Chương trình cho HSSV vay vốn: Bên "nợ khó đòi", bên không được vay

10:07, 10/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người cần vay vốn thì không được vay, hộ trong diện được vay vốn thì không dám vay. Đó là một thực tế về chương trình vay vốn dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn Quảng Ngãi.
 

TIN LIÊN QUAN


Năm 2007, Chính phủ có Quyết định 157/QĐ -TTg về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, HSSV thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện vay vốn trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường, bao gồm: Tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại. Tuy vậy, chính sách ưu đãi này qua thực tế đã bộc lộ một số điều bất hợp lý.

Thành nợ “khó đòi”  

Như bao gia đình nông dân một đời lam lũ, bà V.T.T ở thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cố gắng cho con ăn học để kiếm chữ mong mai sau không còn khó nhọc như đời mình. Thế nên chính sách cho vay vốn đối với HSSV ra đời như chiếc “phao” giúp bà T thực hiện ước mơ của các con. Và đứa con trai thứ Trần Ngọc Danh bước vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng bằng tiền vay của chương trình này.

Bà T (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) chăm sóc đàn bò để sớm trả món nợ vay theo chương trình HSSV cho ngân hàng.
Bà T (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) chăm sóc đàn bò để sớm trả món nợ vay theo chương trình HSSV cho ngân hàng.


Kể từ ngày con đi học xa, vợ chồng bà T “đầu tắt mặt tối” để đứa đi học sau không phải vay  mượn như đứa trước. Thế nhưng, tai họa lại ập xuống ngôi nhà nhỏ này. Chồng bà lâm bệnh rồi qua đời, bà bị tai nạn. Ba người con gái kế tiếp cứ cách năm là lần lượt tốt nghiệp THPT, bà T đành bấm bụng tiếp tục vay vốn chính sách cho các con ăn học. Đứa học trung cấp y, đứa văn thư, kế toán. Dù vậy, trong 4 người con ra trường chỉ có người con trai lớn được đi dạy hợp đồng ở huyện Sơn Tây. Đến nay, đã hơn 5 năm rồi, nhưng người con ấy vẫn dạy hợp đồng nên tiền lương tháng cũng chỉ đủ chi phí tiền xăng xe đi lại và ăn ở. Các con gái bà chưa tìm được việc làm nên đành phải “dạt” vào TPHCM sinh sống. Số tiền vay mượn cho bốn người con ăn học hơn 50 triệu đồng đến kỳ phải trả, nhưng nhà chẳng có gì đáng giá.

Ở huyện Sơn Tịnh còn có khoảng 40 hộ vay vốn HSSV rơi vào cảnh tương tự như bà T. Lúc đầu, ai vay tiền từ nguồn vốn này cũng kỳ vọng con mình ra trường sẽ có việc làm ổn định, món nợ Nhà nước sẽ được trả dần. Nhưng, đa số con em họ ra trường đều thất nghiệp. Tiền gốc, tiền lãi cứ thế tăng lên.

Ông Nguyễn Thanh Khoa – Trưởng Phòng kế hoạch – nghiệp vụ, tín dụng (Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh) cho rằng, phần đông hộ nghèo khó vay tiền cho con ăn học đã đến kỳ trả nợ nhưng do các em chưa có việc làm nên nguồn vốn chưa thu hồi được. Trong tổng số dư nợ cho vay HSSV hơn 419 tỷ đồng thì đa số đã đến kỳ trả nợ, nhưng 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng chỉ thu được hơn 59 tỷ đồng. Nguyên nhân là các hộ nghèo dốc sức vay vốn cho con ăn học, nhưng khi ra trường con em họ lại thất nghiệp chẳng có tiền trả ngân hàng, dẫn đến nợ quá hạn. Đây là một thực tế đáng lo ngại, làm cho vốn vay thuộc chương trình HSSV rơi vào tình trạng nợ khó đòi ngày càng gia tăng.

Muốn vay vốn lại không được vay

Năm 2014, chương trình cho vay vốn đối với hộ HSSV tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, tiêu chuẩn để đối tượng HSSV hưởng lợi từ vốn ưu đãi đa số rơi vào các hộ có hoàn cảnh neo đơn, số còn lại đã vay từ trước... nên nhiều HSSV cần vay vốn nhưng không vay được. Điều này đã dẫn đến nguồn vốn vay chương trình này không giải ngân được. Đến cuối tháng 5.2015, nguồn vốn này tồn đọng 35 tỷ đồng. Vì thế, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đang tính toán gửi về trung ương để bố trí cho vay các chương trình khác.

  Ông T.Đ, xã Ba Động (Ba Tơ), lo lắng nói: Nhà có ba con đi học. Đứa đầu học cao đẳng ở Quảng Ngãi, đứa giữa học đại học Đà Nẵng, đứa thứ 3 học Trường THPT Ba Tơ, nhưng nhà chỉ có vài sào ruộng nên vợ chồng tôi phải “chạy chợ” từng bữa. Nhiều lúc đến kỳ đóng học phí, hay chi phí cho việc vào năm học mới là phải chạy vạy vay mượn người thân, hàng xóm. Nhiều lần tôi lên xã hỏi thăm để làm thủ tục vay vốn diện sinh viên, nhưng đành chịu, vì vợ chồng tôi không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Còn gia đình ông N.V.Đ, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) thì, kể từ ngày 4 người con đi học xa, vợ chồng ông cũng làm thủ tục vay vốn. Nhưng cũng như vợ chồng ông T.Đ, vợ chồng ông cũng thuộc diện hộ nghèo nên không được vay. Cuối cùng vợ chồng ông quyết định bỏ ruộng đồng, làng quê, khăn gói theo con vào TP.HCM làm “thợ đụng” để kiếm tiền nuôi con ăn học.  Ông Đ thở dài: “Đến ngân hàng hỏi thăm, họ bảo tiền cho sinh viên vay đâu có thiếu, nhưng nhà mình lại không phải diện được vay”.

Ông Phạm Văn Minh – Bí thư Đảng ủy xã Ba Thành (Ba Tơ), cho rằng: Đồng bào miền núi, cuộc sống của các hộ thoát nghèo cũng chẳng hơn hộ nghèo là bao. Quy định của trên ngặt nghèo như thế thì các hộ có con đi học xa, nhưng không thuộc diện hộ nghèo thì đâu thể tiếp cận được.  

Tiền của Nhà nước cho sinh viên vay vốn có nhiều, trong khi sinh viên muốn vay thì không được vay, còn hộ trong diện được vay thì số lượng quá ít. Đây là một thực tế cần sớm điều chỉnh để chủ trương cho sinh viên vay vốn sát với thực tế.  Có vậy, nguồn vốn HSSV mới được khơi thông.

 

*Ông Trần Duy Cường – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội: Sẽ đề nghị trung ương điều chỉnh đối tượng vay.
Hơn hai năm qua, nguồn vốn cho vay HSSV không những tăng trưởng không cao mà có chiều hướng giảm dần. Trong khi đó, đối tượng nợ đến kỳ hạn trả, nợ quá hạn lại tăng. Nguyên nhân chính là HSSV ra trường  nhưng chưa tìm được việc làm, nên không có điều kiện để hoàn trả nợ.

Hiện nay, qua rà soát, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo không có nhiều mà đối tượng vừa mới thoát nghèo có con em đi học lại có nhu cầu vay vốn khá cao nhưng không nằm trong diện cho vay. Ngân hàng đã đề xuất lên trung ương về thực trạng ở địa phương để linh hoạt tháo gỡ, đáp ứng nhu cầu cho những hộ vừa thoát nghèo. Hy vọng sắp đến Chính phủ sẽ có quyết định cho hộ vừa thoát nghèo vay vốn liên tiếp trong 3 năm nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững, cũng như có điều kiện đầu tư cho con ăn học.

*Ông Nguyễn Hoàng Sơn – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sơn Tịnh: “Hộ mới thoát nghèo cũng cần nguồn vốn vay này”
 Nhiều lần hướng dẫn và làm thủ tục cho vay, chúng tôi nhận thấy một  thực tế ở địa phương là hộ nghèo, cận nghèo còn lại rất ít và số lượng vay vốn không nhiều. Trong khi đó, đối tượng vừa mới thoát nghèo thì rất cần nguồn vốn ưu đãi HSSV, nhưng lại vay không được nên muốn cho con ăn học phải vay vốn các ngân hàng thương mại chịu lãi suất cao. Do vậy, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên và hy vọng cấp trên sớm điều chỉnh đối tượng vay để bà con được vay vốn.

*Ông Phạm Văn Sâm – Chủ tịch UBND xã Ba Thành (Ba Tơ): “Nên mở rộng đối tượng cho vay”
Nguồn vốn cho vay HSSV đã giải quyết được rất nhiều trường hợp khó khăn cho con được đến trường. Xã mong rằng, đối với hộ nghèo, cận nghèo đã vay vốn Nhà nước cho con em đi học, nhưng chưa có việc làm, kéo theo chưa trả được nợ thì ngân hàng nên khoanh nợ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần mở rộng đối tượng cho vay là hộ vừa thoát nghèo để các hộ vừa mới thoát nghèo có điều kiện vay vốn cho con đến trường.

*Ông Lê Văn Hùng – Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh): “Không được vay cuộc sống của hộ mới thoát nghèo càng khó”
Chương trình cho vay HSSV triển khai đã hạn chế rất nhiều tình trạng “vay nóng” cho con ăn học. Giai đoạn đầu triển khai cho HSSV vay vốn, bà con vay khá nhiều. Đến nay, con em họ ra trường không có việc làm nên đối tượng nghèo thì sợ nợ ít dám vay nữa. Trong khi đó, hộ vừa mới thoát nghèo thì rất cần vốn để tiếp tục đầu tư cho con, nhưng chính sách quá ràng buộc nên họ không tiếp cận được vốn. Tình trạng này dẫn đến nhiều gia đình phải bỏ quê lên thành phố kiếm tiền nuôi con ăn học nên cuộc sống vốn đã khó lại càng khó. Mong Nhà nước  mở rộng đối tượng cho vay thì bà con diện vừa thoát nghèo có được nguồn vốn vay, mà những người làm công tác cho vay vốn ở cơ sở cũng vui hơn, vì mình đáp ứng được nhu cầu của bà con.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.