Khu công nghiệp Quảng Phú: Có nhà máy xử lý nước thải vẫn ô nhiễm

02:11, 02/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù Khu công nghiệp Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) đã được tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng, do nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định xử lý nước thải, nên người dân sinh sống quanh khu vực này vẫn bức xúc vì sức khỏe của cộng đồng bị ảnh hưởng.

TIN LIÊN QUAN


Ô nhiễm từ  mùi hôi nước thải

Nhờ được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên môi trường Khu công nghiệp (KCN) Quảng Phú đã cải thiện một bước. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân sống quanh KCN thì nỗi lo chỉ vơi đi một phần. Bởi từ nửa buổi sáng đến trưa không nghe mùi hôi của nước thải, nhưng về đêm thì mùi hôi bốc lên rất khó chịu. “Mùi hôi xộc vào mũi, vào nhà nồng nặc nên bà con phải đóng cửa bịt bùng” – vợ ông Trần Minh Tuấn, tổ 24, phường Quảng Phú, có nhà sát bên kênh Bàu Lăng bức xúc nói.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Quảng Phú, hiện chỉ xử lý khoảng 1/3 công suất thiết kế.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Quảng Phú, hiện chỉ xử lý khoảng 1/3 công suất thiết kế.


 Tổ dân cư số 24 chạy dọc theo tuyến kênh Bàu Lăng nhà cửa san sát, phía trước là hệ thống xử lý nước thải, xa xa là các nhà máy trong KCN Quảng Phú đang hoạt động. Đưa tôi ra bờ kênh chỉ vào dòng nước mà hệ thống xử lý nước thải thải ra, nước thải vẫn trong vắt, nhưng bà T phân bua: “Thấy thì vậy, nhưng phía bên dưới lớp bùn đóng đen ngòm. Dân ở đây, có hộ nghèo khó lắm nhưng cũng đành bỏ hết giếng khơi, chuyển sang dùng nước máy, bởi ai cũng lo ngại cho sức khỏe của mình”.
 
Ở đoạn dưới của kênh Bàu Lăng, thuộc phía đông của hệ thống xử lý nước thải, dân ở tổ 23, phường Quảng Phú càng bức xúc hơn. Nguồn nước ngầm không ai dám sử dụng đã đành, nhưng tình trạng ô nhiễm không khí bởi mùi hôi thì không ai thoát.

Doanh nghiệp đấu nối, doanh nghiệp không

 Năm 2010, tỉnh đã đầu tư gần 42 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Quảng Phú, với công nghệ hiện đại theo quy trình xử lý cơ học - hóa lý - sinh học. Dự án được đầu tư hai hạng mục chính là đường ống thu gom nước thải và trạm xử lý nước thải có công suất 6.000m3/ngày đêm. Sau khi vận hành, hệ thống có chức năng thu gom và xử lý toàn bộ nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp trong KCN Quảng Phú, đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5945:2005 mới được phép thải ra ngoài.

Kênh Bàu Lăng - nơi hứng nước thải từ KCN.
Kênh Bàu Lăng - nơi hứng nước thải từ KCN.


 Đến năm 2012, công trình hoàn thành giai đoạn 1 (công suất xử lý 4.500 m3/ngày đêm) và bàn giao cho Công ty TNHH MTV đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) quản lý và vận hành. Tuy nhiên, theo QISC thì hiện KCN Quảng Phú có khoảng 22 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 13 doanh nghiệp đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung. Còn lại 9 doanh nghiệp chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, có doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy, hải sản. Và vấn đề đặt ra là, lượng nước thải của 9 doanh nghiệp còn lại sẽ xả thải đi đâu khi không đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung?

Xử lý nước thải có kịp thời?    

Theo quy định xử lý nước thải thì các doanh nghiệp trước khi xả thải đến hệ thống xử lý tập trung phải xử lý bước đầu từ hệ thống xử lý nước thải nội bộ. Quy trình là vậy nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ở KCN Quảng Phú chưa xây dựng hệ thống xử lý nội bộ mà đưa tất cả nước thải về khu xử lý nước thải tập trung với đủ loại tạp chất, nên hệ thống xử lý nước thải chung của toàn KCN phải phân tách rác, gạt váng dầu mỡ, đưa nước về bể điều hòa, đến cụm xử lý hóa lý (cực mạnh) rồi mới đến cụm xử lý sinh học, bể lắng sinh học trước khi đưa ra ngoài. Do hàm lượng chất bẩn COD lớn hơn 600 nên QISC thu phí khoảng 11.000 đồng/m3 (mức cao nhất), còn mức bình quân hàm lượng chất bẩn mà hệ thống xử lý trên 300 COD, Công ty thu khoảng 5.000 đồng/m3.

Hơn nữa, do một số doanh nghiệp không hoạt động hoặc có doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đấu nối hệ thống xử lý nước thải tập trung nên đến thời điểm này, QISC chỉ thu gom và xử lý khoảng 1.500m3/ngày đêm. Việc thu gom nước thải chỉ đạt khoảng 1/3 so với công suất nên việc vận hành xử lý mỗi ngày tốn chi phí khá lớn, đôi lúc chịu lỗ.

Nhiều người dân quanh vùng đặt câu hỏi, phải chăng vì sợ lỗ nên QISC đợi gom đủ lượng nước thải mới xử lý? Bởi theo họ quan sát thì thực tế 3 ngày mới có nguồn nước thải từ hệ thống xử lý đổ ra kênh Bàu Lăng. Và phải chăng việc xử lý chậm trễ dẫn đến ô nhiễm mùi bốc lên từ các bể chứa?

 Nhưng dù căn nguyên gì đi nữa thì việc công trình được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xử lý nước thải cho KCN, nhưng người dân vẫn chịu cảnh ô nhiễm là một nghịch lý cần sớm khắc phục.

*Ông Nguyễn Quốc Tân – Chi Cục trưởng Chi cục  Bảo vệ Môi trường Quảng Ngãi: “Phải kiên quyết xử phạt”  
Đã là doanh nghiệp khi đầu tư vào các KCN, tiêu chuẩn đầu tiên phải chấp hành Luật Bảo vệ môi trường (có bản cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường). Thế nên, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư công nghệ xử lý, tránh gây ô nhiễm nguồn nước thải, ô nhiễm mùi và cả tiếng ồn... Trong thời gian đến, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan sẽ kiểm tra môi trường ở KCN Quảng Phú, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ xử phạt nghiêm.

*Ông Lê Hồng Hà – Phó trưởng Ban phụ trách BQL các KCN tỉnh: “Sẽ phối hợp xử lý doanh nghiệp vi phạm”
 Trước khi đầu tư, BQL các KCN đã bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, do lịch sử để lại nên các dự án trong KCN Quảng Phú hoạt động với đủ lĩnh vực như chế biến gỗ, chế biến thủy hải sản, giấy...  dẫn đến ô nhiễm là điều khó tránh khỏi. KCN đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đã hạn chế rất nhiều về ô nhiễm nguồn nước thải. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc chưa đấu nối vào hệ thống xử lý chung, BQL các KCN sẽ phối hợp với ngành chức năng và địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý.

Hiện trong KCN còn khoảng 10ha đất sạch chờ doanh nghiệp đầu tư. Rút kinh nghiệm, BQL các KCN chỉ chọn cấp phép những dự án đầu tư “sạch” và yêu cầu doanh nghiệp cam kết trước khi đi vào hoạt động phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải nội bộ và phải đấu nối vào hệ thống xử lý chung.

*Ông Cao Thương – Phó Giám đốc QISC: “Doanh nghiệp không đấu nối mình cũng chịu”
Trước đây, Công ty quản lý nước thải từ các doanh nghiệp đổ vào khu xử lý nước thải tập trung để tính phí, bằng cách lắp đặt các đồng hồ để báo khối lượng nước thải, nhưng vẫn có tình trạng xả thải không qua hệ thống có đồng hồ mà lén lút xả ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Năm 2013, QISC đã thay đổi hình thức quản lý nước thải của các doanh nghiệp bằng cách tính 80% lượng nước sử dụng của doanh nghiệp để tính phí. Vì vậy, hạn chế tình trạng xả thải ra ngoài, giảm ô nhiễm môi trường nước thải khá nhiều. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng doanh nghiệp không đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung, đề nghị ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý.

*Ông Trần Minh Tuấn – tổ 24, phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi): “Bà con đã “kêu” quá nhiều”
Kể từ khi hệ thống xử lý nước thải xây dựng phía trước khu dân cư này và đưa vào vận hành, dân thấy nguồn nước thải ra kênh Bàu Lăng trong veo là mừng lắm.  Ai cũng kỳ vọng môi trường sẽ trong lành trở lại sau bao nhiêu năm sống trong cảnh ô nhiễm nguồn nước, lẫn ô nhiễm mùi. Tuy nhiên, đến nay ô nhiễm vẫn xảy ra. Ô nhiễm nguồn nước thì người dân “bấm bụng” sử dụng nước máy. Còn ô nhiễm mùi khá nặng thì không có cách nào. Bà con nơi đây đã “kêu” quá nhiều với địa phương và các cuộc tiếp xúc cử tri mà ngành có chức năng và doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng kiên quyết hơn đối với doanh nghiệp vi phạm, để đảm bảo sức khỏe cho bà con.      

 

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.