TP.Quảng Ngãi được công nhận đô thị loại II: Niềm tin và sự kỳ vọng

08:10, 02/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định công nhận TP. Quảng Ngãi là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Đây là mốc son khẳng định vị thế của TP. Quảng Ngãi trên bước đường phát triển.

TIN LIÊN QUAN

TP. Quảng Ngãi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và an ninh- quốc phòng của tỉnh. Thành phố hiện có diện tích tự nhiên 16.015,34ha, dân số trên 263.440 người, gồm 23 đơn vị hành chính (9 phường, 14 xã).
 

Ông Nguyễn Đức Hiệp – Quyền Giám đốc Sở Xây dựng: TP. Quảng Ngãi cần phải có điểm nhấn kiến trúc
 TP.Quảng Ngãi hiện chưa có công trình tạo điểm nhấn kiến trúc. Theo tôi, thành phố bây giờ là trung tâm nghề biển của tỉnh. Quy hoạch kiến trúc của thành phố phải tạo ra một đặc trưng lao động đô thị gắn với nghề biển. Ưu tiên đầu tư cầu Cửa Đại, khu neo đậu tàu thuyền Nghĩa Phú, Tịnh Kỳ. Các công trình này vừa góp phần hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, vừa tạo điểm nhấn kiến trúc phục vụ phát triển du lịch biển Mỹ Khê, Nghĩa An giống Mỹ Khê của TP. Đà Nẵng vậy.

Về đích đúng hẹn

Quá trình hình thành và xây dựng, TP. Quảng Ngãi có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc trên nền tảng kế thừa, phát huy từ thị xã Quảng Ngãi. Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV đã xác định đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ đột phá. Nhiệm kỳ qua, Thành ủy Quảng Ngãi đã tập trung huy động mọi nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này chiếm hơn 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, bưu chính viễn thông được đầu tư phát triển cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hệ thống hạ tầng xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ, đem lại cho thành phố một diện mạo mới khang trang hơn, sạch đẹp hơn...

Ông Phạm Tấn Hoàng- Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi cho biết: Sau hơn 13 năm xây dựng và phát triển, từ thị xã loại III và sau 10 năm thành lập thành phố (năm 2005) đến nay, TP. Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm gần nhất đạt khoảng 12,45%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp- xây dựng. Năm 2014, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt gần 1.643 tỷ đồng, tổng chi ngân sách 939,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,38 triệu đồng/người, gấp 1,1 lần so với cả nước; tỷ lệ hộ nghèo 4,27%...

So với một số thành phố khác trong nước thì thời gian “lên” đô thị loại II của TP. Quảng Ngãi lâu hơn, bởi tiến trình xây dựng đô thị loại II của thành phố gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, thắt chặt đầu tư công, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hạn chế... Nhưng “chậm mà chắc”.

Một góc trung tâm thành phố Quảng Ngãi hôm nay.                                                                  Ảnh: P.DANH
Một góc trung tâm thành phố Quảng Ngãi hôm nay. Ảnh: P.DANH


Đến nay, thành phố đã đạt hầu hết các tiêu chuẩn của đô thị loại II, sau cuộc họp của Hội đồng thẩm định (do Bộ Xây dựng chủ trì hôm 11.9) với sự tham dự của đông đủ các Bộ, ngành liên quan và trải qua việc chấm điểm theo từng tiêu chí hết sức chặt chẽ. Trên cơ sở thực trạng phát triển của thành phố, đối chiếu đánh giá theo 6 tiêu chuẩn của đô thị loại II được quy định tại Nghị định 42/2009 về việc phân loại đô thị, Hội đồng thẩm định đã thống nhất đánh giá TP. Quảng Ngãi là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, với số điểm trung bình đạt 84,13/100 điểm (vượt quy định tối thiểu 70/100 điểm).

Vậy là thành phố đã “về đích” đô thị loại II đúng hẹn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi  Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khẳng định xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật của tỉnh, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Còn nhiều việc phải làm

Có 4 chỉ tiêu TP. Quảng Ngãi chưa đạt điểm theo quy định của đô thị loại II. Đó là: Thu nhập bình quân đầu người (phải gấp 1,4 lần so với bình quân chung cả nước, hiện chỉ gấp 1,1 lần); mật độ đường chính trong nội thị (phải đạt 7-10km/km2, hiện chỉ 6,7km/km2); dân số toàn đô thị (phải đạt 300.000-800.000 người, hiện chỉ 283.000 người) và chỉ tiêu về nhà tang lễ trong đô thị (theo đánh giá thì chỉ tiêu này không phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa của người dân địa phương).

Theo Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng, hiện thành phố đã đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục và hoàn thiện 4 chỉ tiêu trên. Thành phố sẽ triển khai Đề án Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ và Đề án nâng cấp mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố. Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp VSIP để đào tạo và giới thiệu việc làm cho người lao động... Về chỉ tiêu mật độ đường chính trong khu vực nội thị, sẽ tập trung xây dựng hệ thống giao thông theo quy hoạch, nhất là mở rộng và nâng cấp các tuyến giao thông cửa ngõ vào thành phố, các trục giao thông chính trong nội thành. Phấn đấu xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 85% tuyến đường có tên trong quy hoạch.

Với chỉ tiêu dân số toàn đô thị, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị như Dự án Khu Đô thị- Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 1A quy mô 99,78ha; Dự án Khu đô thị mới Nam Lê Lợi; Khu đô thị mới Nam Trường Chinh... TP.Quảng Ngãi sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng để “trở thành đô thị năng động và thân thiện”, như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Quảng Ngãi lần thứ XV đã đề ra.
 

Ông Đỗ Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GTVT: Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông
TP. Quảng Ngãi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh. Dân số đông, một số công trình hạ tầng bị quá tải, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Để xây dựng thành phố xứng tầm là trung tâm của tỉnh thì cần phải quy hoạch đầu tư giao thông tương xứng, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong hiện tại và tương lai. Trước mắt, cần coi trọng chỉnh trang hệ thống giao thông nội ô hiện có, đồng thời triển khai xây dựng thêm các tuyến đường mới tạo trục đường giao thông trọng điểm; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu nội ô, vừa tạo thuận lợi lưu thông, vừa tạo điểm nhấn cho đô thị thành phố.

*Ông Nguyễn Văn Nguyên- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Quảng Ngãi: Thành phố điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế
Phát triển kết cấu hạ tầng tiếp tục được Đảng bộ thành phố xác định là nhiệm vụ đột phá trong 5 năm đến, nhằm hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đảm bảo cho mục tiêu phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, khó huy động các nguồn lực xã hội. Tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư, tiếp tục khai thác một cách hợp lý, có hiệu quả quỹ đất đô thị. Ngoài ra, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư phát triển hệ thống giao thông đối ngoại kết nối với các khu vực lân cận; phát triển hệ thống giao thông nông thôn nhằm giảm bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

*Bà Nguyễn Thị Chạng ở thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà: Mong đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn
Sáp nhập về thành phố rồi nhưng nhiều nơi ở xã Nghĩa Hà, đường giao thông đi lại vẫn quá khó khăn. Nhiều tuyến đường trong xóm bao năm vẫn là đường đất, hẹp. Mùa nắng thì còn đi lại được, chứ mưa xuống bùn lầy lội như ruộng. Sức dân tự làm thì không nổi. Mong Nhà nước đầu tư kinh phí cùng với nhân dân xây dựng đường giao thông đảm bảo đi lại, góp phần thay đổi diện mạo làng quê.

*Doanh nhân Nguyễn Hồng (TP. Hồ Chí Minh): TP. Quảng Ngãi cần xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng đô thị
Trong khi nguồn lực ngân sách đầu tư cho phát triển đô thị còn hạn chế, thì theo tôi TP.Quảng Ngãi cần phải đẩy mạnh xã hội hóa để doanh nghiệp cùng chia sẻ. Theo đó, thành phố thực hiện công khai lĩnh vực được kêu gọi xã hội hóa để doanh nghiệp an tâm đầu tư. Có rất nhiều lĩnh vực mà các địa phương khác đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khá hiệu quả, như: Nhà ở, đất ở, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế chất lượng cao hay cấp nước đô thị, nghĩa trang, công viên, cây xanh.   

 

Bài, ảnh: P.DANH- T.NHỊ

             
                                     

 


.