“Thảm đỏ” có hút nhân tài?

02:08, 11/08/2013
.

(QNg)- Trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác, làm việc tại tỉnh. Hằng năm, tỉnh trích khoảng 2% ngân sách để thực hiện mục tiêu này. Đây là điểm nhấn quan trọng để cụ thể hóa khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới. Tuy nhiên, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” này cũng đang được dư luận quan tâm và đặt ra nhiều vấn đề, liệu người tài có thực sự mặn mà khi mà điều kiện, môi trường làm việc chưa tương ứng…

TIN LIÊN QUAN
Nghị quyết 04/2013 của HĐND tỉnh và Quyết định 27 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đặc biệt thu hút và ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Đây là việc làm có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển hệ thống y tế công lập phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

* Ngành y tế loay hoay lấp khoảng trống nguồn lực?

Trong giai đoạn hiện nay, y tế công lập là chủ đạo trong việc chăm lo sức khỏe cho toàn dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Không giống như các ngành nghề khác, ngành y tế là ngành vừa phục vụ vừa thực hiện dịch vụ cho nên nếu chỉ phát triển theo hướng thị trường thì không đảm bảo đáp ứng được công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân. Bởi vì, hiện nay tỷ lệ người có thu nhập thấp, người nghèo, người cận nghèo ở tỉnh ta còn khá cao, họ không đủ điều kiện tham gia các dịch vụ y tế tư nhân với giá cao.

Ngoài vật chất, môi trường làm việc hấp dẫn sẽ thu hút nhiều người tài giỏi về làm việc. Trong ảnh:Kỹ sư NM Lọc dầu Dung Quất đang nghiên cứu sáng kiến kỹ thuật).
Ngoài vật chất, môi trường làm việc hấp dẫn sẽ thu hút nhiều người tài giỏi về làm việc. Trong ảnh:Kỹ sư NM Lọc dầu Dung Quất đang nghiên cứu sáng kiến kỹ thuật).

 

Chính vì vậy, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao sẽ bổ sung cho các cơ sở y tế từ xã, phường, thị trấn, huyện đến tuyến tỉnh là hết sức quan trọng và thiết thực, nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày càng cao.

Nguồn nhân lực y tế tỉnh ta hiện có 3.695 người, trong đó có 589 bác sĩ và 40 dược sĩ, 45 thạc sĩ y khoa, 13 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 176 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 4 nghiên cứu sinh. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân còn khá thấp (4,8 bác sĩ/vạn dân, trong khi trung bình cả nước là 7,2 bác sĩ/vạn dân). So với nhu cầu khám, chữa bệnh thì hiện nay ngành y tế Quảng Ngãi phải cần bổ sung trên 200 bác sĩ.
 

Chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh: Giáo sư được trợ cấp 350 triệu đồng; Phó giáo sư - Tiến sĩ y khoa - BS chuyên khoa II (chuyên ngành sản phụ khoa): 300 triệu đồng; Tiến sĩ - Bác sĩ - Dược sĩ chuyên khoa II; Thạc sĩ y khoa - BS chuyên khoa I (chuyên ngành sản phụ khoa): 250 triệu đồng;  Những người là bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I và bác sĩ nội trú là 230 triệu đồng/người. Những người là bác sĩ và dược sĩ đại học tốt nghiệp loại giỏi hỗ trợ 220 triệu đồng/người, loại khá là 200 triệu đồng/người, loại trung bình và trung bình khá 180 triệu đồng/người".

Nghị quyết 04/2013 của HĐND tỉnh, còn quy định riêng những sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy đạt loại giỏi trở lên hoặc sinh viên học tập ở nước ngoài đạt loại khá trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/người. Ngoài những chế độ trợ cấp trên, những người tình nguyện về công tác tại tỉnh theo chủ trương trên còn được ưu tiên giao đất ở theo hạn mức quy định, được hỗ trợ tiền thuê nhà, được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo nếu quá trình làm việc phát huy hiệu quả.

Với những người được hưởng đãi ngộ những ngành nghề nói trên có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh Quảng Ngãi, sau khi được bố trí công tác, tỉnh sẽ xem xét tiếp nhận chồng (vợ), con ruột vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý (đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định).

Mặc dù trong những năm gần đây tỉnh ta đã có một số chính sách thu hút nguồn nhân lực cao như thạc sĩ, tiến sĩ và chế độ tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ đại học không qua thi tuyển, nhưng Sở Y tế chỉ tuyển dụng được 5 đến 7 bác sĩ mỗi năm. Số lượng này không đủ để thay thế số bác sĩ nghỉ hưu hằng năm. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản nhất vẫn là thu nhập và môi trường làm việc tại các cơ sở y tế trong tỉnh chưa hấp dẫn để thu hút bác sĩ và người có chuyên môn giỏi về làm việc. Mặt khác, chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ về cơ bản cũng chưa có gì “đặc biệt” hơn so với các ngành khác, vẫn theo quy định của Nhà nước về thu nhập, ngạch, bậc lương trong các đơn vị sự nghiệp.

Trong khi đó, nhiều bệnh viện ngoài công lập, phòng khám tư nhân luôn “trải thảm đỏ” để chào mời các bác sĩ với mức thu nhập “hấp dẫn”. Sinh viên đại học y dược đào tạo trong một thời gian khá dài (6 năm), với chi phí rất tốn kém. Vì vậy sau khi tốt nghiệp đại học, hầu hết họ đều muốn tìm môi trường công tác hấp dẫn cả về vật chất và tinh thần để có điều kiện phát huy năng lực và có thu nhập tương xứng.

* Tiền không phải là tất cả

Mặc dù được đánh giá là khá “hấp dẫn” nhưng dư luận cũng cho rằng khó thực hiện nếu chỉ đãi ngộ bằng tiền. Điều mà các nhân tài cần nhiều hơn chính là môi trường làm việc, được phát biểu chính kiến, được thỏa sức sáng tạo. Đặc biệt, các nhân tài có chức danh giáo sư, tiến sĩ... cần phải có một môi trường nghiên cứu khoa học thật sự nhằm phát huy tối đa trí tuệ của mình để đóng góp cho việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

“Hiện nay, môi trường làm việc tại một số lĩnh vực, một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn chưa thực sự chuyên nghiệp, khiến cho một bộ phận người lao động không phát huy hết khả năng, trí tuệ và ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút những người có tâm và có tầm" - một cán bộ lãnh đạo cấp Sở cho biết. Chính vì vậy, việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp chính là tạo nên viễn cảnh đẹp để thu hút người tài. Cùng với việc lắng nghe, trân trọng những đóng góp, sáng kiến lao động thì việc thực hiện các chính sách, chế độ về khen thưởng, động viên những cống hiến của người tài cũng là điều cần phải duy trì và tương xứng để họ gắn bó, cống hiến lâu dài với địa phương.

Trên thực tế, công tác tuyển dụng cán bộ trên địa bàn tỉnh đôi khi vẫn còn dựa vào quan hệ tình cảm; nặng về lý lịch. Có trường hợp khi xem hồ sơ không coi em này học trường nào, tốt nghiệp loại gì mà coi phần quan hệ gia đình. Nhưng cũng có trường hợp quá coi trọng bằng cấp mà thiếu kiểm chứng năng lực thực tiễn khi tuyển dụng cán bộ. Điều này làm cho việc thu hút nhân tài trong tỉnh đã khó, thu hút người ngoài tỉnh càng khó hơn.

Để những người tài mạnh dạn đặt chân lên “tấm thảm đỏ”, cái đầu tiên phải thay đổi ở đây chính là cách nhận diện cũng như nhận thức của người lãnh đạo đối với người tài năng. Xa hơn nữa là phải hướng đến sự đổi mới cơ chế nhằm tạo điều kiện tốt nhất trong việc tuyển chọn, trọng dụng và bảo vệ người tài. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cũng phải thực hiện đến nơi, đến chốn với mong muốn thật sự có một nguồn nhân lực chất lượng cao về phục  vụ cho địa phương, đơn vị.

 

*Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế: Vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh do Sở Nội vụ và Sở  Y tế tổ chức đợt tư vấn, tuyển dụng tại Trường đại học Y Dược Huế đã được các em sinh viên vừa tốt nghiệp đại học y, dược rất hoan nghênh chính sách thu hút, ưu đãi của tỉnh Quảng Ngãi.  Kết quả bước đầu đã có 42 bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ răng hàm mặt, dược sĩ đại học viết đơn đăng ký tình nguyện về công tác, làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Với chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh, cùng với sự tiếp cận quảng bá và tư vấn, tuyển dụng tốt của ngành y tế, tôi tin tưởng rằng, ngành y tế tỉnh nhà sẽ tuyển dụng được một số lượng lớn bác sĩ, dược sĩ đại học hệ chính quy trong những năm tiếp theo.

*Ông Trần Văn Ấn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh: Với những người trí thức làm khoa học thì vật chất không quyết định được điều gì mà vấn đề quan trọng ở đây là điều kiện, môi trường làm việc. Do đó việc sắp xếp, bố trí đúng với năng lực sở trường để họ phát huy và cơ sở vật chất để làm việc là chuyện nên tính toán để tránh lãng phí tài năng. Riêng đối với ngành y tế, cần bổ sung quy định ưu đãi đối với bác sĩ, dược sĩ công tác tại khu vực miền núi và nông thôn. Tuy nhiên, để bổ sung nguồn lực lâu dài cho tỉnh, cần thành lập một tổ chuyên gia tuyển dụng. Hằng năm, tổ này trực tiếp đến các trường công lập ĐH Quốc gia để thông tin về chủ trương chính sách thu hút nhân tài của tỉnh, nhất là sinh viên Quảng Ngãi có học lực giỏi để thông tin, tạo môi trường đồng cảm, thân thiện để họ về đóng góp xây dựng quê hương, đăng ký tuyển dụng làm việc cho tỉnh sau này.

*Ông Bùi Phụ Anh - Hiệu trưởng Trường  đại học Tài chính Kế toán:  Hiện nay, trường chúng tôi cũng bắt đầu thực hiện chính sách thu hút đối với tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài là 100 triệu đồng và trong nước là 25 triệu đồng; thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài là 25 triệu đồng và trong nước là 5 triệu đồng bằng nguồn tích lũy của trường. Theo tôi, thu hút nguồn nhân lực có học hàm, học vị cao là cần thiết. Tuy nhiên, chính sách thu hút nhân tài của tỉnh sẽ trọn vẹn hơn nếu chú ý đến những người trẻ có chuyên môn, có tâm huyết với địa phương và người tại chỗ được cử đi học từ thạc sĩ trở lên.

*Em Nguyễn Trần Thu Hậu - Sinh viên Trường đại học Y Dược TP HCM, quê thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức): Với chính sách hỗ trợ vừa được ban hành theo em là phù hợp và rất kịp thời vì đã có rất nhiều tỉnh đưa ra chính sách đãi ngộ đối với sinh viên ngành y. Tuy nhiên là người con của Quảng Ngãi, em mong muốn được làm việc tại quê hương và nếu được tuyển dụng em sẽ đem kiến thức và sức trẻ để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Em cũng mong tỉnh ta quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, để người dân Quảng Ngãi được “chữa lành bệnh” ngay chính quê hương mình mà không phải đi TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam...  


                                                              

Thanh Thuận

 


.