Lời giải nào cho bài toán thiếu vốn "nhà 167"cho hộ nghèo?

05:05, 24/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg là chính sách thiết thực, hỗ trợ người dân có điều kiện an cư lạc nghiệp, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay, dù chương trình này đã kết thúc, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn hộ nghèo (trong giai đoạn bổ sung) dù đã xây dựng nhà vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ từ vốn vay của Ngân hàng CSXH và vốn huy động doanh nghiệp thông qua Uỷ ban MTTQVN tỉnh. Chính điều này đã khiến cuộc sống của những hộ dân này thêm khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Dân và chủ thầu đều là con nợ

Sau khi được phê duyệt vào danh sách hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà 167, gia đình anh Hồ Ngọc Nam, tổ 17, thôn 5, xã Trà Thủy (Trà Bồng) rất vui vì một ngày không xa nữa sẽ được ở trong ngôi nhà kiên cố. Dù chỉ mới nhận tiền hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh là 8,4 triệu đồng, nhưng với mong muốn sớm có nhà ở ổn định, anh Nam nhờ nhà thầu ứng vốn cùng gia đình triển khai xây dựng nhà. Anh tính toán là khi nhận phần tiền từ nguồn huy động doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo và vay từ NHCSXH sẽ trả phần tiền nợ cho chủ thầu.

                       Rất nhiều hộ nghèo ở Quảng Ngãi cần hỗ trợ xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.
Rất nhiều hộ nghèo ở Quảng Ngãi cần hỗ trợ xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.


Tuy nhiên, sau khi xây dựng bộ khung nhà, thấy chưa có tiền thanh toán chủ thầu đã “bỏ của chạy lấy người” để lại cho vợ chồng anh Nam bộ khung nhà 24m2. Anh Nam đành đi vay nóng để mua cây, vật liệu về làm mái nhà để có chỗ che mưa, che nắng. Ba năm rồi, vợ chồng anh vẫn chờ tiền hỗ trợ nhưng chẳng thấy đâu. Vì hoàn cảnh hết sức khó khăn, nên ngôi nhà anh đang ở không thể tô vách, đóng cửa, đảm bảo “3 cứng” theo quy định. Anh Nam mong muốn: “Mình chỉ mong sao Nhà nước sớm giải quyết 2 nguồn hỗ trợ còn lại là 15 triệu đồng để mình có điều kiện sửa lại nhà để ở và trả nợ vay 3 năm nay”.

Tình cảnh các chủ thầu tham gia ứng vốn nhận làm nhà 167 cho dân cũng khốn đốn không kém. Nhiều chủ thầu đã vay nóng, bán tài sản để cầm cố trả nợ vật liệu xây dựng, vì các hộ dân nợ tiền chưa biết đến bao giờ thanh toán. Anh Bạch Nam- Chủ thầu xây dựng nhà 167 ở huyện Trà Bồng cho biết: “Tôi nhận xây dựng nhà 167 cho các hộ nghèo ở xã Trà Thủy. Đến nay nợ vay nóng để ứng vốn mua vật liệu xây dựng mỗi ngày “lãi mẹ đẻ lãi con”. Nếu tiếp tục kéo dài thế này chắc tôi phải bán nhà để trả nợ”. Cũng theo anh Nam, ban đầu được chính quyền động viên để xây dựng nhà trước cho dân ở, nên anh quyết tâm xây dựng nhà cho mỗi hộ tổng cộng theo số tiền 24 triệu đồng/nhà. Tính đến giờ đã 3 năm, nếu nhận được tiền đã ứng ra thì chẳng có đồng lợi nhuận nào mà còn có nguy cơ mất vốn”, anh Bạch Nam phân trần.

Thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2009, huyện Trà Bồng được UBND tỉnh phê duyệt đề án hỗ trợ cho 644 nhà. Hầu hết các hộ này đã nhận đủ các khoản kinh phí, xây dựng và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong năm 2012, huyện được phê duyệt bổ sung tổng cộng 1.563 hộ. Đến nay, đã có 884 hộ hoàn thành xây dựng nhà, nhưng UBND tỉnh chỉ mới bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, còn nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và Quỹ "Vì người nghèo" chưa bố trí nên nhiều hộ xây dựng nhà xong nhưng không có đủ tiền để hoàn thiện phần cửa và cũng có hộ xây dựng dở dang, không thể tiếp tục xây dựng do hết vốn. Thậm chí có hộ thì thành con nợ của nhà thầu do không có tiền trả công, hộ thì đã bán hết trâu bò thậm chí cầm cố đất đai… Đó là tình cảnh không chỉ ở huyện Trà Bồng mà diễn ra hầu hết ở các huyện miền núi trong tỉnh.  

Trong khi các địa phương khác gặp vướng mắc, thì riêng đối với huyện Tây Trà vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng nhà 167 giai đoạn bổ sung phải trả lại cho tỉnh. Bởi theo ông Hoàng Anh Ngọc- Chủ tịch UBND huyện thì địa bàn Tây Trà địa hình giao thông cách trở, thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa. Kinh phí hỗ trợ 24 triệu/nhà quá thấp, trong khi chi phí vận chuyển vật liệu và nhân công xây dựng đắt đỏ, nên đến thời điểm này, hơn 1.400 hộ bổ sung giai đoạn 1 của địa phương chưa có hộ nào triển khai xây dựng nhà.

Sớm tháo gỡ

Theo số liệu từ Sở Xây dựng, toàn tỉnh có hơn 21 nghìn hộ được phê duyệt thụ hưởng chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Trong đó, 12.503 hộ được phê duyệt tháng 6.2009, còn 8.410 hộ được UBND tỉnh bổ sung vào danh sách thụ hưởng chính sách cuối năm 2012.

Nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167 gồm: Vốn trung ương, địa phương; vốn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp; vốn vay từ NHCSXH. Nếu như việc thực hiện chính sách đối với các hộ được phê duyệt năm 2009 diễn ra suôn sẻ, đúng kế hoạch, thì tiến độ liên quan đến số hộ được bổ sung năm 2012 lại gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt là khi chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà đến ngày 31.12.2012 của Trung ương đã kết thúc. Vì vậy, việc hỗ trợ đối với các hộ được bổ sung chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, công tác triển khai tại các địa phương chưa đồng bộ. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến hàng ngàn hộ nghèo còn “mắc kẹt lại” ở Chương trình 167 giai đoạn 1 là thiếu nguồn vốn huy động từ xã hội, mà cụ thể là từ các doanh nghiệp hỗ trợ thông qua Quỹ Vì người nghèo. Theo Sở Xây dựng, tổng kinh phí cần được hỗ trợ từ các doanh nghiệp thông qua Quỹ Vì người nghèo để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở phần bổ sung là hơn 23,8 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa huy động được để bố trí cho chương trình. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hộ dân vay vốn ưu đãi để làm nhà cũng không “thuận buồm xuôi gió”. Bởi Bộ Tài chính đã có văn bản số 4486/BTC–CNH gửi NHCSXH, nêu rõ “việc cho vay vốn tín dụng chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở chỉ thực hiện trong giai đoạn 2008 – 2012”. Vì vậy, Bộ này đề nghị NHCSXH các địa phương chỉ cho vay đến hết năm 2012.  

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh có 3.750 hộ đã xây dựng nhà nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ đủ các nguồn vốn với số tiền hơn 57 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 2,2 tỷ đồng; ngân sách địa phương 447 triệu đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp qua Uỷ ban MTTQVN tỉnh hơn 26 tỷ đồng và vốn vay Ngân hàng CSXH tỉnh hơn 28 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ xây dựng nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ, giai đoạn 1 trong cả nước đã khép lại. Thế nhưng, nỗi bức xúc của người nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà thuộc diện bổ sung ở tỉnh ta chưa thể dừng lại mà đang ngày càng bức thiết. Người nghèo đã và đang chờ đợi tỉnh sớm triển khai phương án khả thi giải quyết để họ sớm ổn định cuộc sống.

*Ông Nguyễn Đức Hiệp- Quyền Giám đốc Sở xây dựng.
Để giải quyết các vướng mắc do thiếu kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo xây dựng nhà 167 giai đoạn bổ sung, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan cũng đã có đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ. UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 1485 gửi Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh chờ hướng chỉ đạo giải quyết. Riêng đối với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương và vốn doanh nghiệp (21,5 tỷ đồng), kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh cho sử dụng ngân sách từ nguồn vượt thu năm 2014 để trả nợ cho dân. Phần còn lại khoảng hơn 6,7 tỉ đồng, UBND dự kiến sẽ phân bổ từ nguồn kinh phí thu hồi các huyện chưa sử dụng xây dựng nhà 167 để bố trí vào nguồn vốn đang thiếu.  

*Ông Trần Duy Cường - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHXSCH) chi nhánh Quảng Ngãi
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay hỗ trợ hộ nghèo đã xây dựng nhà ở theo Quyết định số 167/QĐ-TTg giai đoạn 1, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với các Bộ, ngành trình Chính phủ, cho chủ trương tiếp tục hỗ trợ  và bố trí đủ nguồn vốn chuyển cho NHCSXH để có cơ sở cho vay đối với các hộ nghèo đã xây dựng xong nhà ở giai đoạn 1 bổ sung. Trường hợp Chính phủ không cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay thì đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cấp bù lãi suất giao cho NHCSXH thực hiện huy động vốn thị trường để có nguồn vốn cho vay. Trong khi chưa có nguồn vốn của Chính phủ, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, bố trí nguồn ngân sách tỉnh chuyển sang NHCSXH để cho vay đối với các hộ trên.

*Ông Nguyễn Xuân Bắc- Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng
Các hộ được hỗ trợ xây dựng nhà 167 đều là hộ nghèo, đa phần đều dựa vào số tiền nhà nước hỗ trợ. Để có tiền ứng trước xây nhà, một số hộ dân thế chấp tài sản, một số hộ dân bán keo non, vay mượn tiền... giờ chưa tiếp cận được tiền hỗ trợ của nhà nước, không ít hộ vướng vào cảnh nợ nần vì không biết lấy đâu tiền để trả nợ. Cuộc sống họ vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Đề nghị tỉnh, Trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ về 2 nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách và Quỹ Vì người nghèo càng sớm càng tốt để giải quyết bức xúc, ổn định cuộc sống các hộ dân.

*Ông Lê Văn Sáu- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh
Hằng năm Uỷ ban MTTQVN tỉnh huy động Qũy Vì người nghèo khoảng 10 tỷ đồng, tuy nhiên tất cả các khoản chi đều theo yêu cầu, địa chỉ của nhà tài trợ. Chính vì vậy nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng nhà 167 không thể huy động được. Năm 2014, MTTQVN tỉnh huy động công nhân, viên chức tỉnh ủng hộ hai ngày lương để hỗ trợ người nghèo với số tiền 7,4 tỷ đồng. Nhưng số tiền này cũng chi cho hoạt động xây dựng nhà đại đoàn kết. Đối với kinh phí huy động 2 ngày lương của cán bộ công nhân, viên chức trong năm 2015, MTTQVN tỉnh đang làm tờ trình xin Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương sử dụng kinh phí này hỗ trợ cho các hộ nghèo xây dựng nhà 167.

 

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.