Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp: Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

02:06, 28/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng… nhưng thực tế, giá trị sản xuất nông nghiệp lại không cao nên đời sống nông dân vẫn còn ở mức thấp. Để cải thiện tình trạng này, ngành nông nghiệp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp gắn với đề án tái cơ cấu lại ngành…

Chú trọng chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, cây lúa không còn thế độc canh. Nguyên nhân một phần do tình trạng thiếu nước tưới; phần vì các loại cây trồng khác như bắp, đậu phụng, mè ngày càng có lợi thế cạnh tranh về năng suất, giá cả và đầu ra. Thế nên, không chỉ hè thu, mà ngay cả vụ đông xuân, nhiều nông dân cũng chủ động chuyển đổi cây trồng trên một số diện tích sản xuất lúa hưởng nước trời. Lựa chọn này theo ông Nguyễn Hồng Sơn, ngụ thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức) là “trồng cây màu có ăn hơn, sản phẩm dễ bán, giá lại cao nên tiền đó dư mua lúa”.

Thiếu kênh tiêu thụ nên người trồng rau luôn luẩn quẩn với điệp khúc
Thiếu kênh tiêu thụ nên người trồng rau luôn luẩn quẩn với điệp khúc "được mùa rớt giá".


Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận từ bỏ lúa – loại cây vốn đã gắn bó máu thịt với nông dân như ông Sơn. Bởi suy nghĩ của đại đa số nông dân lâu nay là “phải trồng lúa thì mới đảm bảo gạo ăn”. Và, cũng không hiếm người làm lúa cốt chỉ để... giữ đất nên họ chẳng quan tâm đến chuyện được mất, lãi lỗ. Vì thế mà dù việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo từ ba năm nay, nhưng kết quả không như mong đợi. Cụ thể, vụ hè thu hằng năm, toàn tỉnh có đến 2.500ha đất lúa bấp bênh nước tưới hoặc sản xuất kém hiệu quả nhưng nông dân vẫn cố bám lúa, không mặn mà chuyển sang cây trồng khác.

Theo ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa ngày càng tăng, an ninh lương thực tại chỗ đảm bảo, thậm chí dư thừa. Do đó, vấn đề hiện giờ là phải làm sao tăng giá trị sản xuất để nông dân có lãi và sống được với cây lúa. “Muốn làm được điều này thì trước hết nông dân phải mạnh dạn chuyển đổi, xen canh, luân canh cây trồng ngay trên đất lúa để vừa nâng cao giá trị sản xuất, vừa cải tạo và bảo vệ đất”, ông Tô nhấn mạnh.

Trong khi đó, nông dân và chính quyền các địa phương thì kiến nghị rằng, Trung ương, tỉnh cần hỗ trợ và định hướng cho họ sử dụng các loại cây trồng có tiềm năng. Đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách khuyến khích việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thu hút người dân, nhất là việc đảm bảo đầu ra cho loại nông sản thay thế lúa.   

Tháo gỡ vòng luẩn quẩn sản xuất – tiêu thụ

“Được mùa rớt giá, mất mùa được giá” là điệp khúc khiến nông dân luẩn quẩn với chuyện ế hàng, thua lỗ, hay bị thương lái ép giá mà từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Ví dụ như những người sản xuất rau hiếm khi nào họ được hưởng niềm vui trúng mùa được giá. Thậm chí sau hàng chục năm gắn bó với nghề, những hộ như ông Nguyễn Dũng ngụ xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) xem chuyện trồng rau để...  nuôi bò hoặc vứt bỏ là bình thường! “Nhiều lúc một ký rau xà lách, cải có vài ba trăm đồng thì cho bò ăn hoặc bỏ thối còn lợi công hơn cắt dọn”, ông Dũng cho hay.

Cùng với trồng trọt thì chăn nuôi được xem là lĩnh vực giúp nông dân tăng thu nhập. Thế nhưng, lâu nay nghề này lại khiến nhà nông điêu đứng khốn khổ vì dịch bệnh, rồi giá cả liên tục nhảy múa. Nói như ông Nguyễn Nở, hộ nuôi vịt đẻ ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa): “Khi có dịch cúm gia cầm, giá trứng rẻ đã đành. Đằng này khi thấy vịt đẻ rộ, thương lái cũng viện cớ bảo trứng bán ế nên giảm vài giá”.

Với người chăn nuôi heo thì họ lại bảo: “Càng bám heo càng... nghèo. Bởi, bây giờ giá tăng một nhưng giảm hai”. Thế nên, mỗi khi thấy heo sốt giá, những người chăn nuôi lâu năm như hộ bà Nguyễn Thị Lan, thôn Phước An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) chọn cách xuất bán trọn đàn. Dẫu biết cách làm này sẽ khiến những hộ chăn nuôi khó, thậm chí mất khả năng xoay vòng tái đàn nhưng lý giải của bà Lan cũng rất... hợp lý, rằng “giá tăng được vài ngày nhưng giảm đến cả tháng, thậm chí cả năm. Nếu tiếc giữ lại thì lấy gì bù lỗ”.

Để tháo gỡ nghịch lý này, người dân cho rằng, cần phải có sự can thiệp của chính quyền trong việc ổn định giá cả cũng như định hướng sản xuất. Bởi theo ông Nguyễn Hồng Sơn, thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức) thì mọi người thường đổ lỗi cho nông dân là chạy theo thị trường, sản xuất ồ ạt nên mới xảy ra chuyện ế hàng, trượt giá. “Nhưng nếu chúng tôi được thông báo, cung cấp thông tin đầy đủ về giá cả, nhu cầu thị trường cũng như rủi ro sẽ gặp của từng mặt hàng nông sản thì liệu có xảy ra những chuyện như thế không?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Quả thật, câu hỏi của ông Sơn cũng chính là khắc khoải của nhiều nông dân trong tỉnh. Mong rằng, với những định hướng, giải pháp cùng đề án tái cơ cấu ngành thì giá trị sản xuất nông nghiệp sẽ gia tăng, nghĩa là cuộc sống của nông dân cũng sẽ “dễ thở” hơn.
 

*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch, bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp; thu hút doanh nghiệp và đầu tư nguồn nhân lực gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp…”.
Điều kiện tự nhiên và con người ở mỗi khu vực không giống nhau nên các địa phương phải rà soát, lựa chọn cây con phù hợp; đồng thời tập trung vào việc cải thiện chất lượng giống, đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, cũng như chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản xuất thì vấn đề gốc rễ là phải giải quyết được khâu tiêu thụ. Muốn làm được điều này, cần thiết phải cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân. Bởi lâu nay, doanh nghiệp chỉ tiêu thụ  nông sản nông dân làm ra chứ hai bên chưa có sự ràng buộc và gắn bó chặt chẽ, bền vững.   

*Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân: “Xem xét ưu tiên hỗ trợ trực tiếp kinh phí sản xuất cho nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp”.
Tôi nhận thấy, ở địa phương nào mà hợp tác xã nông nghiệp (HTX) mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp, rồi giao khoán lại cho cá nhân thực hiện thì ở đó nông dân được hưởng lợi rất nhiều. Những cái lợi đó là, chi phí sản xuất giảm; thời gian, chất lượng làm đất, thu hoạch đảm bảo. Ngược lại, ở các HTX “trắng” máy móc thì nông dân không chỉ bị tư nhân o ép về giá, mà còn bị chậm lịch thời vụ do tình trạng “nước đợi máy”. Rõ ràng HTX đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả, giảm giá thành sản xuất. Thế nhưng hiện giờ, rất nhiều HTX chật vật vì thiếu vốn hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Võ Đình Tiến: “Trọng tâm của nâng cao giá trị sản xuất là cải thiện, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh sản phẩm”.
Sản phẩm nông sản ngày càng nhiều, chất lượng cũng được cải thiện đáng kể. Song, thực tế vẫn còn nhiều loại không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm như tình trạng sử dụng thức ăn có chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn cao... đã ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý người tiêu dùng. Đối với người dân miền núi, cần thiết phải sử dụng các loại giống mới thuần chủng, tích cực chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhằm từng bước cải thiện giá trị sản xuất.   

*Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Võ Văn Điểm: “Đảm bảo nước tưới, tích tụ ruộng đất”.
Trong sản xuất nông nghiệp, nước luôn được xếp vào hàng “nhất bảng”. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống kênh mương thủy lợi của chúng ta ngày càng hư hỏng, xuống cấp khiến diện tích sản xuất bị thiếu nước tưới ngày càng tăng. Hơn nữa, diện tích sản xuất của nông dân quá ít nên dù muốn đầu tư, mở rộng sản xuất cũng khó. Muốn giải quyết tình trạng này, thiết nghĩ bên cạnh việc quy hoạch các vùng chuyên canh, đặc thù riêng ở từng địa phương thì Nhà nước cần nghiên cứu chính sách bảo hiểm nông nghiệp nhằm kích thích nông dân sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.    

 

Bài, ảnh: MỸ HOA

                


.