Công trình thủy lợi, hồ chứa nước: Nỗi lo trước mùa mưa bão

03:07, 14/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa bão năm trước, đặc biệt là trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 đã gây hư hỏng, cuốn trôi hàng loạt công trình thủy lợi (CTTL), hồ chứa nước (HCN) trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, đã gần một năm trôi qua, những CTTL, HCN ấy vẫn chưa được tu sửa, kiên cố hóa…

TIN LIÊN QUAN

Trận lũ hồi giữa tháng 11 khiến hơn 134km kênh mương, 58 công trình kiên cố bị sạt lở, đổ trôi, bồi lấp với gần 96.000m3 khối lượng đất và trên 3.800m3 bê tông, đá. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra cho ngành nông nghiệp (sản xuất và thủy lợi) ước 681 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 32 HCN đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân vùng hạ du.

Công trình rệu rã

Đứng đầu danh sách “không còn gì để hỏng” là đập ngăn mặn Hiền Lương. Công trình này cung cấp nước tưới, ngăn mặn cho 1.433ha đất sản xuất nông nghiệp các xã khu đông huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Bởi, với 100m đường tràn kết hợp giao thông bằng bê tông phía vai tả đập bị nước “khoét” sâu hơn 1m; hai vai cống ngăn mặn bị xói lở; các cửa cống đóng mở thì bong tróc, ron cao su hư hỏng gây rò rỉ nước... nên mùa mưa bão năm nay, đập Hiền Lương được đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi (Công ty KTCTTL)) xếp vào diện cực kỳ nguy hiểm.

 

Đập ngăn mặn Hiền Lương bị xói lở nghiêm trọng.Với kinh phí 8,5 tỷ đồng,
Đập ngăn mặn Hiền Lương bị xói lở nghiêm trọng.Với kinh phí 8,5 tỷ đồng,


Cùng đập Hiền Lương, kè bờ Bắc đập Thạch Nham cũng trong tình trạng rệu rã với toàn bộ phần mái bằng đá xây dày 40cm trong ô khung bê tông cốt thép bị sụt lún, gãy đổ và cuốn trôi đất sau lưng kè. Theo Phó giám đốc Công ty KTCTTL Nguyễn Lập, nếu công trình này không sớm được “trả lại nguyên trạng ban đầu” thì sau mùa mưa bão năm nay, khối lượng thiệt hại sẽ không dừng lại ở chiều dài 320m. Đã thế, hiện giờ việc xói lở đã uy hiếp đến năng lực tưới tiêu của kênh chính Bắc, nên nếu kéo dài, khả năng điều tiết và dẫn nước phục vụ cho hàng chục nghìn hecta đất sản xuất do kênh này đảm nhận sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, hai HCN Suối Loa và Diên Trường cũng bị lũ làm cho tơi tả với phần mái đất sườn đồi bồi lấp, bể tiêu năng tràn xả lũ sụt lún và mái kênh dẫn hạ lưu tràn sạt lở, gãy đổ… Với cảnh tan hoang này thì khi gặp mưa to gió lớn, không ai dám chắc chúng sẽ không gây họa cho vùng hạ lưu nếu tràn bị bể hoặc nước cuốn.    

Người dân phập phồng

Ngoài 4 công trình lớn trên thì hiện giờ hàng loạt công trình thủy lợi và HCN khác cũng trong tình trạng bi đát dù mới đây, Công ty KTCTTL đã được UBND tỉnh phân khai 8,5 tỷ đồng để khắc phục. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lập thì với số tiền trên, Công ty chỉ sửa chữa được một số công trình nhỏ như cầu tràn và một phần kè Bắc Thạch Nham, tràn N6 Liệt Sơn, cống xả N16 và các tuyến kênh B37, B8… Còn những công trình lớn thì vẫn phải chờ tiền, vì đầu tư ngót 20 tỷ đồng. Riêng 32 HCN bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cũng đang trông đợi vào sự giúp sức của Trung ương. Bởi với số tiền sửa chữa, nâng cấp lên đến 458 tỷ đồng là vượt quá khả năng của tỉnh.

Công ty chỉ tu sửa, khắc phục một số hạng mục, công trình nhỏ.
Công ty chỉ tu sửa, khắc phục một số hạng mục, công trình nhỏ.


Đón nhận những thông tin này, chính quyền và người dân vùng hạ lưu các HCN chỉ biết thở dài lo lắng. Đơn cử như những hộ dân vùng hạ du HCN An Phong (Bình Sơn). Đây là HCN đứng đầu danh sách cần được sửa chữa với kinh phí lên đến 25 tỷ đồng. Lý do là ngoài diện tích tưới thực tế ngày càng bị thu hẹp (120/230 ha), HCN này còn “treo” tài sản và tính mạng của bà con trên đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước và hệ thống kênh mương trong tình trạng hư hỏng.

Ngoài An Phong, Bình Sơn còn  8 HCN nằm trong danh mục “cần ưu tiên nâng cấp, sửa chữa”. Thế nên Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên mới bảo rằng: “HCN rệu rã khiến chính quyền và người dân trong huyện ăn ngủ không yên. Nhất là khi có mưa bão, bà con ai cũng thấp thỏm, phập phồng lo HCN…vỡ tràn!”.

Còn với người dân xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) và Nghĩa Hòa, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) thì không cần đợi đến mùa mưa bão mà giờ này, họ đã thấp thỏm lo đập Hiền Lương bị…vỡ, rồi nước cuốn! Vì vậy bà con cũng rất ngần ngại, e dè trong việc đi lại. “Thú thật là đi đường vòng xa quá, chứ không tôi cũng chẳng dám qua cái đập yếu như “răng sắp rụng” này, ông Đặng Sơn, ngụ thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hòa cho hay.

Mùa mưa bão năm 2014 sắp đến. Nghĩa là các CTTL, HCN đang trong tình trạng “đa chấn thương” bước vào cuộc đối đầu không cân sức với thiên tai. Nếu như những công trình, HCN này được sửa chữa, khắc phục kịp thời thì nỗi lo không lớn đến thế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Kinh phí sửa chữa, nâng cấp CTTL, HCN bị hư hỏng, xuống cấp trong cả nước là rất lớn nên mỗi địa phương cần chủ động gia cố và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn ngay từ bây giờ”. Ngoài việc kiểm tra, sửa chữa, gia cố các hạng mục hư hỏng, thì công tác theo dõi và thông tin chính xác diễn biến mực nước tại các HCN là cực kỳ quan trọng. Bởi một khi mưa gió kéo dài, nhiều HCN sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ tràn do năng lực tích nước hạn chế. Do đó, việc thông tin dự báo kịp thời sẽ giúp ngành chức năng và người dân có biện pháp ứng phó cũng như di dời người và tài sản đến nơi an toàn, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô: “An toàn CTTL, HCN trong mùa mưa bão là đảm bảo hiệu quả sản xuất nông nghiệp”. Mùa mưa, các HCN có nhiệm vụ tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong năm. Với ý nghĩa này, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý vận hành 117 HCN trên địa bàn tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát và đánh giá mức độ hư hỏng, xuống cấp của từng công trình để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn kinh phí eo hẹp thì ngoài việc tu sửa, gia cố tạm thời, các địa phương, đơn vị cũng đã chủ động khơi thông tràn và cống lấy nước; đồng thời thực hiện việc tích nước muộn, tức tháo cả tràn lẫn cống của những HCN có nguy cơ cao, đảm bảo HCN vượt lũ an toàn.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân: “Các công trình thủy lợi bị hư hỏng do lũ lụt đến nay vẫn... đợi kinh phí”. Lũ năm trước, hàng loạt tuyến kênh mương chính của Đức Phổ bị đứt gãy, hư hỏng, mất năng lực dẫn nước; còn một số HCN như Cây Khế, Hóc Cầy, ông Thơ thì hư hỏng nên lượng nước tích được quá ít, kéo theo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong năm nay cũng không được dồi dào. Vì vậy, khi nhìn những CTTL, HCN, hệ thống kênh mương bị lũ phá giờ chỉ được gia cố tạm thời, bà con nông dân rất lo lắng. Chúng tôi cũng nhiều lần khẩn thiết đề nghị các ngành chức năng có biện pháp sửa chữa theo hướng kiên cố hóa, nhưng đến giờ các công trình trên vẫn…nguyên trạng đợi kinh phí!

Chủ nhiệm HTX Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) Nguyễn Thanh Sơn: “Chính quyền càng hứa,  nhân dân gần HCN càng…lo”. Mùa lũ năm 2010, HCN Đá Bàn suýt vỡ. Rồi năm 2011, HCN Hóc Mít cũng xảy ra tình trạng nước tràn qua thân đập khiến hàng trăm hộ dân vùng hạ du một phen hoảng sợ. Sau những sự cố trên, tôi thấy các ngành chức năng cũng thường xuyên về kiểm tra, hứa sẽ sớm sửa chữa, bê tông kiên cố hồ để bảo vệ tính mạng và tài sản người dân nhưng đã 3 - 4 năm trôi qua, HCN chẳng có gì mới. Nếu mới có chăng chỉ là HCN xuất hiện thêm những chỗ hỏng, đoạn đứt gãy hay “ụ nổi” án ngữ ngay giữa hồ.                       


                         Bài, ảnh: MỸ HOA
                                          

 


.