Bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo: Cái khó "bó" chính sách

07:12, 24/12/2012
.

(QNg)- Ngày 1/1/2012, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 797/QĐ-TTg nâng mức hỗ trợ tối thiểu đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 50% trước đó lên 70%. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ khá cao nhưng cho đến nay vẫn còn hơn 70% hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh thờ ơ với chính sách ưu việt này. Nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT cho đối tượng trên đang là bài toán đặt ra cho các địa phương trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Hơn 70% hộ cận nghèo chưa có BHYT

 

Hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế

Khi đi khám chữa bệnh thông thường được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh (phải chi trả 20%). Đối với sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn sẽ được hưởng 80% chi phí nhưng tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, khi toàn bộ các thành viên trong hộ cận nghèo tham gia BHYT, mức đóng sẽ được giảm trừ dần theo tỷ lệ %. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt được giảm 10% so với mức đóng người thứ nhất.   
           

Trong bối cảnh giá cả các dịch vụ khám-chữa bệnh ngày càng tăng cao thì việc tham gia BHYT là một trong những giải pháp an toàn, giúp bản thân và gia đình có thêm điều kiện, yên tâm trong việc khám-chữa bệnh. Mặc dù được Nhà nước nâng mức hỗ trợ 70% số tiền đóng BHYT, nhưng số lượng người cận nghèo tham gia vẫn còn rất khiêm tốn. Chúng tôi đến xã Bình Minh, một trong những xã có tỷ lệ hộ cận nghèo cao nhất huyện Bình Sơn. Toàn xã có gần 1.600 người thuộc hộ cận nghèo, nhưng chỉ có 115 người tham gia mua BHYT.

Theo chỉ dẫn của cộng tác viên (CTV) đại lý thu BHXH xã, chúng tôi tìm gặp ông Vương Trọng Cảnh (70 tuổi), ở thôn Tân Phước. Là hộ cận nghèo, hai vợ chồng ông Cảnh lại thường xuyên ốm đau. Biết BHYT khá quan trọng đối với hoàn cảnh của mình, nhưng ông vẫn không có điều kiện tham gia. "Vợ chồng tôi già yếu, không còn sức khỏe lao động. Dù biết Nhà nước đã hỗ trợ 70%, nhưng thu nhập quá thấp, bản thân tôi mua BHYT thì đóng thêm gần 200 nghìn đồng, cộng với vợ tôi nữa phải mất gần 400 nghìn đồng. Số tiền đó quá lớn đối với gia đình mới thoát nghèo như tôi"- ông Cảnh thổ lộ.

 Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Tiên, ở xã Bình Minh, lý do không mặn mà với BHYT rất đơn giản vì: "Các thành viên trong gia đình còn khỏe mạnh, tham gia mua BHYT cho đại gia đình 5 người phải đi đứt gần 1 triệu đồng. Nên "trời kêu ai nấy dạ", khi nào đau ốm lúc đó tôi mới tính đến mua BHYT"- chị Tiên nói.

Không chỉ xã Bình Minh mà nhiều địa phương khác của Bình Sơn cũng rơi vào cảnh tương tự. Toàn huyện có hơn 16 nghìn người cận nghèo, nhưng chỉ có hơn 1000 người mua BHYT (6,25%). Còn tại huyện Nghĩa Hành tình hình cũng chẳng khá hơn. Trong năm 2012, địa phương này chỉ có 8,7% trên tổng số 16.240 người cận nghèo tham gia BHYT. Tính chung trên địa bàn tỉnh,  hiện có 25 nghìn người cận nghèo. Tuy nhiên, trong năm 2012, tham gia mua BHYT chỉ có hơn 6.900 người chiếm 27,6% trong tổng số người cận nghèo toàn tỉnh.

 Theo khảo sát ở một số địa phương trong tỉnh, nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đến chính sách BHYT. Ông Phạm Văn Lệ -Trưởng Phòng thu BHXH tỉnh cho biết: Nhiều hộ cận nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa hiểu rõ chính sách BHYT ưu việt thế nào, thậm chí không nghĩ bản thân là đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ. Khi ốm đau, nghe nhân viên y tế giải thích về quyền lợi được hưởng thì họ mới sốt sắng mua BHYT. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ ngành BHXH cũng như CTV cấp xã đến nay còn hạn chế cả về số lượng lẫn năng lực.

Một thực tế khác khiến người dân nói chung và các đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo nói riêng thờ ơ với việc đóng BHYT, là họ chưa thể hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh hiện nay. Ngành y tế triển khai khám BHYT ban đầu ở tuyến xã, huyện. Điều đáng nói là ở một số địa phương vẫn còn tình trạng thiếu thốn nhiều cơ sở trang thiết bị lẫn đội ngũ y, bác sĩ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, nguyên nhân chính vẫn là do các hộ cận nghèo còn quá khó khăn về kinh tế. Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm- Giám đốc BHXH huyện Sơn Tịnh cho rằng: Hiện nay, theo chuẩn cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015, người thuộc hộ cận nghèo ở nông thôn có thu nhập bình quân hàng tháng từ 401- 520 nghìn đồng và hộ cận nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501- 650 nghìn đồng. Trong khi mức đóng BHYT hiện nay đối với người cận nghèo bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung. Tính ra, trừ 70% phí hỗ trợ, họ phải đóng thêm hơn 170.000 đồng mới được sở hữu tấm thẻ BHYT. Đối với một hộ cận nghèo có từ 3 đến 4 khẩu, phải tốn gần 500-700 nghìn đồng. Số tiền này quá sức so với thu nhập của các hộ cận nghèo.

Ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhiều hộ không mua nổi BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình. Những người thuộc diện hộ cận nghèo mua BHYT thì đều rơi vào trường hợp ốm trước, mua sau. Với những thẻ BHYT mua mang tính "đối phó", không có tính liên tục, người bệnh chỉ có thể hưởng được những dịch vụ y tế thông thường. Vì theo luật định, các quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao chỉ được hưởng khi thẻ có giá trị sử dụng sau 6 tháng.

 Tập trung tháo gỡ…

Năm 2012, với mức hỗ trợ 70%, thì  hơn 25 nghìn người cận nghèo của tỉnh, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ phải chi hơn 9 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho họ. Trong khi Nhà nước dành một khoản tiền lớn đễ hỗ trợ, nhưng số người tham gia lại quá thấp, vì thế chính sách của Nhà nước không đến được người dân.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nắm bắt thông tin, quyền lợi khi tham gia BHYT.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nắm bắt thông tin, quyền lợi khi tham gia BHYT.


Việc đối tượng cận nghèo không mặn mà tham gia BHYT đang gây khó khăn không chỉ cho chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện BHYT toàn dân. Để giải bài toán nói trên, cùng với nỗ lực của ngành BHXH, các ban ngành, đoàn thể liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc đóng BHYT cũng như quyền lợi mà bà con được thụ hưởng. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương triển khai giải pháp trợ giúp cho các hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập; hỗ trợ thêm phần chi phí mua BHYT ngoài phần hỗ trợ  từ ngân sách Nhà nước, nhằm giúp người cận nghèo giảm bớt khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
 

*Ông Trương Văn Nam - Phó Giám đốc BHXH tỉnh:
Thực tế hiện nay, mạng lưới cộng tác viên thu BHXH chưa thể phủ đến được các thôn xóm, khu phố. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố  cùng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, để đối tượng cận nghèo được cung cấp thông tin đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHXH. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng sẽ cùng với sở, ngành liên quan sớm tham mưu lên UBND tỉnh để có cơ chế hỗ trợ thêm phần phí mua BHYT còn lại, góp phần tăng số người cận nghèo tham gia BHYT.

*Ông Nguyễn Tấn Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế
Sang năm 2013, thực hiện giá viện phí mới nên giá các dịch vụ y tế sẽ tăng lên. Việc tham gia BHYT sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là đối tượng cận nghèo khi chẳng may ốm đau phải khám, điều trị. Chúng tôi thừa nhận một thực tế, tuyến y tế cơ sở một số nơi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT. Ngành y tế đang tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nếu ở tuyến y tế cơ sở có được sự đầu tư đúng mức, đội ngũ y, bác sỹ ân cần, chăm lo, quan tâm đến người bệnh, không phân biệt đối xử với bệnh nhân, thì đó là một trong những giải pháp hiệu quả tạo lòng tin của người dân vào tấm thẻ BHYT.

*Ông Lê Thanh Thảo - Giám đốc BHXH huyện Bình Sơn
Ở một số xã, người dân nhất là hộ cận nghèo vẫn "mù" thông tin về quyền lợi được hưởng khi mua BHYT. Một phần là do công tác tuyên truyền bị bỏ ngỏ. Bởi chưa gắn trách nhiệm cụ thể cho cán bộ xã, kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên tuyên truyền và đại lý thu tại các xã, phường, thị trấn chưa phù hợp. Một số cộng tác viên đa số làm công tác kiêm nhiệm, nhiều đầu việc cùng lúc, trong khi chế độ phụ cấp lại thấp, nên họ không mặn mà với công tác này.


 *Ông Nguyễn Khả: Cộng tác viên đại lý thu BHXH xã Hành Đức (Nghĩa Hành)

Chúng tôi đã phối hợp với các trưởng thôn cùng hội đoàn thể địa phương tuyên truyền cho người dân nhưng tỷ lệ tham gia BHYT vẫn còn rất thấp. Xã Hành Đức là xã thuần nông, đa số người cận nghèo ở địa phương đời sống còn quá khó khăn. Toàn xã có hơn 2 nghìn người cận nghèo nhưng chỉ có 200 người mua BHYT, đa số tham gia là những người có bệnh kinh niên phải thường xuyên thăm khám điều trị cần tới BHYT.

*Ông Mai Cần- hộ cận nghèo xã Hành Đức
   Gia đình tôi mới thoát khỏi hộ nghèo cuối năm nay (hiện là cận nghèo). Tôi đã 74 tuổi,  mất sức lao động nhiều năm nay, lại phải nuôi đứa cháu nội vì cha nó bị tai nạn giao thông đã mất. Vợ tôi dù 70 tuổi  nhưng phải vào TP Hồ Chí Minh bán vé số kiếm tiền về nuôi cả nhà. Tôi muốn mua BHYT lắm, vì tôi có tiền sử bệnh tim mạch, không biết "lên cơn" bất tử lúc nào. Nhưng vì lo chạy ăn từng bữa chưa xong thì tiền đâu mua BHYT. Chỉ mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ phần còn lại để người cận nghèo như tôi có điều kiện được cấp thẻ BHYT. 


 
Kim Ngân

 


.