Đặc sản Quảng Ngãi: Đừng để mất thương hiệu

03:06, 12/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu Quảng Ngãi đã nổi tiếng với nhiều đặc sản như: Cá bống Sông Trà, kẹo gương, đường phèn, đường phổi, tỏi Lý Sơn… Thế nhưng, trước tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay đã khiến cho các sản phẩm hàng nhái, hàng giả mạo danh thương hiệu đặc sản Quảng Ngãi tràn lan trên thị trường. Do đó, để bảo vệ chính sản phẩm của mình, các cơ sở sản xuất cần phải nâng cao ý thức, không nên chạy theo lợi nhuận mà để mất thương hiệu.

TIN LIÊN QUAN

Mạnh ai nấy làm

Nói về đặc sản cá bống Sông Trà thì không chỉ người trong tỉnh, trong nước mà cả nước ngoài cũng đã biết đến. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có những ý kiến trái chiều về loại đặc sản này. Có nhiều người sau khi ăn cá bống Sông Trà đã không hết lời khen ngợi và tiếp tục mua sản phẩm này để dùng và làm quà biếu cho người thân. Thế nhưng cũng không ít người nhắc đến loại đặc sản Quảng Ngãi này thì trở nên “dị ứng”. Bà Lê Thị Thuyết, một Việt kiều đã định cư ở Mỹ nhiều năm chia sẻ: “Mỗi lần tôi về Việt Nam đều muốn mua đặc sản của quê hương Quảng Ngãi để dùng và biếu cho những người bạn xa quê. Thế nhưng, có lần mua về tôi thử xong một miếng là vứt luôn cả lọ cá bống vì nó có mùi tanh và giống như có cát trong ấy rất khó ăn. Từ đó tôi trở nên có ác cảm với loại đặc sản này”.

Đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, các cơ sở sản xuất sẽ bảo vệ được thương hiệu của mình.
Đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, các cơ sở sản xuất sẽ bảo vệ được thương hiệu của mình.


Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những “dị ứng” như trên chính là người tiêu dùng đã mua phải cá bống Sông Trà bị giả nhãn mác nên kém chất lượng. Bởi nói là cá bống Sông Trà, nhưng thực chất là cá bống nuôi ở các ao hồ. Vì thế cá thường có mùi tanh sau khi chế biến và thường được bán với giá rẻ hơn nhiều so với cá bống được bắt trên dòng sông Trà. Hiện tại cá bống Sông Trà thật thường được bán với giá 220 – 260 nghìn đồng/kg cá tươi. Sau khi chế biến, cá sẽ có giá khoảng 400 - 420 nghìn đồng/kg. Còn cá bống được nuôi ở ao hồ chỉ có giá 70 – 80 nghìn đồng/kg cá tươi, nhưng sau khi chế biến thường được bán với giá khoảng 300 nghìn đồng/kg.

Cũng như cá bống, đường phèn, kẹo gương… là những đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi và đã có mặt ở khắp cả nước, nhưng đến nay nơi chế biến các đặc sản này vẫn chưa đăng ký xây dựng thương hiệu và quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Đa số đều hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm. Chính điều này đã làm cho người tiêu dùng ít am hiểu về đặc sản Quảng Ngãi nhầm lẫn vì nghĩ rằng đặc sản Quảng Ngãi thì chỗ nào cũng giống nhau. Chị Nguyễn Thị Tuyết Trang, một khách du lịch ở Hà Nội chia sẻ: “Nếu không có người quen ở Quảng Ngãi giới thiệu đến những cửa hàng đã có thương hiệu mua thì tôi cứ nghĩ chỗ nào cũng giống nhau”.

Trong khi đó, mặc dù đã là một làng nghề chế biến nước mắm truyền thống hẳn hoi với trên 500 hộ, cơ sở sản xuất hành nghề. Tuy nhiên, đến nay làng nghề nước  mắm Đức Lợi mới chỉ có 16 hộ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Còn lại đều làm nước mắm theo kiểu thủ công. Riêng về đăng ký thương hiệu và quyền bảo hộ nhãn hiệu độc quyền thì chưa có hộ nào làm. Ngay cả việc, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để những hộ làm nước mắm tập trung lại một chỗ và xây dựng một thương hiệu chung nhưng vẫn không ai muốn tham gia. Chính điều này đã làm cho thương hiệu nước mắm Đức Lợi ngày một đi xuống.

Theo các hộ sản xuất và chế biến đặc sản Quảng Ngãi thì do ngày càng có nhiều người mở cơ sở sản xuất và chế biến đặc sản Quảng Ngãi nên sự cạnh tranh gay gắt hơn, dẫn đến chất lượng khác nhau. Đối với những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làm ăn lớn và đã có tên tuổi trên thị trường, thì thường chú ý đến chất lượng sản phẩm và thường xuyên cải tiến mẫu mã, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, họ đã tự giác đăng ký quyền SHCN nên mọi quy trình sản xuất sẽ theo một tiêu chuẩn nhất định. Còn đối với những cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì họ chỉ xem việc sản xuất và bán đặc sản Quảng Ngãi như một cách kiếm lời, bán được ngày nào hay ngày đó. Tư tưởng trên khiến họ không xem trọng việc xây dựng thương hiệu cho chính mình. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và làm mất dần thương hiệu đặc sản Quảng Ngãi.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Đã có hơn chục năm gắn bó với đặc sản Quảng Ngãi, nhưng đến nay, chị Nguyễn Thị Thanh Thương – Chủ cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm Phượng Hoàng, đường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa đăng ký thương hiệu và quyền SHCN cho chính mình. “Tôi cũng muốn đăng ký quyền SHCN, nhưng khổ nỗi khi đăng ký tên nhãn hiệu được bảo hộ là Phượng Hoàng thì họ bảo là không được vì trùng tên. Do đó để đăng ký nhãn hiệu được bảo hộ thì phải đổi một cái tên khác. Tuy nhiên, việc này là không thể vì cái tên Phượng Hoàng đã trở thành thương hiệu của tôi. Giờ bắt tôi đổi sang tên khác thì làm sao tôi làm ăn được. Thôi thì cứ tới đâu hay tới đó vậy”.

Không chỉ riêng chị Thương mà hàng trăm hộ cá thể, cơ sở sản xuất vẫn chưa đăng ký, xây dựng và bảo hộ quyền SHCN. Bởi đa số đều chưa ý thức được quyền lợi mà họ sẽ được hưởng. Để xây dựng một thương hiệu tốn nhiều công sức, nhưng phá vỡ thương hiệu lại là chuyện khá dễ dàng. Hơn thế nữa, một thương hiệu có thể giúp doanh nghiệp ăn nên làm ra, nhưng cũng có thể làm cho doanh nghiệp tán gia bại sản. Trên thực tế, Nhà nước không bắt buộc cơ sở sản xuất kinh doanh phải đăng ký bảo hộ SHCN, nhưng nếu không đăng ký SHCN thì rất có thể đối thủ cạnh tranh sẽ tiến hành đăng ký trước và đánh cắp đi thương hiệu.

Hiện tại, trên địa bàn Quảng Ngãi tình trạng cạnh tranh, giả mạo thương hiệu để hạ uy tín, cạnh tranh không lành mạnh đã dần xuất hiện. Vì vậy, để bảo vệ thương hiệu của mình và thương hiệu đặc sản Quảng Ngãi thì các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần phải xây dựng, đăng ký quyền SHCN. Đồng thời phải thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Bởi nhãn hiệu là do cơ quan nhà nước chứng nhận, còn thương hiệu là do người tiêu dùng bình chọn. Do đó, một khi người tiêu dùng đã nghi ngờ và quay lưng thì thương hiệu đó cũng mất. Vì thế không nên để “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã muộn.

 

*Bà Võ Thị Thúy Nga – Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH & CN): “Không đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ dễ bị đánh mất thương hiệu”
Lâu nay các cơ sở sản xuất kinh doanh đặc sản Quảng Ngãi vẫn chưa có ý thức trong việc đăng ký quyền SHCN mà đa số làm theo kiểu “mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán” nên đã tạo cơ hội cho các sản phẩm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến danh tiếng của đặc sản Quảng Ngãi. Do đó, để không làm mất thương hiệu đặc sản Quảng Ngãi thì các cơ sở sản xuất phải đăng ký quyền SHCN.

*Ông Lê Minh Sứ - Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng TP. Quảng Ngãi: “Thương hiệu là tài sản quý giá của cơ sở sản xuất kinh doanh”
Để có được thương hiệu, các cơ sở sản xuất phải trải qua quá trình nỗ lực không ngừng nên nó là tài sản vô giá. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn thờ ơ trong việc bảo vệ thương hiệu của chính mình. Họ cho rằng thương hiệu đã có thì không ai có thể lấy đi được nên không đăng ký SHCN. Điều này đã tạo điều kiện cho các đối thủ khác lợi dụng giả mạo thương hiệu, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và làm mất thương hiệu của chính họ.

*Ông Lê Minh Việt – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi (Mộ Đức): “Không nên làm theo kiểu được chăng hay chớ”
Nước mắm Đức Lợi đã từng có chỗ đứng trên thị trường, thế nhưng chính vì sự manh mún nhỏ lẻ, bán được ngày nào hay ngày đó, không đăng ký quyền SHCN cho một nhãn hiệu chung nên dần mất thương hiệu. Trong khi đó, trên thị trường ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất ra các loại nước mắm có mẫu mã đẹp, có nhãn mác, các tiêu chuẩn sản phẩm rõ ràng.

*Chị Phan Thị Tú Thanh, đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi: “Mọi người phải cùng nhau bảo vệ thương hiệu”
Cái tên đặc sản Quảng Ngãi là tên chung nên chỉ cần một vài cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng là người tiêu dùng sẽ quy chụp và quay lưng với đặc sản Quảng Ngãi. Như vậy để thương hiệu đặc sản Quảng Ngãi không mất thì tất cả các cơ sở sản xuất phải có ý thức chung, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất cả một thương hiệu phải tốn bao công sức mới có.

Chị Ngô Thị Thu Quyên – Chủ cơ sở chế biến thực phẩm Hoàng Yến, đường Trần Hưng Đạo, TP. Quảng Ngãi: “Cần phải kiểm tra những cơ sở sản xuất và chế biến đặc sản không đảm bảo chất lượng”
Việc ngày càng có nhiều người sản xuất đặc sản Quảng Ngãi theo kiểu nhỏ lẻ, không đăng ký, không nhãn mác đã làm cho những cơ sở làm ăn đúng thương hiệu bị ảnh hưởng. Vì vậy các ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra và xử lý những kiểu làm ăn trên để bảo vệ thương hiệu đặc sản Quảng Ngãi.

 

Bài, ảnh: HỒNG HOA   


 


.