Xu hướng gia đình hiện nay: Đôi điều cần bàn

02:10, 12/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gia đình là tế bào của xã hội. Do đó, gia đình có vai trò rất quan trọng, tham gia quyết định sự phát triển của một dân tộc, vì nơi đó có công sinh dưỡng một thế hệ công dân cho một quốc gia. Điều đó đã và đang đặt ra cho mỗi chúng ta về phương pháp giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng con trẻ trong xu thế chịu nhiều tác động tích cực và tiêu cực của cơ chế thị trường hiện nay.

Mỗi chúng ta, ai cũng đều được sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ gia đình. Gia đình là nơi để các thành viên sinh sống, vừa có yếu tố vật chất, vừa có yếu tố tinh thần, tạo nên sự gắn kết, yêu thương, là tình cảm ruột thịt, là những ký ức đẹp trong cuộc đời mỗi con người.

Hướng tới gia đình hạt nhân

Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Thực tế hiện nay, gia đình đang tồn tại dưới 2 kiểu: Gia đình truyền thống (gia đình có từ 3 thế hệ trở lên) và gia đình hiện đại (hay còn gọi là gia đình hạt nhân- chỉ có 2 thế hệ). Mỗi mô hình gia đình đều có những ưu thế và hạn chế riêng. Tuy nhiên, trong xã hội phát triển, nhất là thời kỳ hội nhập, người ta có xu hướng ngày càng ưa chuộng kiểu gia đình hạt nhân.

Bữa cơm gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ.
Bữa cơm gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ.


Kiểu gia đình truyền thống thể hiện được nhiều nét đẹp, ở đó, cha mẹ có thể an tâm cho công việc, con cái sinh ra có ông, bà chăm sóc. Trong gia đình, đạo đức của ông bà, cha mẹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ con cháu. Ông bà là những người đã có kinh nghiệm của cuộc đời, những tích lũy về đối nhân xử thế, đạo lý truyền thống… Vì vậy khi sống cùng ông bà, con cháu sẽ được truyền lại những kinh nghiệm quý báu ấy. Tuy nhiên, sự ràng buộc về chuẩn mực đạo đức của người già cũng phần nào làm mất tự do, tính năng động và sự phát triển của giới trẻ… Đây cũng là lý do để kiểu gia đình truyền thống đang dần mai một, tạo điều kiện cho kiểu gia đình hạt nhân ra đời và ngày càng chiếm ưu thế.

Gia đình hạt nhân giúp cho mỗi thành viên trong gia đình có không gian riêng, được trải nghiệm, được thỏa mãn những nhu cầu riêng tư, tôn trọng quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình hạt nhân đều có cơ hội phát triển sự nghiệp. Hơn nữa, với sự phát triển của kinh tế, nhiều cặp vợ chồng trẻ làm chủ được tài chính nên có nhu cầu được hưởng thụ và gia đình hạt nhân sẽ giúp thỏa mãn các nhu cầu đó. Ở gia đình hạt nhân việc bình đẳng giới đặc biệt được chú trọng; trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái, ông bà, cha mẹ được chia đều cho nhau.

Những hệ lụy…

Theo số liệu thống kê, hiện nay có 70% gia đình Việt Nam thuộc dạng gia đình 2 thế hệ. Tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình trong gia đình 2 thế hệ cũng có xu hướng gia tăng. Lý giải điều này, bà Trương Thị Diệu Hảo- Trưởng Ban gia đình- xã hội (Hội LHPN tỉnh), nói: Ở gia đình nhiều thế hệ, các thành viên trong gia đình được giám sát qua lại nên xúc cảm của mỗi người được kiềm nén, các hành vi có tính chất bạo lực gia đình phần nào được hạn chế. Đồng thời, do có sự động viên, chia sẻ của ông bà, cha mẹ nên những mâu thuẫn kịp thời được giải quyết.

Còn ở gia đình hạt nhân, khi xảy ra mâu thuẫn, các cặp vợ chồng tự giải quyết và khi mâu thuẩn lên đến đỉnh điểm thì họ chọn con đường ly thân rồi đến ly hôn, đẩy những con trẻ vốn hồn nhiên mất đi tình cảm thương yêu của bố mẹ. Cũng theo bà Hảo, nhân cách của mỗi người chịu sự tác động của 3 thành tố: Gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là sự khởi đầu và là yếu tố quyết định. Do đó, mọi sự xáo trộn trong gia đình (ly hôn, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội…) đều tác động đến việc hình thành nhân cách và tương lai của con trẻ.  

   Để giải tỏa stress, nhiều trẻ tìm đến với các trò chơi điện tử.
Để giải tỏa stress, nhiều trẻ tìm đến với các trò chơi điện tử.


Trong xu thế phát triển hiện nay, vấn đề việc làm và thu nhập kinh tế trong gia đình luôn được các gia đình trẻ ở thành phố, thị trấn, thị tứ quan tâm, vì họ muốn khẳng định sự tự lập, không muốn sống phụ thuộc. Vì thế, cả vợ lẫn chồng đều lao vào lo kinh tế, dẫn đến bữa cơm gia đình ngày một ít đi, thời gian dành chăm sóc con, cha mẹ, ông bà cũng không nhiều. Thậm chí có gia đình lo làm ăn để con vi phạm pháp luật rồi thốt lên: “Con tôi có thiếu gì đâu mà ăn cắp, ăn trộm; hoặc hằng ngày nó đi học vẫn về đúng giờ kia mà…”.

Chính sự thiếu quan tâm đó làm cho sợi dây tình cảm trong gia đình trở nên mong manh, chỉ cần một sự tác động nhỏ là vỡ. Với những gia đình kinh tế khấm khá thì dồn lên vai con trẻ thành tích học tập để hãnh diện với bà con, xóm làng. Vì vậy, có những đứa trẻ mới bước vào tiểu học nhưng lịch học trong và ngoại khóa kín cả tuần. Tối về đến nhà chúng được bố mẹ “ưu ái” giao cho cái ti vi để xem hoạt hình hoặc dùng điện thoại chơi games. Do vậy, có không ít trẻ học hết bậc tiểu học nhưng rất lạ lẫm với những con vật, phong cảnh làng quê; không biết thứ bậc của các thành viên trong gia đình, dòng tộc, mặc dù bố mẹ chúng xuất thân từ làng quê.

Một phụ huynh chia sẻ: Vợ chồng chị đều làm công nhân nên phải đi làm từ sáng sớm và đến tối mịt mới về. Hằng ngày, ngoài giờ học trên trường, anh chị gửi con luôn cho cô giáo chủ nhiệm chở về nhà cho ăn và dạy thêm, đến 7 giờ tối mới đón về. Thế tụi nhỏ không đòi đi chơi sao? Tôi hỏi. Vị phụ huynh này giãi bày: TP.Quảng Ngãi này biết chơi ở đâu. Đến siêu thị, hay vào quán cà phê thì không phải tuần nào cũng đi được, vì lương tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu trong tháng.

Thực tế đó, nhiều gia đình hiện nay tìm thú vui cho con trẻ bằng cách ngày cuối tuần đưa con đến những quán cà phê có sân vườn hoặc đi siêu thị để chúng thư giãn, song không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đi. Thực trạng đó làm cho tâm hồn một bộ phận con trẻ ở thành phố trở nên xơ cứng, không còn sự hồn nhiên như trẻ em nông thôn. Không ít gia đình còn tạo cho con trẻ chỉ biết hưởng thụ là chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thanh niên vi phạm pháp luật ngày càng nhiều.  

Ông Nguyễn Phúc Nhân- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, chia sẻ: Thực trạng xu thế gia đình nêu trên đã đặt ra cho mỗi chúng ta rất nhiều điều đáng để suy nghĩ và hành động, nhất là cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình. Bằng mọi cách, chúng ta phải làm cho bằng được trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; gia đình phải thực sự là điểm tựa cho con trẻ. Có như thế mới tạo nền tảng vững chắc cho xã hội.
  

*Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:
Để gia đình thật sự là điểm tựa đòi hỏi mỗi gia đình phải có quy định rõ ràng. Đây là cách để giáo dục con tránh sự ỷ lại. Đặc biệt, các gia đình cần duy trì bữa ăn gia đình. Bữa cơm là dịp để cả nhà cùng ngồi lại, quây quần bên nhau sau một ngày làm việc vất vả. Đây cũng là nơi truyền- nhận giáo dục đạo đức, lối sống; là dịp duy nhất trong ngày để mọi người quan tâm thể hiện tình cảm với nhau: Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống; cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, những tâm tư của con cái; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, săn sóc nhau. Mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên, sẽ được bồi đắp giáo dục nhân cách, học cách quan hệ ứng xử từ những bữa ăn gia đình như vậy.

*Ông Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi:
Gia đình là môi trường tác động mạnh đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Khi xã hội càng phát triển đòi hỏi các bậc cha mẹ phải đi sâu vào vấn đề chăm sóc tâm lý cho trẻ. Thế nhưng vì những áp lực của công việc, cuộc sống, nhiều bậc làm cha mẹ đã lãng quên đi sự chăm sóc tâm lý trẻ. Dẫn đến nhiều trẻ bị rối loạn về tâm lý gây ra các bệnh lý. Trẻ có nhiều biểu hiện hung bạo, chống đối… Chính tâm lý không ổn định dẫn đến thực trạng trẻ ở tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật ngày càng nhiều. Để hạn chế tình trạng này, các bậc phụ huynh cần nắm bắt tâm lý của con trẻ và sớm có sự giải thoát cho trẻ trong những xung đột để tránh gây sang chấn tâm lý.

*Bà Ngô Thị Kim Ngọc- Thạc sĩ tâm lý Trường Đại học Phạm Văn Đồng:
Với sự phát triển của xã hội thì giới trẻ có xu hướng xây dựng gia đình hạt nhân là tất yếu. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp giữa hiện đại với truyền thống. Đó là bình đẳng về giới, bình đẳng trong nghĩa vụ, trách nhiệm đối với gia đình hai bên, lẫn gia đình hạt nhân; tôn trọng không gian riêng của mỗi người. Mỗi thành viên trong gia đình phải biết quan tâm, chia sẻ kịp thời những khó khăn và việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được chia đều như nhau, coi đó là trách nhiệm của bậc làm con, làm cháu…

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.