KỶ NIỆM NGÀY BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM (1-7):
Hướng đến bảo hiểm y tế toàn dân

04:07, 01/07/2013
.

(QNg)- Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, là cơ chế tài chính vững chắc giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Sau 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã có gần 65% dân số của tỉnh có thẻ BHYT. Quảng Ngãi phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 90% dân số tham gia BHYT.

 

TIN LIÊN QUAN


Chính sách BHYT tại Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 1992. Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, khẳng định được vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, góp phần chia sẻ rủi ro và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
 

 

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư, khóa IX, ông Phạm Thanh Hải- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ nói: Ngày 01/3/2013, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 35-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh uỷ. Với mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 90% dân số tham gia BHYT, đòi hỏi các cấp uỷ đảng, chính quyền phải nỗ lực hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Hiện nay, đối tượng tham gia BHYT chủ yếu là diện bắt buộc. Thời gian đến, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, tăng tỉ lệ tham gia của hộ cận nghèo, lao động tự do…, nhằm tranh thủ sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn thể hệ thống chính trị, nhằm hướng tiến đến BHYT toàn dân theo đúng lộ trình quy định của Chính phủ.

BHYT- phao cứu sinh cho người nghèo

Tại Quảng Ngãi, chính sách BHYT được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm và chỉ đạo triển khai thực hiện tương đối có hiệu quả. Nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi, công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT được cải thiện, số người tham gia cũng tăng lên. Nếu như năm 2001 toàn tỉnh có hơn 125 ngàn người tham gia BHYT thì đến năm 2010 có 738.825 người tham gia và  đến nay tăng lên đến hơn 800 ngàn người. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt  65%.

 Việc tham gia BHYT đã giúp người dân giảm chi phí rất lớn trong quá trình khám chữa bệnh. Bà Phạm Thị Kim Soa, tổ dân phố 3, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ) là một trong những cá nhân tự nguyện tham gia BHYT nhiều năm qua, chia sẻ: Qua công  tác tuyên truyền, vận động, tôi đã hiểu được lợi ích đáng kể khi có tấm có thẻ BHYT, bà Soa không ngần ngại chia sẻ:“Nhờ tham gia BHYT mà tôi có đủ số tiền trên 100 triệu đồng để điều trị bệnh sau vụ tai nạn. BHYT là phao cứu sinh giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, hoạn nạn”.

Hiện nay, cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia, công tác KCB thông qua BHYT cũng đạt được một số kết quả nhất định. Chất lượng của các dịch vụ y tế đã dần dần được cải thiện. Quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm, nhất là đối tượng người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi ... Hàng năm, ngành BHXH và Y tế đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời từ việc triển khai hợp đồng đến việc tổ chức KCB tại các cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Toàn tỉnh có 24 cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT. Thông qua BVĐK/TTYT huyện, thành phố tỉnh đã triển khai KCB BHYT đến 180 trạm y tế xã và 03 y tế cơ quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng khi KCB BHYT. Số người KCB BHYT cũng không ngừng tăng lên. Năm 2005 toàn tỉnh chỉ có gần 180 ngàn lượt người KCB nội, ngoại trú thì đến năm 2012, con số này đã lên đến 1,348 triệu lượt người.

Tiến đến lộ trình BHYT toàn dân

Tuy thời gian qua, thực hiện Luật BHYT kết quả đạt được rất khả quan nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, như các địa phương cung cấp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi chậm nên việc cấp thẻ không kịp thời. Tình trạng trẻ em không có thẻ BHYT phải dùng giấy chứng sinh, khai sinh đi chữa bệnh vẫn còn phổ biến, gây khó khăn cho việc quản lý thẻ. Tình trạng chủ sử dụng lao động ở các doanh nghiệp tìm cách trốn đóng BHYT cho người lao động hiện vẫn còn phổ biến. Đặc biệt đối tượng cận nghèo dù được Nhà nước hỗ trợ 70% ; học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30% mức đóng, nhưng tỉ lệ tham gia vẫn còn thấp. Đối với đối tượng hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn của các cấp dẫn đến chính sách ưu việt này chưa đến tay nông dân.

 

 BVĐK Quảng Ngãi đầu tư trang bị máy CT- Scan 64 lát cắt, trị giá 23 tỷ đồng giúp nâng cao chất lượng KCB.
BVĐK Quảng Ngãi đầu tư trang bị máy CT- Scan 64 lát cắt, trị giá 23 tỷ đồng giúp nâng cao chất lượng KCB.


Trong công tác KCB, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở. Nhiều người bệnh vẫn còn phàn nàn về thái độ phục vụ của các y, bác sĩ cũng như chất lượng ở một số cơ sở dịch vụ KCB. Ông Trương Văn Anh ở tổ 3, thị trấn Đức Phổ cho biết: “Thiệt ra bỏ gần 600 ngàn tham gia BHYT mà mình hưởng quyền lợi cả năm về chăm sóc sức khỏe thì cũng quá xứng đáng. Nhưng để người dân tham gia BHYT nhiều hơn,  tôi nghĩ phải làm sao nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở. Có vậy người dân mới thực sự an tâm, tin tưởng”.

Việc thực hiện cùng chi trả (theo các mức 5- 20% tùy theo nhóm đối tượng) và phần chi phí người bệnh phải thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn nếu vượt mức 40 tháng lương tối thiểu đã tạo nên những khó khăn nhất định cho người bệnh, nhất là người nghèo, người mắc các bệnh mãn tính. Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa được tiến hành sâu rộng, chưa có nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, một số địa phương chỉ xem đó là nhiệm vụ của ngành BHXH. Ngày 01/3/2013, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình hành động số 35-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ chính trị. Đây được xem là một công cụ đắc lực để cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác BHXH, BHYT.

 

Với mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 90% dân số tham gia BHYT. Đây là khó khăn, thách thức lớn nhưng đồng thời cũng là động lực để các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cùng chung tay với ngành BHXH, tập trung tuyên truyền khai thác, mở rộng đối tượng tham gia theo quy định của Luật BHYT; đẩy mạnh triển khai BHYT tự nguyện, BHYT cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển đối tượng tham gia BHYT, nhằm tiến đến BHYT toàn dân theo lộ trình quy định của Chính phủ.

 

*Ông Đỗ Ngọc Thạch-Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi:
Để thực hiện mục tiêu tiến đến BHYT toàn dân vào năm 2020, BHXH tỉnh tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện chính sách về Luật BHXH, BHYT. Đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại cơ sở, nâng cao nhận thức người dân về chính sách BHYT để họ tự nguyện, tự giác tham gia. Tiếp tục phối hợp với Sở Y tế tăng cường quản lý công tác KCB BHYT trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình KCB tại các cơ sở  y tế...  Kiến nghị các Bộ, ngành liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHYT phù hợp với thực tế; sớm ban hành quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho hộ sản xuất nông-lâm-ngư theo quy định của Luật BHYT và Nghị định 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ …   

*Ông Nguyễn Tấn Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế:
Năm 2013, thực hiện giá viện phí mới nên giá các dịch vụ y tế tăng lên. Việc tham gia BHYT sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may ốm đau phải khám, điều trị. Chúng tôi thừa nhận một thực tế, tuyến y tế cơ sở một số nơi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT. Ngành y tế đang tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ y, bác sỹ có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nếu ở tuyến y tế cơ sở có được sự đầu tư đúng mức, đội ngũ y, bác sỹ ân cần, chăm lo, quan tâm đến người bệnh, không phân biệt đối xử với bệnh nhân, thì đó là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc tạo lòng tin của người dân vào tấm thẻ BHYT.

*Ông Nguyễn Màu- Bí thư Huyện uỷ Mộ Đức:
Hiện nay, một bộ phận người dân chưa mặn mà với BHYT là do họ cho rằng khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ cho người bệnh BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế người dân còn khó khăn nên việc tham gia BHYT cũng còn đắn đo; công tác vận động, thuyết phục người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa việc tham gia BHYT còn hạn chế…  Đó là một trong những rào cản hiện nay khi triển khai BHYT toàn dân trên địa bàn huyện. Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể nhằm tăng cường vận động hội viên và mở rộng đối tượng tham gia BHYT.

*Ông Mai Cần- hộ cận nghèo xã Hành Đức (Nghĩa Hành)
Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Tôi rất muốn mua BHYT, vì tôi có tiền sử bệnh tim mạch, nhưng vì lo chạy ăn từng bữa chưa xong thì tiền đâu mua BHYT, mặc dù nhà nước đã hỗ trợ đến 70% chi phí. Tôi mong nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ 30% phần còn lại để người cận nghèo như tôi có điều kiện được cấp thẻ BHYT.

 

Kim Ngân - Hồ Thủy
 


.