Xây dựng chợ nông thôn: Theo dân hay theo quy hoạch

09:11, 10/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chợ xây xong rồi bỏ hoang; còn chợ tự phát lại “mọc” nhan nhản là một thực tế ở nông thôn Quảng Ngãi. Phải chăng công tác quy hoạch phát triển mạng lưới chợ nông thôn “có vấn đề”?

TIN LIÊN QUAN


Chợ “quy hoạch”

Việc xây dựng hạ tầng thương mại, phát triển chợ nông thôn ở Quảng Ngãi triển khai cách đây rất lâu. Tuy nhiên, so với yêu cầu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc quy hoạch phát triển chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh phải “thiết kế” lại mới có thể đáp ứng tiêu chí về chợ “nông thôn mới”.  Ngày 14.5.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa ký quyết định phê duyệt phát triển hạ tầng thương mại nông thôn Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, có quy hoạch phát triển hệ thống chợ nông thôn. Theo quy hoạch này, việc xây dựng chợ vẫn còn nhiều “địa chỉ” mới tính đến đáp ứng tiêu chí số 7 của nông thôn mới. Nhiều chợ dẫu nằm trong quy hoạch đã, đang và sẽ xây dựng, nhưng tính hiệu quả vẫn là một ẩn số!

 

Chợ Châu Ổ (Bình Sơn) được đầu tư xây mới khang trang.                                                                                       Ảnh: THANH NHỊ
Chợ Châu Ổ (Bình Sơn) được đầu tư xây mới khang trang. Ảnh: THANH NHỊ


Khi xây dựng, phát triển chợ nông thôn, những yêu cầu về quy hoạch được đề cập rất rõ: Phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là quy hoạch đô thị, giao thông, phát triển các vùng dân cư và các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung, các làng cá, làng nghề truyền thống; phải dựa trên cơ sở đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ hiện có, trong đó có điều chỉnh địa điểm một số chợ và xây thêm chợ mới phù hợp tình hình phát triển của mỗi khu vực và từng thời kỳ; phải đảm bảo theo hướng văn minh, hiện đại, điều kiện mua bán thuận tiện nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Nếu tất cả chợ nông thôn đều đáp ứng tất cả các tiêu chí trên khi xây dựng thì chợ mới trở thành tiêu chí của nông thôn mới. Thế nhưng, hầu hết các chợ xây xong bỏ hoang gây lãng phí tiền tỷ lại là chợ  nằm trong "quy hoạch”.

 Nơi thừa, nơi thiếu và sự lãng phí

Hiện tại, địa bàn nông thôn Quảng Ngãi có tất cả 154 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I, 9 chợ hạng II, 125 chợ hạng III và 19 chợ không đủ điều kiện xếp hạng! Trong giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, phát triển lên 176 chợ. Thực tế, hiện nay nhiều xã có tới 2 – 3 chợ, nhưng cũng rất nhiều xã “trắng” chợ. Thậm chí huyện Tây Trà, hiện tại chỉ có 1 chợ quy mô “chợ huyện”, nhưng sau khi đầu tư khoảng 5 tỷ đồng xây xong rồi bỏ hoang. Mới đây, khu đất xây dựng chợ Tây Trà đã có chủ trương chuyển thành quy hoạch quảng trường Tây Trà. Chợ huyện tạm thời bị “khai tử”. Còn tuyến xã, Tây Trà đến nay vẫn chưa xã nào có chợ! Cả huyện không có cái chợ nào, nên huyện Tây Trà tất yếu vẫn rất cần có chợ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Có điều xây ở đâu để chợ có người đến nhóm họp mới là vấn đề.

Chợ Ba Vì (Ba Tơ), mặc dù được đầu tư tiền tỷ, xây ở vị trí “đắc địa”, nhưng nhiều năm qua  chẳng ai mua – bán ở đây cả. Bốn bên là cỏ dại, bùn lầy, ở giữa là một cụm nhà lồng chơi vơi. UBND huyện Ba Tơ  đang nỗ lực hoàn thiện, thuyết phục tiểu thương vào chợ buôn bán. Chợ Đức Hòa (Mộ Đức) dù nằm ở nơi cao ráo, sạch sẽ, nhưng lâu nay chợ chỉ để “ngắm”.

Lãnh đạo xã Đức Hòa cho rằng, phải có cái chợ này, nhưng làm cách nào để đưa chợ vào hoạt động thì chính quyền vẫn chưa có… cách! Rồi chợ Sơn Kỳ (Sơn Hà), xây xong không họp ngày nào, để mãi xuống cấp lại đầu tư nửa tỷ đồng sửa chữa. Sửa xong vẫn chỉ để lâu lâu tận dụng làm nơi sinh hoạt dân, tiếp xúc cử tri! Thế nhưng, nhiều nơi cần có chợ thì lại thiếu. Đơn cử như huyện Minh Long. Cả huyện chỉ có duy nhất một chợ ở xã Thanh An vừa là chợ xã “kiêm” luôn chợ huyện. Điều này chứng tỏ, phát triển chợ nông thôn ở Quảng Ngãi cho đến thời điểm này vẫn chưa có sự hài hòa, phù hợp thực tế.

Chợ phải gắn với nhu cầu thực tế

Chợ “cóc” – chợ tự phát ở vùng nông thôn Quảng Ngãi thời gian gần đây gia tăng mạnh. Ban đầu chỉ đôi ba sạp rau, vài bàn thịt cá. Thế rồi “trăm người bán ắt sẽ có vạn người mua”, chợ tự phát đã khiến cho nhiều chợ “quy hoạch” phải điêu đứng vì vắng khách. Nhóm họp làm thành chợ tự phát là đáng chê trách, là vi phạm những quy định chung, nhưng sau mỗi lần dẹp, chợ lại vẫn mọc lên.

Buôn bán tại chợ Lý Sơn.                                                                                                                   Ảnh minh họa
Buôn bán tại chợ Lý Sơn. Ảnh minh họa


Tiểu thương cho rằng, vì có nhu cầu mua – bán hàng hóa thực sự nên mới tụ tập họp chợ trái phép. Cơ quan quản lý nhà nước thì lại bảo: Chính quyền không mạnh tay. Còn chính quyền địa phương thì lý giải: Chợ quy hoạch không phù hợp nên người dân chê không vào chợ... Sở Công thương– đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn lại khẳng định: Quy hoạch chợ đã khảo sát kỹ nhu cầu thực tế tại địa phương!

Ai cũng có lý riêng! Thế nên chợ “cóc” cứ tiếp tục mọc. Chợ xây dựng theo quy hoạch nhiều nơi vẫn cứ vắng người mua bán! Hiện nay, Quảng Ngãi đang tập trung đầu tư cho 28 chợ của 33 xã chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Thế nhưng chợ xây xong có phát huy hay chỉ là nỗ lực để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới vẫn là trăn trở của chính quyền địa phương và nhân dân. Các nhà quy hoạch chợ liệu đã lắng nghe nguyện vọng của người dân trước khi quy hoạch?

 

*Ông Nguyễn An – Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi: Xây chợ phải tham khảo ý kiến người dân.
Chợ mà nằm ngoài quy hoạch sẽ không đảm bảo an toàn giao thông, cháy nổ, môi trường, an ninh trật tự. Xây dựng chợ phải nghiên cứu kỹ quy hoạch, nhưng chợ muốn xây ở đâu, quy mô thế nào phải thăm dò ý kiến của người dân địa phương, tiểu thương. Dân đồng tình thì chợ xây xong mới phát huy hiệu quả. Nếu chỉ tính đến xây chợ để hoàn thành tiêu chí của nông thôn mới thì chưa đủ.

Ông Võ Đình Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long: Quy hoạch phát triển chợ cần phù hợp với nhu cầu thực tế.
Xây chợ nông thôn phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa là rất cần thiết. Thế nhưng, để chợ phát huy hiệu quả thì quy hoạch chợ phải phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương. Tốt nhất là nên nâng cấp, mở rộng các chợ tạm đã có sẵn nếu vị trí này đáp ứng các điều kiện về giao thông, môi trường, an ninh trật tự, cháy nổ… Còn nếu xây mới thì phải tính toán kỹ lưỡng tất cả mọi mặt, tránh tình trạng lãng phí.

*Ông Nguyễn Dự - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Hải (Lý Sơn): Chợ phù hợp nguyện vọng của dân thì không bao giờ sinh ra chợ tự phát.
Xã An Hải tuy diện tích nhỏ nhưng hiện nay có 2 chợ tương đối bài bản, họp cả ngày, địa điểm thuận tiện. Người dân gần chợ nào thì ra chợ đó. Trước đây, xã chỉ quy hoạch 1 chợ An Hải, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu mua bán của dân nên đã phát sinh chợ “cóc”. Sau đó, xã nghiên cứu tiếp tục xây dựng thêm một chợ nữa ở thôn Đông. Bây giờ ổn định, hai chợ ngày nào cũng đông, chẳng còn chợ “cóc” nữa.

*Chị Nguyễn Thị Tuyết - tiểu thương chợ Châu Ổ (Bình Sơn): Nghiên cứu tập quán, thói quen mua bán để xây chợ.
Chợ Châu Ổ trước đây mua bán đắt hàng lắm. Nhưng từ khi xây chợ mới to đẹp đến nay bán buôn khó khăn hơn vì lượng khách đến chợ giảm đáng kể. Đặc biệt là một số quầy sạp trên tầng 2, rất vắng khách. Nhiều người lớn tuổi ngại lên xuống cầu thang. Người dân nông thôn ít có thói quen vào chợ lớn để mua thức ăn, gạo, mắm. Theo tôi, nếu xây chợ ở vùng nông thôn thì không nên xây nhà tầng.

*Chị Đinh Thị Ai - tiểu thương chợ thị trấn Di Lăng (Sơn Hà): Địa điểm xây chợ phải thuận tiện cho dân mua bán.
Tiểu thương ai cũng mong có chỗ ngồi đàng hoàng trong chợ để buôn bán. Thế nhưng chợ to đẹp, chỗ ngồi tươm tất nhưng lại không có người dân đến mua thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, khi xây chợ, chính quyền phải chú trọng đến vị trí, làm sao thuận lợi cho việc đi lại, mua bán.

 


Thanh Nhị
 


.