Cán bộ chuyên trách dân số xã: Bao giờ được vào biên chế?

09:10, 21/10/2012
.

(QNg)- Mặc dù Thông tư 05 của Bộ Y tế ban hành năm 2008, trong đó có quy định cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã là viên chức của Trạm y tế xã. Nhưng cho đến nay, đội ngũ chuyên trách dân số (CTDS) ở Quảng Ngãi vẫn chưa được vào biên chế. Sự chậm trễ trong giải quyết chế độ chính sách đã ảnh hưởng đến quyền lợi chưa tạo sự an tâm trong công tác của đội ngũ này ở cơ sở .

Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, tính đến tháng 5/2012, cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố đã giao 7.176 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp làm công tác DS-KHHGĐ cấp xã. Trong đó, số đã được tuyển dụng là gần 4.500 người.  Sau 4 năm chờ đợi, đội ngũ 184 cán bộ chuyên trách dân số (CTDS)  trên địa bàn tỉnh càng thêm sốt ruột…

Thấp thỏm chờ… biên chế

Là cán bộ CTDS xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), anh Trịnh Vân, ở thôn Kim Thành đã có không ít kỉ niệm vui - buồn trong nghề. 14 năm gắn bó với công tác dân số là ngần ấy năm đầy ắp tiếng cười và cũng mặn chát những giọt mồ hôi, đôi khi anh Vân gặp không ít trường hợp oái oăm. Có lần anh và con trai suýt bị một đối tượng chém chết, cũng may nhờ cái ti vi là vật thế chỗ chết của cha con anh. Đối tượng nam này được anh vận động đình sản, trong lần uống rượu say, anh ta cho rằng do anh Vân vận động "triệt sản" nên bị bạn bè chế nhạo, thế là đối tượng đã tìm đến nhà "chém" cho bõ cơn tức.

Nhờ vào sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ DS cơ sở, ngày càng nhiều chị em chủ động đến với các dịch vụ CSSKSS tại địa phương.  (Trong ảnh: Triển khai chiến dịch CSSKSS tại xã Bình Thanh, Bình Sơn.)
Nhờ vào sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ DS cơ sở, ngày càng nhiều chị em chủ động đến với các dịch vụ CSSKSS tại địa phương. (Trong ảnh: Triển khai chiến dịch CSSKSS tại xã Bình Thanh, Bình Sơn.)

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng anh Vân luôn hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu kế hoạch được giao. Điều mà anh trăn trở là sau nhiều năm chờ đợi, đến nay anh vẫn chưa được vào biên chế, dù  có đầy đủ bằng cấp theo tiêu chuẩn quy định. Chỉ còn 1 năm nữa là hết độ tuổi vào biên chế theo quy định của Thông tư (dưới 45 tuổi), nên anh Vân đang thấp thỏm chờ, vì sợ "dư" tuổi.

Cũng cùng tâm trạng như anh Vân, chị Đinh Thị Thâm- CTDS xã Sơn Giang (Sơn Hà) cũng đủ chuẩn theo quy định, việc vào biên chế là điều kiện giúp chị an tâm hơn trong công tác. Chị Thâm chia sẻ: "Mình đợi biên chế mấy năm rồi. Nếu vào biên chế mình sẽ có điều kiện chăm lo cho công tác dân số địa phương thuận lợi hơn". Địa bàn dân số chị quản lý có 7 thôn, địa hình cách trở, tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn khá cao.

 

Tiêu chuẩn cán bộ CTDS cấp xã được tuyển dụng vào biên chế theo Thông tư 05/2008/BYT: Đối với xã thuộc các huyện đồng bằng, thành phố, phải đảm bảo tiêu chuẩn dưới 45 tuổi và có trình độ chuyên môn là trung cấp trở lên. CTDS dưới 45 tuổi, có trình độ tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên, đối với các xã thuộc các huyện miền núi, hải đảo.

Phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu, nghèo, đói cứ đeo đẳng đồng bào Hrê ở đây. Nhận thức được những khó khăn trong công tác dân số địa phương, chị Thâm đã không quản khó khăn băng rừng, vượt suối kiên trì với giải pháp "mưa dầm thấm lâu" đến giải thích tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có điều kiện tiếp cận với dịch vụ CSSKSS, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở địa phương.

Đó là hai trong số hàng trăm cán bộ CTDS đang mỏi mòn chờ đợi được trở thành viên chức nhà nước. Họ ngày ngày làm việc bằng cả tâm huyết của mình, thế nhưng, hiện tại họ vẫn đang thực hiện chế độ hợp đồng ngắn hạn nên thiệt thòi nhiều về quyền lợi và không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế...

Chờ đến bao giờ

Thông tư 05/2008/BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS - KHHGĐ ở địa phương, trong đó quy định rõ vị trí, chức năng của CTDS-KHHGĐ cấp xã là viên chức của Trạm Y tế. Theo đó, hiện nay, Quảng Ngãi có tổng cộng 184 cán bộ CTDS, trong đó có 41 nam và 143 nữ. Có hơn 60% trong số này đã có bằng trung cấp chuyên môn và có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng. Việc chậm thực hiện chế độ, chính sách theo Thông tư 05 đã khiến cho một số cán bộ nằm trong ngưỡng sắp "hụt" về độ tuổi rơi vào tình cảnh bất an.    
 

Hội thi tuyên truyền viên DS tại huyện Nghĩa Hành là dịp để đội ngũ cán bộ DS cơ sở giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn dịch vụ CSSKSS tại địa phương.
Hội thi tuyên truyền viên DS tại huyện Nghĩa Hành là dịp để đội ngũ cán bộ DS cơ sở giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn dịch vụ CSSKSS tại địa phương.


Trước đây mức phụ cấp của mỗi cán bộ CTDS chỉ với 250 nghìn đồng/ tháng, sau đó tăng lên 710 nghìn đồng/tháng (năm 2010). Và hiện tại, mỗi tháng CBCT nhận phụ cấp với mức chi trả theo hệ số 0,9  so với mức lương tối thiểu hiện hành, số tiền nhận được không tới 1 triệu đồng. Những tâm sự nặng trĩu về miếng cơm, manh áo hàng ngày của cán bộ dân số là những góc khuất, mà bấy lâu họ vẫn luôn chạnh lòng mỗi khi nghĩ tới tiền lương.

Ông Đặng Chính- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo, bồi dưỡng CTDS xã về kiến thức chuyên môn, vì đội ngũ này chưa phải là viên chức nên chưa được đào tạo. CTDS được vào biên chế thì họ sẽ được hưởng các chế độ phụ cấp theo chính sách chung như: Nghị định số 56/2011 và Nghị định số 64/2009 của Chính phủ. Điều này sẽ giúp họ "an cư lạc nghiệp"  yên tâm công tác.  Để giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ CTDS, Trung tâm DS-KHHGĐ tỉnh cũng đã xây dựng đề án tham mưu Sở Y tế phối hợp Sở Nội vụ trình UBND tỉnh trong tháng 8/2012.

Hiện tại Đề án vẫn chưa được thực hiện, trong khi 110 cán bộ đủ chuẩn vẫn đang nóng lòng chờ đợi.
Những nguyện vọng của đội ngũ cán bộ CTDS là hết sức chính đáng. Tỉnh cần sớm có chủ trương kịp thời giải quyết, bố trí nguồn kinh phí để họ được vào biên chế theo quy định, nhằm góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ dân số ở cấp xã có đủ năng lực, tâm huyết để tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện các chương trình, mục tiêu về DS-KHHGĐ ở các địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu dân số trên địa bàn tỉnh.
 

*Ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế: Thời gian qua, đội ngũ 184 CTDS  đã hoạt động rất năng nổ, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu dân số. Đáng kể là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh đã giảm còn 0,9%, vượt chỉ tiêu đề ra. Thời gian qua, việc chậm tuyển dụng biên chế cho CTDS đã gây không ít khó khăn, thiệt thòi, cũng như ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của họ. Thông tư 05  của Bộ Y tế là quy định riêng chứ chưa phải là Thông tư liên bộ nên việc áp dụng cũng còn vướng mắc. Sở Y tế đã gửi Đề án trình cấp ngành liên quan của tỉnh sớm đưa những cán bộ đủ chuẩn vào viên chức Trạm y tế xã theo quy định.

*Ông Nguyễn Bườm- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ:  Lâu nay đội ngũ CTDS chưa được vào biên chế, chế độ chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, từ đó đã ảnh hưởng và tác động lớn đến chính sách dân số. Chính vì vậy, việc ban hành đề án giải quyết chế độ chính sách cho họ sẽ đáp ứng sự trông đợi của không chỉ cán bộ dân số mà của cả chính quyền địa phương. Hiện nay, chúng tôi cũng đang chờ quyết định của tỉnh, nguồn lực ở địa phương không thiếu, chỉ vướng cơ chế, chính sách. Nếu tỉnh sớm ban hành giải quyết tuyển dụng biên chế cho CTDS, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như bố trí đúng người, đúng việc để phát huy tính tích cực của đội ngũ làm công tác dân số cơ sở.

*Ông Nguyễn Thanh Hướng- Giám đốc Trung tâm Dân số Ba Tơ: Ba Tơ là huyện miền núi, địa bàn rộng, có 20 xã, thị trấn. Thời gian qua, 20 cán bộ CTDS đã cùng với đội ngũ cộng tác viên đóng góp rất lớn cho công tác dân số của địa phương. Việc sớm tuyển dụng đội ngũ này vào biên chế là một yêu cầu cấp thiết. Trong khi một số tỉnh thành lân cận của Quảng Ngãi đã thực hiện tuyển dụng biên chế, giúp CTDS yên tâm công tác thì tại sao Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện được? Với những người làm công tác dân số, đem nhiệt huyết, hết lòng vì sự nghiệp dân số thì mong mỏi của họ cần sớm được quan tâm, giải quyết để họ yên tâm phục vụ lâu dài, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu dân số, nâng cao đời sống dân trí, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho các địa phương.

*Ông Đinh Tấn Anh- Cán bộ CTDS xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh): Bản thân tôi làm CTDS đã 13 năm, có nhiều gắn bó với công việc "Vác tù và hàng tổng" này nên tôi hiểu được sự nóng lòng của anh chị em. Năm 2008, thời điểm có Thông tư 05, lúc đó tôi tròn 43 tuổi, cùng tâm trạng như các đồng nghiệp rất mong chờ được vào biên chế để "kịp" với độ tuổi theo quy định. Bây giờ tôi đã 47 tuổi, dù không đủ tiêu chuẩn vào biên chế nữa, nhưng tôi vẫn rất mong đề án sớm được tỉnh quan tâm, để đội ngũ CTDS đủ chuẩn được thuận lợi hơn trong công tác, có quyền lợi xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Có vậy mới góp phần làm cho dân số được ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc.

    

Kim Ngân
 


.