Đầu tư hạ tầng vùng bãi ngang: Thiếu đồng bộ

08:08, 19/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chưa quan tâm đúng mức đến nhóm công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, nhiều công trình bộc lộ sai sót từ khâu khảo sát, lập dự toán, thẩm tra, thẩm định đến nghiệm thu, quyết toán… là thực tế đã diễn ra tại nhiều địa phương thuộc các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang ven biển, hải đảo khi sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu công trình phục vụ sản xuất

Mặc dù Quyết định 257/2003/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) thiết yếu các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo có nêu rõ, các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo phải đầu tư xây dựng các CSHT thiết yếu nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven biển, hải đảo. Nhất là CSHT phục vụ sản xuất như bờ bao chống triều cường, kè, công trình thuỷ lợi; trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thuỷ sản…

Tuyến kênh B7-11.1 dài 1km được xã Bình Trị đầu tư từ nguồn vốn Chương trình. .MTQG cung cấp nước tưới cho 40ha lúa tại thôn An Lộc và Phước Hòa.
Tuyến kênh B7-11.1 dài 1km được xã Bình Trị đầu tư từ nguồn vốn Chương trình. .MTQG cung cấp nước tưới cho 40ha lúa tại thôn An Lộc và Phước Hòa.


Thế nhưng trong 10 năm qua (từ 2005-2014), 25 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh chỉ mới đầu tư 45 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, chiếm chưa đến 18% tổng số công trình, trong khi nhóm công trình hạ tầng phục vụ dân sinh chiếm đến hơn 82% (trong đó, phần lớn các công trình được lựa chọn đều thuộc lĩnh vực giao thông). Không những vậy, các địa phương không thực hiện lồng ghép đầu tư các hạng mục công trình cấp bách, thiết yếu theo quy định tại Quyết định 257/2003/QĐ-TTg… Đây là những bất cập đã kéo dài gần chục năm nay, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Tại 4 xã bãi ngang ven biển là Nghĩa An, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), từ năm 2008-2014, UBND tỉnh đã phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia là 22 tỷ đồng. Qua 7 năm triển khai đã thực hiện đầu tư 69 công trình hạ tầng thiết yếu, nhưng nhóm công trình phục vụ sản xuất chỉ có 4/69 công trình, với tổng mức đầu tư khoảng 862 triệu đồng, chiếm 3,35% tổng vốn đầu tư. Cũng trong giai đoạn này, 5 xã ĐBKK bãi ngang ven biển của huyện Mộ Đức đã đầu tư xây dựng 33 công trình hạ tầng, nhưng cũng chỉ có 5 công trình phục vụ sản xuất, chiếm 15,2% trên tổng số công trình.
 

174 tỷ đồng hỗ trợ cho 25 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo đầu tư hạ tầng


Trong 10 năm (2005-2014) thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, 25 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ 174 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 255 công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất. Đã có hơn 14.000 hộ nghèo thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2006-2010 (theo chuẩn cũ) từ 32,11% vào đầu năm 2006 xuống còn 16,17% năm 2010 và giai đoạn 2011-2014 (theo chuẩn mới) từ 20,88% năm 2011 giảm xuống còn 9,82% vào cuối năm 2014.

Còn tại xã Đức Chánh (Mộ Đức), trong 3 năm liên tiếp, UBND xã đã liên tục sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG đầu tư xây dựng chợ Quán Lát và chợ Văn Bân. Điều đáng nói là hai công trình chợ trên chỉ cách nhau chưa đến 2km. Chính điều đó đã khiến công trình chợ Văn Bân xây dựng sau không thu hút được tiểu thương.

Cùng chung “cảnh ngộ” với chợ Văn Bân, công trình chợ Đức Minh, xã Đức Minh (Mộ Đức) quy mô, bề thế với nguồn vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG giờ cũng thưa vắng tiểu thương.

Việc lựa chọn công trình đầu tư vốn được thực hiện dưới sự giám sát của 3 cấp: UBND các xã làm chủ đầu tư, UBND huyện chịu trách nhiệm chủ quản đầu tư, còn Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn cho các địa phương lựa chọn, lập kế hoạch đầu tư các công trình, đảm bảo công trình đầu tư đúng mục đích, nội dung theo quy định. Thế nhưng, những công trình với mức đầu tư tiền tỷ không phát huy được hiệu quả nêu trên cho thấy, việc kiểm tra, đánh giá, lựa chọn công trình cấp bách, thiết yếu để đầu tư chưa thật sự tốt. Đấy là nguyên nhân làm cho suốt 10 năm qua, nhóm hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất vẫn “khiêm tốn” dừng lại ở con số xấp xỉ 18%.

Nhiều sai sót

Không chỉ mất cân đối trong việc lựa chọn lĩnh vực hạ tầng để đầu tư, mà trong quá trình đầu tư, xây dựng, hầu hết UBND các xã đều vướng phải những sai sót từ khảo sát, thẩm định thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu cho đến nghiệm thu, thanh toán và quyết toán công trình. Điều này đã đặt ra câu hỏi lớn về chuyên môn, năng lực quản lý dự án của UBND các xã.

Công trình chợ Văn Bân, xã Đức Chánh (Mộ Đức) xây dựng từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn thưa vắng tiểu thương.
Công trình chợ Văn Bân, xã Đức Chánh (Mộ Đức) xây dựng từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn thưa vắng tiểu thương.


Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, sau khi phối hợp kiểm tra 85/255 công trình hạ tầng được xây dựng từ 2005-2014 tại 25 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn, Lý Sơn, TP. Quảng Ngãi, có đến 79/85 công trình được kiểm tra các chủ đầu tư thực hiện không đúng về trình tự, thủ tục đầu tư và xây dựng. Không những thế, 71/85 công trình có sai sót trong công tác khảo sát, lập dự toán, thẩm tra, thẩm định thiết kế, dự toán công trình dẫn đến làm tăng giá trị dự toán. 84/85 công trình có sai phạm trong nghiệm thu, quyết toán công trình…

Trước những sai sót trong quản lý quá trình đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng khu vực các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: “Các công trình bãi ngang ven biển, hải đảo này đều do UBND các xã làm chủ đầu tư, UBND huyện chủ quản đầu tư và người dân trực tiếp quản lý công trình. Còn Sở chỉ có thể tham mưu, chứ chưa thể can thiệp sâu vào cơ chế quản lý cũng như tiêu chuẩn xét chọn công trình tại địa phương, mà để người dân và chính quyền cơ sở tự quyết”. Cũng theo ông Nhân, để chấn chỉnh và khắc phục kịp thời những sai phạm trong quá trình đầu tư, trong thời gian đến, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban ngành liên quan cùng UBND huyện, xã tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình. Đồng thời, tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của các cấp, ngành, đặc biệt là UBND các huyện để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng.                    
                    

*Ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Ngại” công trình hạ tầng phục vụ sản xuất vì còn loay hoay xác định thế mạnh.
Chính việc các xã còn loay hoay trong xác định thế mạnh về cây trồng, vật nuôi, sản phẩm chủ lực… đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn đầu tư nhóm công trình hạ tầng phục vụ sản xuất của người dân và chính quyền địa phương. Bởi nếu đầu tư công trình hạ tầng xong, mà sản phẩm làm ra không có đầu ra thì sẽ rất lãng phí nên các xã chần chừ.

*Ông Trần Minh Hoằng -Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Lý Sơn: Không đầu tư công trình hạ tầng phục vụ sản xuất vì không đủ kinh phí.
 Không phải địa phương không muốn lựa chọn đầu tư nhóm công trình phục vụ sản xuất, mà vì các công trình trên đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn, trong khi hằng năm, mỗi xã chỉ nhận được kinh phí hỗ trợ chưa đến 1 tỷ đồng. Đơn cử như xã An Bình hiện đang rất cần được đầu tư xây dựng bể chứa nước sản xuất để chủ động nguồn nước tưới cho bà con, nhưng vốn đầu tư dự kiến lên đến 3 tỷ đồng. Vậy là với số tiền hỗ trợ như những năm gần đây, thì xã An Bình không đủ kinh phí để xây dựng.

*Ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Trị (Bình Sơn): Chỉ có đầu tư công trình phục vụ sản xuất mới góp phần tăng thu nhập cho người dân.
 Xác định chỉ có đầu tư nhóm công trình phục vụ sản xuất mới góp phần tăng thu nhập cho người dân, nên từ năm 2008 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình MTQG do Trung ương hỗ trợ là 5,5 tỷ đồng cộng với vốn ngân sách địa phương, xã đã lựa chọn xây dựng các công trình kênh mương dẫn nước, bê tông  đường nội đồng, nạo vét các đập, ao chứa nước…với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tăng gia sản xuất. Vì thế, Bình Trị là một trong những xã đầu tư nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nhất trong 25 xã bãi ngang ven biển, hải đảo.

*Ông Nguyễn Xuân Thanh, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn): Mong có công trình nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Thôn Mỹ Tân và nhiều thôn ven biển khác luôn chịu thiệt thòi vì thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất triền miên. Đây là nỗi lo “thường trực” của người dân chúng tôi trong nhiều năm qua. Vì thế, rất mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư các công trình cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới để người dân đỡ khổ.

 

Bài, ảnh: Ý THU





 


.