Sử dụng thuốc diệt cỏ: Lợi bất cập hại

01:01, 18/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã quen sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù có những tiện ích từ việc sử dụng loại thuốc này trong sản xuất, thế nhưng thuốc diệt cỏ có độc tố nặng, gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho môi trường và người sử dụng.

TIN LIÊN QUAN

Vừa nhanh vừa tiết kiệm?

Để bước vào vụ gieo sạ mới, nông dân không cần phải cả tuần bám đồng ruộng để làm cỏ. Họ đã chọn cách mua thuốc diệt cỏ hòa với nước để phun và chỉ vài ngày sau đám cỏ sẽ bị chết. Cách làm này đang được người dân lựa chọn để thay thế cho cách làm cỏ bằng thủ công như lâu nay.

 Nông dân phun thuốc diệt cỏ cho ruộng lúa.
Nông dân phun thuốc diệt cỏ cho ruộng lúa.


Vừa hòa xong ve thuốc Roundup 480SC vào bình bơm để phun lên đám ruộng hơn 2 sào đầy cỏ, lão nông Lê Văn Bình, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) cho biết, do thời điểm sau thu hoạch đến ngày làm đồng gieo sạ khá lâu cộng với thời tiết thuận lợi nên cỏ mọc dày đặc trên chân ruộng. “Nếu làm thủ công, hai vợ chồng già như tôi mất cả tuần chưa chắc gì đã dọn xong đám cỏ trên. Mua ve thuốc về dùng cho nhanh. Tốn ít tiền mà vài ngày là sạch trơn” – ông Bình nói.

Hiện nay người dân thường sử dụng các loại thuốc như Mizin, Mazine, Forxone, Atranex… của Công ty CP Bảo vệ thực vật TW 1, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang… Thực tế cho thấy, các loại thuốc trừ cỏ đều có tác dụng diệt cỏ triệt để, tiết kiệm công lao động. Chính vì sự tiện lợi này mà ngày càng nhiều nông dân đã và đang lạm dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất nông nghiệp.

 Ông Trần Dục, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) cho biết, do thời gian kế tiếp giữa hai vụ lúa hơn 2 tháng nên cỏ mọc nhiều. Làm cỏ thủ công không nổi nên ông thường sử dụng thuốc trừ cỏ để phun.  “Hầu hết bà con ở đây sử dụng thuốc trừ cỏ vì thấy tiện lợi, giảm được nhiều công lao động và cũng chưa có trường hợp nào ngộ độc do sử dụng thuốc. Thường chỉ có đàn ông trung tuổi đi phun thuốc vì nghe nói thuốc này có ảnh hưởng tới việc sinh con nên phụ nữ và thanh niên không dám đảm nhận” – ông Dục nói.

Cùng cảnh ngộ khi phải dùng thuốc diệt cỏ để làm sạch ruộng, chị Nguyễn Thị Nhiên, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cho biết, do cỏ nhiều quá nên mới dùng đến thuốc diệt cỏ. “Tôi có nghe người ta nói dùng thuốc này sẽ rất nguy hiểm bởi chất độc còn đọng dưới ruộng khi vào gieo sạ mình bước xuống ruộng dễ bị chất độc nhiễm vào chân. Nhưng biết làm sao được, chồng đi làm ăn xa, hai đứa con còn nhỏ mình tôi làm sao nhổ cho hết cả đám cỏ. Còn thuê người làm cỏ thì không có tiền. Biết là sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng đành chịu” – chị Nhiên cho hay.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

 Không chỉ trong diệt cỏ ở đồng ruộng, mà thời gian qua người dân và các doanh nghiệp trồng rừng cũng đều sử dụng một cách “triệt để” thuốc trừ cỏ để “giảm sức lao động và tiết kiệm chi phí”.

Với diện tích 110ha cao su trên địa bàn xã Tịnh Trà, ban đầu Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi sử dụng công lao động để làm cỏ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do cây cao su bắt đầu cho mủ nên việc sử dụng cuốc thủ công hoặc máy cơ giới vào làm cỏ đã được thay thế bằng… thuốc trừ cỏ.  Thời gian qua tình trạng ô nhiễm môi trường, gia súc, gia cầm nuôi thả quanh khu vực trồng cao su bị chết bất thường và xảy ra tình trạng hư thai, quái thai. Công ty Cao su Quảng Ngãi cho rằng, sử dụng cuốc thì quá tốn kém, còn dùng cơ giới thì sẽ làm bứt rễ dẫn đến cao su không cho mủ, nên phải dùng thuốc diệt cỏ.

Người dân chăn thả bò trong rừng cao su với tâm trạng lo lắng.
Người dân chăn thả bò trong rừng cao su với tâm trạng lo lắng.


Theo người dân sống quanh rừng cao su thì những năm qua Công ty thường phát những loại thuốc như Lyphoxin 41 SL; Confore 480 AS; Helosácle 48SL… để người dân có liên kết trồng cao su với Công ty tự hòa vào bình và phun trừ cỏ. “Vài năm trở lại đây năm nào cũng có  trâu, bò chết một cách bất thường, rồi bị hư thai, quái thai… Nguyên nhân thì chúng tôi không thể xác định được, vì đâu phải là nhà nghiên cứu. Trong khi kiến nghị của người dân chúng tôi trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri người ta có hứa nhưng không thấy trả lời. Thử hỏi, sao trước kia trâu bò không chết mà từ ngày Công ty Cao su phun thuốc trừ cỏ thì trâu bò cứ lăn đùng ra chết là sao?” – ông Đinh Văn Phụ, có nghé trâu bị chết bức xúc nói.

Không chỉ lo lắng thuốc diệt cỏ ảnh hưởng đến gia súc mà người dân còn lo lắng về lâu dài nguồn nước bị ô nhiễm. Bởi, diện tích trồng cây cao su nằm ở đầu nguồn nên việc lạm dụng hóa chất diệt cỏ thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân khu vực bên dưới.

Việc nghiên cứu, sản xuất thuốc trừ cỏ là tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp cho rằng, muốn làm nông nghiệp hiện đại không thể không dùng thuốc trừ cỏ. Còn nếu dùng thuốc thì cũng phải sử dụng để thu lợi nhuận về mặt kinh tế thì nên sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách). Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ cỏ quá nhiều sẽ gây ra những hệ lụy khó lường cho môi trường sống.
 

*Ông Lê Mỹ Liên – Giám đốc Sở TN & MT:
Việc người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc biệt là các loại thuốc có nồng độ độc tố cao làm cho cây cỏ chết ngay sau khi phun là rất nguy hiểm. Đặc biệt, thuốc diệt cỏ có tính năng hóa học ổn định nên rất khó phân hủy liền mà sẽ tích lũy trong môi trường dẫn đến ô nhiễm đất, nước, không khí và người hít phải sẽ mắc các triệu chứng như thiếu máu, giảm bạch cầu, tổn thương da, mắt, rối loạn thần kinh…

*Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT:
Việc người dân sử dụng thuốc diệt cỏ hiện nay là khá phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này như thế nào, thời gian, địa điểm ra sao… thì bản thân người sử dụng phải cẩn trọng. Vì, hầu hết các loại thuốc diệt cỏ trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT hiện nay có độc tố lớn. Nếu không cẩn thận để xảy ra những sự cố ngoài ý muốn sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng cũng như cộng đồng xung quanh.

*Ông Phạm Bá - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật:
Thuốc bảo vệ thực vật rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đấy là con dao hai lưỡi nếu chúng ta sử dụng không đúng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc diệt cỏ bà con nông dân nên có cảnh báo nguy hiểm, thời gian cách ly để tránh tình trạng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và gia súc, gia cầm.

*Ông Đinh Văn Hiếu, xã Sơn Dung (Sơn Tây):
Biết là sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, hàng xóm và trâu, bò mình chăn thả. Nhưng đất rẫy cây cỏ rất nhiều, không dùng thuốc thì biết bao giờ mới làm sạch đất được. Với lại, sử dụng thuốc thì mất vài tháng cỏ mới mọc lại được. Còn làm cỏ thủ công thì sau vài tuần cỏ đã mọc lại ngay.

*Ông Phạm Khắc Lâm, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh):
Kể từ ngày Công ty Cao su sử dụng thuốc diệt cỏ trâu bò ở địa phương chết, sinh quái thai một cách bất thường. Dùng thuốc diệt cỏ thì có lợi về nhân công nhưng thật sự tác động rất lớn đến đời sống của người dân chúng tôi. Trâu bò chết, tài sản không còn. Sao trước kia trâu bò không chết mà từ ngày Công ty Cao su tổ chức phun thuốc là trong thôn liên tục xảy ra tình trạng trâu bò chết bất thường. Tôi đề nghị nên dừng sử dụng thuốc trong diệt cỏ.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.