Vốn tín dụng cho hợp tác xã, tổ hợp tác: Có nhưng khó tiếp cận

02:10, 15/10/2012
.

(QNg)- Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có. Thế nhưng, trong quá trình áp dụng vào thực tế cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc. Vậy vấn đề này ách tắc từ đâu?

Tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP "về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn". Cũng trong năm 2010 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg "về chính sách hỗ trợ nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản" (sau đó ngày 2/11/2011, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN


Các quyết định này đã mở ra cơ chế, chính sách ưu đãi cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, hộ kinh doanh,... ở khu vực nông thôn được vay vốn ngân hàng đến 500 triệu đồng không cần phải thế chấp tài sản mà chỉ bằng tín chấp theo đúng quy định của pháp luật. Nghĩa là khi tổ chức, cá nhân có đủ tư cách pháp nhân và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả là được tiếp cận với nguồn vốn này. Các đối tượng này cũng được hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản.

 

Máy gặt đập liên hợp mang lại lợi ích lớn trong phát triển nông nghiệp, nhưng vẫn là niềm mong ước của nhiều nông dân Quảng Ngãi.
Máy gặt đập liên hợp mang lại lợi ích lớn trong phát triển nông nghiệp, nhưng vẫn là niềm mong ước của nhiều nông dân Quảng Ngãi.


Điều kiện là khi mua sắm máy móc, thiết bị do các tổ chức, cá nhân sản xuất phải có giá trị sản xuất trong nước trên 60% và có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa thì được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50%. Đây là hai gói kích cầu quan trọng của Chính phủ nhằm tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi chính sách này vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống.

Những năm trước đây, HTX muốn vay vốn ngân hàng phải có tài sản thế chấp, sau khi có Nghị định 41/2010/QĐ-TTg và Quyết định 63, 65 của Chính phủ vấn đề này được tháo gỡ bằng "phương án sản xuất kinh doanh khả thi" nhưng điều này cũng chẳng dễ. Bởi khi có HTX đem phương án kinh doanh của mình đến trình ngân hàng để được vay vốn thì  ngân hàng cho rằng phương án đó không khả thi (không có lãi) nên bị từ chối. Về phía HTX, thực tế là rất cần vốn để hoạt động, nhưng sợ vay để tổ chức các dịch vụ phục vụ nông nghiệp thì giỏi lắm cũng chỉ đủ tiền trả lãi ngân hàng chứ HTX không được gì nên họ không muốn làm phương án vay vốn ngân hàng.

Đối với việc thực hiện Quyết định 65 của Chính phủ, ngân sách nhà nước hỗ trợ với điều kiện phải mua loại máy với hơn 60% phụ tùng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng, loại máy này ít hiệu quả và sợ sớm trở thành "cục sắt" nên họ không muốn mua. Gần đây, Hội Nông dân tỉnh đã tổng hợp nhu cầu của nông dân cần mua máy theo tinh thần Quyết định 65 của Chính phủ. Qua đó cho thấy, đa số nông dân chỉ muốn mua loại máy làm đất 2 bánh 18 CV vì vốn ít, nhỏ gọn, tiện sử dụng với đồng ruộng Quảng Ngãi (phần lớn chưa được dồn điền đổi thửa khó đưa các loại máy lớn vào đồng ruộng). Còn các loại máy cồng kềnh với yêu cầu hơn 60% thiết bị phụ tùng sản xuất trong nước ít tiện ích, không phù hợp với địa bàn Quảng Ngãi nên đa số nông dân không thích mua sắm loại máy này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Giao-Trưởng phòng tín dụng chuyên về đầu tư, cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết: Gần đây Ngân hàng đã gửi 35 phiếu thăm dò đến 35 HTX trong tỉnh và thu hồi về được 17 phiếu. Qua các phiếu thăm dò thấy rõ: Hầu hết các HTX trong tỉnh đều có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật nhưng chỉ có 1 HTX sử dụng vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp. Có 4/17 đơn vị chưa có nhu cầu vay vốn. Các HTX chưa vay vốn hầu hết là do thiếu điều kiện để được vay vốn Ngân hàng như chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả... Ông Giao cho biết thêm, Ngân hàng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn vay vốn, nên trong năm nay Ngân hàng sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức họp bàn biện pháp để đưa nguồn vốn đến các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ kinh doanh... theo tinh thần Nghị định 41 và Quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ.

Mỗi bên đều đưa ra lý lẽ của mình, còn thực tế chính sách quy định hỗ trợ cho HTX nông nghiệp trong thời gian qua vẫn có nhiều HTX chưa tiếp cận được. Do đó, tỉnh cần phải có cơ chế hỗ trợ hoặc có quỹ hỗ trợ HTX thì HTX mới dễ tiếp cận được nguồn vốn kích cầu của Chính phủ nhằm đầu tư phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn.
 

*Ông Đỗ Tấn Tự - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Ngãi: "Tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ đang bị ách tắc từ hai phía".
Việc tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ đối với tỉnh ta đã và đang bị ách tắc từ hai phía: Ngân hàng và khách hàng còn "ngoảnh mặt" với nhau. Một trong những lối thoát đó là phải có một nguồn vốn quỹ với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ HTX (như TPHCM đang làm rất hiệu quả), thì HTX mới có vốn để hoạt động phát triển dịch vụ sản xuất kinh doanh. Riêng với Quảng Ngãi đang còn ở trong trạng thái chờ đợi Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua đề án Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX giai đoạn 2012-2016 có tính đến năm 2020 của tỉnh thì mới có thể thành lập được Quỹ hỗ trợ HTX để hỗ trợ các HTX hoạt động tích cực, hiệu quả hơn.

*Ông Đinh Duy Sung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ngãi: "Nông dân đang cần nguồn vốn hỗ trợ"
  Trước đây, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Tổng Công ty Động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam cung cấp máy cho nông dân và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho nông dân vay vốn để mua máy. Cách làm cụ thể là Ngân hàng cho nông dân và các tổ chức vay 75% tổng giá trị của máy tại thời điểm mua máy, còn người mua phải tự góp tiền nhà vào 25%. Về trả vốn vay, năm thứ nhất trả vốn gốc 40%, năm thứ hai 30%, năm thứ ba 30%.  Nhờ có cơ chế này mà chỉ trong vòng 4 năm (2004-2008) tỉnh ta đã hỗ trợ cho nông dân mua được 273 máy nông cụ phục vụ nông nghiệp, với tổng giá trị gần 3,7 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào việc phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Đây là cách làm hay mà tỉnh Quảng Ngãi đã từng thực hiện được. Nếu tích cực vận dụng và sáng tạo theo hướng này thì nguồn vốn kích cầu của Chính phủ sẽ sớm đến được với nông dân và các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại...

*Ông Phạm Duy Hùng-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi: "Ngân hàng không thiếu vốn"
Thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, quan điểm của Ngân hàng là tập trung vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngân hàng không thiếu vốn, luôn sẵn sàng mở cửa cho các đối tượng khách hàng vay theo Nghị định 41. Nhưng nhìn chung ở tỉnh ta trong thời gian qua kinh tế hộ vay là chủ yếu; các HTX, tổ hợp tác và chủ trang trại có vay nhưng không nhiều. Còn việc thực hiện Quyết định 63 và 65 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh nhưng đến nay dư nợ không đáng kể vì đang bị vướng ở chỗ khi mua sắm máy móc, thiết bị phải bảo đảm có trên 60% bộ phận của máy sản xuất trong nước mới được miễn giảm lãi suất nên phần lớn khách hàng ở khu vực nông thôn tỉnh ta đều không chuộng.

*Ông Nguyễn Văn Hoàng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thọ Trung (Tịnh Thọ- Sơn Tịnh): "Rào cản kỹ thuật" từ phía ngân hàng
Tùy tình hình vốn, tùy theo phương án sản xuất kinh doanh nên một số HTX còn ngại rủi ro, chưa có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Còn một số HTX sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề như HTX Nông nghiệp Thọ Trung thì nhu cầu vốn là rất cần thiết. Năm ngoái HTX đã từng đến "gõ cửa" ngân hàng nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn kích cầu của Chính phủ do bị vấp phải "rào cản kỹ thuật" từ phía ngân hàng với lý do đơn giản là HTX không có tài sản thế chấp và chưa đủ điều kiện vay tín chấp. HTX phải mượn sổ đỏ của xã viên đi vay 300 triệu đồng mới tạm thời giải quyết được một phần vốn để duy trì dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Nhờ làm ăn có uy tín với khách hàng nên HTX cũng được nhiều khách hàng thân thiết hỗ trợ vốn bằng nhiều cách nên HTX đã vượt qua được nhiều khó khăn trở ngại, vươn lên trở thành HTX tiên tiến của tỉnh.

 


NGUYỄN KHÂM
 


.