Tội phạm trong giới trẻ ngày càng gia tăng: Đâu là nguyên nhân?

10:03, 18/03/2013
.

(QNg)- Những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật  ngày càng tăng, trong đó có nhiều vụ án khá nghiêm trọng. Nhiều vụ việc xảy ra khiến những người tham gia điều tra phá án đau lòng. Thống kê của Tổng cục cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong năm 2012 có đến 75% vụ án do lứa tuổi từ 14 đến dưới 30 gây ra.

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 1.000 vụ án hình sự các loại. Trong đó, án do lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh gây ra 570 vụ, tăng 46 vụ so với năm 2011.

Những con số đau lòng:

Các đối tượng này đã làm chết 10 người, bị thương 98 người; trộm, cướp hơn 1 tỷ đồng, 147 chỉ vàng, 56 xe mô tô, 120 điện thoại di động và các tài sản liên quan khác. Lực lượng chức năng đã bắt 1.020 đối tượng đưa ra xét xử trước pháp luật và phát lệnh truy nã nhiều đối tượng. Đáng lo ngại là, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng như tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.

 

Giới trẻ cần nhiều sân chơi lành mạnh như thế này .
Giới trẻ cần nhiều sân chơi lành mạnh như thế này .



Thượng tá Trần Văn Dũng - Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, nhận định: Tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hậu quả do nhóm lứa tuổi này gây ra là rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân khiến cho số vụ án giết người gia tăng là do đạo đức xã hội đang xuống cấp. Lớp trẻ hiện đang bị "đầu độc" bởi quá nhiều loại hình văn hóa không lành mạnh, có nội dung kích động bạo lực. "Ở lứa tuổi này, các cháu đang trong giai đoạn hình thành nhân cách nên môi trường sống gia đình và xã hội có tác động rất quan trọng. Nếu các cháu không may tiếp cận với quá nhiều thứ giải trí bạo lực, một gia đình không êm ấm thì sẽ làm cho các cháu bị lệch lạc về nhân cách, hành động theo bản năng và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động" - thượng tá Dũng nói.

Điển hình như, vào ngày 29/12/2011 Nguyễn Văn Tài (SN 1995), trú xã Đức Lân và Lê Văn Thuận (SN 1995), trú xã Đức Phong (Mộ Đức) đã dụ dỗ bà Nguyễn Thị Tuyết (71 tuổi) đến chỗ vắng và dùng dao đâm nhiều nhát vào người bà Tuyết để cướp tài sản tiêu xài. Hay như vào ngày 24/11/2012, Nguyễn Văn Tây (SN1990), trú xã Phổ Cường (Đức Phổ) đột nhập vào nhà ông Võ Cẩn cùng thôn và lấy trộm 121 triệu đồng.

Tội phạm gây án có tổ chức trong giới trẻ cũng ngày một gia tăng. Mới đây, Cơ quan CSĐT đã bắt khẩn cấp nhóm giết anh Nguyễn Tấn Thọ (xã Phổ Khánh) và đánh trọng thương Nguyễn Hữu Phong, Châu Minh Cường (Phổ Cường), gồm: Võ Tấn Dũng (1986), Võ Tấn Cường (1992), Nguyễn Khánh Hòa (1994,) Ngô Dự (1993), Nguyễn Trường Sang (1994) và Ngô Thanh Nhàn (1995) đều trú huyện Đức Phổ.  Ngày 12/02/2013, tại xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) cũng đã xảy ra một vụ án mạng mà ai chứng kiến cũng đều đau lòng. Chỉ vì lời nói khích nhau, hai anh em Lê Duy Quang (1990) và Lê Duy Khánh (1988) đã xô xát làm Khánh bị chết trên đường đưa đi cấp cứu…

Lỗi này ai chịu?

Trước thực trạng tình hình tội phạm trong giới trẻ đang ở mức báo động, nhiều cấp ngành chính quyền, đoàn thể và lực lượng chức năng đã vào cuộc tìm hiểu, xử lý kiên quyết những đối tượng vi phạm nhưng vẫn không giảm. Không một gia đình nào có con trong độ tuổi này không hoang mang, lo sợ. Vậy lỗi này ai chịu? Một giáo viên dạy bộ môn tâm lý ở Trường Đại học Phạm Văn Đồng quả quyết: "Lỗi này do người lớn gây ra". Giáo viên này phân tích, ở góc độ gia đình thì do các bậc làm cha, làm mẹ thiếu gương mẫu trong lối sống, nuông chiều con cái quá mức; lo mưu sinh phương xa, làm giàu, chạy theo danh vọng, địa vị, không cần biết con mình ăn uống, học hành, suy nghĩ hàng ngày như thế nào. Trong khi đó, lứa tuổi này các cháu rất cần được sự chia sẻ, cảm thông và gần gũi của người lớn.

Còn ở góc độ xã hội, chúng ta quá chú trọng phát triển kinh tế, không có nhiều sân chơi lành mạnh để giáo dục nhân cách cho giới trẻ, trong khi đó công tác quản lý nhà nước về các sản phẩm, loại hình văn hoá độc hại còn buông lỏng. Trong giáo dục, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên thiếu gương mẫu, coi trọng văn hoá vật chất… Một môi trường giáo dục như thế thì khó có thể giáo dục được nhân cách cho học sinh. Tổ chức đoàn thể có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các phong trào thu hút giới trẻ tham gia, nhưng rồi không nuôi dưỡng được phong trào, nên phần lớn phong trào còn mang nặng khẩu hiệu. Mà như thế thì dù có nhiệt tình mấy đi nữa thì thanh thiếu niên cũng chỉ đến một lần rồi thôi. Công tác điều tra, xử lý tội phạm trong giới trẻ cũng chưa được kiên quyết, một số vụ việc còn bị tác động bởi yếu tố chủ quan và khách quan, nên không đủ sức giáo dục cho người khác.

Chính những tồn tại đó đã tạo ra một bộ phận lớp trẻ biết hưởng thụ nhưng lười lao động, học tập; thiếu rèn luyện nhân cách, đạo đức, thiếu bản lĩnh khi đối mặt với những cạm bẫy trong cuộc sống. Vậy giải quyết vấn đề này bắt đầu từ đâu? Câu trả lời này xin nhường cho người lớn!
 

*Đại tá Nguyễn Văn Nam - Trưởng phòng CSĐT PC45- Công an tỉnh: "Không thể giao hết cho lực lượng công an".
 Tội phạm trong giới trẻ ngày càng nhiều và khá nghiêm trọng. Do đó, việc giáo dục thanh thiếu niên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và gia đình, xã hội. Nếu chỉ coi đó là trách nhiệm của riêng lực lượng công an thì chưa đủ. Chính sự giáo dục của gia đình, xã hội mới hình thành  ý thức cá nhân trong mỗi con người, mỗi chủ thể. Đây là điều kiện tiên quyết để loại trừ những thói hư tật xấu trong mỗi con người, hình thành nên những gia đình văn hoá, xã hội văn minh.

*Đại tá Trương Binh - Trưởng Công an huyện Đức Phổ: "Kiên quyết loại trừ những trò chơi bạo lực".
 Hiện nay các trò chơi, sản phẩm văn hoá mang tính giáo dục, định hướng, giáo dục nhân cách lớp trẻ không nhiều. Thay vào đó, trên mạng Internet game bạo lực bắn giết, phim ảnh đồi trụy nhan nhản khắp nơi, người chủ các cửa hàng, tiệm game chỉ chú trọng đến lợi nhuận nên việc quản lý hết sức khó khăn. Để giới trẻ sống lành mạnh, cần phải có sự giáo dục ngay từ nhỏ và quan trọng hơn cả là nghiêm khắc loại trừ những trò chơi bạo lực ra khỏi đời sống xã hội, thì sẽ hạn chế được lớp trẻ vướng vào vòng lao lý.

*Ông Trần Công Hiệp - Chủ tịch UBND xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh): Phải có học mới nhận thức được vấn đề.
 Nhìn các vụ án xảy ra chúng ta đều thấy rõ, đối tượng vi phạm là người trẻ, kiến thức văn hoá, xã hội còn hạn chế nếu như không nói là thiếu học, thiếu sự giáo dục về nhân cách. Do đó, để loại trừ dần tội phạm trong giới trẻ cái cần trước hết là giáo dục về học vấn, kiến thức xã hội, nêu gương người tốt… dần dần các cháu mới ngộ ra và sống lành mạnh. Muốn như thế, những bậc làm cha mẹ phải gương mẫu trong lối sống, biết hy sinh lợi ích bản thân để lo giáo dục con cái.


 *Ông Lê Công Mừng - Trưởng công an xã Sơn Thủy (Sơn Hà): Không nên bán rượu, bia cho người chưa đủ tuổi trưởng thành.
Tình trạng thanh thiếu niên gây án, đánh nhau, trộm cắp đều có nguyên nhân cả. Qua điều tra cho thấy nguyên nhân từ rượu, bia chiếm đa số. Thanh niên có chút men trong người, lời ra tiếng vào là đánh nhau. Có trường hợp mang theo hung khí "múa" như trong phim bạo lực tràn lan trên mạng. Tôi cho rằng, không nên bán rượu bia cho người chưa đủ tuổi thành niên sẽ phần nào kiểm soát được giới trẻ phạm tội.

*Thầy Nguyễn Văn Kính - Giảng viên khoa tâm lý Trường ĐH Phạm Văn Đồng - Cần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
 Việc nhận ra những điểm khác thường của con trẻ là rất quan trọng. Nếu thấy con mình hay đóng cửa phòng một cách bí mật, gọi điện thoại, một số hành động lạ nhiều hơn bình thường thì cần quan tâm, theo dõi. Nhất là với lứa tuổi 14, 15, 16 các bậc phụ huynh cần phải biết con mình chơi với ai, chơi như thế nào để có những định hướng cần thiết. Ngoài ra, cha mẹ và xã hội cũng cần tạo ra môi trường lành mạnh cho giới trẻ học tập, vui chơi; định hướng cho trẻ, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ hướng đến những điều tốt đẹp thì chẳng bao giờ xảy ra những điều đáng tiếc.

 


LÊ ĐỨC
 


.