Trung tâm huyện lỵ mới của Sơn Tịnh: Hướng đến đô thị hiện đại

07:04, 06/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 1.4.2014, sau khi một số xã, thị trấn sáp nhập vào Tp.Quảng Ngãi theo Nghị quyết 123 NQ/CP của Chính phủ, huyện Sơn Tịnh còn lại 11 xã. Xã Tịnh Hà được chọn để xây dựng trung tâm huyện lỵ mới. Trung tâm huyện lỵ mới của Sơn Tịnh sẽ như thế nào? Nhiều kỳ vọng được đặt ra, song cũng có không ít trăn trở.

TIN LIÊN QUAN

Xây dựng đô thị loại V

Mục tiêu xây dựng trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh mới là xây dựng nơi đây thành thị trấn - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, đầu mối giao thông của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn huyện. Xã Tịnh Hà cách trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh cũ khoảng 5km về phía tây, có địa thế tương đối bằng phẳng, có sông Trà Khúc hiền hòa uốn lượn, cùng với Quốc lộ 24B, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy qua. Đây là địa phương có điều kiện thuận lợi, được chọn để xây dựng trung tâm huyện lỵ mới của Sơn Tịnh với mục tiêu phát triển thành đô thị loại V.

Nơi quy hoạch khu hành chính huyện lỵ Sơn Tịnh mới.
Nơi quy hoạch khu hành chính huyện lỵ Sơn Tịnh mới.


Theo Đồ án quy hoạch chung, trung tâm huyện lỵ huyện Sơn Tịnh mới có diện tích 896 ha, dân số từ 23.000 - 25.000 người, bao gồm phần diện tích phía tây đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi của xã Tịnh Hà (522ha) và phần diện tích phía đông của xã Tịnh Sơn (373ha). Phía đông giáp đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tây giáp phần còn lại của xã Tịnh Sơn và xã Tịnh Bình, nam giáp sông Trà Khúc và bắc giáp các xã Tịnh Thọ, Tịnh Bình. Trong đó, huyện quy hoạch diện tích đô thị - thị trấn 304 ha. Đây sẽ là trung tâm hành chính- chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Sơn Tịnh. Trong đó, bố trí các khu nhà cao tối đa 7 tầng, mật độ xây dựng 45%. Ở khu thương mại, dịch vụ, thiết kế kiến trúc đặc trưng riêng, độc đáo và nổi bật…


Ông Phạm Vinh-Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết, địa hình ở Tịnh Hà thuận lợi cho việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan. Tiềm năng về quỹ đất dồi dào, diện tích đã xây dựng chiếm tỷ trọng thấp. Công trình nhà cửa chủ yếu bám trên các trục đường nên công tác giải tỏa, đền bù để xây dựng cơ sở hạ tầng có nhiều thuận lợi. Trong quy hoạch trung tâm hành chính mới, huyện đã cân bằng sử dụng đất phục vụ phát triển đô thị: Đất trung tâm hành chính tập trung, đất cây xanh, trường học, khu dân cư, đất giao thông và các khu văn hóa- thể thao. Bên cạnh đó, huyện sẽ phát triển các điểm công nghiệp ở Tịnh Bình và Tịnh Bắc làm vệ tinh cho trung tâm huyện phát triển.

Cần sự đồng lòng, chung sức

Đâu là điểm nhấn cho trung tâm huyện lỵ mới? Làm thế nào để xây dựng Tịnh Hà trở thành đô thị hiện đại và phát triển bền vững? Trung tâm huyện lỵ mới được chọn liệu có thường xuyên bị ngập nước? Cùng với mơ ước về một trung tâm huyện lỵ mới hiện đại, không ít người dân Sơn Tịnh băn khoăn với nhiều câu hỏi được đặt ra. Một số cán bộ hưu trí ở huyện Sơn Tịnh cho rằng, khu vực quy hoạch xây dựng trung tâm huyện lỵ mới đời sống kinh tế, việc làm, thu nhập của đại bộ phận dân cư còn thấp. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế về nội lực trong việc phát triển đô thị và nhất là hệ thống hạ tầng ở đây chưa có gì.

Khảo sát xây dựng các tuyến đường trung tâm hành chính.
Khảo sát xây dựng các tuyến đường trung tâm hành chính.


Ông Phạm Vinh - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho rằng: Trung tâm huyện lỵ mới phải đảm bảo phát triển bền vững. Thế nên đã tiến hành điều tra kỹ lưỡng, phân tích lợi thế, hạn chế của từng địa phương; tổ chức tham khảo ý kiến từ nhiều kênh thông tin, nhất là đội ngũ chuyên gia, các tầng lớp nhân dân, cán bộ lão thành cách mạng. Theo đó, Tịnh Bắc mặc dù là ở vị trí trung tâm nhưng không gian chật hẹp. Còn ở Tịnh Bình mặc dù địa hình rộng, nhưng vấn đề nan giải là nước ngầm ít, đất cao lanh, phía dưới là đá khó cho phát triển đô thị... Sau tính toán cụ thể chiến lược phát triển của trung tâm huyện mới, huyện quyết định chọn Tịnh Hà để xây dựng khu đô thị mới.

Để sớm hình thành trung tâm huyện lỵ mới, huyện Sơn Tịnh đã trình cấp trên thẩm định Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Sau khi hoàn thành quy hoạch chi tiết, huyện sẽ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, ước tính tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 tỷ đồng. Song song với lập quy hoạch chi tiết, huyện cắm mốc để tiến hành kiểm kê, áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng 80 ha đất để triển khai các dự án: Đầu tư trục giao thông chính khoảng 130 tỷ đồng; xây dựng các trụ sở làm việc của trung tâm chính trị, hành chính, với kinh phí 150 tỷ đồng; đồng thời triển khai xây dựng các khu dân cư để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.

Hy vọng với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, Sơn Tịnh sẽ sớm xây dựng trung tâm huyện lỵ mới hiện đại, kiểu mẫu, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân.

Ông Trần Hồng Long - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà: Việc chọn Tịnh Hà để quy hoạch trung tâm huyện lỵ mới của huyện Sơn Tịnh là sự kiện trọng đại, đánh dấu mốc son lịch sử và là điểm khởi đầu cho Tịnh Hà phát triển. Vị trí được chọn xây dựng trung tâm huyện lỵ mới thuận lợi về giao thông, cảnh quan  phóng khoáng, địa hình tương tối bằng phẳng, thổ nhưỡng ổn định, đáp ứng yêu cầu cơ bản của một khu đô thị mới. Tuy nhiên, đời sống đại bộ phận nhân dân khu vực được chọn xây dựng trung tâm huyện lỵ mới còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện đào tạo nghề, tạo việc làm để người dân trong vùng dự án có cuộc sống ổn định và phát triển.

Ông Dương Văn Vân-Trưởng thôn Hà Tây, xã Tịnh Hà: Nhân dân Hà Tây rất vui và phấn khởi khi tỉnh, huyện chọn thôn để xây dựng trung tâm huyện lỵ mới. Trung tâm huyện lỵ mới xây dựng ở đây, người dân được hưởng lợi nhiều, hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, người dân sẽ chuyển đổi nghề nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ để nâng cao đời sống. Tỉnh, huyện cần sớm tập trung đầu tư xây dựng trung tâm huyện, đặc biệt là xây dựng đê bao sông Trà, đê ở suối bà Mẹo, ngăn nước lũ từ hướng tây bắc tràn qua khu cống Kiến vào trung tâm huyện.


Ông Trần Hải-người dân xã Tịnh Bình: Việc chọn nơi “đóng đô” mới của huyện là thể theo nguyện vọng của đại đa số người dân. Đây là bước ngoặt đánh dấu thời kỳ đổi mới của huyện Sơn Tịnh. Điều chúng tôi lo lắng là trung tâm huyện lỵ mới có thoát khỏi tình trạng ngập lụt hay không. Bởi lẽ nơi đây thường xuyên bị ngập lụt. Trận lụt trung tuần tháng 11 năm 2013 nhấn chìm khu vực rộng lớn của xã Tịnh Hà sâu hơn 1m, trong đó có diện tích quy hoạch trung tâm huyện mới.

 Ông Tạ Quang Thể-người dân xã Tịnh Phong: Trung tâm huyện lỵ mới phải là đầu mối của các tuyến giao thông liên vùng quan trọng, thuận lợi cho việc khai thác và giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa giữa các vùng trong và ngoài huyện. Ngoài ra, còn là nơi hội tụ nhiều yếu tố có lợi cho việc phát triển kinh tế của huyện. Xét về khoảng cách địa lý thì chọn Tịnh Hà là hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải xác định đâu là động lực để trung tâm huyện lỵ phát triển cũng như thúc đẩy sự phát triển của toàn huyện. Sau khi sáp nhập 10 xã, thị trấn khu Đông Sơn Tịnh về thành phố, các xã còn lại của huyện đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

 


 

Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.