Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi: Cần khai thông nguồn vốn

06:04, 15/04/2013
.

(QNg)- Theo đề án xây dựng nông thôn mới (NTM), trong tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình thì gồm có nguồn ngân sách Nhà nước; nguồn vốn trong dân; huy động doanh nghiệp và vay vốn tín dụng. Hiện nay, nguồn vốn ngân sách rót “nhỏ giọt”, các địa phương chỉ còn biết dựa vào nguồn huy động trong dân, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng cũng  không dễ nên việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM đang đối diện với khó khăn.

TIN LIÊN QUAN


Vốn hỗ trợ  “nhỏ giọt”

Về huyện Tư Nghĩa đề cập đến việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, lãnh đạo nhiều xã ưu tư. Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, bộc bạch: “Mục tiêu đưa ra là sẽ hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm nay. Nhưng đến giờ, xã  chỉ mới hoàn thành 12/19 tiêu chí. 7 tiêu chí còn lại đang triển khai rất ì ạch”. Nói rồi, ông Thanh mở sổ và cho biết: “Xã chỉ mới được hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Trong khi đó nguồn kinh phí xây dựng các công trình rất lớn như: Trạm y tế xã phải đầu tư 3,7 tỷ đồng, chợ Thu Xà phải đầu tư trên 7 tỷ đồng, công trình nhà văn hóa xã 2,4 tỷ đồng, công trình trạm bơm điện 500 triệu đồng”. Đó là chưa kể ba tiêu chí khác gồm giao thông, thủy lợi và môi trường cần có nguồn kinh phí cao hơn thì mới thực hiện được nhưng biết huy động từ đâu? Nghĩa Hòa là xã điểm xây dựng NTM của huyện Tư Nghĩa gặp khó khăn, thì các xã còn lại hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM càng khó khăn hơn nhiều.  

 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông nông thôn
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông nông thôn


Trong khi ở huyện Tư Nghĩa đang loay hoay với nguồn vốn xây dựng NTM thì Nghĩa Hành, huyện điểm đầu tiên của tỉnh hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015, cũng chẳng khá hơn. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Nghĩa Hành lập phương án triển khai từng giai đoạn. Cụ thể, năm 2013, huyện sẽ triển khai nhiều công trình làm tiền đề để bước sang năm 2014, bốn xã điểm là Hành Minh, Hành Thiện, Hành Thịnh và Hành Thuận  sẽ hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Dự kiến, việc xây dựng các công trình thuộc chương trình NTM năm 2013 trên địa bàn huyện cần khoảng 750 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước cấp 40% (khoảng 300 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngân sách hỗ trợ cho huyện chỉ 31 tỷ đồng nên lãnh đạo huyện và các xã đều lo ngại, bởi kinh phí cấp “nhỏ giọt” sẽ khó đầu tư xây dựng để hoàn thành các tiêu chí.

Theo Sở NN&PTNT, 33 xã điểm xây dựng NTM cần kinh phí đầu tư lên đến 1.028 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 992 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh bố trí 36 tỷ đồng. Nhưng đến nay, trung ương chỉ cấp 12,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh chỉ cấp 29 tỷ đồng. Trước tình hình khó khăn về vốn, tỉnh đã vay vốn tín dụng ưu đãi của Trung ương 75 tỷ đồng để phân bổ cho 33 xã xây dựng NTM nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có thêm nguồn lực thực hiện. Tuy vậy, với  kinh phí phân bổ về cho các huyện điểm, xã điểm thực hiện các tiêu chí cũng chẳng thấm vào đâu nên kế hoạch thực hiện các tiêu chí NTM ở xã điểm, huyện điểm trong năm 2013 rất dễ bị “vỡ”.

Vốn vay lạI …vướng
 
Trao đổi với chúng tôi, nhiều địa phương trong tỉnh đều cho rằng nguồn vốn tín dụng rất khó tiếp cận, dù nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên được vay vốn ngân hàng. Hiện nay, lãi suất cho vay nhóm ưu tiên giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm, nhưng nhiều địa phương, những tổ chức và cá nhân ở vùng thực hiện xây dựng NTM cũng rất khó tiếp cận, bởi các “rào cản” về thủ tục của ngân hàng. Theo quy định, đối với cá nhân thì vay ngân hàng theo hình thức tín chấp chỉ được vay tối đa là 50 triệu đồng (đối với hộ nông dân), còn hộ kinh doanh vay tín chấp được khoảng 200 triệu đồng và các tổ chức HTX khoảng 500 triệu đồng nhưng phải có phương án sản xuất hiệu quả.  

Quảng Ngãi đang vào mùa khô nên rất thuận lợi để xây dựng các công trình giao thông thủy lợi, công trình phục vụ dân sinh cho nông nghiệp, nông thôn. Do vậy cần phân khai thông nguồn vốn ngân sách và vốn tín dụng  để các địa phương triển khai các tiêu chí xây dựng NTM. Mặt khác, các địa phương cũng cần rà soát lại toàn bộ tiêu chí và kế hoạch xây dựng NTM năm 2013 để chủ động tiếp cận nhanh hơn nguồn vốn vay và triển khai sản xuất thì mới mong hoàn thành được các tiêu chí xây dựng NTM.
 

*Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT: “Sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn”.
 Trong hoàn cảnh nguồn vốn ngân sách rót về ít, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về biện pháp tháo gỡ. Tuy vậy, các địa phương cũng cần phối hợp với ngành nông nghiệp và các ngành chức năng chủ động hơn trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch sử dụng nguồn vốn để thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, quy hoạch những cánh đồng mẫu lớn, thực hiện các mô hình trồng, xen canh phù hợp với từng vùng, địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM và hoàn trả được vốn vay ngân hàng.

* Ông Lê Hồng - Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT- Chi nhánh Quảng Ngãi: “Các đối tượng cần tham khảo rõ về hình thức cho vay, nguồn vốn vay”.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, ngân hàng đã chủ động nguồn vốn để cho vay, nhưng các đối tượng vay phải đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Các địa phương và hộ dân có nhu cầu vay vốn, cần xem lại thủ tục cho vay, hình thức vay thế chấp hay tín chấp để đẩy nhanh tiến độ vay vốn. Về phía ngân hàng sẽ phối hợp với ngành chức năng các địa phương để tạo thuận lợi cho đối tượng vay tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất.

* Ông Lê Quang Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành: “Mong cấp trên cải thiện nguồn vốn hỗ trợ”.
 Trong vòng 3 năm huyện Nghĩa Hành phải hoàn thành 19 tiêu chí về NTM. Nhưng nguồn kinh phí từ ngân sách để thực hiện chương trình  “rót” về quá ít nên rất cần sự quan tâm của cấp trên. Về phía huyện sẽ tăng cường huy động sức dân, các doanh nghiệp để thực hiện, đồng thời vay vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện các công trình vừa và nhỏ. Mặt khác, trong thực hiện chương trình NTM, người dân phải thực hiện các tiêu chí nhỏ như xây dựng nhà, tường rào cổng ngõ, chuồng trại phải sạch sẽ thoáng đãng, nhưng lãi suất cho vay là 11%, vẫn còn quá cao nên đề nghị ngân hàng xem lại mức lãi suất này.

* Ông Trần Trường Vũ - Bí thư Đảng ủy - kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa): “Ngân hàng và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để khai thông vốn cho dân”.
Lợi thế của Nghĩa Hòa là có các ngành nghề truyền thống. Hiện nay, người dân còn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực hiện các mô hình mới làm ăn hiệu quả. Thực hiện chương trình xây dựng NTM giải quyết nguồn lao động địa phương, xã muốn khuyến khích bà con mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy, ngân hàng cần phối hợp với chính quyền địa phương tạo thuận lợi để triển khai vay vốn thì mới đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.  

*Ông Lê Giang Phong - Chủ nhiệm HTX nấm Đức Nhuận (Mộ Đức): “Ngân hàng cần linh động trong việc cho vay vốn tín chấp và thế chấp”.  
 HTX nấm Đức Nhuận đi vào hoạt động từ tháng 6/2011 trên cơ sở trồng các loại nấm sọ khỉ, nấm bào ngư và cả nấm linh chi. Hiện tại, HTX có nhu cầu cần trên 1 tỷ đồng để mở rộng quy mô làm nấm. Thế nhưng, việc vay vốn hiện nay của HTX rất khó khăn, vì hầu hết các ngân hàng đều không cho vay với lý do HTX không trình được phương án làm ăn khả thi và không có tài sản lớn để thế chấp. Do vậy, chính quyền các cấp cần xem xét từng trường hợp cụ thể để có thể linh động thực hiện hình thức vay vốn tín chấp lẫn thế chấp, thì mới có thể đẩy mạnh sản xuất.

 


MAI HẠ
 


.