Giải pháp nào cho dự án ứng vốn không thi công?

09:01, 23/01/2013
.

(QNg)- Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo nên nhu cầu vốn cho xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Thế nhưng, việc một số địa phương cho nhà thầu ứng vốn hàng chục tỷ đồng, nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện không hết khối lượng vốn đã ứng, khiến nhiều tuyến đường, trường học dở dang, gây bức xúc trong nhân dân.

Ứng tiền nhanh, thi công... chậm!

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án có số nợ tạm ứng 42,6 tỷ đồng. Trong đó có dự án nghiệm thu thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công 3,25 tỷ đồng. Chỉ tính 4 huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Tây Trà và Trà Bồng, có 8 nhà thầu chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước (nợ tạm ứng) từ các năm 2009, 2010, hơn 31,8/46,4 tỷ đồng. Công ty TNHH Thiên Vũ nợ nhiều nhất 11,6/14,7 tỷ đồng. Tiếp đến là Xí nghiệp XD An Huy 5/6,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Hưng Phát 3,7/4,2 tỷ đồng; Công ty TNHH XD Hoàng Vũ 3,5/5 tỷ đồng... Đặc biệt là Công ty Thiên Vũ ngừng thi công gói thầu số 3 đường Giá Gối - Mô Nít; Công ty Hưng Phát ngừng thi công gói thầu số 8, đường Ba Tơ - Ba Lế; Xí nghiệp XD Thắng Lợi ngừng thi công phòng học mầm non xã Ba Tiêu...

 

 Sau khi huyện Tây Trà đòi cắt hợp đồng, khởi kiện ra tòa, một số nhà thầu đã quay lại thi công, nhưng thi công rất chậm
Sau khi huyện Tây Trà đòi cắt hợp đồng, khởi kiện ra tòa, một số nhà thầu đã quay lại thi công, nhưng thi công rất chậm


Ông Lê Thanh Phương - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) huyện Ba Tơ cho rằng: "Gói thầu số 8, tuyến đường Ba Tơ - Ba Lế dự kiến hoàn thành tháng 12/2010 và huyện cho DN ứng trước 4,24 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi ứng tiền, DN Hưng Phát bỏ mặc công trình, bất chấp sự hối thúc của huyện. Cũng theo ông Phương: "Quan điểm của huyện là tạo mọi điều kiện để DN thi công, nhưng kiên quyết xử lý nếu DN chây ì và vi phạm hợp đồng".

Không riêng gì Ba Tơ mà ở Tây Trà, Trà Bồng và Sơn Hà cũng khá ưu ái cho ứng vốn, nhưng DN không thi công. Cụ thể, tại Tây Trà có 3 dự án, với số nợ tạm ứng 21,4 tỷ đồng. Trong đó, đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung 9,59 tỷ đồng; đường Trà Phong - Trà Ka 11,6 tỷ đồng; trường phổ thông nhiều cấp học Trà Phong II: 215 triệu đồng. Các dự án này chậm từ 11 đến 13 tháng. Còn ở Sơn Hà, gói thầu số 3 do C.ty Thiên Vũ thi công đường Giá Gối - Mô Nít dù tạm ứng 2,9/5,5 tỷ đồng giá trị hợp đồng từ năm 2009, nhưng DN mới thực hiện được 27% giá trị rồi ngừng thi công. Còn ở Trà Bồng có 2 dự án, có số nợ tạm ứng 4,03 tỷ đồng là đường Trà Phú - Trà Giang (2,45 tỷ đồng), đường Trà Giang - Trà Thủy (1,57 tỷ đồng). Các công trình này chậm tiến độ từ 13 đến 16 tháng và cũng chưa biết khi nào hoàn thành.

Năng lực doanh nghiệp ai thẩm định?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc một số huyện cho nhà thầu tạm ứng lượng vốn tới 70% giá trị hợp đồng, nhưng thẩm định năng lực nhà thầu không tốt. Mặt khác, khi tạm ứng vốn cho nhà thầu, chủ đầu tư không theo dõi xem đồng vốn có được sử dụng vào công trình hay không. Việc nhà thầu lợi dụng vốn tạm ứng để làm việc khác, nhưng chủ đầu tư không có chế tài xử lý, dẫn đến hàng chục tỷ đồng tạm ứng bị treo từ năm này sang năm khác vì không có khối lượng thanh toán.

Ông Đặng Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Hiện tại, gói thầu số 3 dự án đường Giá Gối - Mô Nít do Công ty Thiên Vũ thực hiện đã ngừng thi công, nên không có khối lượng thanh toán. Thấy nhà thầu có dấu hiệu chiếm dụng vốn, huyện đã nhiều lần làm việc với Công ty, nhưng không có kết quả. Trước thực tế trên huyện khởi kiện, yêu cầu nhà thầu trả số tiền tạm ứng chưa thu hồi 2,12 tỷ đồng; đồng thời bồi thường thiệt hại 2,5 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, nguyên nhân nguồn vốn đầu tư bị DN chiếm dụng là do: Năng lực nhà thầu quá yếu, nhưng lại được giao thầu nhiều công trình cùng thời điểm, dẫn đến dàn trải nguồn lực tài chính nên mất khả năng thực hiện gói thầu. Cụ thể như Công ty Thiên Vũ nhận triển khai thi công một lúc 4 gói thầu trong năm 2010 tại 3 huyện Trà Bồng, Tây Trà và Sơn Hà, với giá trị trên 35,5 tỷ đồng. Kế đến là Công ty Hoàng Vũ tham gia thi công nhiều gói thầu ở Trà Bồng và Tây Trà, nhưng cũng không thực hiện đúng như cam kết. Đặc biệt là Công ty Hưng Phát, dù chỉ nhận 1 công trình, với vị trí thi công thuận lợi, nhưng không thực hiện dự án...

Xử lý mạnh tay...

Nguồn vốn thực hiện các dự án ở Ba Tơ và Sơn Hà đang bị chiếm dụng, khi nhà thầu ứng tiền nhưng không thi công. Trước nguy cơ mất vốn, huyện Ba Tơ và Sơn Hà đã chuyển hồ sơ cho Công an điều tra và khởi kiện ra tòa, nhằm thu hồi nợ tạm ứng với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Phương - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án ĐTXD huyện Ba Tơ cho rằng: Suốt thời gian dài, huyện liên lạc với nhà thầu Hưng Phát yêu cầu hoàn tất công trình, nhưng DN cứ né tránh.

Do vậy, huyện chuyển hồ sơ cho Công an xem xét xử lý nợ tạm ứng hơn 3,7 tỷ đồng của DN Hưng Phát và Xí nghiệp Thắng Lợi 150 triệu đồng. Còn ông Đặng Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà khẳng định: "Đây là tiền ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng sâu, vùng xa để giúp bà con ở Mô Nít thoát nghèo, nên chúng tôi buộc Công ty phải bồi thường những thiệt hại bằng việc khởi kiện ra tòa. Chúng tôi theo đuổi vụ kiện đến cùng. Vấn đề này được Ban Thường vụ Huyện ủy cũng như UBND huyện xem là việc quan trọng phải xử lý dứt điểm trong năm 2013".

Sau kỳ họp HĐND, một số DN đã khắc phục khó khăn, huy động vốn, phương tiện máy móc và con người đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu nhằm lấy lại uy tín với chủ đầu tư và người dân trong vùng. Bên cạnh các DN nói trên, thì vẫn còn nhiều DN dù trở lại thi công các công trình ở Trà Bồng, Tây Trà và Ba Tơ, nhưng theo quan sát của phóng viên, tiến độ thi công khá chậm. Phần đông các hạng mục công trình chỉ lèo tèo vài lao động, vài chiếc máy xúc, máy ủi vẫn nằm án binh, bất động...
 

*Ông Trần Văn Nhân - Giám đốc Sở KHĐT: Năng lực chủ đầu tư quá yếu, ý thức nhà thầu quá kém.
Chủ đầu tư cho nhà thầu ứng nhiều vốn, nhưng không yêu cầu bảo lãnh tín dụng, cũng không đôn đốc, không buộc nhà thầu thi công, dẫn đến nhà thầu lấy tiền tạm ứng đi làm việc khác. Việc không thu hồi được tiền tạm ứng của các nhà thầu không thi công nên rất khó để thay thế được nhà thầu mới. Điều này gây mất lòng tin và ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án; làm tăng tổng mức đầu tư; thất thoát vốn đầu tư, không phát huy được hiệu quả của dự án. Để kịp thời tháo gỡ những tồn tại nói trên, các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng và Tây Trà phải đề ra giải pháp khắc phục triệt để trong năm 2013. Không cho điều chỉnh giá, bởi đây là lỗi của nhà thầu.

*Ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ: Phải trả đúng giá trị thực tế của công trình tại thời điểm trúng thầu.
Thấy nhà thầu thi công gói thầu số 8, đường Ba Tơ - Ba Lế chậm, huyện phạt nhà thầu 20 triệu đồng, nhưng nhà thầu vẫn chây ì. Thấy vậy, huyện lập hồ sơ chuyển Công an xử lý. Bởi huyện xác định, việc ứng vốn không thi công có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự về việc lợi dụng uy tín chiếm đoạt tài sản. Do đó, quan điểm của huyện là xử lý nghiêm, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, nhưng phải trả đúng giá trị công trình tại thời điểm trúng thầu. Còn đối với dự án Trường mầm non Ba Tiêu, dù nhà thầu trả lại tiền tạm ứng 150 triệu đồng, nhưng huyện không đồng ý. Bởi thời gian đó, số tiền trên làm được phòng học đó, nên giờ phải trả đúng giá làm phòng học.

*Ông Mai Quý Dương - Giám đốc Ban quản lý các dự án xây dựng huyện Tây Trà: Ý thức của nhà thầu quá kém.
Các DN nợ tạm ứng của huyện còn nhiều, nhưng không có bảo lãnh tín dụng nên huyện vừa phải đi theo "năn nỉ" họ triển khai dự án; đồng thời có thể kiện ra tòa nếu không thi công. Với biện pháp trên, các nhà thầu đã trở lại thi công. Để tạo điều kiện cho nhà thầu hoàn thành công trình, huyện xin tỉnh cho gia hạn thời gian thi công. Tuy nhiên, huyện không cho điều chỉnh giá. Bởi các gói thầu này là hợp đồng trọn gói. Hơn nữa, đa phần là lỗi của nhà thầu nên không được điều chỉnh. Theo như đơn xin gia hạn và cam kết của nhà thầu, đến 30/8/2013 nếu nhà thầu không hoàn thành, huyện sẽ cắt hợp đồng; đồng thời kiện ra tòa.

*Ông Bùi Minh Tú - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Vũ: Nói chúng tôi “bỏ của chạy lấy người” là không đúng.
Công trình Công ty nhận ở Sơn Hà là nằm trong hóc núi nên khó vận chuyển vật liệu. Thêm vào đó là giai đoạn này do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên vay vốn ngân hàng rất khó và nếu có vay được thì với lãi suất 18 - 20% thì có làm cũng không có lãi. Đối với dự án ở Tây Trà và Trà Bồng, DN khắc phục được dù lỗ cũng phải làm. Chúng tôi làm để lấy lại uy tín của DN. Trong đó, dự án ở Trà Bồng chúng tôi cam kết sẽ làm xong trước 30/3/2013 và ở Tây Trà xong trước 30/8/2013. Bởi từ tháng 11/2012 đến nay, trên công trình ở Tây Trà, chúng tôi đã thi công và lên khối lượng hoàn ứng được khoảng 1,3 tỷ đồng, còn ở Trà Bồng khoảng 800 triệu đồng.

*Ông Phạm Văn Chiêng - Chủ tịch UBND xã Ba Bích: Phải xử lý nghiêm những nhà thầu chiếm dụng vốn.
Bao nhiêu năm qua, đồng bào các xã Ba Bích, Ba Nam, Ba Lế, vẫn phải đi lại trên con đường độc đạo, nắng bụi, mưa thì sình lầy. Do vậy, việc huyện đầu tư thâm nhập nhựa đường Ba Tơ - Ba Lế mang lại hy vọng lớn cho người dân. Thế nhưng, từ ngày đơn vị thi công gói thầu số 8 "bỏ chạy" dẫn đến tuyến đường trở nên tồi tệ hơn. Nhiều đoạn lầy lội không thể đi được. Muốn vào xã hoặc đi ra bên ngoài chỉ còn cách... gồng mình băng qua đoạn đường đầy đất đá và khá lầy lội này. Tưởng mở đường là giúp dân thay đổi cuộc sống, đằng này nâng cấp đường chỉ khiến người dân khổ hơn. Đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khắc phục tình trạng trên để giúp nhân dân đi lại thuận tiện hơn.

 

 

Bá Sơn


.