Xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ lò đốt: Vẫn còn nhiều nỗi lo

09:09, 09/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rác thải y tế là một loại tạp chất rất nguy hại đến sức khoẻ và môi trường sống của con người. Do đó, việc đầu tư hệ thống lò đốt rác thải y tế tại các bệnh viện là một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, công nghệ này cũng đã và đang bộc lộ một số khiếm khuyết nhất định.

Nỗi lo “hàng hiệu”.

Năm 2012, BVĐK tỉnh được đầu tư lắp đặt 2 hệ thống lò đốt rác thải rắn y tế với kinh phí 2,4 tỷ đồng nên việc xử lý rác thải được thuận lợi, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thiết bị này không đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải rắn của bệnh viện nhưng do đầu tư theo kiểu chuyển giao nên BVĐK tỉnh đành phải nhận. So với công nghệ lò đốt của bệnh viện cũ có thâm niên hơn 10 năm nay thì lò đốt mới đầu tư có nhiều mặt không theo kịp. Nếu lò đốt cũ, mỗi lần đốt nạp từ 150- 200 kg rác thì lò đốt mới (sản xuất từ Nhật Bản), mỗi lần đốt chỉ nạp được 5kg rác, mỗi ngày đốt tiêu tốn 57 lít dầu và lúc nào cũng phải có hai người túc trực từ 22 giờ đến 2 giờ sáng mới hoàn thành. Trong khi đó, lượng rác thải y tế độc hại mỗi ngày thải ra hơn 150 kg.

 

Lò đốt chất thải rắn y tế ở BVĐK tỉnh dù hiện đại nhưng chưa khắc phục triệt để mùi hôi phát ra ngoài không khí mỗi khi vận hành.
Lò đốt chất thải rắn y tế ở BVĐK tỉnh dù hiện đại nhưng chưa khắc phục triệt để mùi hôi phát ra ngoài không khí mỗi khi vận hành.


Không chỉ vậy, từ khi đưa vào vận hành, thiết bị công nghệ lò đốt đã gây bức  xúc cho người dân sống xung quanh BVĐK tỉnh, vì có mùi hôi, tanh. Sau khi có phản ánh, đơn vị thiết kế đã nâng ống khói lên 4m nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng trên. Còn tại BVĐK Tư Nghĩa, sau khi đưa vào vận hành hơn 2 năm thì thiết bị này đã hỏng đang chờ khắc phục. Hằng tuần, Bệnh viện phải thuê người chuyên chở rác thải rắn đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Ngãi để xử lý.
 

Theo kế hoạch xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 được UBND tỉnh phê duyệt thì đến năm 2015 có 78-90% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý, trong đó 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường; 100% nguồn thải phải có hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ an toàn; tất cả nhân viên được tập huấn và có đủ phương tiện bảo hộ lao động; có chương trình theo dõi giám sát,…

Theo ngành y tế và  Tài nguyên môi trường, lượng chất thải rắn trung bình thải ra mỗi ngày là 0,86kg/giường bệnh, trong đó chất thải rắn y tế là 0,14kg/giường bệnh. Trong chất thải rắn y tế thành phần đáng quan tâm là chất thải rắn nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh và hóa chất độc cho con người, gồm bơm kim tiêm, thiết bị giải phẫu, mô tế bào người, xương, nội tạng… Hiện toàn tỉnh có trên 10 cơ sở y tế có sử dụng lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế. Trong số này chỉ có 4 bệnh viện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, gồm BVĐK tỉnh, BVĐK Đặng Thùy Trâm, BVĐK Mộ Đức, BVĐK Tư Nghĩa: Các trung tâm y tế các huyện Lý Sơn, Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Trà Bồng vẫn chưa có lò đốt chất thải rắn. Sở TN&MT có văn bản yêu cầu Sở Y tế rà soát các đơn vị trong ngành đã đưa hệ thống xử lý rác thải y tế vào hoạt động nhưng chưa có hồ sơ đánh giá tác động môi trường thì chỉ đạo thực hiện. Đây là một việc làm cần thiết nhưng đến nay vẫn chưa làm xong.

Cần khu xử lý rác tập trung

Không thể phủ nhận những lợi ích của những lò đốt rác thải hiện nay tại các cơ sở y tế công lập, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, hầu hết các lò đốt đều có công suất nhỏ, tiêu hao nhiều nhiên liệu và chưa khắc phục được mùi của khí thải khi lò vận hành. Trong khi đó, Sở TN&MT thì cho rằng lượng khí thải và rác thải sau khi đốt đều đạt yêu cầu và nằm trong giới hạn cho phép.

Năm 2013, tỉnh ta được Bộ TN&MT bố trí dự án hệ thống rác thải y tế cho BVĐK thành phố Quảng Ngãi, có công nghệ đốt hai bậc, 2 buồng đốt có 2 vách ngăn, công suất 120-160kg rác/ngày. Song, hệ thống này không phù hợp với BVĐK thành phố, vì bệnh viện chỉ có quy mô 70 giường bệnh, lượng rác thải y tế nguy hại thu gom trong ngày chỉ khoảng 3-5 kg. Hơn nữa, đa số bệnh nhân ở đây điều trị những bệnh thông thường, còn những trường hợp nặng đều chuyển lên tuyến trên. Ông Nguyễn Anh - Giám đốc BVĐK thành phố, cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày đơn vị phải cho người vận chuyển rác thải y tế bằng xe máy đến BVĐK Sơn Tịnh để xử lý. Với quy mô bệnh viện như hiện nay thì việc trang bị lò đốt hiện đại sẽ gây lãng phí”. Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ TN&MT xin thay đổi phương án trang bị lò đốt rác bằng việc mua sắm các thiết bị chuyên dụng để chuyển rác từ BVĐK thành phố nói riêng và các bệnh viện khác trong thành phố đến nơi xử lý rác tập trung.

Một thực tế hiện nay là, nhiều bệnh viện nằm trong khu dân cư nên việc xử lý rác thải y tế bằng công nghệ lò đốt như thời gian qua cũng đã gây bức xúc cho người dân. Do đó, điều cần thiết và cấp bách là sớm quy hoạch xây dựng khu xử lý rác tập trung và sử dụng công nghệ lò hấp để xử lý chất thải y tế nguy hại vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa tiết kiệm chi phí cho các cơ sở y tế.

 

*Ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở TN&MT
Việc sử dụng các lò để xử lý chất thải y tế nguy hại hiện nay vẫn chưa đảm bảo về mặt môi trường, vì trong quá trình đốt làm phát sinh các chất khí như Dioxin và furan. Các công nghệ xử lý chất thải rắn được khuyến khích sử dụng rộng rãi là những công nghệ thân thiện với môi trường (như hấp khử khuẩn, vi sóng) giúp cho việc áp dụng quá trình tái chế chất thải, hạn chế thiêu đốt. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý rác thải y tế, nhằm hoàn thiện các công trình xử lý môi trường tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

*Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc BVĐK Tư Nghĩa:
Từ khi xây dựng bệnh viện mới, lượng bệnh nhân cũng đông hơn trước nên rác thải y tế cũng nhiều hơn. Khi có lò đốt này, bệnh viện vận hành xử lý chất thải y tế 2 lần/tuần. Lò đốt này phù hợp với bệnh viện tuyến huyện nhưng chi phí cho vận hành quá cao. Mỗi năm bệnh viện phải chi từ 25 - 50 triệu đồng cho việc đánh giá, kiểm tra khí thải, khí đốt, chất thải lỏng, trong khi đó kinh phí của bệnh viện có hạn. Theo tôi, về lâu dài nên có khu xử lý rác tập trung.

*Ông Nguyễn Hồng Thành- Phó trưởng phòng phụ trách Hành chính- BVĐK tỉnh.
Hiện tại, BVĐK tỉnh đã xây dựng kế hoạch hợp đồng xử lý rác thải rắn với Công ty cổ phần cơ điện-môi trường Lilama. Nếu kế hoạch này được phê duyệt thì phía công ty này sẽ đảm bảo có xe chuyên dụng trong quá trình vận chuyển, bảo quản để tiêu huỷ tại điểm tập trung.  Đây là hợp đồng có lợi cho cả hai bên, bởi theo công suất hiện tại, công nghệ lò đốt của công ty, mỗi lần tiêu huỷ khoảng 1.200kg rác thải nguy hại, nên khi hợp đồng với bệnh viện phía công ty cũng không phải tiêu tốn thêm nhiên liệu. Việc đưa vào xử lý tập trung sẽ giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu dân cư, tiết kiệm chi phí cũng như nhân lực vận hành.

*Bà Lê Thị Đức (50 tuổi), ở tổ 12, phường Nghĩa Lộ:
Từ ngày BVĐK tỉnh đưa vào vận hành lò đốt rác này, người dân chúng tôi không chịu nổi mùi hôi nồng nặc, không khí ô nhiễm ở  ngày càng cao. Nhà tôi cách lò đốt bệnh viện hơn 100m nên đến đêm tôi phải đóng chặt cửa để tránh mùi hôi khó chịu bay vào nhà. Chúng tôi mong bệnh viện sớm di dời lò đốt rác thải bệnh viện ra khỏi khu dân cư để đảm bảo sức khoẻ cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở đây.

 


T.Thuận - K. Ngân

 


.