Một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, vì sao?

01:05, 06/05/2013
.

(QNg)- Thời gian qua, bên cạnh những cán bộ tận tuỵ với công việc, dồn hết tâm trí cho sự phát triển của địa phương thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ ở cơ sở có biểu hiện thoái hoá, biến chất, làm mất niềm tin trong nhân dân và khiến dư luận bất bình. Vì sao có hiện tượng trên và chấn chỉnh bằng cách nào vẫn đang là một thách thức không nhỏ của các cấp uỷ, chính quyền.


Đấu tranh loại bỏ những “cái ung, cái nhọt” trong đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các hội đoàn thể, mặt trận, nhằm xây dựng một bộ máy cán bộ các cấp trong sạch, vững mạnh. Sự kiên trì đó đã góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực của một bộ phận cán bộ ở cơ sở.

Những chuyện đau lòng    

Những vấn đề mà được đề cập ở đây dù đã và đang được xử lý, song chúng tôi vẫn phải nhắc lại để thấy rằng, sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ là khá nghiêm trọng. Là một Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), ông Lê Đình Ngô đủ nhận thức được những việc làm nào là vi phạm pháp luật, nhưng năm 2009 ông lại giả mạo giấy tờ, chữ ký để chiếm đoạt 65.338.704 đồng tiền đền bù của hộ Đinh Văn Đan ở thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng. Hành vi của ông Ngô sẽ không bị phát hiện nếu như không có đơn khiếu tố của người dân. Đầu năm 2012, UBND huyện Sơn Hà  đã vào cuộc làm rõ, buộc ông Ngô trả lại toàn bộ số tiền trên và 22 triệu đồng tiền lãi cho ông Đan, đồng thời bị cách chức phó chủ tịch. Hay như ông Phan Tiến Sĩ- Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Long (Sơn Tây), lẽ ra phải làm gương cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường thì ông lại tham gia đánh bạc ăn tiền thâu đêm suốt sáng, bị công an bắt quả tang. Với hành vi đó, mới đây UBND huyện Sơn Tây đã đình chỉ chức vụ đối với ông Sĩ.

 

Đất khu dân cư này được lãnh đạo UBND xã Sơn Thành cấp cho người thân của mình.
Đất khu dân cư này được lãnh đạo UBND xã Sơn Thành cấp cho người thân của mình.



Đau lòng nhất là việc lãnh đạo xã Sơn Thành (Sơn Hà) chiếm tiền Tết Tân Mão 2011 của 220 hộ nghèo trong xã. Các ông Phạm Đình Dần, Bí thư Đảng ủy xã, ông Đinh Văn Loan và Dương Hồng Hà là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã chủ trương phát quà cho hộ nghèo còn 200 ngàn đồng “giữ lại”. Dù sau đó đã đứng ra xin lỗi và trả lại tiền cho dân, nhưng những cán bộ này đã mất uy tín rất lớn trong dân. Không dừng lại ở đó, lãnh đạo xã này còn tự đặt cho mình quyền được cấp đất để tự phân chia đất ở cho người thân của mình (18 trường hợp).

Nghiêm trọng nhất là, mới đây tại xã Ba Vinh (Ba Tơ), cơ quan chức năng đã phát hiện 9 cán bộ xã này làm khống hồ sơ bệnh binh của 46 trường hợp để chiếm đoạt 264 triệu đồng. Trước đó, trong năm 2012, tại huyện Sơn Hà phát hiện 2 vụ (Sơn Kỳ và Sơn Hạ) với 21 cán bộ xã lập khống hồ sơ giải quyết chế độ bệnh binh đối với quân nhân là người dân tộc thiếu số, gây thiệt hại cho ngân sách  hơn 2,6 tỷ đồng và có dấu hiệu tham nhũng 277,5 triệu đồng. Trong đó tại xã Sơn Kỳ làm hồ sơ cho 215 đối tượng, nhưng chỉ có 37 người là đúng đối tượng, còn lại 178 người không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 1,72 tỷ đồng. Có 18 cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm này. Trong đó, ông Đinh Văn Nhè - Phó Chủ tịch UBND xã tự “dựng” hồ sơ cho 27 người.

Thiếu ý thức tu dưỡng    

Một thực tế đáng lo ngại là, hầu hết những vụ việc sai phạm được phát hiện không phải do đơn vị, địa phương tự đấu tranh mà là đều xuất phát từ đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và qua thanh tra. Điều đó cho thấy, vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của một số cấp uỷ đảng chưa thật sự có hiệu quả. Cá biệt có nơi cấp uỷ đảng buông lỏng vai trò lãnh đạo và tham gia một số vụ việc trái với các quy định của pháp luật, gây bất bình trong dư luận. Mặt khác, công tác kiểm tra, thanh tra ở một số địa phương chưa làm thường xuyên, còn nặng về hình thức, khi phát hiện có sai phạm thì xử lý không nghiêm minh nên không mang tính giáo dục, răn đe.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là, những cán bộ này đều có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thiếu ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Điển hình như ông Võ Duy Loan- Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh đã cho phép Tổ công đoàn Văn phòng đơn vị huy động vốn của đoàn viên công đoàn để kinh doanh thuốc BVTV, không đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục. Không những thế, ông Loan cùng vợ đã góp vốn vào kinh doanh ở đây. Một số trường hợp cán bộ, đảng viên đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, nên có một số hành vi vi phạm pháp luật. Như một vị nguyên là cán bộ thẩm phán của TAND huyện Nghĩa Hành, am hiểu pháp luật nhưng lại có hành vi nhận 1 triệu đồng của một người để xử có lợi trong một vụ án xử ly hôn. Hay như Lê Văn Tuân (SN 1973), nguyên cán bộ địa chính xã Phổ An (Đức Phổ). Tuân lạm dụng chức vụ, quyền hạn nên từ tháng 6/2009- 9/2011 đã thu 92 triệu đồng của 14 hộ dân trong xã để làm sổ đỏ nhưng chỉ nộp cho Chi cục thuế 16,5 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt. Cuối năm 2012, Tuân bị toà án tuyên phạt 6 năm tù giam.

Ông  Huỳnh Văn Tự, đảng viên chi bộ 2, phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ: Hiện nay, một số cán bộ đảng viên, công chức chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thờ ơ với công việc được giao, đôi khi “dung túng” cho những việc làm sai trái của cấp dưới. Để đảng viên và quần chúng tin vào Đảng, trước tiên người cán bộ và đảng viên phải thực hiện đúng trách nhiệm, trung thực trong quá trình phê và tự phê theo tinh thần Nghị quyết TƯ4. “Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ né tránh, nể nang thậm chí xuê xoa trong tự phê bình và phê bình. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận cán bộ thoai hóa, biến chất”- ông Tự nói.

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 (khoá XVIII) vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác cán bộ, đó là đánh giá cán bộ phải dựa trên kết quả thực hiện trách nhiệm được giao và nhu cầu thực tế công việc; mạnh dạn điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ hợp lý để phát huy năng lực cũng như hiệu quả công tác. Tin rằng, sau kiểm điểm Nghị quyết TƯ4, các địa phương, đơn vị sẽ làm tốt điều này nhằm chấn chỉnh, loại bỏ một bộ phận cán bộ thoái hoá, biến chất ra khỏi hệ thống chính trị các cấp hiện nay.
 

*Ông Phạm Viết Nho - Bí thư Huyện ủy Ba Tơ:
Qua kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ4 đã phát hiện một bộ phận  cán bộ  trên địa bàn huyện có một số sai phạm, yếu kém, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ chủ chốt, cần phải nghiêm túc khắc phục. Một bộ phận cán bộ được nhân dân tín nhiệm thấp, ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước. Huyện uỷ đã nghiêm túc kiểm điểm cụ thể từng tập thể, cá nhân có sai phạm và kiên quyết xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm và việc phát hiện sai phạm của cán bộ trong tham nhũng là rất khó, chỉ khi qua thanh tra, kiểm tra mới phát hiện được.

*Ông Huỳnh Ngọc Nhẫn - Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh)
Cán bộ cũng là con người cả thôi. Khi được trao quyền vào tay, nếu ai đó không đủ nhận thức, không xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, không có tâm huyết với công việc được giao thì rất dễ thoái hoá, biến chất. Do đó, đã là cán bộ thì phải tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ chính trị phải tận tuỵ, công khai, minh bạch, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không để người thân lợi dụng uy tín của bản thân làm những việc không đúng. Biểu dương những nhân tố tích cực, kiên quyết xử lý những cá nhân sai phạm. Tóm lại, cán bộ có tâm, có đức thì dân nhờ.

*Ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Trà Quân (Tây Trà)
Miền núi hiện nay được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều công trình, dự án mà chủ đầu tư là UBND các xã, nếu không được công khai, minh bạch dễ dẫn đến tiêu cực. Đã là cán bộ thì phải thật thà, không biết thì hỏi cấp trên để làm cho đúng, không được làm liều. Khi mang trên vai trọng trách là một cán bộ thì điều trước tiên phải suy nghĩ là làm thế nào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, làm sao để đồng bào bớt nghèo, chứ không phải là làm thế nào để gia đình sớm giàu có.

*Ông Nguyễn Văn Hoàng - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh)
Làm cán bộ mà lúc nào cũng nghĩ tới chuyện cái lợi cho bản thân gia đình thì biết bao giờ kinh tế địa phương mới phát triển, dân mới thoát nghèo được. Do đó, đã là cán bộ thì cái nào có lợi cho dân thì làm, còn không thì loại bỏ; phải có tâm huyết cống hiến cho sự phát triển của địa phương, loại bỏ tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, suy nghĩ chạy chức, chạy quyền, nay ghế này, mai ghế nọ.


Trần Lê Đức
 


.