Cấp điện cho “vùng lõm”: Giải pháp nào hiệu quả?

08:09, 04/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi còn khoảng 20% số hộ dân sinh sống ở 6 huyện miền núi là: Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ từ bao đời nay vẫn chưa có điện. Đây là lực cản lớn đối với công tác giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc cấp điện cho những “vùng lõm” này cần phải cân nhắc lựa chọn giải pháp hiệu quả, tiết kiệm, bền vững.

TIN LIÊN QUAN

4 giải pháp

Hiện tại, Quảng Ngãi có 4 giải pháp để cấp điện cho “vùng lõm” gồm: Kéo điện lưới quốc gia; làm thủy điện nhỏ dựa vào sức nước sông, suối; điện năng lượng mặt trời và đập thủy điện nhỏ không đấu nối vào lưới điện quốc gia mà bán điện trực tiếp đến hộ dân. Trong đó không phải tất cả các giải pháp đều đã được áp dụng mà tùy thực tế chỉ có vài giải pháp phù hợp được triển khai.

 

Điện về “vùng lõm” khu tái định cư Gò Da (xã Sơn Ba, Sơn Hà).
Điện về “vùng lõm” khu tái định cư Gò Da (xã Sơn Ba, Sơn Hà).


Năm 2013, việc kéo điện về “vùng lõm” Quảng Ngãi thực hiện theo hai giải pháp: Kéo điện từ lưới điện quốc gia và làm thủy điện nhỏ dựa vào sức nước sông, suối. Hai giải pháp này đã và đang tiếp tục đồng hành cùng cuộc sống người dân  nghèo Quảng Ngãi. Đặc biệt từ khi Chính phủ triển khai thực hiện Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, thì giải pháp kéo điện lưới quốc gia đã vượt lên chiếm ưu thế so với “phát điện dựa vào thủy điện nhỏ sông, suối”. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 3 năm qua, từ nguồn 30a, 6 huyện nghèo trong tỉnh đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để kéo điện về vùng xa xôi, nhiều nhất là Ba Tơ và Tây Trà, Sơn Hà.

Gần đây, giải pháp cấp điện cho người dân “vùng lõm” đã được bổ sung thêm hai hình thức: Điện năng lượng mặt trời và đập thủy điện nhỏ không đấu nối bán điện vào lưới điện quốc gia mà phát điện để bán đến tận hộ dân. Trong đó, chỉ có điện năng lượng mặt trời được áp dụng tại “vùng lõm” ven biển và đảo Lý Sơn. Thế nhưng số hộ được sử dụng điện năng lượng mặt trời chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì thực tế dân nghèo không có tiền, điều kiện thời tiết không thuận lợi và hơn nữa lượng điện năng thu được từ điện năng lượng mặt trời là không lớn, bấp bênh, không bền vững. Còn đối với giải pháp đầu tư đập thủy điện nhỏ không đấu nối bán điện vào lưới điện quốc gia mà bán điện trực tiếp cho hộ dân thì hiện… vẫn nằm trên giấy!

Cân nhắc, lựa chọn

Việc lựa chọn đầu tư giải pháp cấp điện cho “vùng lõm” Quảng Ngãi cần phải tính toán kỹ cả về mặt kinh tế lẫn giá trị sử dụng. Giải pháp mà lâu nay chính quyền địa phương và ngành điện phối hợp thực hiện đó là kéo điện từ lưới điện quốc gia đến hộ dân. Đây được xem là giải pháp có tính bền vững, nhưng suất đầu tư thực hiện lại quá lớn. Theo tính toán của ngành chức năng, bình quân suất đầu tư kéo điện lưới quốc gia về “vùng lõm” tốn khoảng 50 – 100 triệu đồng/hộ. Thậm chí có nơi dân cư sống biệt lập, thưa thớt, suất đầu tư có thể lên đến 200 triệu đồng/hộ. Mặt khác, ở những vùng này chuyện thu tiền điện sử dụng hàng tháng của hộ dân cũng chẳng hề đơn giản. Chính vì vậy, đầu tư kéo điện lưới quốc gia cho “vùng lõm” thường được xem là “nhiệm vụ chính trị” chứ không đơn thuần là hoạt động kinh doanh!

Giải pháp hộ dân tự làm thủy điện nhỏ dựa vào sức nước sông, suối mặc dù tính bền vững không cao, nhưng xét về thực tế, thực lực của điều kiện kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn hiện nay vẫn khá phù hợp. Suất đầu tư chỉ khoảng 1 triệu đồng/hộ. Việc quản lý, vận hành đơn giản. Người sử dụng điện lại không phải trả tiền dùng điện hàng tháng. Giải pháp này đang được áp dụng khá phổ biến tại các khu dân cư biệt lập của xã Sơn Ba, Sơn Kỳ (Sơn Hà), Trà Sơn, Trà Lâm (Trà Bồng), Ba Giang, Ba Lế (Ba Tơ), Long Môn (Minh Long). Tuy nhiên, nếu không phù hợp về địa hình sông suối, thì không thể áp dụng đại trà giải pháp cấp điện này. Mặt khác, “tuổi thọ” của công trình “điện tự chảy” không phụ thuộc vào chất lượng máy móc, thiết bị mà do… điều kiện tự nhiên quyết định. Mặt khác, chất lượng điện chỉ có thể dùng để… phục vụ sinh hoạt gia đình! Việc dùng nguồn điện sản xuất kinh doanh thì tuyệt nhiên không thể đáp ứng.

Giải pháp điện năng lượng mặt trời có triển khai ở miền núi Quảng Ngãi nhưng không hiệu quả. Theo đánh giá của ngành chức năng, thì giải pháp này ít phù hợp với điều kiện của “vùng lõm” của tỉnh. Nguyên nhân là do các khu dân cư nằm ở thung lũng, thời gian chiếu sáng ban ngày không lớn, trong khi lượng mưa và độ ẩm cao, dễ dẫn đến “vô hiệu hóa” công dụng của điện năng lượng mặt trời.

Còn về đầu tư xây dựng đập thủy điện không đấu nối vào lưới điện quốc gia mà cấp trực tiếp điện đến hộ dân thì hiện tại mới chỉ đến giai đoạn… khảo sát, đề xuất với Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương. Theo đó, trên địa bàn tỉnh sẽ được xây dựng 9 thủy điện nhỏ, tại Trà Bồng (2 công trình), Sơn Tây (2 công trình); Minh Long (1 công trình), Ba Tơ (4 công trình), tổng kinh phí xây dựng khoảng 29 tỷ đồng, cấp điện cho 293 hộ. Tính ra, bình quân suất đầu tư cấp điện gần 100 triệu đồng/hộ.

Đối với giải pháp này, vấn đề không phải là suất đầu tư lớn mà khó khăn chính là sau khi công trình hoàn thành, đưa vào vận hành cấp điện sẽ “đẻ” ra thêm bộ máy quản lý cho mỗi công trình đập thủy điện. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải lựa chọn giải pháp khả thi để đưa điện đến nhà dân theo cách hiệu quả, bền vững lại ít tốn kém. Có điện, cuộc sống người dân "vùng lõm" mới có điều kiện khởi sắc, diện mạo nông thôn mới đổi thay, phát triển.

 Ông Nguyễn Tư – Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi:
 lõm” Quảng Ngãi kéo điện lưới quốc gia rất khó khăn, vốn đầu tư lớn trong khi công trình điện kéo về lại phục vụ cho không nhiều hộ dân. Từ đó dẫn đến định suất kéo điện cho một hộ sinh sống ở vùng lõm rất cao, khả năng thu hồi vốn chậm nếu là vốn ngành điện vay để đầu tư. Do đó, theo tôi địa phương nên cân nhắc lựa chọn giải pháp thủy điện hộ dân tự làm dựa vào sức nước sông, suối hoặc điện năng lượng ở những nơi heo hút, thưa dân. Hoặc di dân về sống tập trung để thuận tiện cho việc cung ứng điện.

Ông Võ Đình Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long:
Nhà nước cần hỗ trợ tiền để dân vùng lõm mua máy tự làm thủy điện nhỏ ở những nơi thích hợp. Hiện nay việc hỗ trợ này chưa có chủ trương nên huyện chưa thể làm được. Riêng đối với vấn đề đầu tư xây dựng đập thủy điện không đấu nối lưới điện mà cấp điện trực tiếp cho dân cần phải cân nhắc kỹ. Theo tôi, cấp điện cho dân bằng giải pháp điện lưới quốc gia vẫn là bền vững nhất.

Ông Phạm Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Ba Lế (Ba Tơ):
Hiện nay Ba Lế vẫn còn nhiều khu dân cư xa xôi chưa có điện. Ở những vùng này, đời sống người dân thấp hơn hẳn so với những nơi điện đã kéo về. Một số vùng bà con tự làm thủy điện nhỏ nhưng mưa lũ xảy ra thường xuyên, nên điện lúc có, lúc không. Vì thế, Nhà nước cần quan tâm đầu tư cho vùng cao Ba Lế công trình điện đảm bảo chất lượng. Dân có điện mới có điều kiện đổi đời.  

Ông Đinh Văn Đía xã Sơn Ba (Sơn Hà):
Điện thắp sáng là nỗi khát khao của người dân miền núi. Vì thế, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư, tốt nhất là kéo điện lưới quốc gia cho dân. Thủy điện nhỏ do dân tự làm hay điện năng lượng nói chung chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Điện không chỉ dùng để thắp sáng mà còn phục vụ sản xuất và chỉ có điện lưới quốc gia mới đáp ứng được việc này.

 


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.