trường THCS trên địa bàn tỉnh. Khi học theo mô hình VNEN thì trẻ sẽ được phân ra thành từng nhóm. Trong một nhóm đòi hỏi phải có nhiều đối tượng HS khác nhau để các em hỗ trợ cho nhau cùng tiến bộ. Như vậy lớp chọn sẽ không còn phù hợp khi áp dụng mô hình này.

*Bà Vũ Thị Liên Hương- Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết:
Trường chuyên là cần thiết vì tạo điều kiện để HS phát huy năng lực. Việc xóa bỏ trường chuyên cấp II đã gây khó khăn cho nguồn tuyển sinh đầu vào của trường chuyên cấp III. Để đảm bảo chất lượng giáo dục ở trường chuyên, trình độ của đội ngũ giáo viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hằng năm, trường có nhiều giáo viên đi học cao học để nâng cao trình độ; đồng thời tuyển dụng mới theo chế độ thu hút của tỉnh. Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi về các trường để tuyển chọn giáo viên đủ tiêu chuẩn về công tác tại trường chuyên. Trong những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều quan tâm nhưng cơ chế thu hút giáo viên về trường chuyên vẫn chưa phù hợp, chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với giáo viên dạy giỏi.

*Em Nguyễn Thị Bích Hợp- HS lớp 12C1, Trường THPT số 1 Nghĩa Hành:
Học ở lớp chọn chúng em sẽ được học chuyên sâu những môn yêu thích. Hơn nữa khi vào học lớp chọn sẽ có sự cạnh tranh với nhau và có điều kiện để học hỏi lẫn nhau. Trong khi đó, ở những lớp học khác, một số bạn có ý thức học tập không cao, không tạo môi trường học tập sôi nổi, không kích thích tinh thần ham học của học sinh. Theo em việc duy trì các lớp chọn là cần thiết, để các học sinh có sự lựa chọn phù hợp với năng lực của mình.
 

 

Bài, ảnh: Trịnh Phương

 


.